1055
12
1033 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

[Review] Cây Bàng kể chuyện - Tác giả: Hạ Dương


Mọi sự vật, sự việc xảy ra trên đời này luôn có nhân và quả, những điều được gọi quá khứ chính bởi nó tồn tại một thứ gọi là “nhân chứng”. Chúng ta đều dựa vào “nhân chứng” đó để nhắc nhở bản thân ghi dấu lại việc mình đã trải qua. Ví như là cái tình yêu thuần khiết nhất ở cái tuổi ngây ngô thời thanh xuân của mỗi người, “nhân chứng” với các cặp đôi có thể là nhờ một người bạn, có thể là lá thư tay,… Nhưng có bao giờ bạn được nghe “Cây bàng kể chuyện” là nhân chứng cho tình yêu chưa?

Cuộc sống kì diệu như thế đó, đến cả những vật vô tri vô giác kia cũng có thể nhân cách hoá mà dẫn dắt chúng ta qua từng sự việc mà nó đã trải qua. Nhắc đến cây bàng thì hiển nhiên ta liền liên tưởng đến hình ảnh những cô cậu học trò áo trắng cắp sách đến trường, nổi loạn có, vui đùa có, thậm chí là cả việc bẽn lẽn thầm thương một người. Cây bàng hiện ra không phải là nhân vật chính của câu chuyện, nó như một cây cầu trung gian xuyên suốt tác phẩm để gắn kết hai mảnh ghép lạc lõng kia đến với nhau.

Hạ Dương đã khéo léo sử dụng cây bàng với lời kể chậm rãi, giọng văn mộc mạc, giản dị bất giác đã tạo ra được hình ảnh một đám nhóc vây quanh bà ngoại nghe kể chuyện ngày xưa, mà đám nhóc ở đây chính là đọc giả chúng ta. Tình yêu thì đã nghe, đã đọc nhiều rồi, nhưng lời cây bàng kia kể ra nghe sao thật cảm động. Một Hột Mít tài hoa nhưng sống khép kín, hay bị bắt nạt từ lúc nào trong nó đã tồn tại bóng hình một người. Từng nét vẽ trên trang nhật ký bằng tranh liên tục lặp đi lặp lại hình dáng một cậu bé điển trai. Khi thì năng động đá banh trên sân, khi thì ngồi đánh ghita say sưa hát, ngay cả lúc cậu đăm chiêu suy nghĩ giải bài toán cô cũng vẽ vào. Mọi hành động của Hột Mít đều được cây bàng bị cho là ma ám không ai dám lại gần kia hoàn toàn thấy hết. Nó từ một cái cây chán ghét sự náo nhiệt ở đám nhóc tì dần dần lại trở nên không thể không chú ý đến Hột Mít. Nó mặc nhiên xem mình như người cha luôn dõi theo đứa con gái bé bỏng của mình trưởng thành từng chút một. Cây bàng không có mắt, cũng không có xúc cảm, mọi thứ nó nhìn thấy, tình cảm nó bộc lộ ra đều xuất phát từ tâm hồn. Nó biết rằng Hột Mít thầm mến mộ cậu bé Mái Vểnh kia, nhưng vì nhìn lại bản thân mà mặc cảm không dám thổ lộ. Nó biết chứ, nhưng nó có thể làm gì được đây, cây bàng nó cũng chỉ là một cái cây đứng bất động theo năm tháng.

“Cây Bàng ơi, có lẽ suốt ba năm qua ông là người gần gũi bên con nhiều nhất!”

Lần đầu tiên Hột Mít mở lời nói chuyện với nó, cũng là lần đầu tiên cây bàng nhìn thấy đứa con gái của mình khóc và đó cũng là lúc cây bàng và Hột Mít không còn gặp nhau. Cây bàng đã cố dùng tất cả mọi thứ nó có thể làm để giúp đỡ Hột Mít có thể đến gần với Mái Vểnh hơn, nhưng… mọi chuyện là thế nào!? Tại sao con bé lại khóc thế kia!? Nhưng cây bàng luôn có một niềm tin mãnh liệt ở Hột Mít, rồi con bé sẽ ổn thôi!!

Câu chuyện tình yêu qua lời kể của cây bàng không quá ấn tượng, cũng không quá hoa mỹ, nó cứ thế diễn ra chậm rãi và nhẹ nhàng. Từng câu từ mà nó dẫn dắt lại khiến cảm xúc trong ta cuộn chặt, lúc vui thì cười hả hê, lúc buồn thì tâm lại quặn thắt, lúc cảm xúc vỡ oà thì bất giác nước mắt cứ thế mà tuôn không thể kìm nén. Lời văn không cao siêu, nhưng từng con chữ được viết ra là thêm một dấu ấn đọng lại, đây chính là sự nhiệm màu không chỉ ở cây bàng mà còn là ở chính ngòi bút của tác giả Hạ Dương, sự nhiệm màu tạo nên được nét đặc trưng nổi bật ở tác giả.

Cây bàng tình cảm là thế, nhưng có lý nào một cây bàng khô khan, vô cảm, sống hơn trăm năm lại phút chốc liền mềm lòng với một đứa học trò như vậy? Nhìn lại thì với mốc thời gian mà nó trải qua, có biết bao sự việc mà nó chưa từng thấy, chưa từng gặp. Còn với Hột Mít và Mái Vểnh, kết quả mà cả hai nhận được dường như có phần quá nhanh, tình cảm cả hai đối với nhau tuy ngây ngô, nhưng điểm xúc tác lại chớp nhoáng và hời hợt. Đây có lẽ chính là điều mà tác giả chưa khai thác hết được đối với một tác phẩm truyện ngắn như này. 

“Cây bàng” chính là nhân chứng đánh dấu cho tình yêu thuần tuý của Hột Mít và Mái Vểnh, còn ở chúng ta thì mỗi kỷ niệm đáng nhớ luôn tồn tại một điều gì đó mang lại ấn tượng sâu sắc. Có thể nói, mọi thứ đều có quá khứ, hiện tại và tương lai, từng giây trôi qua chính là một kỷ niệm. Có lẽ mỗi chúng ta chính là “cây bàng” đối với sự việc nào đó, nhưng hãy luôn nhớ rằng, đừng để mọi thứ trôi qua rồi mới cảm thấy hối hận, luôn biết nắm bắt cơ hội mới có thể tạo nên được sự nhiệm màu ở bản thân như chính sự nhiệm màu mà “cây bàng” của tác giả Hạ Dương đã mang đến cho chúng ta vậy.

Truyện cùng tác giả