3. [NLVH] Phân tích đoạn thơ thứ ba tác phẩm “Vội vàng” (2/3)
Tuy nhiên, cùng chung vấn đề nhưng thiền sư Mãn Giác lại có một quan điểm khác:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
(Cáo tật thị chúng)
Đối với thiền sư, ông quan niệm rằng dẫu cho xuân tàn, hoa rụng, mọi vẻ đẹp ấy đều phai tàn thì vẫn còn một bông hoa nở trước sân. Đó là sự lạc quan, yêu đời, ông không bao giờ sợ hãi năm tháng bởi ông biết rằng vẻ đẹp ấy sẽ mãi trường tồn trong tâm hồn bất diệt con người.
Nhưng Xuân Diệu không như thế. Nhà thơ muốn ôm hết tất cả xuân sắc vào lòng, muốn đóng băng thời gian để giành giật từng sức trẻ.
“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,”
Xuân Diệu oán hận sự hữu hạn của cái đẹp đương thì trước sự vô hạn của thời gian trường tồn. Dòng chảy vô tình của nó đã đem đi thời trẻ của vạn vật trên đời. Khi mà tâm hồn vẫn muốn hòa ca cùng tuổi trẻ nhưng tháng năm ấy cứ vơi dần theo thời gian chật chội. Để rồi nhiệt huyết sôi trào cũng đành bất lực trước quy luật của nhân gian.
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!”
Nhưng, đông qua xuân đến vốn là quy luật tuần hoàn của bốn mùa trong năm. Mùa xuân vẫn sẽ trở lại vào một thời gian khác. Tuy nhiên, nó vốn không còn là mùa xuân năm cũ. Hoa nở rồi hoa tàn, hoa tàn rồi lại nở. Nhưng, đóa hoa ấy không còn là đóa hoa rực rỡ lúc ban đầu. Mùa xuân cũng thế, tình yêu cũng thế và tuổi trẻ cũng như thế. Và vì thế, tuổi trẻ đang rạo rực trong tâm hồn nhà thơ sẽ chẳng bao giờ “thắm lại” lần hai. Xuân Diệu dùng cụm từ “nói làm chi”, một cụm từ khiến tâm hồn ta thổn thức vì sự mất mát ấy.
“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;”
Như hai câu thơ trên đã đề cập đến, “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” vì thế nên “còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi”. Thời gian là vô hạn, nó vẫn tiếp tục trôi qua theo quy luật bất biến vĩnh hằng. Và vì thế, người thi sĩ “bâng khuâng” thương tiếc cho tất cả vẻ đẹp hiện tại.
“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt...”
Đứng trước mùa xuân tràn ngập sức sống ấy, Xuân Diệu căng lồng ngực mình ra, hít trọn hơi thở nàng xuân, nếm thử cái mùi đang “rớm vị chia phôi” mà ông hằng tiếc nuối và trân trọng. Trong cùng một câu thơ nhưng Xuân Diệu đã vận dụng cả ba giác quan của mình là khứu giác (mùi), thị giác (rớm) và vị giác (vị chia phôi). Điều đó cho thấy tình yêu dạt dào của nhà thơ đối với thiên nhiên. Ông trân trọng từng khoảnh khắc tươi đẹp ấy, cảm nhận nó bằng cả thân thể mình như muốn hòa nhập bản thân vào đất trời.