bởi Trang Trang

1
0
733 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

2. CON MÈO ĐEN - Edgar Allan Poe




“Con mèo đen” là một tuyển tập gồm 10 truyện ngắn của Edgar Allan Poe, tác giả mà theo như giới thiệu trong  cuốn sách là “bậc thầy về kể chuyện kinh dị, cha đẻ của thể loại trinh thám và hình sự, nhà tiên phong trong lĩnh vực truyện khoa học viễn tưởng” và có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà văn nổi tiếng khác như Arthur Conan Doyle, Jules Verne, Stephen King,...

Đây là lần đầu tiên mình đọc tác phẩm của Edgar Allan Poe nhưng mình đã từng xem qua bản phim chuyển thể từ truyện ngắn đầu tiên “Sự sụp đổ của nhà Usher” trong quyển sách này. Gọi là truyện ngắn nhưng thời gian mình đọc không hề ngắn chút nào. Có lẽ một phần do nó được viết vào thế kỷ 19, văn phong và cách diễn đạt khác với văn phong quen thuộc hiện tại với những đoạn văn rất dài, có đoạn kéo dài cả một trang. Một phần khác là do những truyện ngắn trong quyển sách này mang nặng yếu tố tâm lý, đi sâu vào tâm trí con người, những con người không bình thường, mang những nỗi ám ảnh không thể lý giải về những yếu tố kỳ bí và siêu nhiên.

Tuy vậy, mình lại không ấn tượng lắm với “Sự sụp đổ của nhà Usher” cũng như ba truyện ngắn liền sau là “Bức chân dung hình bầu dục”, “Mặt nạ của Tử Thần Đỏ”, “Hố sâu và quả lắc”.  Đây đều là những truyện không có kết cấu mở thân kết rõ ràng, thậm chí có truyện gần như chỉ liệt kê sự kiện đơn thuần, và dĩ nhiên cũng khó đọc hơn, cái kết khá cụt và có khi là chưng hửng. 

Từ “Trái tim kể tội”, những truyện ngắn về sau có kết cấu của một “truyện” rõ ràng hơn. Trong đó, ba truyện “Trái tim kể tội”, “Con mèo đen”, và “Thùng rượu Amontillado” được kể dưới góc nhìn kẻ sát nhân, với những ám ảnh tâm lý, dằn vặt giữa bản ngã đạo đức và cả sự máu lạnh, tàn nhẫn, những góc khuất đen tối nhất trong trái tim con người. 

“Chôn sống” - câu chuyện thứ bảy trong tuyển tập - được trình bày giống như một bài báo hơn là một truyện ngắn, kể lại những trải nghiệm về chôn sống khắp thế giới và những cơ sở khoa học liên quan. Đây cũng là câu chuyện duy nhất mang lại cái kết tươi sáng và tích cực trong suốt tuyển tập.

Câu chuyện cuối cùng có một cái tên siêu dài: “Ếch Ộp; hay chuyện về tám con đười ươi bị xích”. Mình đánh giá đây là truyện dễ đọc nhất trong cả 10 truyện. Chuyện được kể với góc nhìn của nhân vật “tôi”, nhưng “tôi” không tham gia vào câu chuyện mà chỉ đóng vai trò như người kể chuyện. Đây cũng là câu chuyện duy nhất mô tả nhân vật với rõ ràng thân phận, tính cách, mâu thuẫn và động cơ. Câu chuyện này mang lại cảm giác giống như các câu chuyện cổ tích và ngụ ngôn với kết cục nhân quả gieo gió gặp bão điển hình, cộng với chi tiết trừng phạt kinh dị và man rợ đặc trưng của Edgar Allan Poe - một kết thúc không thể phù hợp hơn cho tuyển tập truyện ngắn kinh dị này.

Nếu nói về câu chuyện để lại ấn tượng nhất với mình thì đó chính là “Con mèo đen” - câu chuyện được chọn để lấy tên chung cho tập truyện ngắn này. Trong “Con mèo đen” hội tụ tất cả những gì mình mong đợi về một câu chuyện mang yếu tố siêu nhiên: rùng rợn, kinh dị, bí ẩn và điên loạn cùng một cái kết giật gân.

Điểm mạnh nhất của Edgar Allan Poe chính là khả năng mô tả nội tâm dưới góc nhìn thứ nhất vô cùng chân thực và ám ảnh, khắc họa từng góc tối khủng khiếp và điên loạn nhất trong tâm trí con người, xoá nhoà những ranh giới mong manh giữa hiện thực và ảo mộng.

“Không phải tôi sợ nhìn thấy những điều khủng khiếp, mà tôi sợ rằng sẽ không có gì để nhìn.” (Trích “Hố sâu và quả lắc”)