bởi Mer

202
86
2362 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Cha trong tiềm thức


     Tình thương của cha, tôi chưa từng một lần cảm nhận.

     Suốt quãng đời tuổi thơ tôi sống với một khao khát cháy bỏng được cha ôm mình vào lòng dù chỉ là một lần thôi cũng được. Tôi khao khát muốn có được tình yêu thương đó đến nỗi sẵn sàng đánh đổi tất cả để có nó. 

     Bên cha, tôi luôn cố gắng kiên nhẫn chờ đợi một giây phút nào đó cha gọi tôi bằng hai tiếng "con gái" nhưng dường như đó là sự chờ mong đó chỉ vô vọng.

***

  Năm ấy, gia đình tôi cũng thuộc loại khá giả trong làng. Căn nhà cấp bốn vững chắc với vườn cây trái xum xuê luôn khiến những người dân quanh vùng thèm khát. Nhà tôi có một phòng khách khá là nhỏ với bộ bàn ghế gỗ và một chiếc ti vi màn hình cong đời cũ. Mỗi lần nhìn cái ti vi ấy tôi lại tự hào lắm, vì trong làng chỉ mình gia đình tôi mới có được nó. Tôi thích ngắm nhìn những ánh mắt trầm trồ, thèm khát mong muốn có được nó của những đứa trẻ trong làng. Tối đến sân nhà tôi lại chật kín vì trẻ con, bà con hàng xóm kéo đến nhà tôi xem ti vi. Mấy chục con mắt dán vào cái màn hình cùng xem "Tây du kí" hay nghe một cô ca sĩ nào đó hát.

  Những năm tháng ấy cha cũng hay chở tôi ra đồng thả diều. Nhưng nói đúng hơn là chở đứa em trai tôi, tôi chỉ đi theo để trông nó mà thôi. Lúc đó tôi vẫn ngây thơ nghĩ rằng vì đó là em nên cha mới đối xử với nó như vậy, còn tôi, là chị nên phải nhường nó. Tôi luôn luôn là người đứng ở đằng sau cầm dây diều cho nó thả, nhiều lúc thấy bạn bè mình tôi muốn bỏ đi chơi với tụi nó lắm nhưng lại ngại ánh mắt của cha. Trong tiềm thức của tôi lúc đó thì cha tôi có một gương mặt phúc hậu, nụ cười ôn hòa nhưng chưa bao giờ ông ấy nở nụ cười đó với tôi. Tôi không biết tại sao cả nhưng tôi vẫn rất yêu cha vì tôi nghĩ rằng cha cũng yêu mình.

   Tôi cũng quý thằng em trai tôi lắm, nó là đứa rất nghịch ngợm hay phá phách đồ trong nhà, mỗi lần như vậy cha chỉ nhìn nó bằng ánh mắt hăm dọa rồi lại thôi, có khi ông ấy còn cười mà không nói gì. Tuy nhiên cũng có những lúc nó nghịch đến nỗi lôi cả tôi vào và thế là cả tôi và nó đều bị cha phạt. Cha không dùng roi để đánh chúng tôi mà cha bắt chúng tôi đứng trong một cái vòng tròn nhỏ do ông tự vẽ ra dưới trời nắng trong một tiếng đồng hồ mà không được đi đâu hết. Hễ cứ thò chân ra khỏi cái vòng tròn đó là nghiễm nhiên cái roi mây kia sẽ in vết lên bắp chân chúng tôi. Nhưng thằng em tôi nó chỉ đứng có 30' thôi, tôi hỏi cha chỉ bảo là ông ấy phạt thêm tôi 30' vì thấy em nghịch mà không cản lại còn hùa theo. Mỗi lần như vậy tôi đều không cãi lại vì tôi thấy ba đúng và trong cái suy nghĩ non nớt của tôi nghĩ rằng " Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi".

  Hồi bé, mỗi lần nhà tôi có cỗ là tôi vui lắm, chạy loăng quăng khắp nhà với khuôn mặt hớn hở. Hay ngay cả đám cưới cũng vậy, vì mỗi lần có đám cưới là tôi sẽ được mua quần áo mới chứ không phải chờ đến tận tết như mấy đứa trong làng. Thế nhưng, cái đám cưới của chị họ tôi năm ấy thì tôi chỉ biết ngậm ngùi mặc lại chiếc áo trắng cũ có thêu hoa, trong khi đó thì thằng em tôi lại được cha mua cho một bộ áo mới. Mẹ tôi nhẹ nhàng nói rằng đó là vì tôi lớn rồi, tôi nghĩ cũng thấy đúng vì khi nhỏ tôi cũng được như vậy mà. 

