bởi Lê Minh

49
2
1425 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

2. Phòng thư viện


Gác lại trò đùa với hai đứa bạn cùng phòng, tôi nhét sách vở vào cặp để lên thư viện. Trường tôi có một chiếc thư viện đẹp mê ly, rộng rãi và hiện đại, không hổ danh là nơi mà nguồn quỹ dồi dào của tỉnh đổ vào. Trước khi học, tôi ký tên “Hoàng Châu Lam” vào tờ khai đã đến nơi. Ký xong định đi thì tôi chợt ngừng lại vì bắt gặp dòng chữ “Vũ Đăng Minh” ngay phía trên đầu của tờ khai trước đó.


Chà, đã học giỏi lại còn chăm chỉ nữa. Ở thành phố mà giờ này chưa về nhà, chứng tỏ cũng bỏ không ít công sức.


Tôi ngồi xuống chỗ trống cuối cùng còn sót lại, nhưng may sao lại ngay cửa sổ, rất vừa vặn để tôi nhìn xuống chậu hoa nhài ở góc sân của tòa nhà. Dưới ánh đèn khuya vàng vọt, nó vẫn đẹp một màu tinh khôi. Tôi mải ngắm nhìn, say sưa ngây ngốc, chẳng kịp mở những trang sách Toán tội nghiệp nằm trơ trên bàn.


“Màu khuya trên những cành hoa nhỏ

Dưới ánh vàng trăng, dạt dào hương.”


Tôi ngẫu hứng chụp một bức hình rồi để lại hai dòng thơ trên blog, không ngừng cảm thán về loài hoa mà mình say mê. Lâu rồi kể từ khi vào năm học, tôi chẳng ngó ngàng đến góc nhỏ này. Nhưng mỗi khi có tâm sự gì, tôi đều trút hết lên blog, nơi mà chỉ có tôi và đứa bạn thân là Chi biết. Nó bảo tôi là giỏi văn thơ, không “dùi đục chấm mắm cáy” như nó. Nhưng tôi cũng không đề cao khả năng của bản thân, chỉ là tôi tự tìm được một cách thích hợp để giãi tỏ lòng mình mà thôi.


Tôi nhìn vào đồng hồ, giật mình nhận ra đã hơn chín giờ rưỡi. Tôi cuống cuồng gập laptop, loay hoay mở sách Toán để bắt đầu ôn. Minh lướt qua chỗ tôi ngồi để về lại bàn mình, tiếp tục vùi đầu vào sách. Chắc cậu ta vừa đi đâu đó giải lao. 


Tôi chợt nhìn cậu, nhìn chăm chăm vào màu áo trắng vẫn mặc từ sáng đến chiều, cũng chỉ thấy bóng lưng cần mẫn và thinh lặng. Chốc chốc, qua ô cửa kính phản chiếu lại chút mờ nhòe, tôi lại thấy vẻ đăm chiêu dường như là gặp bài tập khó của Minh. Chỉ đăm chiêu một lúc rồi lại hùng hục ghi chép, chẳng giống như tôi, cắn bút lơ đễnh vài tiếng đồng hồ. 


Hậu quả là giờ Toán ngày hôm sau, tôi bị thầy gọi lên bảng. Sau mười phút vật lộn, tôi vẫn không vẽ nổi cái đồ thị hàm giá trị tuyệt đối mà thầy đã rào trước là “nhắc rất nhiều lần rồi.” Thầy Thanh là chủ nhiệm lớp tôi, tính tình hiền lành và tuy không quở trách, nhưng nhìn vẻ mặt thất vọng đó là tôi cũng đủ hiểu.


- Em về chỗ nghe thầy giảng lại một lần nữa nhé! 


Dù rằng tôi đã tự biết thân biết phận về thực lực môn này của mình, nhưng tôi vẫn áp lực lắm. Ở một ngôi trường chuyên, ai nấy đều vô cùng có năng khiếu và không ngừng nỗ lực, tôi sợ một đứa vốn đã nằm tốp dưới như mình sẽ càng lúc càng thụt lùi.


Trở về kí túc xá, Chi an ủi tôi:


- Khó quá thì để tối tao kèm thêm. Cũng không đến nỗi đâu, chẳng qua dạo này kiến thức mới nhiều nên mày chưa quen đấy.


Tôi ậm ừ. Chán nản, tôi mở laptop lên, vào blog thì giật mình trước thông báo có bình luận mới. Tôi không hiểu, blog này chỉ tôi và Chi biết, mà nó không bình luận bao giờ, thì ai mà thèm ngó ngàng chứ? Đúng là thỉnh thoảng sẽ có người lạ tình cờ nhấp vào xem nhưng cũng chẳng có ai tỏ ra hứng thú gì. Người này không để ảnh đại diện, chỉ thấy tên tài khoản là “Màu xanh”, với dòng bình luận ngắn ngủi:


“Thơ hay đó.”


