bởi Valerie

1011
44
1870 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Ánh hoàng hôn cuối trời



Họ thấy có đám đông, tò mò, họ đến xem. Họ nôn nao, bàn tán, la ó và cũng chẳng thiếu những lời bất bình hay nguyền rủa. Đâu đó còn xuất hiện những cái lắc đầu, chán nản cùng sự nuối tiếc.

Tất cả ánh mắt đều hướng về phía Phúc, một thằng bé mười sáu tuổi. Đầu nó cúi xuống, chẳng dám nhìn thẳng vào ai, hai tay đã bị còng lại, nó không thể ngọ nguậy, chống trả. Nó im lặng, để mặc công an xã lôi xềnh xệch lên xe. Trông nó lúc này hiền đến lạ thường.

Tiếng xe xa dần, người ta lại chuyển ánh mắt vào căn nhà đã trở nên xơ xác, chẳng còn nguyên vẹn nữa. Chiếc tivi cũ kỹ đã vỡ, chiếc tủ đựng sách vở, bàn học đổ sầm xuống. Quần áo cùng với những mảnh kính cửa vỡ nằm rải rác trên sàn nhà. Đâu đó còn nghe tiếng lộp độp của những mảng gỗ mục trên bức tường đang lăm le rơi xuống đất.

Thằng Phúc được dắt vào trong một văn phòng nhỏ. Và được cho ngồi trên một chiếc ghế, đối diện với hai người công an xã. Một người trẻ tuổi tầm hai lăm, hai sáu tuổi gì đó. Một người nhìn cũng hơn bốn mươi, nghe mọi người thường gọi là chú Nhân.

Anh cảnh sát trẻ tuổi cất tiếng hỏi:

– Tại sao cậu lại làm vậy?

Nó không trả lời, chỉ đưa ánh nhìn xa xăm ra khung cửa sắt nơi văn phòng. Đằng xa xa, bầu trời đỏ rực báo hiệu một ngày nữa sắp trôi đi. Trong tâm trí vang lên một giọng nói đã đeo bám nó suốt cả những thời thơ ấu.

– Phúc đâu... Mày ra đây cho tao!

Một thằng bé tầm tám tuổi đang chơi bi cùng chúng bạn vội chạy vào nhà. Nhìn thấy người đàn ông cao gầy, người toàn mùi rượu, gương mặt dữ dằn khiến bước chân nó chậm lại rồi dừng hẳn.

Thằng bé nhẹ giọng:

– Cha...

Người đàn ông được thằng bé gọi là cha một tay cầm một cuốn vở được lật ra mấy tờ. Một tay liền túm lấy người thằng bé rồi ấn người nó xuống. Ông ta lớn tiếng:

– Chín điểm! Tại sao không phải là mười?

Thằng Phúc lẳng lặng quỳ xuống. Chúng bạn bên ngoài đang chơi bắn bi nghe thấy có người lớn tiếng vì sợ mà bỏ đi hết.

Nó cúi gằm mặt, hai mắt đã nhòe nước. Vội dùng tay quyệt đi hai hàng nước mắt, nói vẫn yên lặng không nói gì. Cảnh tượng này đã trở nên quá quen thuộc đến mức nó chẳng buồn phản kháng.

– Chơi bi này! Không lo học này!

Ông ta đập tới tấp vào đầu thằng Phúc. Rồi lấy dây thừng trói nó lại bên cột nhà. Mặc cho nó có khóc như nào đi chăng nữa.

– Cấm ai cởi trói cho nó. – Đôi mày ông ta xếch lên nhìn mẹ nó đang đứng cạnh cửa gian bếp, hừ một cái rồi bỏ đi.

Phúc nhìn mẹ nó bằng ánh mắt như đang van nài, bà nhìn nó bằng ánh mắt đỏ hoe, lắc lắc đầu rồi đi khuất vào bếp.

Tất cả mới như chỉ diễn ra vào hôm qua, từng ký ức vụn vặt ngỡ rằng sẽ chìm sâu vào quá khứ nay trở nên rõ rệt. Những vết thương lòng mà cha nó để lại, có lẽ thời gian có trôi qua bao lâu cũng không thể xoá nhoà được.

Giọng nó vang lên đều đều trong căn phòng nhỏ. Nó kể không thiếu một chi tiết nào, tựa như một cuốn phim được tua ngược về quá khứ. Nơi cổ họng không biết từ lúc nào trở nên ứ nghẹn, đôi mắt cay xè như có ai đang bóc vỏ hành gần đây. Mà kể ra thì nó bây giờ chính là đang bóc vỏ hành của quá khứ. Từng lớp hành được bóc ra, trong lòng lại thêm đau nhói, đôi mắt lại thêm cay.