  Cha tôi ông ấy có nhiều bạn bè lắm, nhất là mấy ông ở trên thành phố, cứ mỗi lần về là đều có quà mang theo. Cha tôi lần nào cũng niềm nở ra chào đón bạn bè mình và không quên dắt theo đứa con trai mình ra, nó nhìn mọi người rồi chào hỏi lễ phép và nghiễm nhiên tất cả số quà đó là của nó. Cha bắt tôi phải ở trong bếp pha nước, thổi cơm và không được bước lên nhà trên. Cái này thì tôi lại không biết là tại sao.

   Và rồi mùa đông năm ấy, một mùa đông đã cướp mất đứa em trai của tôi đi vĩnh viễn. Một buổi chiều đi học về thì tôi thấy ở phía đầu làng có tiếng xôn xao của mọi người và nghe đâu đó có tiếng la hét, gào khóc rất là thảm thiết. Tôi vội chạy đến, len qua đám đông và cố xem có chuyện gì đang xảy ra. Trời ơi! Thằng em tôi nó đang nằm trên mặt đất với đôi mắt nhắm tịt, người nó ướt nhẹp còn dính bùn. Và tôi thấy mẹ tôi ôm nó mà khóc và không thể làm gì được. Trong vô thức, nước mắt tôi cũng rơi xuống. Mới sáng ngày thôi nó còn mè nheo đòi tôi cõng nó đi học, mới lúc trưa thôi nó còn tranh tôi miếng cá kho và mới lúc đầu chiều thôi nó còn nói khi tôi tan học nó sẽ đến đón tôi vậy mà chuyện gì đã xảy ra với nó. Nó đã qua đời vì đuối nước, nó đi mãi mãi mà không trở về. 

   Tôi buồn, tôi khóc. Mẹ tôi buồn, mẹ tôi cũng khóc. Duy chỉ có cha, cha buồn, cha là người đau nhất nhưng cha chỉ lặng lẽ thu vén mọi nỗi đau vào trong rồi tự khóc trong lòng. Những ngày sau đó tôi còn chưa thắp được cho đứa em mình một nén nhang nào vì tôi không thể kiềm lòng mình được mỗi khi đứng trước di ảnh của nó. Tôi khóc rất nhiều và mỗi lần tôi khóc cha lại quát mắng tôi, ông ấy mắng tôi nhiều lắm và thậm chí là dọa sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà nếu như ông ấy thấy tôi rơi nước mắt. Những năm tháng đó tôi đã sống trong tủi hờn và nỗi nhớ thương người em trai nghịch ngợm của mình.

  Và rồi năm ấy làng tôi mất mùa, những đàn gia súc, gia cầm của gia đình tôi lần lượt chết hết. Gia sản tiêu tan, mọi thứ chấm dứt. Còn bao nhiêu tiền của, mọi thứ cha tôi đều đổ dồn vào trả nợ nhưng vẫn không đủ, lỗ vốn nặng nề. 

   Và tôi cũng biết được một điều rằng cuộc sống của tôi sẽ không còn như lúc trước nữa. Cha tôi lao đầu quần quật vào làm. Ông ấy đi sớm về khuya nên chẳng mấy khi tôi được gặp mặt. Mỗi lần về nhà ông chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt bất cần rồi lại lẳng lặng bỏ vào nhà trong. Những bữa ăn, tôi lặng lẽ quan sát cha mình và thấy ông ấy gắp mấy cọng rau muống lên rồi lại thiểu não bỏ xuống rồi bước ra ngoài hè nằm lên chiếc võng đu đưa. Cha tôi hướng ánh mắt xa xăm lên bầu trời rồi vắt tay lên trán suy nghĩ và chìm vào giấc ngủ lúc nào mà không biết.

   Cứ như thế, sáng ông đi làm từ lúc gà chưa gáy và tận tối khuya ông mới mò về nhà. Tôi nghe người dân trong làng nói ông ấy làm nhiều việc lắm, có khi là đi phụ hồ, có lúc lại xếp gạch hoặc làm cửu vạn và cũng có lúc ông ấy đi làm nương, làm rẫy cho nhà người ta. Tôi không biết công việc của cha vất vả bao nhiêu nhưng tôi thấy cha không còn là cha của trước kia nữa. Người ông ấy gầy đi, cơ thể ốm nhom chỉ còn da bọc xương, da ông ấy cũng đen xạm lại, gương mặt hốc hác, hằn lên nỗi khắc khổ, phía đuôi mắt kia nhăn nheo biết bao nếp nhăn và vết chân chim in hằn qua năm tháng. Đôi bàn tay của cha to mà thô lắm, tôi đã thấy nó đầy những vết chai sạn. Và cha cũng hay đánh đập, mắng chửi tôi nữa. Có những lúc ngồi học bài tôi nghe loáng thoáng ở ngoài có tiếng người đến đòi nợ và tôi đều bịt tai lại vì không muốn nghe. Nhưng sau đó ông trở vào trong nhà và kéo tôi ra giữa sân ông đánh đập và chửi mắng tôi đủ điều. Những chiếc roi in hằn lên người tôi và đó là những vết thương mà tôi không bao giờ xóa bỏ được. Có những lúc ông ấy còn trói tôi vào cột bằng dây điện rồi cứ thế ông đánh tôi, chưa hả ông ấy còn sát muối lên cả những vết đánh đó nữa. Đau đớn biết nhường nào! Tôi cứ thế van ông, xin ông đủ điều, vừa nói tôi vừa khóc lại càng khiến ông thêm phần tức giận. Ông ấy chửi tôi vô dụng, kêu tôi không làm được gì cả, ở chỉ tốn cơm tốn gạo, mắng nhiếc tôi đủ điều ông nói muốn tôi biết mất. Nhưng tôi vẫn không giận cha, không ghét cha vì tôi nghĩ rằng những cái roi tôi chịu phải vẫn chưa bằng một phần sương gió mà ông gánh chịu. 

