706
12
2381 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

[Review] Mãi mãi là bao xa



Tên truyện: Mãi mãi là bao xa (Trao lầm tình yêu cho anh).

Tác giả: Diệp Lạc Vô Tâm.

Thể loại: ngôn tình, lãng mạn

Quốc gia: Trung Quốc


___

Có thể nói, "Mãi mãi là bao xa" là tác phẩm đầu tiên kéo tôi ra khỏi dòng truyện teen để đến với thế giới ngôn tình. Cái tên cực kì ấn tượng đó lôi kéo và thôi thúc tôi ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy, 


Lấy cái cốt lõi ý tưởng từ tình yêu qua mạng - yêu ảo của giới trẻ ngày nay, khi mà công nghệ thông tin ngày càng ăn nên làm ra, "Mãi mãi là bao xa" là sự hòa quyện của những cung bậc cảm xúc đầy trái ngang, có thể hình dung tác phẩm như một cốc chè thập cẩm, bạn không thể biết tiếp theo mình sẽ ăn gì (nếu như không cố ý nhìn và lựa chọn), không thể biết vị của mỗi loại chè như thế nào nếu như không trải nghiệm nó, không đắm chìm vào cảm xúc mà nó mang tới một lần.


Vị đầu tiên, đắng.


Mở đầu tác phẩm, Diệp Lạc Vô Tâm đã rất khéo léo khi đẩy tình tiết mà vốn dĩ nó nên ở giữa lên làm phần mở đầu. Để ý kĩ một chút, bạn sẽ nhận ra lí do cho việc làm hoán đổi thời gian này: dưới cái nhìn của gần như toàn bộ sinh viên đại học T, nữ chính Bạch Lăng Lăng là cái tên đình đám mà ngay khi nhắc đến cô, người ta sẽ nghĩ ngay đến bốn chữ "hồng nhan họa thủy", hay lượn lờ kết thân với nam sinh, có quan hệ mập mờ với không ít người. Quan Tiểu Úc ban đầu cũng giữ ý nghĩ này khi dọn phòng tới ở với Lăng Lăng, nhưng chỉ trong vòng nửa năm, cô hoàn toàn bác bỏ quan điểm sai lệch này. Bình thường trong cuộc sống, đại đa số chúng ta cũng chỉ nhìn một sự việc nghiêng về chiều hướng mà mình cho là đúng, và có thể phản đối gay gắt những quan điểm trái chiều khác. Nhưng sự việc nào cũng có hai mặt, không suy xét kĩ, bạn có thể bị nhầm lẫn tai hại. Đây là điểm tinh tế đầu tiên mà tôi thấy ở Tâm Tâm khi đem tình tiết này đưa lên thành mở đầu.


Khác với tình yêu ảo đầy ngọt ngào và nhẹ nhàng trong "Yêu em từ cái nhìn đầu tiên" mà sắp tới tôi cũng sẽ review, mối tình của Lăng Lăng và Dương Lam Hàng  ngập tràn những nỗi trắc trở bi ai. Gặp nhau - à không, chưa thể xem là gặp nhau, chỉ có thể xem là chat với nhau qua tấm màn ảo không chân thực nhưng đầy những cám dỗ mà thôi. Cả hai đều không đoán trước được rằng đối phương là người sẽ làm thay đổi cuộc đời, đảo loạn cách sống, thậm chí khiến bản thân bỏ luôn tiêu chuẩn chọn bạn đời mà mình đã kiên trì biết bao nhiêu năm. Có lẽ, những điều trên chỉ có thể hình dung bằng hai chữ: duyên phận.


