#1. Bóng tối che mờ quá khứ, mờ mịt bao lấy tương lai
Xuân - hạ - thu - đông, chu kì bốn mùa ấy cứ trôi qua như một điều hiển nhiên mà tạo hoá sau bao năm đổi dời có được. Nhiều người thích mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, của những buổi tụ tập ngồi bên nhau trông bánh đón giao thừa, hương thơm nồng đượm mà mang nét văn hoá dân gian lâu đời của những đòn bánh chưng bánh tét thêm ấm lòng những người đi xa trở về. Mùa xuân, mùa của lễ mừng năm mới, mùa của sự đoàn viên gia đình. Hoặc mùa xuân, chỉ đơn giản là trẻ thơ có quần áo mới, tung tăng trên khắp phố phường bằng nụ cười ngây thơ mà thuần khiết, trong trắng.
Xuân năm nào của bé Xuân, hình như cũng đa sắc màu như vậy.
Đó là khi bố Xuân vẫn còn là người đàn ông mẫn cán và tận tâm với công việc làm công nhân trong nhà máy nhựa. Là khi mẹ Xuân còn là người phụ nữ làm nội trợ với nụ cười luôn thường trực trên môi. Và hai anh em Hạ - Xuân vẫn là những đứa trẻ hạnh phúc với sự thương yêu của hai đấng sinh thành. Nhưng giờ thì...
"Mày... đi ngoại tình với thằng nào? Loại đàn bà... hức... như mày mà cũng có người cần à? Trả lời... trả lời đi..."
Ông Hùng lại tụ tập với đám "hồ bằng cẩu hữu", với những kẻ chỉ biết thổi vào tai ông những lời đồn phù phiếm không có thực. Nhưng lòng hổ thẹn và tự trọng của một thằng đàn ông khiến ông tin tưởng lời họ nói, bởi bản thân ông bây giờ là một kẻ vô công rỗi nghề chỉ biết bám vào gấu váy người đàn bà, một kẻ không thể cho người phụ nữ của mình cái ngưỡng hạnh phúc mà bà nên có. Chẳng biết từ bao giờ, ông bắt đầu sa vào những cuộc chè chén nhậu nhẹt xuyên đêm, sau chuỗi ngày ấy là những trận cãi vã không ngừng nghỉ của ông Hùng và bà Hương, là những trận đòn vô căn cứ mà ông giáng xuống thân thể vốn đã yếu ớt của người đàn bà, là những vết bầm xanh tím trên người và cả những giọt nước mắt uất nghẹn mà bà Hương rơi.
Có phải sự tồn tại của anh em Xuân trên đời này là sai? Có phải nếu mẹ Xuân không lấy phải một người đàn ông "vô dụng" như ông Hùng, thì cuộc đời của mẹ đã không lâm vào tình cảnh lo trong lo ngoài, vừa làm đàn ông gánh trụ cột trong nhà, vừa làm một người phụ nữ để chăm lo con cái, lại còn phải chịu sự dè bỉu và khinh thường, kinh tởm nơi người bạn đời của mình?
Thực ra, bằng suy nghĩ của đứa trẻ tám tuổi, Xuân vẫn biết rằng mẹ có thể lựa chọn một phương án khác. Mẹ có thể bỏ đi, nơi nào không quan trọng, chỉ cần đi đến một nơi bố không tìm ra, ở đó tiếp tục xây dựng một cuộc sống khác, mẹ vẫn sẽ có được hạnh phúc. Nhưng bà Hương chỉ lắc đầu, cười buồn.
"Phận đàn bà, lấy gà theo gà lấy chó theo chó. Bỏ đi, nói thì dễ, làm mới khó. Vả lại mẹ cũng không có nơi để đi, vì các con, mẹ có thể nhịn."
Xuân không hiểu, đàn bà thì sao? Vì đâu đàn ông có thể dễ dàng vứt bỏ người phụ nữ bên mình lúc khó khăn, để đến với người đàn bà trẻ hơn đẹp hơn? Vì đó là bản tính của đàn ông, có mới nới cũ. Hay là vì họ cho rằng chi chút tiền trợ cấp là đủ để vứt bỏ người vợ tào khang? Đàn bà thì sao? Là đàn bà nên mới phải đèo bòng con cái, chèo chống gia đình hay sao?
