01. Con riêng
Làng Cây Đề là một thôn làng lớn, có thể nói là lớn nhất nhì cả xã Chân Mây ở vùng núi Thu Lục. Làng rất gần chợ huyện dưới xuôi, lại trải dài khắp mấy sườn đồi dốc núi nên cư dân đông đúc và tấp nập lắm. Vốn mấy năm trước người ta định tách Cây Đề này thành ra hai ba cái làng bản nhỏ khác nhưng bị các ông các bà có máu mặt lên tiếng nên Cây Đề vẫn cứ là một cái làng to như cái xã. Vì cũng sống trên một mảnh đất nên người làng thân thiết với nhau lắm, vài trăm hộ gia đình kiểu gì cũng có dây mơ rễ má với nhau. Họ chia sẻ cho nhau đủ điều, từ cái ăn cái mặc đến những chuyện buồn vui cuộc sống. Và còn cả những câu chuyện mỉa mai, những đối tượng bị giễu nhại chung để thắt chặt tinh thần đoàn kết của những người dân đoan chính còn lại.
Đối tượng người ta đem ra bàn tán mấy năm gần đây đã chuyển từ cô Tôn Hảo khắc ba đời chồng, từ anh Trần Khâm say xỉn đánh vợ đánh con, sang một mình Lê Tư Anh ở cạnh nhánh sông Vân Vũ cuối làng. Ông bà Lê thân sinh cô này vốn có hai mụn con, một trai một gái. Lê Tư Anh thân là chị cả, từ nhỏ chịu thương chịu khó, tính tình hiền hòa nhu thuận nên được mọi người thương lắm. Năm mười tám còn đỗ đại học lớn trên thủ đô, bà Lê rút ruột rút gan cầu xin chồng mới cho cô đi học tiếp. Lúc cô khăn gói rời làng, người ta còn khuyên nhủ cha mẹ cô hết lời, bảo rằng chớ nên đầu tư cho một đứa con gái nhiều như vậy, đằng nào cô chả lấy chồng. Ông Lê nghe chừng xuôi tai nhưng vẫn kiên quyết cắn răng cho con gái đi học đại học. Được một hai năm đầu ấm êm, cô Tư Anh cách vài tháng về thăm cha mẹ, mang cái này cái kia mua từ phố về biếu làng biếu xóm. Dần dà người ta cũng bảo cha mẹ cô thật có phúc, đẻ được người con gái như cô thì cũng ngang với nửa ông con trai còn gì.
Nhưng thật bất ngờ, Lê Tư Anh, sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường, cô sinh viên với vô số lần lên báo vì những hoạt động ưu tú trong trường học, mang theo cái bụng chửa hoang về nhà. Cô chẳng nói chẳng rằng, cứ giam mình một góc chờ sinh ra đứa bé. Cha cô mắng chửi, cô không đáp. Mẹ cô từ van nài, cầu xin đến nguyền rủa, cô cũng chẳng thể nói ra tên cha đứa trẻ là ai. Cô quẩn quanh bên chiếc máy tính mang từ thành phố về, làm thứ gì đó kiếm tiền nuôi con qua mạng. Năm con gái Lê Vũ Gia hai tuổi, mẹ nó bị xe tải đâm chết tức tưởi khi đi mua sữa cho con.
Ông bà Lê làm cho con gái một đám tang lặng lẽ như muốn xóa sạch đi sự tồn tại nhục nhã ấy. Những người biết chuyện thì vui có, hả hê có, mỉa mai có, duy chỉ có đứa trẻ vô danh tội nghiệp mới hơn hai tuổi của cô là khóc liên tục ba ngày vì thiếu vòng tay mẹ.
Bẵng đi một thời gian, gia đình họ Lê chào đón thêm một cô dâu mới. Cuộc sống lại yên bình như thể Lê Tư Anh đã hoàn toàn bốc hơi. Những câu chuyện trà dư tửu hậu cũng dần chuyển bánh. Ngày tháng qua đi, chẳng còn mấy ai nhớ đến đứa trẻ lặng lẽ lớn lên trong căn phòng cũ của mẹ nó.