Họ quen nhau khi Dương Lam Hàng đang ở trong nỗi cùng cực của tự ti và tuyệt vọng, khi trái tim đàn ông trong anh đang giây phút yếu mềm hiếm có. Phương thức ủi ai cùng dòng tin nhắn mà Lăng Lăng để lại gần như đã cứu rỗi anh thoát khỏi bóng tối mà chính mình tự tạo ra. Mà đối với Lăng Lăng, "Vĩnh viễn có xa không" dường như đã trở thành động lực sống của cô, nhắn tin với anh trở thành thói quen không thể thiếu với cô mỗi ngày. Và chẳng biết tự thuở nào, mỗi khi buồn người cô muốn cùng tâm sự đầu tiên là anh, gặp chuyện cũng chỉ muốn kể với anh. Cô vô tư, thậm chí vô tư đến mức chửi rủa Dương Lam Hàng là tên biến thái với "Vĩnh viễn có xa không" mà chẳng hề hay biết hai người là một. Có lẽ lúc đó, Dương Lam Hàng chỉ biết ôm nỗi đau mà cười khổ, nhưng hẳn nỗi đau của anh khi ấy chẳng thể bằng Lăng Lăng lúc hay tin anh đang định cư ở Mỹ. Bởi cô từng ôm mộng tưởng gặp gỡ anh ngoài đời, lục tung các tiệm quần áo chỉ để tìm được bộ váy trắng bồng bềnh giống với hoa loa kèn nhất, hồi hộp nhắn dòng tin rằng cô muốn gặp anh, chờ đợi ngày ngày qua ngày khác để có được câu trả lời của anh. Nhưng ngày nhìn thấy tin mà anh nhắn trong lúc cô offline, mọi sức lực trên người cô như bị rút cạn, mối tình mà cô ôm mộng tưởng bỗng chốc hóa thành bọt bóng, nước mắt cô bất giác rơi khi thấy tên mình được anh viết trên khung chat.


Có ai hiểu được cô lúc này, khi vừa cảm động khi nhận được sự quan tâm của anh, lại vừa đau lòng khi khoảng cách của hai người quá xa để tình yêu được đơm hoa kết trái? Sự vui sướng và tuyệt vọng đan xen, khiến Lăng Lăng chỉ biết mỉm cười trong dòng nước mắt xót xa. Mà khi Lăng Lăng quyết định cắt đứt mọi liên quan với "Vĩnh viễn có xa không" sau ba ngày không có hồi âm từ anh, có lẽ khi ấy cô đã quyết định đi theo lí trí thay vì trái tim.


"Lúc anh suy sụp bất lực thì online chờ đợi cô suốt hai mươi tư tiếng. Lúc anh tìm thấy bình minh, cật lực chạy về phía bầu trời của mình, lại quên mất có một cô gái chờ đợi anh suốt hai mươi tư tiếng đồng hồ."


Vị thứ hai, chát.


Tôi không thích đọc truyện ngược, vì vậy mà tôi ghét Uông Đào. Có lẽ Lăng Lăng cho rằng bắt đầu một tình yêu mới với Uông Đào sẽ khiến cô quên đi "Vĩnh viễn có xa không", nhưng bản thân tôi khi đọc phân đoạn này lại cảm thấy cô ấy làm vậy giống như đang tự ngược đãi bản thân: phải cảm thông cho lòng tự trọng cao ngất ngưởng của Uông Đào, cố gắng làm tốt mọi nghĩa vụ mà một cô bạn gái đúng nghĩa nên làm, mà mỗi khi hai người giận nhau người tìm cô xin làm hòa lại không phải Uông Đào, mà là Trịnh Minh Hạo.


Dù tôi từng cảm động trước sự hi sinh của Trịnh Minh Hạo dành cho Lăng Lăng, cũng như thầm bầu chọn vai nam phụ xuất sắc nhất cho anh ta. Nhưng người làm tôi điên cuồng trước mỗi lời phát ngôn, mãi luôn là Dương Lam Hàng - Vĩnh viễn có xa không.


"Chỗ anh trời đang mưa, anh dường như thấy em đang khóc."


"Anh không nhớ em chút nào hết. Ba trăm bốn mươi lăm ngày qua anh chưa từng nhớ đến em."


