bởi Kha Nguyên

644
99
3143 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 4: Ước mơ hình thành


Câu hỏi của Khanh làm Biên thấy hồi hộp. Máu phiêu lưu cùng bản năng tò mò ưa khám phá của con trai trỗi dậy. Cậu ta vắt óc suy nghĩ, cuối cùng hỏi ra một câu khiến sắc mặt Khanh trắng bệch vì sợ. "Bị bọn mình phát hiện, liệu gã có giết luôn con bé kia không?"

 

"Lập tức quay lại xem!"

 

Biên không phản đối quyết định của Khanh, hai đứa chạy ngược về đường cũ, luôn cảnh giác xung quanh, mắt láo liên liếc ngang dọc như sợ người đàn ông nhảy xổ ra vồ lấy.

 

Khanh chỉ cột điện cho Biên, hai đứa nhanh thoăn thoắt bám vào bậc cột điện cùng leo lên, nhìn vào bên trong sân.

 

Tivi tắt tối đen, không thấy người đàn ông, không có âm thanh hay bất kỳ hoạt động nào chứng tỏ trong nhà có người.

 

"Giờ làm sao đây? Trèo vào cứu con bé hả?" Biên nghiêng đầu hỏi Khanh, tay chỉ về phía cổng. "Tao và mày dù đánh được gã, nhưng mang theo một đứa con gái làm sao chạy thoát được với cánh cổng khóa trái kia? Hay tụi mình vào trộm chìa khóa cổng trước?"

 

"Không cần!" Khanh đáp lời, nhảy xuống đất, đi quanh tìm kiếm. Đống gạch và đá lởm chởm cạnh cột điện đã bị Biên sử dụng hết, mất một lúc Khanh mới đào được cục đá to hơn nắm tay nó từ dưới đất lên.

 

Khanh thảy thảy viên đá trên tay, cười tít mắt với khuôn mặt ngơ ngác của Biên. "Trẻ con chỉ nên làm việc vừa sức trẻ con thôi, biết chưa hả?"

 

Biên đờ đẫn gật đầu dù không hiểu gì cả.

 

Khanh đi thẳng đến căn nhà bên cạnh, cổng sắt bên ngoài khóa trái, nhưng cửa nhà mở, tivi đặt trên tủ gỗ đang mở chương trình ồn ào. Mắt Khanh chăm chú vào mục tiêu rồi lấy hết sức ném cục đá. "Xoảng." Màn hình tivi rạn nứt, hình ảnh biến mất. 

 

Tiếng gào thét như mong đợi của Khanh vang lên, từ trong nhà chạy ra một người nằm ngoài dự đoán của nó.

 

"Đứa nít ranh nào ném đấy hả? Khanh? Sao lại là em nữa?"

 

Nụ cười của Khanh méo xẹo, bước giật lùi ra sau. 

 

Cô Toan mở cửa rồi sấn sổ bước đến như muốn đánh nó. Biên nhảy lên chắn trước mặt Khanh, nhanh nhảu giải thích. "Có một đứa trẻ bị bắt trói trong căn nhà này, bọn em không cứu được nó. Cô giáo vào cứu người đi!"

 

"Bắt cóc trẻ con? Đây không phải là thứ để đùa."

 

Cô Toan quan sát hai học sinh trước mặt, trên người mặc đồng phục chứng tỏ chưa về nhà sau khi tan học, bây giờ còn giở trò lừa gạt để trêu đùa người lớn. Nghĩ đến chiếc tivi bị nứt màn hình là cô thấy bực bội và chán ghét. "Ngày mai bảo bố mẹ hai em đến gặp tôi! Thật không thể chấp nhận được những trò nghịch ngợm tai quái..."

 

"Bắt cóc trẻ con! Bắt cóc trẻ con!" Khanh nhảy phắt đến cửa sắt nhà gã đàn ông, đá liên tiếp lên cửa gây ra tiếng động ầm ĩ, át cả lời trách mắng của cô Toan.

 

"Này, này! Em làm cái gì vậy? Trưa rồi để yên cho hàng xóm nghỉ ngơi! Có muốn tôi mời phụ huynh không hả?" Cô Toan chạy vội đến kéo vai Khanh.