Nó là một đứa trẻ được nuôi theo cách người ta nuôi một con dơi, âm thầm lẩn khuất trong những hang động tránh mặt trời và chỉ ra ngoài khi đêm đen phủ kín đất. Người con dâu mới, hay còn là mợ của đứa bé, có lẽ vì cái thai trong bụng cô mà bản năng che chở và yêu thương của người mẹ đã tìm thấy điểm dừng là bóng dáng nhỏ bé của Vũ Gia. Cô thường dẫn nó ra ngoài vào những buổi tối gió lộng, đường vắng tanh, dạy nó ngâm nga những điệu dân ca mà mẹ cô từng hát, tặng cho nó những con búp bê may từ vải thừa lúc chuẩn bị quần áo cho đứa bé trong bùn cô, lặng nhìn đứa con gái nhỏ thiếp đi trên chiếc giường đơn sơ trong căn phòng ẩm thấp.
Đứa trẻ có làn da trắng bệch và mái tóc hạt dẻ xinh đẹp như người mẹ đã khuất. Đôi mắt nó lúng liếng những tia cười vô tri dành cho vạn vật. Đứa trẻ biết nói, nó thường trò chuyện với cây ổi, cây chuối và đàn gà trong vườn. Nó chẳng nề hà gì khi bà ngoại ném cho nó cái khay cơm thừa và sai nó ra vườn cho gà ăn. Nó hạnh phúc. Bỏi nó không biết thế nào là khổ đau. Nó chỉ còn nhớ những âm vang dịu dàng trong lời hát vọng lại từ quá khứ. Thanh âm ấy dạy nó cười, dạy nó hát, dạy nó vui. Không ai ai dạy nó thế nào là bất hạnh, nên nó không bất hạnh.
Đứa trẻ không sợ bóng tối. Nó không bao giờ khóc lóc khi phải ngủ một mình. Bởi đó là thế giới của nó. Thế giới nhỏ bé với bốn bức từng xanh rêu. Cùng những bức tranh sắc màu mẹ cầm tay nó vẽ. Thế giới của đứa trẻ ngoan thì bóng tối cũng là nơi an toàn. Đứa trẻ không sợ bóng tối.
Đứa trẻ được bà cho ăn vào lúc sớm tinh mơ. Đứa trẻ ngoan tự biết thức giấc, tự biết ăn tô cháo trên bệ cửa, tự biết nhanh chóng cất chiếc bát sứt mẻ vào bồn trước khi có ai đó dọn dẹp. Đứa trẻ ngoan sẽ không đòi hỏi thêm một tô. Đứa trẻ ngoan thấy bát cháo thật ngon. Đứa trẻ ngoan biết cháo và nước lọc khác nhau như nào.
Đứa trẻ ngoan sẽ được gặp mẹ…
Ai cũng nói vậy.
Rồi một ngày, đứa trẻ ngoan nghe thấy trong sân những tiếng ồn của người xa lạ.
Sáng sớm một ngày mùa đông, Lê Tư Vũ vừa mở mắt ra đã thấy hai chiếc xe đen sang trọng đỗ trước cổng nhà mình. Gã nheo mắt, vội chạy lại mở cánh cổng rỉ sắt cũ mèm ra, trong lòng không khỏi lo sợ chẳng biết gã lại làm ra chuyện dại dột gì lúc say xỉn.
Người phụ nữ ăn vận trang nhã, đi đôi dày cao gót đen, cặp kính đen che gần nửa gương mặt bà. Bà đưa tay ra:
“Chào cậu, chúng tôi cần gặp cô Lê Tư Anh. Xin hỏi đây có phải nhà của cô ấy không?”
Lê Tư Vũ gãi đầu hoang mang: “À thì… cô ta chết lâu rồi. Tôi là em trai cô ta đây, rốt cuộc có chuyện gì?” Nhưng rồi mắt gã lóe lên một tia sáng, khóe miệng vô thức kéo lên một nụ cười đê tiện.
Người phụ nữ thoáng giật mình khi nghe tin dữ nhưng rất nhanh đã lấy lại dáng vẻ đường hoàng nghiên túc ban đầu. Bà thu tay lại, mỉm cười chuyên nghiệp: “Cô ấy đã mất rồi ư? Thật đáng tiếc, xin chia buồn cùng gia đình.”