Lại một trận đòn giáng xuống, anh Hạ nghẹn ngào ôm lấy tấm thân gầy yếu của bà Hương, thay bà chịu mấy đòn của ông Hùng. Còn Xuân, chỉ biết co rúm ngồi vào một góc nhà, run run ôm chặt thân thể lạnh toát và cố gắng lau đi giọt nước mắt hoảng sợ tột cùng của mình. Mọi lần chỉ qua vài ba cái tát là ông đã "tạm tha" cho bà Hương, và lại tiếp tục "bài ca không quên" của mình. Nhưng hôm đó thì không, có lẽ bị ai đó khích tướng nên ông trông rất điên tiết. Ông chống gậy vào bếp vơ lấy con dao, mẹ Xuân thấy thế vội lôi tay anh Hạ, hét lớn trong khi khoé miệng vẫn đang nhỏ tong tong những giọt máu.
"Con Xuân đâu... mau chạy đi với mẹ... nhanh lên... bố mày điên rồi..."
Mọi giác quan của Xuân dường như ngừng hoạt động, chân tay nó bủn rủn như sợi bún, và nước mắt thì vẫn không thôi chảy trên đôi hàng mi của một đứa trẻ chưa trưởng thành. Mẹ ôm lấy Xuân từ trong góc nhà, kéo tay anh Hạ, lẩn trốn vào những hàng cà phê rậm rạp phía sau nhà.
Hình như hôm ấy, là giao thừa thì phải. Khoảnh khắc nằm trên tay mẹ, gục đầu xuống vai bà, nghe những tiếng gió lướt vùn vụt qua tai, Xuân vẫn nghe được tiếng pháo nổ đùng đoàng. Ngẩng đầu lên, khoảng không rộng lớn vốn đen kịt bây giờ đã được thắp sáng bởi hằng hà sa số những ánh pháo đầy màu sắc, Xuân nghe đâu đó có tiếng người ta đồng thanh chúc mừng năm mới. Nhưng nó, lại ghét âm thanh rộn rã tươi vui này.
Bởi trong một gốc cà phê tối tăm, Xuân bây giờ chỉ có thể nương nhờ tiếng thở nặng nhọc và những âm thanh sụt sùi của mẹ để biết rằng mình đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng tồi tệ. Thế rồi, tiếng bước chân nện thình thịch lẫn với tiếng gậy gõ đều lên mặt đất từ đâu vọng tới, bàn tay còn đang vương những giọt nước mắt ấm nóng áp chặt vào mặt Xuân. Tiếng thút thít lặng hẳn, cùng với đó là giọng nói mà Xuân đã từng cảm thấy rất ấm áp vang lên.
"Mày chạy đi đâu rồi...để tao mà tìm được mày tao sẽ băm vằm mày ra thành trăm mảnh..."
Trong giọng nói của bố lúc này, Xuân chỉ nhận thấy sự thô thiển và đáng sợ. Không còn sự ấm áp ngày nào nữa, đây không phải bố Xuân! Bố sẽ không như vậy, bố trong mắt Xuân trước giờ là một người đàn ông có nụ cười hiền hoà luôn chiều theo những trò nhõng nhẽo vô lí của Xuân, bao dung cho sự nghịch ngợm phá phách của anh Hạ. Bố, à không, người đàn ông này không phải là bố Xuân!
Xuân ghét bố! Ghét tiếng pháo mừng năm mới! Ghét mùa xuân! Và ghét luôn cả cái tên của mình!
.
Giật mình choàng tỉnh từ cơn ác mộng, Xuân lắc lắc đầu, cố xua tan những hình ảnh vẫn đang chập chờn trong đầu óc. Gối và chăn đệm đã ướt mảng lớn, có lẽ là do mồ hôi lạnh trong cơn ác mộng lúc nãy, hoặc cũng có thể là... nước mắt chăng?
Căn phòng vẫn vắng lặng không tiếng động, không chút ánh sáng, dường như cũng thiếu đi cả sinh khí con người. Xuân mở cửa sổ, để mặc cơn gió đêm lạnh buốt thốc vào mặt, có như thế thì nó mới tỉnh táo đôi chút. Nhưng, vùng trời đang được thắp sáng bởi những ánh pháo lại lần nữa khiêu gợi những kí ức đau thương trong lòng Xuân. Lại một đêm giao thừa nữa trôi qua, Xuân đang ở trên cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người, thế mà, bên nó lúc này không có bóng dáng mẹ nữa.
Bà đã đi rồi, cũng vào một đêm giao thừa giống như vầy vào ba năm trước.