 

 Biên cũng học theo Khanh, leo lên cổng sắt cố tình rung lắc dữ dội, miệng gào toáng vào trong nhà "bắt cóc trẻ con", nhưng bên trong im thin thít không có động tĩnh.

 

Nghe ồn ào, chồng cô Toan từ trong nhà chạy ra hỏi có chuyện gì. Cô Toan đang vật lộn giữ chặt Khanh không cho thằng bé đá cổng sắt, ánh mắt tình cờ chạm vào chiếc dép màu xanh nằm dưới vại dưa vỡ nơi góc sân.

 

"Kia là dép con Linh! Sao dép nó lại ở đây chứ?" Cô Toan hoảng hốt buông Khanh ra, nắm chặt thanh sắt ở cổng, lẩm bẩm hoảng hốt.

 

Khanh gọi Biên dừng việc gào rú như thằng điên, hai đứa đứng túm tụm cạnh nhau, hồi hộp xem vợ chồng cô Toan xử lý tên bắt cóc.

 

Chồng cô Toan là một người đàn ông lớn tuổi hói đầu, khuôn mặt chữ điền chất phác, khác hoàn toàn vẻ sắc sảo có phần cay nghiệt của vợ. Sau khi gọi cửa không có ai đáp lại, chồng cô Toan trèo tường vào bên trong nhà. Gã bắt cóc khóa trái cửa phòng, kiên quyết không mở, không giao người. Cô Toan nghe tiếng gầm giận dữ của chồng, liền chạy đi gọi hàng xóm xin giúp đỡ. Số người vây xem ngày càng đông, Khanh và Biên bị đầy lùi tít ra đằng sau.

 

Giữa tiếng xì xào bàn tán, có người càu nhàu trưa trờ trưa trật không để yên cho mọi người nghỉ ngơi khiến Khanh giật mình, sực nhớ ra việc quan trọng. Nó cầm tay Biên, trịnh trọng giao nhiệm vụ.

 

"Tao phải về cho mẹ ăn trưa. Nếu về muộn, dì An sẽ đổ cháo đi mất. Mày ở lại xem chuyện gì xảy ra rồi mai kể cho tao nghe, nhớ chưa?"

 

Biên nuốt lời phản đối "tao cũng đói, về muộn sẽ bị mẹ đánh nát mông" vào trong, nhìn theo bóng Khanh đang vắt chân lên cổ mà chạy, lưỡng lự lựa chọn.

 

Bị mẹ đánh nát mông tương đương vẻ mặt sùng bái háo hức của Khanh và mông được an toàn nhưng bị Khanh liếc mắt xem thường, giận dỗi không nói chuyện, nên chọn cái nào? Cuối cùng Biên cắn môi cam chịu số phận, len lỏi chui vào đám đông, chen lên trước để quan sát tình hình. Biên vẫn thích khuôn mặt Khanh cười rạng rỡ hơn là xụ mặt ủ ê.

 

Ngày hôm sau trên lớp học, Khanh háo hức ngồi sát vào Biên, dỏng tai nghe kể chuyện. 

 

Chồng cô Toan phá cửa giải cứu cô bé, người dân xung quanh kinh hoàng trước việc bắt cóc ngay giữa ban ngày, nhiều người bức xúc đã lao vào đánh gã đàn ông chảy máu đầu. Công an đến bắt giam tội phạm. Cô bé tội nghiệp kia hôn mê, được mang đi cấp cứu ở bệnh viện Giao thông vận tải.

 

"Mày biết đứa bị bắt cóc là ai không?" Biên thần bí hỏi, tỏ vẻ ta đây biết tuốt.

 

Khanh không nói gì, lấy bút chì chọc vào mu bàn tay Biên nhắc nhở cậu ta đừng có vênh váo dông dài.

 

Biên cười hì hì không giận, giọng hạ thấp xuống, mắt liếc lên bục giảng. "Là con cô Toan đấy. Nhớ đứa con gái áo đỏ xấu xí không cho mày sách lớp bốn không?"

 

Khanh giật mình nhìn lên bảng, ngồi trên bàn giáo viên là cô Loan dạy mỹ thuật. Giờ nó hiểu tại sao cô Toan hôm nay xin nghỉ dạy rồi.

