Đặc sản của ngoại
"Đi hoài mà vẫn nhớ
Ngắm nhìn trời xa sao cứ thương
Thử hỏi chốn ấy
Có phải trái tim đã để ở lại rồi không?"
Tôi không giỏi làm thơ để mà giãi bày tình cảm như cách Xuân Diệu thổ lộ tình yêu của mình với người thương, cũng chẳng bằng một nửa Hàn Mặc Tử đau khổ mà viết nên những dòng thơ đầy buồn đau. Nhưng tôi cũng giống họ, là một kẻ si tình với một mảnh quê khi xưa. Khi tôi mới lên mười, được ba mẹ cho về quê ngoại chơi, cho tới tận giờ tôi đã mười bảy mà vẫn còn nhớ kỉ niệm hồi xưa ấy.
Má tôi hay kể quê tôi có rất nhiều thứ đặc sản và nhiều trò chơi dân gian thú vị. Má kể rằng hồi má còn nhỏ, toàn trốn đi chơi giữa trưa nắng để tìm cho được những con cào cào, châu chấu với đôi cánh trắng thân hình màu xanh. Không chỉ vậy, má bảo rằng ở quê vui hơn thành phố nhiều, tuy không có tivi hay đồ chơi điện tử nhưng lại có những thứ mà thành phố không bao giờ có. Tôi nghe những điều má nói thấy thích thú vô cùng, chỉ muốn nhanh mau tới ngày lên tàu về quê chơi.
Ấy vậy mà, nào có được như má nói, ở quê chẳng có gì vui cũng như chẳng có thứ thức ăn gì gọi là đặc sản. Thế mà không hiểu sao, tôi vẫn cứ yêu và cứ nhớ mảnh quê ấy. Có phải chăng những ngày nắng nóng đổ lửa, tôi cùng với đứa em ra sân sau nhà thi nhau té nước vào nhau. Chúng tôi còn ngồi thơ thẩn trước thềm và đếm xem trên sân có bao nhiêu lá mạ đang nhú lên. Nhớ nhất vẫn là cái thời tôi gặp cái tan nạn oái ăm.
Tôi ở thành phố, cũng có cho mình cái xe đạp riêng để đi. Bố tôi mua lại của một bác sau đó sửa sang cho tôi cái giỏ trước đầu xe và sơn bóng lại nó một màu xanh đậm, còn gắn thêm hai cái chuông ở tay lái. Tôi thích lắm nhưng không có biết chạy, toàn nhìn bạn bè chạy xe vù vù khắp xóm trong ánh mắt ngưỡng mộ. Về quê cũng vậy, tôi thèm cái cảm giác được ngồi yên sau xe thưởng thức gió thổi vù vù qua tai, tóc bay lất phất và la hét lớn. Biết được ước muốn đấy của tôi, đứa em trai của dì không ngại ngần rủ rê tôi ngồi lên cho nó chở. Hai chị em chạy loang quanh con đường làng nhưng không may hôm ấy trời đổ mưa. Hai đứa đều mắt mở, tay chân run rẩy.
"Đừng lo, em sẽ chở chị về tới nhà ngoại, cố lên"
"Lo lái đi thằng nhóc này, té cả hai giờ".
Rồi hai chị em lao xe xuống cái mương gần nhà ngoại. Đó là kỉ niệm đến giờ tôi còn nhớ mãi, đôi khi nó chính là những khoảnh khắc đẹp để mỗi khi sống ở thành phố cô đơn và ồn ào này tôi có thể cảm thấy hạnh phúc. Ở miền quê đấy, không chỉ có những chuyện bất ngờ và hài hước đấy mà còn có cả những món ăn đúng là đậm chất miền Bắc.