Trách nhiệm nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và một người đàn ông, cùng những trận đòn không ngơi nghỉ mà bố giáng xuống làm rút cạn thân thể gầy còm của mẹ Xuân, dần tích tụ và ăn mòn sức khoẻ của bà. Đến một ngày, khi không còn có thể gắng gượng được nữa, bà cứ thế từ giã cõi đời khi vẫn mang niềm tự trách và nuối tiếc khi không thể cho hai anh em Hạ và Xuân một gia đình hạnh phúc. Nhưng cả Xuân và Hạ đều biết, mẹ đã làm rất tốt rồi, tốt đến nỗi vượt qua cả rào cản mà một người phụ nữ có thể làm được.
Có ai đó đã nói, rằng thứ mong manh dễ vỡ nhất trên đời này không phải là thuỷ tinh, mà chính là trái tim người phụ nữ. Một lần thất vọng có thể du di mà bỏ qua, nhưng hai, ba lần, hoặc thậm chí nhiều hơn thế, thì tim phụ nữ sẽ xuất hiện những vết rạn không thể cứu vãn. Để rồi đến cuối cùng, mẹ Xuân đã xem bố như một người 'vô hình', và không quan tâm lẫn không thèm để ý đến mỗi lời ông nói nữa, trái tim mẹ cũng từ đó mà đã nguội lạnh, đã chết rồi.
Sau ngày mẹ mất, thay vì đau lòng thì bố lại càng uống nhiều rượu và đổ hết cơn thịnh nộ vào Xuân. Có lẽ bởi vì Xuân càng lớn càng giống mẹ, hoặc cái vẻ trơ trơ ngờ nghệch của Xuân làm ông phát ngán. Cơn nghiện rượu làm chân tay ông ngứa ngáy, chỉ mong đổ được một hớp rượu vào miệng cho bớt khát. Ông bấu vào bản lề cửa, nhìn chòng chọc vào đứa con gái đang chăm chỉ nảy bắp trước nhà, hất hàm ra lệnh.
"Con Xuân... mày đi mua cho tao ít rượu... Nhanh lên."
Ánh mắt Xuân vẫn chú mục lên trái bắp dài trong tay, nó vẫn đẩy hai ngón tay cái trên những hàng bắp đều tăm tắp, dường như nó không nghe thấy lời ông Hùng nói. Điều đó làm ông điên tiết, ông chống gậy bước thấp bước cao đến chỗ nó, vung gậy quất liên tục lên người Xuân. Phản ứng duy nhất của nó trước trận đòn của người bố là dùng bàn tay gầy trơ xương ôm lấy phần da thịt hằn vết gậy, và cắn chặt răng để không bật khóc.
Tiếng cót két phát ra từ một chiếc xe đạp cũ kĩ vang lên ngay trước ngõ, Hạ chưa kịp dựng xe cẩn thận đã vội vàng chạy tới ôm lấy thân thể gầy yếu của em gái mình. Anh đưa cánh tay cũng gầy không kém lên đỡ lấy cây gậy, giọng khẩn cầu.
"Bố... bố muốn đánh thì đánh con, tha cho Xuân... nó còn đang bị ốm..."
"Ốm yếu cái nỗi gì? Con mấy chả cái... bố nó chỉ sai nó mua có tí rượu cũng không đi... Nuôi cho lớn rồi cũng chẳng làm được gì... Hạ, mày về rồi thì mày đi giúp tao... Nhanh... hức..."
Nhận được câu đáp ứng từ Hạ, ông Hùng hài lòng gật gật đầu, chống gậy liêu xiêu trở lại vào nhà. Hạ xoa đầu Xuân, đỡ nó đứng dậy. Sau khi đưa nó an toàn về phòng và bảo nó phải khoá trái cửa lại, Hạ mới vội vã dựng lại chiếc xe rồi lại tất bật quay ra cửa.
Hạ năm nay hai mươi hai tuổi, chúng bạn bằng tuổi anh bây giờ đứa thì đại học đứa lại lên thành phố kiếm ăn kiếm làm, làng này chỉ còn mỗi anh ở lại. Không phải anh không muốn theo bạn lên thành phố, chỉ là anh không đi được. Bố anh lúc nào cũng chìm trong cơn say nồng của men rượu, hở tí là cầm gậy quất con, mà Xuân thì bướng lắm, đau cũng không khóc, mắng nó cứ như nước đổ đầu vịt hại ông Hùng mỗi lần thấy nó là lửa giận lại phừng phừng nổi lên. Hai cha con mà ở với nhau, khéo có khi ngày sau anh về Xuân chỉ còn là cái xác.