 

Những lời tiếp theo của Biên không chui được vào tai Khanh, đầu óc nó lúc này in đậm đôi mắt ngập nước nằm dưới gầm ghế ngày hôm qua. Đó là đôi mắt tuyệt vọng sợ hãi.

 

Các buổi học tiếp theo, cô Toan không lên lớp. Đã thi xong học kỳ,, chỉ còn đợi kết quả thi là lũ học sinh sẽ không phải bận tâm bài về nhà.

 

Biên liên tục cập nhật thông tin mới về vụ bắt cóc.

 

"Con bé đó học trường cấp hai trung học cơ sở Nam Thành Công, bình thường tan học sẽ vào nhà dì ăn cơm rồi chiều đi học thêm, không hiểu sao hôm đó quay về nhà, bị gã hàng xóm lừa qua chơi... Tao nghe nói gã bắt nhiều đứa trẻ để lấy thịt làm bánh bao..."

 

Cậu ta nói rất nhiều, ra rả bên tai Khanh đến tận ngày tổng kết năm học. Cuối cùng, Khanh chịu hết nổi, đấm vài cú vào bụng cậu ta thì mới dừng được chiếc miệng nhiều chuyện.

 

Bị đánh nhưng Biên vẫn cười láu lỉnh, sán lại gần Khanh, xoa xoa tay lấp lửng nói. "Mày đánh tao rồi, coi như huề nhau nhé?"

 

Khanh đảo mắt khắp khuôn mặt bồn chồn của Biên, rất lâu sau mới hiểu ý cậu ta đang nhắc việc trót dại đánh Khanh vào ngày xảy ra chuyện bắt cóc.

 

Nó thụi khuỷu tay vào bụng Biên thay câu trả lời, hai đứa chỉ thôi trò chòng ghẹo đấm qua đấm lại sau tiếng quát của cô Toan.

 

"Khanh! Đi lên bảng!"

 

Biên đứng lên nhường đường cho Khanh, giọng nói lầu bầu của cậu ta sượt qua tai. "Ngày cuối cùng cũng không yên, đúng là mụ dơi già đáng ghét."

 

Cô Toan trao giấy khen và phần thưởng học sinh xuất sắc nhất lớp cho Khanh. 

 

Khanh xấu hổ cầm giấy khen và phần thưởng, nở nụ cười ngờ nghệch. Giữa tiếng vỗ tay rào rào, giữa các khuôn mặt giống nhau của các bạn cùng lớp, nó thấy nụ cười khoe chiếc răng khểnh tinh quái của Biên là đặc biệt nhất.

 

"Ba năm liền là học sinh xuất sắc đứng nhất lớp, mày thật giỏi!" Biên không keo kiệt lời khen khi Khanh quay về chỗ ngồi.

 

Khanh cười tít mắt vui sướng, kiểm tra phần thưởng trên bàn; bảy quyển vở, một bút máy, một bút chì và cục tẩy màu trắng, không đủ dùng cho năm học sau nhưng tiền bán đồng nát có thể lo liệu phần thiếu.

 

Cầm quyển vở trên cùng, Khanh đưa ra trước mặt Biên. "Thưởng cho mày này!"

 

"Tao không thèm!" Biên bĩu môi, liếc mắt xem thường. "Tao tích tiền mua đủ vở cho năm sau rồi."

 

Vì Khanh luôn phải phụ quán cơm của dì An nên thời gian đi nhặt đồng nát ít hơn Biên, tiền kiếm được cũng ít hơn.

 

"Thưởng cho mày vì điểm tập làm văn trên trung bình." Khanh đập quyển vở lên đầu Biên, khuôn mặt không có cảm xúc nhưng mắt lấp lánh tia sáng động viên.

 

Biên không chút xấu hổ thò tay cầm vở nhưng đầu ngón tay chạm đến mép vở sắc cạnh liền rụt lại, giọng nói ấm ức tuôn ra tràng dài. "Đứa nào mắng tao ngu và khùng hả? Giờ lấy lòng anh đây muộn rồi."

 

Khanh ngẩn tò te đúng năm giây, gãi gãi mặt nhớ lại lời mắng chửi hôm nào. Nó nhìn chòng chọc khuôn mặt vuông vức đen nhẻm của Biên; miệng cậu ta chê bai, môi bĩu dài thượt nhưng ánh mắt liên tục đảo về quyển vở mới.

