Quy chuẩn chính tả

Các lỗi sai cơ bản khi viết văn:

1. Đặt thừa, thiếu khoảng trống trước dấu câu. VD: Ai ?, " Anh ơi"...
Các bạn cần nắm được các nguyên tắc cơ bản sau:
a, Các dấu phân cách câu, phân cách ý (phẩy, chấm, chấm cảm, chấm lửng, chấm hỏi, hai chấm) đứng liền sát với nội dung phía trước và có khoảng trống với nội dung tiếp theo.
b, Khi sử dụng các dấu ngoặc, nội dung cần liền sát với cả ngoặc đóng và mở.
c, Khi dùng dấu gạch ngang cần có khoảng trống cả trước và sau dấu. Chú ý phân biệt với dấu gạch nối.
d, Chú ý không có dấu gạch dưới _ trong viết văn.

2. Sử dụng số đếm.
Ngoại trừ số đếm là danh từ và chỉ thời gian (VD: lớp 10A, năm 1945) thì mọi số đếm khác đều cần được viết dưới dạng chữ. Thậm chí mình thấy nhiều sách kể cả ngày tháng năm đều viết dạng chữ.

Khi sử dụng số trong văn bản, chúng ta cần chú ý những gì?


👉 Trước hết, cần lưu ý nhất quán viết số trong trường hợp nêu tính toán, thống kê chính xác. 


VD: Tìm thấy mộ tập thể của hơn 25 chiến sĩ.


👉 Ưu tiên viết chữ trong trường hợp không nhấn mạnh con số và trong sáng tác văn học. 


VD: Tuổi mười tám chứ không phải Tuổi 18; 

Tôi có hai người chị gái chứ không phải: Tôi có 2 người chị gái.


👉 Đối với đơn vị trăm nghìn, triệu..., viết chữ thay cho viết số. VD: viết 400 nghìn đồng thay vì viết 400.000 đồng, 2 triệu chứ không phải 2.000.000.


👉 Tháng trong năm: viết chữ đối với các trường hợp tháng một, tháng tám, tháng chín...; viết số đối với các trường hợp: ngày 2 tháng 9 năm 1945 hoặc tháng 9 năm 1945... 


👉 Khi viết "thập kỷ...", có 2 cách: hoặc viết thập kỷ... của thế kỷ... hoặc thập kỷ 1870, 1980, v.v..


👉 Ưu tiên dùng số La Mã trong văn bản phong cách khoa học khi viết thế kỷ; ưu tiên dùng số Ả rập đối với các sách văn học, kỹ năng thông thường.


👉 Khi con số đi kèm với các đơn vị đo (thời gian, chiều dài, khối lượng...) ưu tiên viết số. VD: 5 giờ 30 phút chiều ngày 2 tháng 3 năm 2018.


👉 Chỉ viết số 0 trước các số nhỏ hơn 10 trong trường hợp cần nhấn mạnh/là cách sử dụng quen thuộc. VD: Số báo danh 01. 


3. Viết tắt.
Phổ biến là viết tắt về thời gian (VD: 2h) và các số đo cơ bản (VD: 20km, 1kg)
Những kiểu viết trên chỉ sử dụng khi làm toán, còn ta viết văn thì phải viết đúng cách đọc.
VD: 3h bạn sẽ đọc là "ba giờ" chứ không phải "ba h" nên bạn buộc phải viết là "ba giờ" hoặc "3 giờ". Tương tự cho các trường hợp khác.

4. Không thống nhất trong cách đánh dấu phân biệt lời thoại và lời dẫn.
Hiện có 2 cách là dùng ngoặc kép và dùng gạch ngang. VD:
"Anh yêu em." Tôi nói.
- Anh yêu em. - Tôi nói.
Khi sử dụng ngoặc kép thì không cần dấu gạch ngang phân cách nữa. Chú ý thống nhất cách viết, không nên dùng cả hai.


CHUẨN VỀ CHÍNH TẢ

Dấu câu

Tiếng Việt sử dụng 16 dấu (trong đó có 10 dấu câu): Dấu cách ! ( ) , . : ; ? [ ] { } " " ...

Về dấu cách, trước và sau mỗi dấu câu, chúng ta tuân theo một quy ước:

Với các dấu câu chỉ có một thành phần như dấu phẩy (,), chấm (.)... thì dấu câu đứng liền kí tự phía trước, sau dấu câu là một khoảng trống. Với dấu câu gồm hai thành phần như ngoặc đơn, ngoặc kép, ngoặc nhọn thì bên ngoài của dấu sẽ là khoảng trắng, nội dung bên trong liền sát với dấu. Giữa hai dấu câu không có dấu cách, trừ khi chúng thuộc hai câu khác nhau. Luật 3 này có giá trị hơn hai luật trên.

VD: KO (không), DC (được), NG (người) là đúng. KO ( không) , DC ( được ), NG (người ) là sai. 

Số

Dùng dấu phẩy là dấu thập phân. Thí dụ: 3,14.

Dùng dấu chấm để phân nhóm.

Thí dụ 1.234.567

Đơn vị

Giữa số và đơn vị luôn có một dấu cách phi dãn (no-break space - NBSP).