Hạ chỉ đành ở quê làm thuê làm mướn, ai có việc gọi, anh đều đi cả. Nhưng cho dù là chỗ làm cách xa nhà anh cách mấy, thì trưa anh cũng cót két đạp xe trở về nhà, anh lo Xuân không uống thuốc đúng giờ, rồi lại lo ông Hùng hành hạ Xuân. Vừa nhét vội miếng cơm nguội ngắt vào miệng là Hạ đã phải tất tả chạy đi. Già trẻ ai cũng bảo tội gì phải khổ thế, hai anh em dắt díu nhau bỏ trốn lên thành phố luôn là được. Hạ xua đi, bố cho dù có không tốt đến mấy thì vẫn là bố anh, anh không bỏ ông lại được.
.
Một mình chén anh chén chú đến gần nửa đêm, ông Hùng mới buông ly rượu trong tay xuống. Chất cồn tồn đọng từ những ngày trước cộng thêm nửa lít rượu mới vào làm đầu ông nhức như búa bổ, ông chống tay lết ra ngoài cửa, ôm bụng nôn thốc nôn tháo.
Đèn ngoài sân còn sáng, Hạ và Xuân đang tranh thủ đan chút sọt làm bằng dây mây để ngày sau đem bán. Hạ vuốt mái tóc em gái bảo nó vào ngủ trước đi, nhưng Xuân vẫn trơ mắt lên nhìn Hạ, ý bảo nó muốn ngồi cùng anh.
Ông Hùng nghe đâu gần đây có tiếng ca hát và cốc bia chạm nhau, định bụng ra đấy chung vui cái thú năm mới, nhưng cái làng này nhà nào thấy ông là cũng sập ngay cổng lại, bất kể ông có lăn ra ăn vạ hay kêu la mãi họ cũng xem như không thấy. Hừ, khinh ông chứ gì? Ông không có tiền nên khinh ông chứ gì? Chúng mày đợi đó, thế nào rồi cũng có một ngày bị tao vứt cả sấp tiền vào mặt. Đợi đấy!
Ông Hùng đợi mãi, rồi cũng đợi được ngày này. Ông há miệng quẹt chút nước bọt vào tay, đếm từng tờ tiền bẩn thỉu có được từ hành động đáng ghê tởm: bán con!
Phải, Xuân đã bị bán, bán cho một tên nhà giàu nào đấy từ thành phố đang muốn kiếm vợ. Mà cô bé, chỉ mới biết được điều này qua lời lè nhè của cha mình lúc chập tối. Ông nói, vài ngày nữa sẽ có người đón nó lên thành phố sống, bảo nó phải biết cảm ơn khi ông cho nó cơ hội làm người giàu sang.
Hạ biết tin, lần đầu giận dữ và cãi lại ông Hùng. Hạ là người rõ nhất, tết nhất đến nơi, người ta chỉ lo sắm lợn gà gói bánh chưng, mà chẳng còn lo việc đồng áng nữa. Đôi ba đồng lẻ có được từ công việc đan lát, hay chẻ lạt để người ta gói bánh chưng đã chẳng còn đủ để ba cha con ăn bữa no bữa đói qua ngày. Có phải những bữa cơm dần thiếu thịt cá khiến cha anh trở nên đói khát? Hay là cơn nghiện khiến ông dù bán con gái cũng không thể nhịn rượu một bữa?
"Ông đừng hòng lấy em gái tôi ra làm món hàng, muốn làm người giàu, ông tự đi mà cưới."
Ôi, thằng Hạ nó mắng ông. Cái thằng hiền đụt mà lâu nay chỉ biết im ỉm vâng lời nó lại mắng ông. Hùng có làm gì sai? Ông nuôi hai đứa nó nên người không phải là chờ chúng nó báo hiếu đấy sao? Dẫu việc bán con làm ông Hùng hơi ray rứt lúc đầu, nhưng làm vợ thằng nhà giàu thì có gì mà không tốt? Vậy mà hai đứa con này nó lại không hiểu lòng ông, hai bên tai Hùng đỏ bừng, ông xô Hạ ngã dúi dụi, cất giọng bằng âm điệu ngắt quãng của một thằng say rượu: "Mất dạy... quân mất dạy... lớn cho to đầu rồi chỉ biết gân cổ lên mà cãi tay đôi với cha nó... Tao ngang hàng với chúng mày hay sao mà dám nói chuyện với tao bằng cái giọng đó? Nhà đã chẳng đủ ăn, lại nuôi thêm một đứa con gái bệnh hoạn thì có ngày chết đói... Người ta chịu mua nó đã là may, mày lại bày đặt chó chê mèo lắm lông à..."
