Địa chỉ mail một số tòa soạn báo

ĐỊA CHỈ MAIL MỘT SỐ TÒA SOẠN BÁO 

(Dành cho các bạn quan tâm)


Thiếu niên tiền phong: ngoctntp@gmail.com

Thiếu nhi dân tộc: luuhatntp@gmail.com

Báo Mực tím: truyennganmt@kqd-muctim.com

Học trò cười: hoctrocuoi2@gmailcom

Tập san Áo trắng: At_bien@yahoo.com

Tài hoa trẻ: taihoatregdtd@gmail.com

Báo Quảng Bình: toasoanqb@gmail.com

Báo Tin Tức: toasoantintuc@gmail.com

Báo Quảng Nam:  toasoan@baoquangnam.com.vn

Báo Điện Biên Phủ: baodienbienphuctv@gmail.com

Báo Lào Cai: baolaocaitoasoan@gmail.com

Báo Bắc Giang: toasoanbbg@gmail.com

Báo Vĩnh Long: toasoanbaovinhlong@gmail.com banbientapbvl@gmail.com

Báo Cà Mau: toasoanbcm.dientu@gmail.com

Báo Giác ngộ: toasoan@giacngo.vn, baogiacngo@yahoo.com

Báo Bình Định: baobinhdinh1@gmail.com

Báo Đắk Nông: bdn@daknong.gov.vn tsbaodaknong@gmail.com

Báo Công an Đà Nẵng: baocadn@gmail.com

Văn nghệ Công an: vannghecongan@gmail.com

Văn nghệ: banvanvn@gmail.com (văn xuôi); banthovn@gmail.com (thơ).

Văn nghệ Bình Dương: hvhntbd@gmail.com    

Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh: tuanbaovannghe@yahoo.com

Văn Nghệ Thái Nguyên: vannghethainguyen@gmail.com

Văn nghệ Hòa Bình: vannghehoabinh@gmail.com

Văn nghệ Tiền Giang: toasoan@vannghetiengiang.vn

Văn nghệ Ninh Bình: tcvanngheninhbinh@gmail.com

Văn nghệ Bạc Liêu: vannghebaclieu@gmail.com

Tạp chí Sông Lam: tcsonglam@gmail.com

Tạp chí Xứ Thanh: vnxuthanh@yahoo.com.vn, tapchixuthanh@gmail.com

Tạp chí Langbiang: langbiantapchi@gmail.com

Tạp chí Làng Việt: tapchilangviet@gmail.com

Tạp chí Đại lộ (Vận tải ô tô): tcvantaiotovn@gmail.com

Tạp chí Sông Hương: songhuongtapchi@gmail.com

Tạp chí Non nước Đà Nẵng: tapchinonnuoc@gmail.com

Tạp chí Đất Quảng: tapchidatquang@gmail.com

Văn học và tuổi trẻ: vanhoctt@yahoo.com

Văn học quê nhà: vanhocquenha@toquoc.gov.vn

Phụ nữ Việt Nam: vannghepnvn@gmail.com

Phụ nữ Thành phố: truongsonpntp@yahoo.com

Văn hóa và đời sống: baovhdsdientu@gmail.com, baovhds@gmail.com

Pháp luật và xã hội: toasoan@phapluatxahoi.vn

Thời báo Ngân hàng: huychitbnh@yahoo.com.vn

Đài VOH: vanhoctuoixanh@gmail.com (Văn học tuổi xanh)

Các bạn tìm báo hoặc lên trang online đọc qua chuyên mục văn hóa – văn nghệ của các báo, tạp chí để chuẩn bị những “chiến thuật” phù hợp rồi mới gửi bài nhé.

-------------------------------------------------

10 LƯU Ý NHO NHỎ (Kinh nghiệm của cá nhân Lộc)


1. “Gu” của các báo, tạp chí?

