Quê hương trong nỗi nhớ
Có một điều tôi không hiểu lắm "Vì sao sống ở thành phố những trái tim vẫn nằm trên mảnh đất chân quê".
Tôi về ngoại chơi đã rất lâu rồi, từ dạo tôi mới vô lớp ba được nghỉ hè nên má cho về chơi. Đến giờ tôi đã mười tám rồi, sắp phải di chuyển đến nơi khác để học hành, sống chắc cũng gần mười năm ở cái đất chật người đông này, vậy mà chưa bao giờ tôi thôi ngừng nhớ quê.
Tôi hay hỏi má rằng, quê hương là nơi con sinh ra hay là nơi má sinh ra vậy? Má đều nói một câu
"Nơi nào mà chẳng là quê hương chứ con. Đâu phải cứ nhất thiết mình sinh ra ở đâu thì nơi đó mới gọi là quê. Đất nước mình vốn rộng và đẹp, ai cũng nên thưởng thức cảnh đẹp ấy, đâu thế cứ yêu mãi một mảnh đất chứ! Hồi xưa, má sống ở quê, má cũng yêu quê như con vậy nhưng sau khi phải mưu sinh lên thành phố kiếm tiền, má cũng có tình cảm với thành phố này. Cho nên má nghĩ rằng nơi nào cũng xứng đáng được hai chữ "yêu thương" con à!"
Tôi lắc đầu không hiểu, nếu như lời má nói sao tôi chưa bao giờ có tình cảm với thành phố này chứ. Sống ở đất này tôi vẫn thèm được chạy trên những cánh đồng lúa trải vảng khắp trời, cùng với lũ bạn mỗi trưa hè đi bắt cào cào châu chấu. Chưa kể ở miền quê, tôi gặp những chuyện bất ngờ và vui lắm. Nếu trong này đường xe đông đúc, muốn tập chạy xe đều phải căn lúc đường vắng mà chạy băng băng giữa đường không bị ai đụng trúng, còn ở quê lúc nào cũng vắng vẻ, tôi tha hồ mà thích chạy xe lúc nào chạy. Lần ấy tôi về quê, tôi chưa biết tập xe, mà nhà dì thì có sẵn một chiếc xe đạp. Tôi phải nhờ thằng em con trai của dì chở đi thử, ngặt hôm ấy trời mưa tầm tã. Hai đứa mắt mờ, nhìn không rõ, chị thì cứ hỏi em ơi đang đi đâu thế, em thì cứ bảo chị ngồi im để em chạy xe, yên tâm không té đâu. Rồi hai đứa lao xuống cái mương gần đó, người dính đầy bùn, mặt mũi lem nhem. Giờ khi nghĩ lại tôi vẫn không thể quên cái tai nạn bất ngờ đấy.
Đến giờ đã lớn rồi, từng chuyện cũ vẫn còn là một kỉ niệm đẹp giữ mãi trong lòng. Đôi khi nó khiến tôi khóc, có lúc lại làm tôi vui vẻ và sống tốt cho tương lai. Đối với xã hội hiện đại, mọi thứ công nghệ và tiên tiến khiến cuộc sống đảo điển và thay đổi, người người nhà nhà thi nhau tìm những máy móc mới, rồi chạy tiền lên thành phố làm việc và có khi họ chẳng bao giờ quay lại xứ quê ấy nữa. Như mẹ tôi chẳng hạn, có đợt tôi hỏi mẹ rằng
"Mẹ có muốn về quê sống với ông bà ngoại không?"
Mẹ im lặng thay cho cái từ chối về lời đề nghị ấy. Nhìn vào sâu trong đôi mắt đã hiển rõ những chấm đồi mồi và quầng thấm tím hằn sâu, tôi hiểu ra mẹ có lẽ đã vất vả mệt mỏi cả đời nuôi con và chăm nom rồi. Và thật sự mẹ cũng nhớ quê cũng yêu quê và muốn trở lại xứ ấy ngồi bên hiên nhà với ngoại, cùng nhau ngắm hoàng hôn xuống cầm trên tay những chiếc nón lá tỉ mỉ khâu. Nhưng mẹ sẵn sàng chối bỏ mong ước đấy, mẹ hiểu giờ trên đôi vai gầy này không chỉ là dành riêng cho chính mình mà còn cho tôi, cho cả cái nhà đầy yêu thương của chính mẹ. Nó sẽ ra sao khi thiếu vắng bóng hì hục đứng dưới bếp chuẩn bị những bữa cơm ngon mỗi khi tôi đi học về, những ngày trời mưa tầm tã đón đứa em gái tôi về nhà.