 

Sau hôm đó, Biên vẫn bám mông nó đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Thái độ  của cậu ta vui vẻ, nhiệt tình nên nó đinh ninh cậu ta đã quên việc cãi vã vớ vẩn kia rồi.

 

Nó nhét quyển vở vào tay Biên rồi vò loạn mái tóc ngắn gần như trọc. Nó nhoẻn cười, cảm nhận sợi tóc thô cứng đâm lạo xạo trong lòng bàn tay. "Tao xin lỗi vì nói ra sự thật là mày ngu! Không giận nữa nhé!"

 

Biên cảm thấy lời xin lỗi có gì đó kỳ quái, nhưng cậu ta nghĩ mãi không ra điểm khác thường. Mắt Biên đảo tròn như lạc rang, cậu ta sán lại nịnh nọt. "Vậy, thưởng thêm cây bút chì đi!"

 

Cây bút chì vỏ xanh lá cây được đẩy đến trước mặt Biên, ngón tay cậu ta thoáng run rẩy khi cầm lấy.

 

Năm học lớp ba của Khanh và Biên kết thúc trong tiếng ve râm ran, giữa tiếng gọi của cô Toan. "Khanh, cuối giờ ở lại lớp gặp cô."

 

Biên đứng thập thò ngoài cửa lớp, ngó đầu vào nghiêm túc quan sát tình hình, sẵn sàng xông đến khi có chuyện. Cô Toan liếc nhìn cậu học trò tinh quái ngoài cửa lớp, mỉm cười nói với Khanh.

 

"Em có người bạn rất tốt đấy." Giọng cô Toan không mang theo khinh bỉ thường ngày, hơi khàn và mệt mỏi. Lúc này Khanh mới chú ý cô giáo chủ nhiệm của nó gầy rộc đi trông thấy, gò má lõm sâu và hốc mắt thâm đen mệt mỏi.

 

Khanh không đáp lời, vì nó biết Biên không cần ai khen ngợi thì cũng là thằng bạn tốt nhất của nó.

 

Nhìn đứa học trò suy dinh dưỡng có bộ óc thông tinh, cô Toan không biết việc trưởng thành sớm của đứa trẻ là tốt hay xấu. Thở dài, cô lấy hai quyển sách trong ngăn bàn, đưa cho Khanh. "Hôm qua cô vừa dọn dẹp sách vở của con gái cô, phát hiện hai quyển tập làm văn và toán nâng cao lớp bốn. Em cầm đi!"

 

Khanh nhìn thẳng vào đôi mắt tối đen của cô Toan, nó không tò mò về tình trạng của cô bé kia. Biên từng rất tức giận vì nó suốt ngày hỏi tình huống của cô bé. Cậu ta nghiến răng nghiến lợi chất vấn.

 

"Mày thích đứa con gái xấu xí đó hả?"

 

Khanh từ trước đến nay rất ghét tụi con gái cùng lớp, hay khóc nhè và học dốt. Nó lắc đầu thay câu trả lời.

 

"Vậy đừng nhắc đến nhỏ xấu xí đó nữa!" Biên gắt lên.

 

Nó không hiểu Biên giận dỗi việc gì, nhưng cuộc sống của Khanh luôn bị vắt kiệt sức sau những buổi phụ việc quán ăn, nó nhanh chóng quên đôi mắt ngập nước tuyệt vọng kia.

 

Hôm nay đối diện cô Toan chủ nhiệm, Khanh chợt giật mình nhận ra hai mẹ con cô giáo có cùng một khuôn mặt buồn bã.

 

Cô Toan không hối thúc. Tay cầm quyển sách kiên trì đợi chờ cậu học sinh thông minh nhà nghèo.

 

"Em cảm ơn cô!" Khanh nhận sách bằng hai tay, các ngón tay miết chặt rồi buông lỏng, trong lòng nhiều thắc mắc tò mò, nhưng không câu hỏi nào bật thoát khỏi miệng.

 

Nó xoay người đi ra cửa lớp, đi về phía thằng bạn đang sốt ruột đứng hóng bên ngoài. Cách Biên đúng một cánh tay thì Khanh quay phắt người, chạy nhanh đến gần cô Toan còn ngồi lặng người trên ghế giáo viên.

 

"Thưa cô, muốn làm giáo viên thì cần làm gì ạ?"