- Các báo, tạp chí địa phương thường chuộng lối văn đi vào cảm xúc, hoài niệm được viết ra từ những ký ức giản dị, mộc mạc hay những chiêm nghiệm chân thật, lắng đọng về cuộc sống hôm nay từ những hình ảnh rất đỗi thân thương như: một mảnh đồng làng vàng ươm mùa gặt, một phiên chợ nghèo bên lũy tre xanh, một góc phố nhỏ dịu dàng hoa sữa, một ngọn khói lam thao thiết cuối chiều, một cánh diều êm nhắc nhớ tuổi thơ, một dòng sông nhỏ chảy dài năm tháng, một cây rơm vàng thơm mùi nếp mới, một mùa bằng lăng cho tuổi học trò… Và những truyện ngắn kết thúc có hậu, tươi sáng, mang đến những bài học, thông điệp cuộc sống và gieo niềm tin yêu, hy vọng thì sẽ có nhiều cơ hội lắm đó.

- Các báo, tạp chí cho tuổi mới lớn thường chuộng lối văn liên quan đến những kỷ niệm thời chăn trâu, cắt cỏ; kỷ niệm về thầy cô, mái trường; một chút nghĩ suy, trầm tư khi chuẩn bị bước vào những ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời như trọ học xa nhà, thi chuyển cấp, thi đại học hay có thể là sự luyến lưu, bịn rịn tình bạn học trò trong khoảnh khắc chia tay mùa hè cuối cấp; là những rung động đầy trong sáng, thanh ngần, bẽn lẽn của tình yêu áo trắng…

- Các báo, tạp chí cho thiếu nhi thường chuộng lối văn viết về những điều thật gần gũi như: là trò chơi bắn bi, trốn tìm, kéo mo cau, là chụm đầu chung nhau một que kem sữa, là những trưa í ới gọi nhau đi hái sim trên ngọn đồi ríu rít tiếng chim, là những chiều mò tép, bắt cua trên cánh đồng làng cuộn đòng thơm nức hay là kỷ niệm về những quả ổi, chùm me giấu trong ngăn cặp mang đến trường chia sẻ cho nhau. Vì là viết cho thiếu nhi nên chúng ta hãy viết sao cho thật dễ hiểu, nhí nhảnh, vui tươi, ấm áp, tràn đầy năng lượng tích cực.

- Các báo, tạp chí chuyên về văn chương thì cần những tác phẩm “truyền thống mà vẫn tìm ra được điểm nhìn mới” hoặc “cách tân nhưng vẫn dồi dào cảm xúc”. Các bạn hãy cứ sáng tạo, hãy cứ cá tính, hãy cứ độc đáo, hãy cứ làm mới mình, hãy cứ thể nghiệm, chiêm nghiệm, nói nôm na là hãy “bung lụa” hết mình với văn chương, miễn sao tác phẩm của bạn HAY. (Các tờ báo uy tín về văn chương luôn “tôn trọng truyền thống và khuyến khích cách tân” nha).

- Các báo, tạp chí chuyên ngành thường chuộng những tác phẩm trực diện về ngành của họ. Một truyện ngắn hay về thầy cô, mái trường sẽ là lựa chọn hoàn hảo của báo Giáo dục và thời đại, một bài viết sâu sắc về người lái xe thì chẳng có gì bất ngờ khi nó được in trên báo Giao thông… (Tất nhiên vẫn có sự xoay chiều đề tài giữa các báo, tạp chí nhé. Như mình đã nói, cái quan trọng nhất là HAY)


2. Dung lượng tác phẩm?

- Truyện ngắn: Thường từ 1500 – 2500 chữ (Mức tròn trịa và vừa “đất” đăng nhất là 2000 chữ nhé). Riêng truyện ngắn gửi các báo thiếu nhi thì ngắn gọn hơn chút xíu, tầm 1200 chữ. Còn truyện ngắn gửi các báo chuyên văn chương thì họ thường in mức 5000 chữ nhé.

- Tản văn: Thường từ 700 chữ đến 1000 chữ. (Mức tròn trịa và vừa “đất” đăng nhất là 700 – 800 chữ nhé). Riêng tản văn gửi các báo thiếu nhi thì ngắn gọn, nhỏ xinh hơn chút xíu, tầm 500 chữ.

- Thơ: Phổ biến là 4 – 6 khổ. (Chúng ta cần phân biệt chút giữa thơ với truyện thơ, trường ca, hò, vè…). Riêng kiểu thơ trào phúng, hài hước nếu đạt thì có Học trò cười, Tuổi trẻ cười… thường sử dụng.