Một vài thí dụ: 2,34 cm, 250 GB,...
[Cập nhật] Trường hợp % vẫn viết liền với chữ số vì đây không phải đơn vị mà chỉ là kí hiệu cho phép toán thể hiện tỉ lệ.

Ngày tháng

Ngày tháng dạng dài: Thứ hai, ngày 15 tháng 6 năm 2009.

Ngày tháng dạng ngắn: 15/6/2009 hoặc 15/06/2009 hoặc tháng 6/2009.

Giờ dạng dài: 16 giờ 10 phút 28 giây.

Giờ dạng ngắn: 16:10:28.

Chính tả

Bạn có thể kiểm tra mình viết đúng chính tả hay không (dấu hỏi hay ngã, ch hay tr, c hay t...) bằng cách tra từ điển. 

Vị trí dấu thanh

Gặp một chữ có 1 nguyên âm chứa dấu mũ, dấu ngoắc như Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư, thì đánh dấu lên đó. Thí dụ: "Tuấn", "tập", "viết". Nếu có hai (như ƯƠ), thì đánh dấu lên nguyên âm sau (Ơ). Thí dụ: "đường", "được". Gặp một chữ có phụ âm cuối, thì đánh dấu lên nguyên âm chót.

Thí dụ: "hoàng", "hoạt", "toán", "coóng".

Nếu không có thì đánh dấu lên nguyên âm áp chót.

Thí dụ: "họa", "hòe", "hủy". (Dĩ nhiên gặp một chữ chỉ có một nguyên âm thì chỉ còn cách là đánh dấu lên nguyên âm đó thôi).

Dấu gạch nối

Phân biệt dấu gạch ngang và dấu gạch nối:

- Dấu gạch ngang thường dùng đầu dòng với mục đích liệt kê, hoặc sử dụng trong hội thoại. Với cách dùng này, dấu gạch ngang nằm đầu dòng, ngăn cách với từ liền sau bằng khoảng trống và từ liền sau phải viết hoa chữ cái đầu tiên.

- Dấu gạch ngang với mục đích giải nghĩa, chú thích. Ví dụ: Bà Dung - mẹ cái Hoa - nói. Với cách dùng này, dấu gạch ngang nằm giữa câu, ngăn cách với từ liền trước và sau bởi khoảng trống, và từ liền sau không viết hoa nếu không phải là danh từ riêng.

- Dấu gạch nối, dùng để ghép cách thành phần của một từ phức. Ví dụ: Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy. Trong giai đoạn trước, Tiếng Việt hay sử dụng dấu gạch nối cho từ phức như "bệnh-viện", "công-viên"... Nhưng sau này người ta không còn sử dụng gạch nối trong nhiều từ phức nữa. Nhưng ở những tác phẩm tiếng nước ngoài như Anh, Pháp vẫn còn sử dụng, và khi dịch sang tiếng Việt, các dịch giả vẫn giữ nguyên gạch nối để đảm bảo giống với bản gốc nhất. Vì thế gạch nối trong từ phức vẫn nằm trong quy định đúng của chính tả. Với cách dùng này, dấu gạch nối nằm giữa các tiếng của từ, không có khoảng trống, và không viết hoa mỗi tiếng sau gạch nối nếu không phải danh từ riêng.

Viết hoa

Viết hoa vì phép đặt câu: viết hoa sau các dấu câu (dấu chấm câu, dấu chấm than, dấu chấm lửng...);

Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người;

Viết hoa tên địa lí;

Viết hoa tên cơ quan, tổ chức: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành tố chỉ tên loại, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức;

Tên chức vụ, học vị chung không viết hoa. Thí dụ: tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư, đại sứ, thái thú, tổng đốc, tiến sĩ, cử nhân, viện sĩ,...

"i ngắn" hay "y dài"?

Dựa theo tài liệu của ĐHKHXH&NV: 

Trường hợp đứng sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/, về cơ bản, cũng đã hình thành một thói quen: viết i ngắn khi là từ thuần Việt; viết y dài khi là từ Hán Việt.

Nguyên âm đứng một mình (âm tiết độc lập) thì sẽ viết i ngắn nếu là từ thuần Việt : ỉ (eo), ì (à) ì (ạch), (béo) ị, (ầm) ĩ,... và y dài, nếu là từ Hán Việt: ý (kiến), (lưu) ý, y (sĩ), (chuẩn) y,...

Nguyên âm đứng đầu âm tiết, có tổ hợp nguyên âm hoặc nguyên âm đôi, viết y dài: yêu (quý), yểu (điệu), yến (tiệc), yêng (hùng), huỳnh huỵch,...

Trong các âm tiết nửa mở, có nhiều trường hợp thể hiện bằng hai con chữ i, y nhưng thực chất có sự khác biệt (do sự nhầm lẫn chính tả). Nếu là tổ hợp nguyên âm [wi], như trong các từ quy (tắc), (thâm) thúy, (ma) túy, (xương) tủy, quỵ lụy... thì viết y dài. Nếu là tổ hợp nguyên âm [uj], như trong các từ cúi (đầu), túi (quần), tủi (hổ), xúi (bẩy), (tàn) lụi... thì viết i ngắn.

P/s: vấn đề "y" hay "i" tốt nhất các bạn tra từ điển nếu có sự phân vân hay tranh cãi.