   Có một lần cha tôi đi suốt một tháng mà không về. Ông xa nhà, xa quê chỉ để lại có hai mẹ con với những con người hàng ngày tới đòi nợ rồi lại đánh đập mẹ tôi mỗi khi mẹ tôi cầu xin họ cho khất. Tôi vẫn còn nhớ trước ngày ông ấy đi, ông ấy đã đánh tôi một trận nhừ tử, tôi phải nằm trên giường mấy ngày liền mới có thể đi lại được. Thậm chí ông ấy còn lôi tôi vào bếp, lấy que gai quật vào người tôi và xuýt chút nữa ông ấy đã cho đầu củi đang cháy lộng than đỏ vào mặt tôi. Lúc đó tôi đã hoảng hồn và khiếp sợ đến nhường nào, tôi chỉ biết ôm chân ông ấy mà xin tha, tôi cố gắng không khóc vì tôi sợ ông ấy sẽ đánh chết tôi mất.

    Hơn một tháng ông ấy trở về, hơn một tháng tôi không được gặp mặt tôi tưởng như mình đã quên mất khuôn mặt cha mình rồi khi tôi thấy trên mặt ông có một vết sẹo rạch dài và một chân ông đi tập tễnh. Mái tóc đã bạc đi nửa đầu. Mẹ tôi lo lắng chạy đến hỏi thì ông chỉ đưa cho mẹ tôi một số tiền và lặng lẽ bỏ vào nhà trong. Tôi không biết số tiền đó có lớn hay không nhưng tôi biết là sau ngày hôm đó tôi có tiền đóng tiền học, tôi được mua áo mới, tôi được ăn cơm sau mấy ngày liền phải húp cháo loãng.

   Sau ngày hôm đó cha ở lại với hai mẹ con. Cha không còn đánh đập tôi, mỗi lần thấy tôi ông ấy chỉ lẳng lặng ra chiếc võng đầu hè nằm. Có những lúc ngồi trong phòng trông ra bóng dáng cha và tôi thèm khát được một lần ngồi nói chuyện với cha mình. Một cuộc nói chuyện ngắn ngủi với ông ấy. 

   Trong tiềm thức của tôi về người cha thì cha chưa bao giờ ôm tôi, cười với tôi, hai tiếng "con gái" đó chưa bao giờ được ông thốt ra, cha chưa bao giờ hỏi tôi những câu hỏi như " hôm nay con ăn gì, bữa cơm ngon không, con có khỏe không, chuyện học hành sao rồi hay là con muốn gì..." tất cả đều không có. Chưa một lần nào ông nói với tôi như thế, thậm chí một cuộc nói chuyện giữa người cha với con gái mình cũng chưa hề tồn tại. Tôi thèm khát vòng tay cha tôi lắm, hay chỉ đơn giản là một cái nắm tay con mình dẫn đi học thôi cũng được, tại sao nó lại khó khăn đến thế? Tôi chưa từng được một lần nào nắm tay cha hay sờ vào bàn tay đó, tôi không biết bàn tay đó gồ ghề, chai sạn và to lớn đến nhường nào. Cái khoảng cách giữa tôi và tình yêu thương đó quá sức xa vời và tôi biết mãi mãi tôi không bao giờ chạm đến được nó dù tôi cố gắng đến mức nào. Nhưng tôi vẫn yêu cha, yêu cha đến da diết vì tôi nghĩ rằng đơn giản đó là cha và bất kể một người cha nào cũng đối xử với con gái mình như vậy. Và tôi yêu ông ấy bao nhiêu thì ông ấy lại lạnh nhạt bấy nhiêu, có những lúc ông ấy còn tàn nhẫn đạp bỏ tình cảm của tôi dành cho ông ấy.

    Ông ấy thương tôi nhưng tại sao ông ấy lại không thể hiện ra? Ánh mắt ấy, lời nói ấy, những đòn roi và cả lời mắng nhiếc thậm tệ đó là biểu hiện của một tình thương con sao? Tất cả những vết thương ấy đã in sâu mãi mãi trong tiềm thức của tôi về một người cha.

     Tôi vẫn chờ, chờ một ngày... 

_Duth_