bởi July D Ami

2
2
2110 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1


Ngày còn nhỏ, gia đình tôi nghèo lắm, nên cái Tết chẳng mấy đủ đầy. Nếu như tôi sống trong một khu dân nghèo, hoặc chỉ tiếp xúc với những người nghèo để thấy mình và họ không khác biệt, thì có lẽ tôi đã chẳng tủi thân. Hàng xóm nhà tôi thì không quá giàu, nhưng họ hàng của tôi lại có những người rất giàu, để tôi tự thấy rằng mình đáng thương đến mức nào. ^^ Nhưng may thay, hồi nhỏ tôi cũng không nghĩ quá nhiều, chỉ là bây giờ già rồi, thấy tuổi thơ của mình thật đáng thương.

1. Tôi không biết tại sao nhà tôi lại nghèo. Vì mẹ tôi là một người có học thức, lại chăm chỉ. Vì bố, mẹ từ quê ra phố, bỏ nghề giáo viên để làm công nhân lương ba cọc ba đồng. Mẹ tôi ngoài làm công, còn làm thêm rất nhiều thứ, nhưng cũng chỉ đủ tiền nuôi ba chị em tôi đi học. Sau này, tôi mới biết lý do mẹ nghèo, là vì có mình mẹ nuôi mấy chị em tôi thôi, còn bố thì không. Không những thế, bố còn lén lấy tiền của mẹ đem cho anh chị em và các cháu bên nội, hoặc là báo nợ để mẹ phải trả. Những thứ đó mẹ chưa từng than, đến lớn tôi mới biết. Thương mẹ.

2. Mẹ nghèo, nên tôi chưa bao giờ oán trách mẹ. Tôi thương mẹ còn không hết. Quanh năm tôi chả bao giờ được mua quần áo mới. Tôi là con út, chuyên mặc thừa quần áo của các chị, hoặc xin hàng xóm, người quen. Ai cho cái gì thì nhà tôi đều mặt dày nhận hết. Lúc đó tôi không nghĩ mình mặt dày, hoặc đáng thương. Tôi chỉ nghĩ đó là niềm vui của người được nhận quà. Sau này có đôi ba lời gièm pha, tôi mới biết mình trong mắt họ không khác gì lũ ăn mày. Những bộ quần áo tử tế nhất của tôi chính là bộ đồng phục, cho nên đi chơi Tết tôi cũng mặc đồng phục. Chi tiết này cũng được tôi nhắc đến trong truyện "Những chiếc áo len", lần nào đọc lại truyện này tôi cũng khóc, vì nó viết từ chính cuộc đời thật của mình.

3. Tôi không biết Tết như thế nào là tươm tất, những thứ mẹ tôi cố gắng nhất là mua được ít đồ để cúng giao thừa, vài ba mớ kẹo rẻ tiền và hạt hướng dương để phòng khi có khách tới. Nhà tôi thì ít khi có khách tới chơi Tết lắm, vì nhà nghèo người ta cũng chẳng thích giao du. Có bố tôi hay nhiệt tình đi chúc Tết một vòng quanh hàng xóm, còn hàng xóm chả mấy khi đến nhà tôi. Mà có đến họ cũng không lì xì. Con nhà nghèo, chắc không xứng để lì xì thì phải.

4. Nhà tôi thường không mua đào hay quất, những thứ đó thật là sa xỉ. Mẹ không có tiền. Thi thoảng có năm tới sát giao thừa bố mới đi kiếm được một cành đào hoặc quất hạ giá, người ta không bán thì cũng phải bỏ đi à. Sau này, tôi mới biết có vài lời khinh mấy kẻ mua cây sát Tết như chúng tôi lắm. Vì làm thế thì khổ người bán cây. Nhưng mà tôi muốn mua sớm cũng chả có tiền. Nghèo nó vậy đấy. Có năm, em họ lớn hơn tôi ba tuổi đi lượn đường, nhặt cây người ta đã vất đi đem về cho nhà tôi. Em nói có mấy nhà mua cây từ sớm, gần Tết hoa đã nở gần hết, họ không thích nên vất đi và mua cây mới. Thế là em nhặt về đem cho nhà tôi. Hình như năm đó là năm đầu tiên nhà tôi có đào, chứ bình thường mẹ chỉ muốn mua quất thôi. Quất còn có thể vặt quả mà ăn, chứ hoa đào để ngắm không có tác dụng gì. Cái nghèo nó giết chết sự lãng mạn là có thật.