 

Câu hỏi bất ngờ cùng vẻ mặt nghiêm túc của Khanh làm cô Toan chấn động. Đôi mắt nâu trong sáng của Khanh thôi thúc cô trả lời. "Em phải học thật giỏi, tốt nghiệp cấp ba rồi thi Đại học vào trường Sư phạm..."

 

"Em cảm ơn cô!" Khanh siết chặt quyển sách trong tay. Giọng nói to rõ ràng và khỏe khoắn đầy quyết tâm. 

 

Vẫn là vị trí giáo viên ngồi trên ghế, học sinh đứng trên sàn lớp nhưng sao cô Toan thấy cậu học trò trước mắt như đã trưởng thành rất nhiều? Lời nói đọng nơi đầu lưỡi khá lâu, cuối cùng vẫn bật thoát thành tiếng. "Tại sao em thích làm giáo viên?"

 

"Em muốn trở thành một giáo viên sẵn sàng dạy học thêm cho học sinh nghèo mà không lấy tiền học."

 

Câu trả lời đơn giản, giọng nói nhẹ nhàng cùng nụ cười hiền, Khanh xoay người đi khỏi lớp, không nhìn thấy giọt nước mắt tràn trên mặt một người trưởng thành lớn tuổi.

 

Biên nhón chân nhìn qua vai Khanh, không biết nên hả hê hay thương xót khi thấy người khác khóc. Vì không biết phải có thái độ gì với Khanh nên cậu ta dâng cành phượng vừa bẻ trộm được như hiến vật quý. Khanh không khách sáo, vặt các cánh phượng có đốm màu trắng cam, nhét vào miệng nhai nhai, nhíu mày phun đúng một chữ. "Chua."

 

Biên lóng ngóng vén áo đồng phục lên, rút quả phượng dắt cạp quần, tách vỏ làm đôi, móc hạt phượng màu xanh rồi nhét tọt vào miệng Khanh.

 

 "Biết ý nghĩa hoa phượng không?" Biên đột nhiên đặt câu hỏi vượt xa trí thông minh của cậu ta.

 

Khanh liếc bàn tay dính nhựa cây của cậu ta, nhai nhai hạt phượng, mượn vị bùi và ngọt đè bẹp vị chua trong miệng.

 

"Mẹ tao bảo hoa phượng nở là báo hiệu mùa chia ly." Cành phượng xoay tròn trên tay Biên, quả phượng lại bị dắt vào cạp quần, giọng cậu ta không vui không buồn. "Ừm, tao nghe lén được tin trên phòng giám hiệu là cô Toan đã xin nghỉ dạy học."

 

Khanh khựng lại, nuốt thứ trong miệng rồi bật cười. Nó vỗ quyển sách lên đầu Biên, bỏ đi trước. "Bây giờ mới mười giờ sáng, hôm nay có muốn thử đi xa hơn không? Quanh đây chắc chẳng còn gì cho bọn mình nhặt đâu."

 

Nó chưa từng thích cô Toan. Chắc chắn không ai biết sự thật này.

 

Khanh bước khỏi hành lang, ném mình vào nắng gắt, màu vàng chói chang nuốt trọn thân thể nó, xua đi màu đen u tối vẫn luẩn quẩn quanh thân nó trong suốt quá trình nói chuyện với cô Toan.

 

Biên là thằng bé chín tuổi suy nghĩ đơn giản, luôn nghe lời Khanh theo bản năng, nhanh chóng đuổi theo, quàng vai nó nói liến thoắng. "Mày muốn làm giáo viên thật hả Khanh?"

 

"Không được à?"

 

"Được! Được! Tao kiếm tiền giúp mày đi học... học cái gì nhỉ? Ờ, học đại học."

 

Cơn gió đi qua sân trường, thổi tiếng cự nự của Khanh cùng tiếng làu bàu ta đây của Biên lên cao, bám vào từng chùm lá xanh ri, vi vu tiếng hát giữa sắc phượng đỏ rực.

 

Hai mái tóc cháy nắng tiếp tục lang thang khắp đường làng, mà không hề biết câu nói bột phát về một giấc mơ xa vời sẽ đeo bám và là động lực để Khanh tiếp tục kiên trì sống trong rất nhiều năm sau.