Có lúc tôi thấy mẹ khóc, mẹ gọi về cho ngoại ở quê thấy ngoại ốm sộc người, ăn thì ít tối ngày cứ khâu nón. Mẹ bảo ngoại khổ, tôi thấy mẹ đúng, cả mẹ và ngoại tôi đều khổ, mà đúng hơn cuộc sống bây giờ con người ai cũng khổ thì phải? Họ có chuyện phải suy nghĩ khi đêm xuống, tiền điện nước tháng này lại tăng giá, tiền nhà tháng tới lại sắp phải đóng. Chẳng còn ai quên mất đi đời sống tinh thần của chính mình, thoát khỏi áp lực bề bộn của công ty về nhà là tìm ngay cái giường để nghỉ ngơi.
Sau này, nếu tôi lớn như mẹ tôi, liệu tôi có quên đi miền kí ức mình từng trân trọng này không nhỉ? Liệu khi tôi đã lao vào cuộc đua giành giật miếng ăn cho gia đình và đời sống của chính mình, tôi có trở thành kẻ vong tình bội bạc mà ghét bỏ quê hương không? Liệu tôi có dám để dành cả tháng đi chơi với ăn sinh nhật bạn chỉ để có một tấm vé quay về quê với ngoại không? Hay tôi sẽ như mẹ, cứ mải mê làm, lo lắng cho con gái quên mất đi cả thời kỉ niệm khi xưa, rồi lúc nhớ lúc muốn quay về đều chỉ dám gọi điện thoại chứ đâu mua vé về thẳng quê. Mẹ sợ công ty nó trừ lương, tiền phép năm rồi tiền chuyên cần. Chắc sau này, tôi sẽ giống mẹ nhỉ, tôi đoán như thế nhưng thoáng qua thôi, chứ không bao giờ nghĩ về viễn cảnh tương lai ấy quá lâu.
Vì giờ tôi yêu mảnh đất đó nhiều lắm. Đối với tôi, tiền bạc chỉ là thứ vật chất để thử lòng người. Có kẻ yêu nhau chỉ vì tiền, có kẻ nói tốt, khen người khác chỉ vì tiền. Có kẻ dành cả đời chỉ để kiếm tiền, mặc kệ cả người yêu thương mình đau khổ. Tất cả những kẻ ấy trong những trang sách tôi đọc, họ đều hối tiếc về việc làm ấy lắm. Còn tôi, tôi hiểu rõ thì tôi sau này có làm những việc ấy không?
Một câu hỏi bâng quơ giữa những suy nghĩ trải dài vô tận của tôi, nó như đám mây trắng bồng bềnh đứng một mình giữa ngọn núi đầy cây cỏ, rất cô độc và khó hiểu. Tôi dừng suy nghĩ ấy, hai mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, nắng đã buông xuống trên mái tôn chói lóa vào khung cửa, hàng cây cao ở nhà kế đang rung rinh. Một bông bồ công anh bay lửng lơ, rồi đậu lại trên bàn tay, tôi nhìn nó hồi lâu rồi thả bay xa.
Giá mà mỗi chúng ta đều ngừng lớn lên, tôi sẽ không phải lo sợ thời gian đánh mất đi của tôi những thứ gì? Tôi vẫn hồn nhiên như những đứa trẻ ngoài kia, mưa đến vẫn ùa ra đường thả mình dưới dòng nước mát lạnh, không toan tính tới ngày mai phải làm gì nghĩ gì cả. Bởi ngày mai trong trẻ thơ đều như ngày hôm qua, chỉ có đùa vui và được bố mẹ âu yếm. Còn trong đôi mắt và tâm tư của kẻ trải qua buồn vui cuộc đời, họ đều hiểu rằng ngày mai là một gian nan thách thức và cần phải mạnh mẽ và cố gắng hơn.
Và khi ấy, kỉ niệm đâu còn là mảnh trăng đẹp để ta yêu và ta say đắm, nó chính là vùng thế giới riêng nơi để ta giải tỏa những mệt mỏi và áp lực của cuộc sống ngoài kia? Mấy ai mà quên được ngày nào tắm mưa trên con đường với lũ bạn? Mấy ai mà không thèm khát được quay về lúc vô tư ưu lo ngày trước.