“Bà đến tìm con… à là cháu gái Lê Vũ Gia của tôi phải không? Yên tâm, con bé vẫn đang ở nhà chúng tôi rất tốt. Nào, mời bà vào nhà uống miếng nước.”
“Vậy làm phiền anh rồi.”
Người phụ nữ bước theo sau Lê Tư Vũ, âm thầm đánh giá ngôi nhà này.
Một người đàn bà khác bước từ một gian nhà lụp xụp ra, vừa lau tay vào vạt áo bạc phờ vừa cát tiếng: “Mới sớm ra ai vậy hả con?”
Lê Tư Vũ nhe răng cười: “Họ đến tìm Vũ Gia mẹ ạ, mẹ đưa cháu ra đây giúp con.”
Qua một ánh mắt trao đổi lộ liễu, bà Lê nhanh chóng hiểu hết ý con trai nhưng trái tim bà lại có chút bất an và xấu hổ khó nói thành lời. Bà chạy vội vào căn phòng trong góc nhà.
“Chà chà, mời bà ngồi. Cả các ông nữa, nào, mời ngồi. Để tôi đi pha ấm trà nhé.”
“Không cần đâu, thật làm phiền gia đình quá.” Ngưng một lát, bà tiếp lời: “Cô Lê Tư Anh đã qua đời lâu chưa?”
Lê Tư Vũ lươn lẹo cố rặn ra mấy giọt nước mắt, trợn mắt bịa ra thứ tình cảm xót thương khi mất đi người chị ruột thịt. Người đàn bà kính đen vừa nhìn đã nhận ra điều bất thường ngay những không vạch trần tên vô lại trước mắt.
“Thật thất lễ quá, nhưng xin tự giới thiệu tôi là người của ông Giản, là… cha của cháu gái anh. Chuyện của cô Lê Tư Anh hẳn là anh cũng biết rồi.”
“Ừ, đáng tiếc thật. Chị tôi đã làm những trò ngu ngốc không chịu được. Cũng may là ông chủ của bà đại nhân đại lượng không chấp nhặt chị tôi, rất bao dung cho cái Vũ Gia. Thì gia đình chúng tôi cũng rất là cảm kích.”
“Những năm qua ông chủ cũng là thân bất do kỷ, không thể đón cháu Vũ Gia về nhận tổ quy tông sớm hơn. Chúng tôi rất xấu hổ vì đã làm phiền gia đình lâu như vậy.”
“Chà chà, xem bà nói kìa. Có gì đâu mà phiền cơ chứ? Ông chủ của bà chẳng phải vẫn gửi tiền chu cấp cho cháu gái tôi hàng tháng đấy ư? Có trách thì phải trách bà chị tôi không nên thân cứ đỏng đảnh từ chối ngược xuôi, phiền hà ông chủ. Nhưng mà bà yên tâm, Vũ Gia trong tay chúng tôi lớn lên rất khỏe mạnh, tôi tuyệt đối không phụ kỳ vọng của ông chủ bà đâu.”
Bà nghiêm giọng, càng ngày càng không ưa cái kiểu ra vẻ ta đây của Lê Tư Vũ. Nhưng trên miệng bà vẫn niềm nở cười. Đang chuẩn bị lên tiếng thì bà Lê kéo tay một đứa trẻ đi vào. Bà đẩy nó lên trước, rụt rè mà cũng đầy tự hào nói với người phụ nữ kính đen: “Đây, nó là Lê Vũ Gia, con gái của Lê Tư Anh.”
Đứa trẻ sợ sệt muốn lùi lại nhưng bàn tay ghim vào lưng nó đau nhói buộc phải tiến lên. Nó mặc một bộ váy hồng lỗi thời, xơ cứng, và thậm chí còn tỏa ra mùi gì đó là lạ, giống như món đồ cũ kỹ yếm khí bị cất ở đáy tủ quá lâu rồi bị người ta xịt thứ nước hoa rẻ tiền để lấp liếm.