Đúng ba chữ. Nhưng cũng đủ khiến tôi vui hết mức rồi hào hứng khoe với Chi. Chi cũng mừng cho tôi, lại còn trêu là tâm trạng tôi cứ thay đổi xoành xoạch. 


- Hay là mày nhắn hỏi làm quen đi! Chào hỏi thử xem người ta là ai!


Ngược lại với vẻ hứng thú của nó, tôi nghĩ bụng, chắc mình chỉ nên gửi câu cảm ơn thôi. Thực ra tôi thấy, nếu người ta tìm hiểu thêm về mình thì cũng không chắc là họ sẽ mảy may quan tâm, thậm chí còn chán hơn, nên tốt nhất là giữ lại ấn tượng về một đoạn thơ “hay” là được. 



Giờ truy bài đầu buổi học, Minh vẫn lên bảng làm nhiệm vụ chữa và sửa những bài khó như thường lệ. Bỗng nhiên, Duy Khánh từ lớp bên xuất hiện trước cửa, í ới gọi xin ít phấn viết. 


- Chúc mừng lớp Chi vì đã được vinh dự tặng phấn cho tớ. 


Trước vẻ cợt nhả của Khánh, Chi chỉ liếc mắt không thèm đáp.


- Sao chưa về lớp đi?


- À, còn một chuyện, sắp phát động phong trào tập san theo lớp rồi đó. - Khánh nói.


- Tớ cũng nghe qua rồi, nhưng đợi thông báo chính thức thì mới nói lại cho lớp.


- Lại thêm một thứ nữa mà lớp cậu lại chuẩn bị thua lớp tớ.


Chi lại lườm cậu ta, vẻ bực tức hiện trên mặt. Minh vẫn bình thản viết lên bảng chi chít những con số và công thức để giảng cho các bạn. Nhưng có vẻ đó chỉ là ngoài mặt, theo lời Chi kể lúc chiều thì khác hẳn:


- Ê trưa nay tao với Minh đi lên phòng truyền thống để xem mấy mẫu tập san các năm trước. Tưởng Minh không hứng thú lắm nhưng lại làm việc nghiêm túc cực kì, vừa xem vừa chăm chú ghi chép. 


- Ồ. - Thư cảm thán. - Nghe là thấy có phong thái của người có thực lực.


- Chứ sao. Cẩn trọng và lễ phép với các thầy cô nữa. - Chi tấm tắc khen.


Cô bạn thân của tôi còn nổ thêm cả một tràng dài “ca ngợi” nữa. Lần đầu tiên tôi thấy nó nói về một bạn nam với vẻ ngưỡng mộ sâu sắc tới vậy. 


- Chính ra tập san chào mừng tuần lễ 20/11 mà bắt đầu sớm thật. - Thư nói.


- Ừ, vì tập san trường mình làm cầu kỳ và sáng tạo phết. Không phải chỉ mỗi thơ văn mà còn nhiều chuyên mục các lớp tự bố trí như một ấn phẩm thực thụ luôn ấy.


Chúng tôi hào hứng bàn luận cả chiều. Nhưng dù chuyện tập san có lý thú tới đâu thì hiện thực về kì thi sắp tới vẫn choán lấy đầu óc tôi. Lần nghỉ lễ này, tôi quyết định không về nhà, dành toàn thời gian trên kí túc xá để tập trung ôn thi. Tôi học từ sáng tới chiều, liên tục nhắc nhở mình phải tập trung hết mức.


Trời dần nhạt nắng, bóng dáng hoàng hôn đậu trên những ô cửa lặng thinh. Cũng phải, nghỉ lễ nên học sinh về nhà hết, chỉ còn lác đác vài bóng người. Tôi đi bộ ra sân trường, ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn và đẹp đẽ, tiện mang theo túi đồ để lát ra cổng mua lấy vài thứ. 


“Ầm”


Chợt, một âm thanh vọng lại từ sân bóng, khiến tôi phải ngoái sang nhìn. Minh ở đó một mình, hăng say chơi bóng rổ. Cậu liên tục nhả bóng, đập bóng rồi lại ném, tiếng “inh inh” của cột sắt dường như mỗi lúc một dồn dập hơn, gắt gỏng hơn.


Cậu đổ mồ hôi đến mức ướt đẫm cả lưng áo nhưng vẫn không ngừng chơi. Giữa trời chạng vạng, hình bóng cao gầy dường như hòa vào cảnh vật, xen giữa bóng nắng đổ dài rồi dần tắt. Tôi chẳng hề nhận ra mình cứ đứng một góc, lén ngắm nhìn mà quên mất thời gian trôi.


Rồi cậu dừng lại, uống một ngụm nước, nói vọng về phía tôi:


- Đứng xem như thế không mỏi à?