3. Cách viết thư gửi tòa soạn báo, tạp chí?

Theo mình, các bạn hãy viết ngắn gọn, cô đọng tầm 4-5 câu thôi. Đừng lê thê dài dòng “quảng bá” vì tác phẩm của bạn như thế nào, BTV đọc sẽ rõ. Dưới thư hoặc dưới bài viết nhớ đề đầy đủ họ tên thật, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.


4. Cách tạo ấn tượng với tòa soạn?

Khoan hãy bàn về mức độ HAY, đầu tiên chúng ta phải gửi một tác phẩm CHỈN CHU đã. Chỉn chu mà chưa hay thì vẫn được tôn trọng, tựa như việc bạn mặc một chiếc áo cũ hàng chợ giặt sạch thơm tho còn hơn bận một chiếc váy hàng hiệu cả tuần chưa giặt bốc mùi chua ngoét. Bởi vậy, văn bản cần được trình bày với thể thức, đơn giản, rõ ràng (không cần phải tô vẽ hoa lá cành đâu nhé vì các báo có hẳn một bộ phận chuyên làm công tác thiết kế, đồ họa cho trang báo rồi). Cố gắng nhặt sạch lỗi chính tả. Mình chia lỗi chính tả thành hai dạng: lỗi đánh máy (do vấp chữ, líu chữ, nhảy chữ, bàn phím đơ…) và lỗi bản chất (thường là chưa phân biệt được từ đó dùng “d” hay “gi”, “l” hay “n”, “ng” hay “ngh”, “r” hay “d”, dấu hỏi hay dấu ngã…). Thú thực là hiếm ai viết một cái truyện ngắn cả chục trang word mà không rơi rớt một vài lỗi chính tả. Mình cũng thế. Và chúng ta đọc, nếu phát hiện lỗi chính tả thì đừng bĩu môi cười nhạo mà hãy cứ mạnh dạn góp ý cho nhau cùng tiến bộ nhé. Ai đó từng nói, đừng vì một hạt sạn bé tí mà phải nhả cả miếng cơm ngon đang nhai. Ấn tượng ban đầu theo mình là đến sự chỉn chu như thế rồi mới bàn đến nội dung, chất lượng bên trong tác phẩm. 


5. Thời gian để nhận được hồi âm về tác phẩm?

Thường là sau 2 tuần - 1 tháng (Tất nhiên lúc tòa soạn ít bài vở, bạn sẽ được hồi âm nhanh hơn và lúc tòa soạn nhiều bài vở, bạn sẽ được hồi âm lâu hơn chút). Nhưng không phải tất cả các tòa soạn đều gửi mail hồi âm nhé bạn. Nếu bạn nhận được hồi âm thì đừng quên gửi lời cảm ơn đến BTV nha. Đó là người đã đọc tâm huyết “đứa con tinh thần” của bạn đấy.


6. Làm sao để biết tác phẩm được in?

Thường những tác phẩm được BTV phản hồi tốt về chất lượng thì về cơ bản là sẽ được in thôi. Việc của bạn là chịu khó chờ đợi. Ví dụ một tuần có đến 3 truyện ngắn rất ok mà trang báo của họ chỉ đăng một truyện ngắn/số cuối tuần thì họ phải ưu tiên theo thứ tự đề tài, thời gian… Đối với những tác phẩm không nhận được hồi âm thì cũng đừng vội nản lòng nhé. Không nhận được hồi âm không đồng nghĩa với không được in. Có những tác phẩm gửi vào im lặng, song một ngày đẹp trời nó bỗng xuất hiện rực rỡ “như một niềm kiêu hãnh”. Mình có những truyện ngắn sau hơn… một năm mới được in đó. Và cảm giác lúc ấy là vỡ òa sung sướng. Cách nhanh nhất để theo dõi bài viết là tìm đọc báo giấy hoặc lên trang online (hầu như báo nào cũng đăng tải bài viết trên trang online) đọc thường xuyên nhé. Đọc, nếu “phát hiện” ra bài mình thì vui quá trời rồi nhưng không có bài mình thì ít ra mình đã được học hỏi và mở mang thêm nhiều thứ, đúng không? Còn bạn nào lười hơn chút thì ngồi đợi… báo biếu thôi.


7. “Đối xử” với tác phẩm chưa được in?