Vũ Gia sợ hãi khi bị sáu người áo đen và ông cậu hay la rầy cô bé nhìn chòng chọc. Nước mắt chẳng hiểu từ đâu làm nóng hai hốc mắt em. Vũ Gia vội đưa tay lên quẹt nhưng trên má lại khô cong.
Cậu vẫy tay với cô bé: “Nào Vũ Gia, ra chào các ông các bà đi nào!” Ánh mắt hắn nhìn đứa bé đầy vẻ dã tâm và ham muốn kiểm soát bệnh hoạn.
Cô bé sợ sệt nhìn xung quanh, quay đầu lại nhìn bà thì bị đẩy lên phía trước. Nhìn người cậu mỉm cười nhắc lại câu nói, cô bé run rẩy bước đến. Những bàn tay đầy mùi khói thuốc chạm vào cánh tay nhỏ bé của em, mùi nôi nồng từ miệng người đàn ông quệt qua tóc và tai khiến em giật mình.
“Khà khà, con bé thật xinh xắn đúng không? Nó là niềm tự hào của chị gái tôi đấy. Nào Vũ Gia, cậu đã dạy cháu phải chào hỏi khi gặp người lớn mà nhỉ? Ài chà, bình thường ở nhà cháu nó ngoan lắm mà. Chắc tại hôm nay nhiều người lạ quá nên nó hơi hoảng một chút thôi, chứ bình thường nó biết nghe lời lắm!”
“Thôi được rồi. Tôi xin phép vào thẳng vấn đề luôn nhé. Hôm nay tôi thay mặt ông bà chủ đến đây xin phép gia đình cho chúng tôi đón con gái Vũ Gia của ông chủ về. Tấm lòng của các vị với cô chủ nhỏ là không sao kể xiết, ông chủ rất cảm kích gia đình vì những năm qua đã hết lòng chăm lo cho cô bé. Chúng tôi quả thật có hơi vội vàng nên đã chuẩn bị chút quà mọn mong ông bà không chê…” Bà đẩy chiếc va li đen người đàn ông phía sau vừa đặt lên bàn. Bà nhấn chốt, chiếc va li mở ra để lộ những xấp tiền mặt giá trị liên thành.
Một tay trợ lý khác đặt một chiếc va nhỏ hơn lên, mở ra bên trong là hai cuốn sổ đỏ. Bên trên là hai tờ hợp đồng pháp lý dày cộm.
“Tất nhiên, chúng tôi đường đột như vậy quả là không phải phép lắm, nên mong gia đình không chê mà nhận chút lòng thành này của ông chủ tôi. Bên phải là mười tỷ đồng, còn bên này là hai mảnh đất đẹp gần vùng này mà ông chủ đã cất công tìm kiếm để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công dưỡng dục con gái của gia đình.”
Mắt Lê Tư Vũ sáng rực lên, gã quên mất phải giữ chặt tay Vũ Gia. Cô bé vừa thoát khỏi bàn tay khống chế thì gã thụp xuống đất. Những người khổng lồ đen ngòm trước mặt và con quái vật sau lưng để lại nỗi sợ điếng người với một đứa nhỏ bảy tuổi với chiều cao của đứa nhỏ lên năm.
Người phụ nữ áo đen thấy vậy thì khẽ thở dài trong lòng. Nhưng thật may là bà đã đoán đúng, tên Lê Tư Vũ kia đúng là cặn bã hám tài, cũng tốt, đỡ bao nhiêu thời gian và công sức đàm phán.
“Vậy cô chủ…”
Lê Tư Vũ chợt sực tỉnh khỏi cơn mộng sang giàu sang, thoát ra từ những tháng ngày sướng như tiên. Gã vội vàng nhấc bổng Vũ Gia lên đưa ngang qua bàn.
“Đương nhiên là nó là của các bà rồi. Sông có nguồn cây có cội, người sống phải nhận tổ quy tông chứ? Đằng này nó còn không phải họ Lê nhà tôi, giấy khai sinh còn không ghi vậy…”
“Cảm ơn ông đã hợp tác. Còn bây giờ thì mời xem qua những bản hợp đồng này…”
Người phụ nữ để người trợ lý đỡ lấy Vũ Gia, còn bản thân bà thì đổi cái nhìn sắc lạnh với Lê Tư Vũ.