5. Tết, mẹ tôi mua con gà để cúng. Nói chung, giao thừa cứ phải có gà để cúng. Tối giao thừa, bố rủ hàng xóm tới nhậu, ăn mất con gà của mẹ. Đêm đó mẹ không có gà để cúng. Mẹ khóc.

6. Tôi nhớ sau này khi đã đi lấy chồng, chị gái tôi kể cũng có mua can rượu để góc nhà cho mẹ cúng giao thừa. Tới lúc cúng cũng mất tiêu can rượu. Chị hay bảo nhà này lạ lắm, có cái gì sểnh ra cũng mất, ai biết đâu mà canh phòng.

7. Bố tôi hay kiếm cớ cãi nhau với mẹ. Năm mẹ mua vàng giấy thì bố hỏi sao không mua vàng hộp, năm mẹ mua vàng hộp thì bố trách không mua vàng giấy. Rõ ràng là chỉ mình mẹ làm, bố chẳng đỡ đần gì, nhưng hở ra là trách mắng. Mẹ tức, cãi nhau với bố. Chị em tôi chán, đắp chăn kín qua đầu đi ngủ, không muốn đón giao thừa gì sất.

8. Tôi rất nhớ quãng thời gian ông bà ngoại tôi còn sống, khi đó tôi thực sự cảm nhận được không khí của Tết. Bà tôi hay nấu chè bà cốt, rất ngọt và đặc. Mọi người hay chê món chè của bà. Nói thật thì bà không phải người nấu ăn ngon, vì hồi xưa khi ông đi bộ đội thì bà là người cáng đáng kinh tế, ít khi ở nhà nấu nướng lắm. Tôi không thích ăn đồ ngọt, nhưng lại thích ăn chè của bà. Tôi có cảm giác, cứ phải ăn món chè đó mới có cảm giác của Tết thì phải. Tôi rất yêu ông bà tôi, vì trong mắt ông bà thì cháu nội cũng như cháu ngoại, cháu con nhà giàu cũng như con nhà nghèo, ông bà đều mừng tuổi bằng nhau hết.

9. Đã có lúc tôi ghen tị với đứa em họ sàn sàn tuổi của mình. Nhà nó rất giàu, Tết nhất khách ra vào nườm nượp, và dù nó đang ngủ trên phòng thì cũng có người gửi lì xì cho nó. Thời xưa tiền có giá lắm, mà Tết nào nó cũng gom tiền mừng tuổi nhét được đầy con lợn đất. Còn tôi, khách đến nhà nhìn thấy tôi ngồi đó còn ngó lơ không mừng tuổi, tôi lại còn tưởng họ không nhìn thấy mình. :))). À, tôi còn thắc mắc nữa cơ, khách riêng của nhà em họ đến chơi, mừng tuổi mỗi em họ thôi đã đành. Đằng này, những người họ hàng trong họ nhà tôi, chỉ chỉ lén mừng tuổi riêng cho em, và chừa tôi ra cứ như thể tôi không phải cháu của họ. Sau này tôi cũng hiểu, hóa ra nhà tôi nghèo, mừng tuổi cũng chả tạo dựng được quan hệ gì. Nhưng em thì khác, cậu mợ tôi làm to, còn có thể nhờ vả việc nọ việc kia, nên mừng tuổi em nhiều mới có giá trị.

10. Mẹ tôi rất yêu các em trai mình, là các cậu của tôi. Mẹ tôi có gì ngon là chia phần, bắt tôi đem tận nhà các cậu. Nhưng những thứ mẹ tôi quý, mẹ tôi cho, lại chả là gì trong mắt các cậu, các mợ. Khi tôi đem đồ đến biếu mợ, mợ tôi có vẻ không vui, vì sợ tôi sang xin tiền. Mà tôi có xin đâu, tôi chưa từng xin mợ một cái gì cả trong đời. Thật đấy!

11. Cũng có lần mợ mua món gì đấy, cũng chia phần. Mợ gọi điện cho mẹ tôi, bảo sang lấy. Mẹ lại bảo tôi đạp xe sang nhà mợ. Tôi không muốn sang, tôi không cần. Tôi bảo mẹ: sao khi nhà mình cho thì sang tận nơi cho, còn mợ cho lại gọi mình sang lấy. Mẹ tôi bảo tôi so đo, nhưng cũng không bắt tôi đi lấy đồ nữa. Năm đó tôi biết tự ái rồi.

