2. Làm thế nào để xây dựng hình ảnh nhân vật ấn tượng?
Một tác phẩm không thể hoàn thiện nếu không có nhân vật. Nhưng làm thế nào khi nhân vật mình cất công tạo ra lại bị chê nhạt, không có điểm nhấn. Đừng nghĩ ra phải là nhân vật lạ, cá tính hay có nét gì khác với người thường thì mới gây được ấn tượng.
Không hề, đôi khi có những nhân vật nhạt như nước ốc mà chỉ xứng đáng làm nhân vật phụ nhưng vẫn có thể khiến người đọc chú ý như thường. Đó là tại sao?
Bởi dù dù "nhạt nhẽo" thì đó cũng chính là một điểm tính cách để người đọc nhận dạng nhân vật của bạn, và cái bạn viết ra áp dụng đúng cái sự nhạt nhẽo đó thì người ta vẫn sẽ luôn nhớ đến một cô nàng hay anh chàng gắn mác nhạt nhẽo mà bạn xây dựng nên.
Thực ra bí kíp của việc xây dựng nhân vật rất đơn giản, bạn quy định tính cách gì cho nhân vật cũng được, nhưng chúng phải nhất quán với nhau. Đôi khi cũng có sự thay đổi về tính cách nhân vật từ đầu cho tới cuối truyện, nhưng sự thay đổi ấy phải có lý do hợp lý, điều bạn cần chính là xây dựng được "biến cố" để hợp lý hóa sự thay đổi ấy.
Trước khi bắt đầu viết, bạn nên làm một bảng thống kê chi tiết về nhân vật của mình. Tất cả những gì bạn có thể dành cho họ, càng chi tiết càng tốt. Và nên nhớ là phải viết ra, chứ chỉ nghĩ trong đầu không thì chắc chắn bạn sẽ quên đó.
Một nhân vật, cái nhìn đầu tiên chắc chắn phải là ngoại hình rồi. Những thông tin cơ bản như: giới tính, chiều cao, cân nặng, màu mắt, màu tóc, bla bla.... nghĩ ra cái gì thì bạn ghi cái đó. Gắn cùng với ngoại hình thì bạn nên đi kèm theo những hình ảnh so sánh (ví dụ như da trắng như tuyết, môi đỏ như son, tóc đen như gỗ mun... chẳng hạn). Những hình ảnh so sánh này sẽ hữu dụng khi bạn đưa vào trong tác phẩm khiến cho nhân vật của bạn long lanh và rõ nét hơn rất nhiều.
Tiếp theo, tính cách nhân vật. Sau ngoại hình thì người đọc sẽ nhớ đến tính cách nhân vật, nó sẽ thể hiện qua hành động trong truyện cũng như miêu tả của bạn. Hiền lành, đanh đá, ít nói, cục súc... hay bất cứ thứ gì mà bạn mong muốn nhân vật của mình có. Nhưng vẫn chú ý đến sự thống nhất nhé, đừng có mà một cô gái hiền lành ngây thơ nhưng lại đanh đá cục súc thì nó lạc tông lắm đấy nha.
Hoàn cảnh và các mối quan hệ. Nhân vật của bạn không tự nhiên sinh ra, cho dù bạn có muốn giấu bí mật về thân thế của họ (đó là những cái thể hiện qua câu chuyện) nhưng chắc chắn bạn vẫn biết họ từ đâu mà tới. Cho dù là Tôn Ngộ Không thì vẫn có một câu giới thiệu là sinh ra từ tảng đá mà phải không. Cũng không thể quên được các mối quan hệ của nhân vật, từ người thân nhất đến những người xa lạ xung quanh. Chỉ cần bạn xác định được những mối quan hệ nào có ảnh hưởng đến nhân vật của mình thì cũng nên ghi chú lại điều đó, bất kể nhỏ hay lớn.
Sở thích hay những đặc điểm khác. Càng chi tiết càng tốt, đừng nghĩ rằng việc tìm tòi ra chúng là mất thời gian, có thể bạn sẽ không đưa hết tất cả vào trong truyện, nhưng chúng cũng sẽ giúp ích cho bạn đấy. Và bản ghi chép này luôn không hoàn hảo từ lần đầu tiên, bạn có thể sửa đổi và bổ sung nó dần theo tình tiết truyện mà mình cảm thấy hợp lý. Và khi đưa những chi tiết đó vào trong truyện, nhớ ghi chú là mình đã sử dụng rồi nhé, chỉ để nhằm mục đích tránh khi mình mất công nghĩ ra bao nhiêu thứ mà lại quên không khi vào thôi.
*** Được thôi, và bây giờ hay suy nghĩ xem từng đặc điểm của nhân vật sẽ được đưa vào trong truyện theo trường hợp nào, phần này chỉ mang tính chất tham khảo, việc vận dụng nó vào hoàn cảnh thực tế chắc chắn sẽ linh hoạt hơn nhiều.
- Nhân vật xuất hiện lần đầu tiên:
-> Với ngôi kể thứ nhất, coi như tự nhân vật giới thiệu về mình đi, đầu tiên chắc hẳn là tên rồi, kế đến có thể kể về gia cảnh, ngoại hình, sở thích.... vân vân và mây mây. Và nhớ rằng, với nhân vật có tính cách hướng ngoại hay nói nhiều thì họ mới hay kể, còn nhân vật của bạn thuộc dạng kiệm lời hay bí ẩn thì dừng ngay màn này lại nhé.
-> Với ngôi kể thứ hai hoặc ba: tóm lại là nhân vật xuất hiện theo lời kể của người khác. Nếu nhân vật xuất hiện trực tiếp trước mắt người kể thì nên nhắc đến ngoại hình, giọng nói trước. Nếu nhân vật xuất hiện gián tiếp chỉ thông qua lời nói thì tùy theo điều gì ấn tượng nhất của nhân vật sẽ là lựa chọn hàng đầu.
- Nhân vật xuất hiện từ những lần sau.
Tùy theo hành động và tình tiết để viết. Những gì đã được giới thiệu lần đầu thì nên tránh lặp lại nhiều lần, trừ khi có sự thay đổi nào đó. Chú ý cả đặc điểm tương quan giữa nhân vật này với nhân vật khác để tạo nên mối liên hệ hài hòa, ví dụ như:
A thích B, ánh mắt A nhìn B sẽ luôn khác hơn so với khi nhìn người khác. Từ chi tiết này bạn có thể vận dụng để đặc tả đôi mắt của A này, không tận dụng hơi phí.
B cao hơn C 30cm, vậy thì C nhìn B luôn phải ngước cổ. Tiện thể thì đem luôn chiều cao của họ ra, những tình tiết được đưa vào một cách tự nhiên như vậy sẽ khiến người đọc dễ chịu hơn.
-------
Hiện tại chị mới nghĩ ra được nhiêu đây, ai có ý kiến hay thắc mắc gì thì chị sẽ bổ sung tiếp. Mong mọi người tiếp tục theo dõi phần sau, cũng về hình tượng nhân vật trong tác phẩm.