"Em là cô gái kiên cường nhất, rộng lượng nhất mà anh từng thấy."


"Tôi sẽ không đổi, bất kể cô ấy có thích tôi hay không, tôi chỉ thích mình cô ấy."


"Em muốn biết Vĩnh viễn có xa không, rất gần, gần trong gang tấc..."


Tôi không rõ cảm giác của Dương Lam Hàng lúc trở về nước và chứng kiến Lăng Lăng tay trong tay với người con trai khác lướt qua anh là như thế nào, có lẽ là đau, là hối hận, cũng có lẽ từ giây phút đó, anh đã quyết định giấu kín tình cảm của mình, bên cô với tư cách một người thầy trong thân phận thật, và là người tri kỉ khi là "Vĩnh viễn có xa không". Vừa là kẻ bắt một người thi tiếng anh cấp bốn sáu lần không đậu như cô đi dịch tài liệu tiếng anh, mặt khác lại giúp đỡ cô mỗi lần cô oán than về tên "thầy biến thái" ấy. Tôi nghĩ rằng tình cảnh mà Dương Lam Hàng đang trải qua, dùng từ "chát" là thích hợp nhất.


Vị thứ ba, say.


Nguyên tắc luộc ếch đã được Dương Lam Hàng áp dụng thành công, sau những chung đụng, quan tâm, lắng lo mà anh dành cho Lăng Lăng, cuối cùng cũng khiến cho cô cảm động. Nhất là khoảnh khắc anh ôm lấy cô vỗ về khi cô chạy đuổi theo cha mình đến vấp té, có lẽ thời điểm đó chính là lúc Lăng Lăng nhận ra tình yêu mà bản thân dành cho "Vĩnh viễn có xa không" nay đã bị san sẻ cho Dương Lam Hàng. Cô bối rối, cô cảm thấy có lỗi với "Vĩnh viễn có xa không" mặc dù hai người chưa từng hứa hẹn điều gì. 


"Lăng Lăng, hoặc bắt đầu, hoặc kết thúc, chúng ta gặp nhau đi."


Có lẽ câu nói này của "Vĩnh viễn có xa không" đã làm cô dao động. Lăng Lăng luôn nghĩ rằng Dương Lam Hàng là thứ xa xỉ phẩm mà bản thân khó lòng đạt được, trong khi mối tình ảo được bồi dưỡng hơn năm năm với "Vĩnh viễn có xa không" có lẽ mới là tình yêu đích thực của đời cô. Vậy nên cô tìm mọi cách để ra đi, thậm chí từ bỏ học tiến sĩ, buông câu thổ lộ với Dương Lam Hàng để anh chán ghét mà đuổi cô đi thật xa. Nhưng chẳng thể ngờ rằng nút thắt lòng vòng giữa hai mối quan hệ thực - ảo đã được gỡ ra trong tình huống đầy trái ngang này.


"Anh ấy là bạn online của em, thầy có thể không tin, em thậm chí còn chưa gặp mặt anh ấy. Nhưng em yêu anh ấy, mất đi anh ấy, em không biết phải làm gì, cả ngày em đều..."


"Lăng Lăng... nghe này... Cuộc đời anh vốn là một đường thẳng, chỉ vì em mà rẽ ngang. Anh chính là người bạn trai ảo mà em chưa từng gặp mặt."


Sửng sốt, bối rối, ngượng ngùng, những cảm xúc đan xen khiến Lăng Lăng cười không được mà khóc cũng không xong. Khi đọc đến phân đoạn này, tôi rốt cuộc cũng có thể buông một tiếng thở phào nhẹ nhõm, qua giai đoạn ngược nhất truyện rồi, tiếp theo sẽ là ngọt ngào trước khi cơn bão tiếp theo kéo đến.


Vị tiếp theo, mặn.


"Một hộp? Không đủ."