Hôm đầu tôi về quê, ngoại bảo chỉ vài ba ngày nữa ngoại ra chợ sẽ mua vài thứ về nấu cho thứ đặc sản, chỉ có duy nhất ở đây. Tôi háo hức và mong chờ lắm, trong ánh mắt chờ đợi ấy tôi tưởng tượng ra biết bao nhiêu món, nào là bún chả cá Hải Phòng, hay là tôm hấp ớt hoặc là phở,... Tôi tự hỏi chắc phở trong đây khắc với phở chỗ tôi nhiều lắm, bởi vậy mà phở Hà Nội mới nổi tiếng đi đâu ai cũng biết. Đến hôm ấy, ngoại dậy từ sớm để ra chợ phiên mua đồ. Tôi cứ thấp thỏm trong nhà ngóng trông ngoại về rồi núp ở phòng khách để xem ngoại đang ấp ủ món gì mà bí mật thế. Cho mãi tới khi mặt trời đã nấp sau những cây chuối của nhà bác Tư, những con muỗi vo ve dưới gầm giường đang bay trước mắt tôi. Mọi người trong nhà vẫn im lặng, không ai để ý đến chúng nó còn tôi cứ năm phút lại vỗ tay rảo rảo một lần để hù. Tôi sợ nó chích, tôi sẽ bị nổi những cục mụn trắng to ở quanh người sau đó tôi sẽ mất cả đêm để gãi cho bớt đi cơn ngứa. Tôi ghét chúng nên tôi không bao giờ để nó bay tới gần. Còn mọi người ai đấy mặt đều buồn rười rượi, không nói câu gì cứ ngồi im lặng trước phản.
"Nhất cháu nhé, đặc sản của quê mình đây".
Tôi sắp tóm được con muỗi khi nó cố đậu trên cánh tay thì nghe ngoại gọi, đành nhanh chân chạy lại gần mâm cơm, khoanh chân rồi ngồi xuống nhìn.
- Cá kho sao ngoại?
- Đúng rồi cháu, quê mình cá kho là đặc sản đó, chỉ duy nhất khách quý mới được ăn.
- Cháu không thèm đâu, ăn dở chết đi được. Cháu không thích tý nào.
Thế vậy mà, giờ đây tôi lại thèm món đặc sản ấy của ngoại. Bởi vì khi lớn lên tôi hiểu được ý nghĩa của món cá ấy. Vì sao người miền Bắc lại kho cá cháy đen thui và mặn đắng? Đơn giản vì chiến tranh đã bắt họ phải sống như thế. Mẹ kể với tôi rằng, hồi mẹ sống ở ngoài ấy dù là đã cách mười mấy năm chiến tranh rồi nhưng nhà ai cũng nghèo. Cái nghèo luôn là nỗi lo sợ của biết bao người trong làng, hễ mà họ bắt được một con cá hoặc vụ mùa bội thu có lời được tý, họ đều tranh thủ ra chợ mua cho mình ít thịt để về nấu đãi cả nhà. Và hơn nữa, họ phải nấu món đó thật mặn, thật khó ăn để ăn hoài, ăn mãi không bao giờ hết được. Nếu chỉ nhìn với vẻ bên ngoài mà vội đánh giá bản chất bên trong, có lẽ người ở xa khi ghé ngang xứ quê tôi sẽ không bao giờ hiểu rõ cái tình người trong món ăn bình dị và dân giã ấy.
Chính vì tôi hiểu điều ấy nên giờ tôi lại yêu cái xứ quê ấy làm bao. Tôi lại thèm ăn cái món ngày xưa mình ghét, sẵn sàng ngồi bên trước phòng khách chờ đợi ngoại nấu món ấy. Nhưng đó chỉ là một thứ kỉ niệm rất xa xôi thôi, nông thôn giờ đã có những tòa nhà cao như thành phố, có những món ngon món lạ, có khi món ăn tôi muốn nay đã trở thành một thực phẩm không phù hợp nữa cũng khi? Nhưng ai biết được chứ, bởi tình yêu thì luôn bền vững và trường tồn với thời gian, có khi dù người ta sung túc và làm ăn khá khẩm hơn nhưng món đặc sản ấy họ sao có thể quên và nỡ bỏ đi được. Chẳng qua, họ chưa muốn nấu, cũng như phô trương cho thế giới biết, chỉ muốn dành thứ tình riêng cho người yêu mến nó. Như tôi đây, chắc chỉ cần về quê ngoại là sẽ được ăn món đấy.