Hạ biết mình lỡ lời, nhưng cũng không chịu yếu thế: "Mai con sẽ ráng kiếm thêm việc làm, cái nhà này con vẫn gánh được. Xuân sẽ không đi đâu cả, bố trả tiền cho người ta đi."
"Trả tiền... tao cho mày trả tiền này..."
Cùng với mỗi câu gắt, thân thể Hạ lại run lên bần bật bởi những cú quất từ cây gậy của ông Hùng. Xuân vẫn ngờ nghệch đứng một bên, bất chợt, đoạn kí ức năm tám tuổi hiện lên trong đầu Xuân, nó lao ngay vào bếp, xách ra một con dao đã gỉ sét. Nó đưa mũi dao chúi về lưng của ông Hùng, đâm mạnh một cái. Máu từ lưng ông nhuộm đỏ bàn tay nó, đôi mắt vốn đã ngờ nghệch nay lại trơ ra vẻ vô hồn.
Tiếng la hét cùng rên rỉ của Hùng buộc Hạ phải ngước mắt lên nhìn, và đôi mắt anh ngập tràn một nỗi hoảng sợ khi thấy chuôi dao vẫn đang nằm trên hông cha mình. Ông chưa chết, nhưng ông đau, vì đau nên ông la oai oái như heo bị chọc tiết, và cái đau cũng kéo sự tỉnh táo trở về bên ông. Hùng toan rút dao để đâm về phía đứa con gái đang ngẩn người nhìn bàn tay bị nhuộm máu sau lưng, nhưng rồi Hạ đã kịp thời chụp lấy mũi dao. Không quan tâm đến bàn tay đang bị cắt đến rỉ máu, Hạ buông lời van xin: "Bố... bố tha cho em. Lỗi ở con, là con không trông em tốt. Bố, bố thả dao ra, con đưa bố đi trạm xá..."
"Mày tránh ra... tránh ra... tao phải giết cho bằng được cái con này... nó lại dám cả gan lấy dao đâm bố... quân giết cha... tao không để nó sống được..."
Ba bố con anh Hạ cứ quần nhau như thế, mắt ông Hùng long lên sòng sọc, mắt Hạ chỉ có van lơn, riêng Xuân, đôi mắt nó không có gì hơn ngoài vẻ sợ sệt.
Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, huống hồ Hạ đã là một thanh niên trai tráng hơn hai mươi tuổi đầu, trong phút lỡ làng, anh đẩy mạnh người ông Hùng. Lực đẩy khiến đầu ông đập vào cột nhà, con dao trên tay lúc này cắm sâu vào bụng ông. Đôi con ngươi của ông vẫn trợn trừng như không thể tin được chuyện vừa xảy ra với mình.
Không còn thở, bố anh không còn thở nữa!
Gương mặt Hạ tái xanh, anh vừa làm ra chuyện gì thế này? Giết người... anh giết người rồi, còn giết cả bố mình...
"Con... con không cố ý... bố, bố tỉnh lại đi, bố..."
Có lẽ náo loạn bên nhà anh đã khiến hàng xóm chú ý, tiếng xôn xao bên ngoài cổng càng làm Hạ thêm hốt hoảng, anh phải làm gì tiếp theo? Để hàng xóm báo công an và chịu còng tay theo họ lên phường? Không, dù anh không sợ mục xương trong tù để trả giá cho hành động giết người của mình, nhưng anh lo cho Xuân, anh đi rồi, ai sẽ lắng lo từng bữa cơm miếng thuốc cho Xuân? Nó sẽ lưu lạc về đâu khi chỉ còn lại một mình chống chọi với cuộc sống?
Nếu Xuân là một con người bình thường, phải, nếu nó không bị thiểu năng trí tuệ sau cơn sốt năm tám tuổi, không bị mất đi giọng nói cùng tư duy của mình, càng không bị đau ốm triền miên, Hạ đã không đắn đo nhiều tới vậy.
Hạ gắng vượt qua cơn hoảng sợ gần như tuyệt vọng trong lòng, anh vội nắm lấy tay Xuân, gom số tiền còn sót lại trong nhà, gói mấy bộ quần áo và dắt díu nhau chạy đi.
Bỏ lại phía sau lưng những thanh âm huyên náo ồn ào, Hạ và Xuân để cả tuổi thơ và thanh xuân ở lại, nhưng đón chờ họ, là một tương lai mờ mịt không kém.
____
Truy Quang
0:00
29/12/2018