12. Lễ Tết, hầu như mấy chị em tôi phải dọn dẹp rửa bát. Chúng tôi mà không làm là mẹ mắng, mẹ bảo con mà không làm là người ta chê mẹ. Nhưng các em họ tôi (chỉ tính em gái) thì chả phải động tay động chân cái gì. Mợ tôi luôn lấy lí do em bận học để lên gác nghỉ ngơi, chỉ lúc ăn mới xuất hiện. Còn em trai thì thôi khỏi nói, cũng có thấy đứa nào làm gì. Có những lúc tôi bảo mẹ: sao em họ không làm mà toàn bọn con làm. Mẹ tôi mắng: mấy đứa không làm thì để mẹ làm, được chưa. Cuối cùng, chúng tôi lại phải làm, nếu không thì lại chỉ mẹ tôi làm hết. Còn mợ tôi, là con dâu, nhưng chả thấy đụng tay vào việc gì, cũng không thấy ai bắt mợ làm gì. Hay tại nhà mợ giàu nhỉ?

13. Sau này, tôi đi lấy chồng, chúng tôi vào Nam lập nghiệp, nên cũng chả ở bên nội, cũng chả ở bên ngoại. Lúc mới vào SG, chúng tôi cũng hai bàn tay trắng thôi, nghèo lắm, nên để đủ tiền mua vé về quê ăn Tết thì phải dành dụm cả năm trời. Xót của. Nhưng mà nhớ nhà, nên năm đầu cũng ráng thu xếp về quê. Để vé rẻ hơn chút, chúng tôi đợi sau Tết mấy ngày mới về, tức là chơi được vào dịp rằm. Thôi thì cũng gọi là về quê, được gặp gia đình cũng vui vẻ rồi. Nhưng lần đầu ăn Tết đó cũng là lần tôi ám ảnh tới già. Vì trong dịp Tết có một ngày giỗ. Hóa ra nhà anh giỗ còn đáng sợ hơn nhà tôi. Nhà tôi, ít ra chỉ con gái làm nhưng có người này phụ người kia, tôi không có một mình. Còn ở nhà chồng, chỉ có 1 mình tôi nấu nướng từ A-Z. Tôi nấu xong xuôi, anh phụ tôi mang đồ lên. Khi tôi mang món cuối cùng lên, và định ngồi xuống ăn thì bị sai đi gọt hoa quả. Chồng tôi nói tôi còn chưa ăn miếng nào, mà không biết có ai nghe thấy không. Tôi đành xuống gọt hoa quả và mang lên. Cùng lúc đó là mọi người ăn xong và kêu tôi dọn dẹp. Cho đến khi tôi bưng bát đũa xuống và rửa bát, bụng tôi vẫn chưa có một miếng nào. Mọi người chào hỏi và ra về, tôi thì trong bếp khóc. Bữa đó, tôi vét được lưng bát cơm nguội và rưới nước mắm ăn tạm. Bao món tôi nấu, tôi còn chả biết nó ngon lành ra sao.

14. Sau này nữa, tôi không về quê Tết. Ngoài Bắc lạnh lắm, con tôi về hay bị ốm, mà phòng khám lại đóng cửa. Hơn nữa, vì không sống ở Bắc, nên không sắm sửa quần áo nhiều, thành ra chẳng có đồ để mặc. Tôi thì dễ rồi, tôi có chị gái, mượn tạm là xong. Còn chồng tôi phải mặc quần áo bố chồng, nom cũng hơi kì kì nhỉ. Con trai lớn thì mượn đỡ quần áo cũ của anh họ, còn con gái thì chịu. Nhà tôi có mỗi con tôi là con gái, nên biết mượn ai bây giờ. Về quê ăn Tết cũng chẳng có không khí vui vẻ như sách báo vẫn ghi. Có lẽ vì ám ảnh tuổi thơ quá lớn. Chồng tôi cũng không có nhiều ký ức vui vẻ, nên cũng chẳng muốn về. Tết nhất, tự nhiên thấy cứ buồn buồn.

15. Tôi có gia đình riêng, sắm Tết theo cách tôi muốn. Trong Nam chả có họ hàng, Tết cả nhà đóng cửa chơi game hoặc lượn lờ dẫn con đi chơi. Không có không khí của một gia đình lớn, kể cũng hơi buồn thật. Nhưng về quê, cũng chưa chắc đã có không khí của một gia đình lớn, lại gặp nhiều cảnh chạnh lòng. Tôi không biết nữa, cho tới giờ, Tết cứ đem lại cảm giác kì quái sao đó, có lẽ tại lỗ hổng quá lớn trong quá khứ khiến niềm vui không được trọn vẹn. Sau này, tôi cố gắng bù đắp cho con. Tôi mong rằng con cháu mình sau này sẽ có niềm vui của ngày Tết.