Đôi khi chưa được in không hẳn là do tác phẩm của bạn dở mà có thể chỉ là chưa hợp “gu” tòa soạn hoặc chưa đúng thời điểm mà thôi. Một tác phẩm bị từ chối ở tòa soạn này vẫn có thể được đón chào nồng nhiệt ở tòa soạn khác. Bởi vậy, hãy đọc kỹ, trau chuốt lại tác phẩm bị loại và “chọn mặt gửi vàng” vào một nơi tiếp theo mà bạn tin, bạn linh cảm rằng đứa con tinh thần của mình sẽ được hồi sinh. Tác phẩm là đứa con của mình, nó cũng có linh hồn riêng. Bởi vậy, nếu nó chưa hay thì chúng ta càng phải thương nó, cố gắng nâng cấp nó lên chứ đừng vội phũ phàng vứt vào sọt rác như chưa từng “đẻ” ra nó. Hãy giữ thói quen lưu những bài viết chưa ổn lại để một lúc nào đó rảnh rỗi, đọc lại, hẳn bạn sẽ tự mỉm cười rằng ngày xưa viết non thế mà giờ đã tiến bộ hơn rồi đấy chứ.


8. Khoảng cách thời gian gửi bài?

Nếu bạn chưa được in thì hãy cứ gửi bất cứ lúc nào nếu bạn hoàn thành tác phẩm hay hơn tác phẩm bị loại. Còn nếu bạn được in rồi thì bạn nên linh hoạt theo chu kỳ phát hành của tờ báo, tạp chí đó. Ví dụ báo ra 4 số/tháng thì trung bình 1 – 1,5 tháng bạn gửi một bài. Nếu báo ra một số/tháng thì tầm 3 tháng bạn gửi một bài là hợp lý. Hiện nay có rất nhiều tòa soạn mở chuyên mục cho văn chương nên “đất” đăng cũng rộng mở hơn rồi. Đến một lúc nào đó, nếu bạn viết khá thì sẽ được BTV tin tưởng đặt bài thường xuyên. Và khi đó, bạn chỉ cần viết hay và đúng thời hạn, việc “đỡ đẻ” cho đứa con tinh thần của bạn đã có tòa soạn lo. Có thể bạn được in hai, ba số liên tục là chuyện thường và chúc mừng bạn đã thành CTV ruột.


9. Mẹo vặt để được in nhanh nhất?

Chúng ta phải nhanh nhạy, linh hoạt, “đi tắt, đón đầu” trong việc nắm bắt đề tài phù hợp với các mốc thời gian, sự kiện quan trọng nhé. Giữa tháng 4 mà bạn gửi một tản văn về hoa đào, hoa mai, giữa tháng mười hai mà bạn gửi một tản văn về bằng lăng, hoa phượng thì hơi làm khó BTV rồi nha. Bởi vậy, chúng ta phải luôn làm công tác chuẩn bị thật kỹ. Ví dụ tầm tháng 8, hãy gửi những bài viết liên quan đến ngày tựu trường; tầm tháng 9, hãy gửi những bài liên quan đến ngày Phụ nữ Việt nam 20-10; tầm tháng 10, hãy gửi những bài viết liên quan đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11; tầm tháng 11, hãy gửi những bài viết liên quan đến Tết, tầm tháng 3, hãy gửi những bài viết về mùa hè, mùa chia tay mái trường yêu dấu. Nói chung, nên gửi sớm trước khoảng 1 tháng để các BTV còn sắp xếp nhé.


10. Nhuận bút tác phẩm?

Mỗi tòa soạn có một mức nhuận bút khác nhau. Nhưng phổ biến của truyện ngắn là 500k – 1 triệu, của tản văn là 200k – 500k, của thơ là 100k – 300k (Tất nhiên có những báo trả thấp hơn hoặc cao hơn như thế nhé. Ví dụ có những báo trả nhuận một bài thơ tới 500k và một truyện ngắn là 3 triệu cơ ạ). Nếu tầm 2 – 3 tháng sau khi bài in mà chưa thấy nhuận thì bạn chủ động gọi điện hỏi tòa soạn nhé. Đừng ngại ngần vì đó là quyền lợi, là công sức mà bạn xứng đáng được hưởng để mua cái gì đó ngon ngon ăn lấy sức “đẻ” những đứa con tinh thần tiếp theo.


Chúc các bạn thành công!


Theo Phan Đức Lộc