Không phải mặn của muối, càng không phải mặn của nước mắt, là mặn của "thịt" cơ, những bạn đầu óc trong sáng xin lướt qua, đầu óc đã bị nhuộm đen giống tôi thì ở lại. 


Chẳng thể phủ nhận, dù câu nói trên rất... ba chấm, nhưng nó lại là câu nói làm nên thương hiệu của Dương Lam Hàng chỉ xếp sau câu "Cuộc đời anh là một đường thẳng, chỉ vì em mà rẽ ngang". Vì  chủ ý "chén thịt cừu sau bao năm nuôi dưỡng" ấy, Dương Lam Hàng thậm chí còn nhờ đến em họ Âu Dương Y Phàm chuẩn bị du thuyền và "những đồ dùng cần thiết". Và vụ du thuyền qua đi, lại tiếp tục đến việc sống chung, rồi gặp gỡ mẹ của hai bên dù cả hai cuộc gặp đều chưa được chuẩn bị từ trước. Họ còn chưa sẵn sàng, thì biến cố đã đến.


Truyền thống tôn sư trọng đạo cùng câu nói "Một ngày làm thầy, cả đời làm cha" dường như đã ăn sâu vào máu từng người dân Trung Hoa. Dù trước đó, Kim Dung cũng đã viết Dương Quá và Tiểu Long Nữ phá bỏ nguyên tắc bảo thủ này, nhưng người đời vẫn không thể chấp nhận được chuyện trái với luân thường đạo lý như vậy. Hơn nữa, ngay cả thứ quan niệm môn đăng hộ đối lúc này cũng được người khác đem lên bàn cân so sánh, và thế là Lăng Lăng rơi vào chỗ yếu thế.


Sau tất cả, cô quyết định ra đi.


Vị thứ năm, chua.


Nếu bạn hỏi tôi, nỗi nhớ được hình dung bằng vị gì? Câu trả lời chỉ có thể là: chua. Đó là cảm giác khi bạn ăn một quả khế, nó chua đến mức khiến bạn phải quăng đi, nhưng sau đó lại tiếp tục hái quả khế khác để ăn, cho đến khi bạn tìm được một quả khế ngọt. Nỗi nhớ cũng vậy, dù biết nhớ nhung cũng chẳng mang lại tác dụng gì ngoại trừ làm đau chính bản thân, nhưng bạn vẫn không kiềm lòng được mà nhớ đến người kia, nỗi nhớ triền miên đó chỉ có thể chấm dứt khi bạn gặp lại người ấy - như khi bạn tìm được quả khế ngọt vậy. Cá nhân tôi cho rằng, phép so sánh này có vẻ hợp với hoàn cảnh của Lăng Lăng khi đến nước Nhật xa xôi lạ lẫm.


Vị cuối cùng, ngọt.


Tất nhiên, sau tất cả thì đây vẫn là một câu chuyện có hậu, nữ chính về với nam chính sau khi anh thành công "gieo hạt" vào người mình. Có lẽ Lăng Lăng đã đủ thành công để sánh vai bên Dương Lam Hàng, đủ dũng cảm để bất chấp dư luận thị phi, đủ kiên cường để cùng anh đối mặt với phong ba bão táp. 


"Hồi ức cả đời anh, chỉ cần có em là đủ."


"Em sai rồi! Em không nên đi! Suýt nữa em đã bỏ lỡ người đàn ông tốt nhất thế giới."


Bát chè thập cẩm đã đầy đủ vị: đắng, chát, say, mặn, chua, ngọt. Có thể nó sẽ làm vị giác bạn trở nên tê liệt vì quá nhiều gia vị, nhưng chẳng phải như thế sẽ tốt hơn khi bạn ăn một bát chè mà chỉ toàn vị ngọt líu lưỡi hay sao? Còn chần chừ gì nữa mà không tận hưởng bát chè thập cẩm mang tên "Mãi mãi là bao xa" này?


Truy Quang

15/1/2019