Chú Nhân thở dài, trong lòng ông như đang có hàng vạn con sóng trào cuồn cuộn. Không hiểu sao đôi mắt ông lại trở nên nhòe đi.

Người công an trẻ tuổi nói:

– Tôi nghĩ cậu nên đi thẳng vào vấn đề.

– Cậu Tùng... Cái gì cũng có nguyên do của nó cả. Cứ để cho nó kể hết đi!

Chú Nhân vỗ vai người công an trẻ tên Tùng tỏ ý để thằng Phúc kể tiếp.

Thằng Phúc lau nước mắt, lớp sương mù trước mặt dày đặc khiến mọi thứ trước mắt không thể rõ ràng. Nó lại bắt đầu với hành trình quay ngược về quá khứ của mình.

Nó ngửi thấy hương hoa cà phê quen thuộc, trong đầu là hình ảnh giáp tết năm nó mười tuổi. Nó hớn hở mong có được môt bộ quần áo mới. Cả năm vừa qua nó đã không được bộ nào rồi, đi học cũng chỉ có mấy bộ đồ cũ để mặc. Đến lớp toàn bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt.

– Hôm nay cha mẹ cho con đi Quảng Phú nữa nha! Con muốn được mua một bộ quần áo mới.

Thằng Phúc hớn hở nói với cha mẹ nó, gần tết nên cả nhà đi chợ Quảng Phú để sắm đồ. Nó cũng muốn đi theo.

Nghe nó nói thế, cha nó trợn mắt nhìn nó:

– Mày ở nhà làm hết đống bài tập về nhà cho tao.

Nghe xong những lời cha nó nói, nó chỉ đành chuyển ánh mắt sang mẹ nó, hằng mong bà có thể lấy chuyển được cha mình.

– Mẹ!

– Con ở nhà học bài đi, mẹ sẽ mua cho con đồ mới.

Đến gần chiều cha mẹ nó mới về, vừa nghe thấy tiếng xe nó liền chạy ra ngoài xem. Đúng là cha mẹ nó thật!

– Mẹ... Đồ mới của con!

Mẹ nó còn chưa nói gì, cha nó liền vớ lấy túi mẹ nó đang xách. Từ trong đó lấy ra một bì màu xanh, ném vào mặt nó:

– Của mày!

Sau đó ông ta lấy vở bài tập của thằng Phúc ra xem. Không nói không rằng liền lấy một cây gậy đánh nó tới tấp. Lần này nó không khóc nữa, nó ngồi im để cha mình đánh.

Kể đến đây, bỗng nhiên nó co rúm người lại, đôi mày trở nên dữ dằn như đang đấu tranh với thứ gì đó. Nó cười, một nụ cười chua chát:

– Ai ai cũng đều có bè có bạn, chú không thể nào biết được đâu. Cái cảm giác đi chơi cùng chúng bạn, rồi chúng nó nhìn tôi bằng ánh mắt coi thường, khinh bỉ. Chúng nói: “Mày lúc nào cũng đi chơi cùng bọn tao mà chẳng bao giờ mày chi tiền ra". Đâu phải tôi không muốn, mà là tôi không có. Chúng nó rủ tôi đi nhưng rồi lại nhìn tôi bằng ánh mắt hằn học. Tôi sao chịu nổi!

– Vì thế sau khi nhậu nhẹt cùng đám bạn cậu đã về nhà. Đập phá nhà cửa.

– Không hẳn, nếu không phải tại ông ta thì tôi đâu đến mức phải làm thế.

Bên tai nó vang tiếng nói mơ hồ của cha nó:

– Tiền đâu?

– Nhà còn không có gạo để mà ăn thì lấy đâu tiền cho ông.

– Không có tiền này. – Ông ta đạp mẹ nó một cái ngã lăn xuống sàn. Chưa xong ông ta còn đạp lên bụng bà mấy cái. Bà chẳng nói gì, cũng chẳng kêu ca mà chỉ nhíu mày chịu đựng.

Chẳng phải lần đầu phải chứng kiến cảnh cha xin tiền mẹ, không được thì đánh. Thấy vậy nó liền vào nhà can nhưng không được. Cha nó dù người đã có chút men rượu nhưng vẫn khỏe hơn nó nhiều.

Không can được nó liền chạy ra ngoài sân tìm một cái gậy lớn rồi hồng hộc bước vào nhà đập vào gáy cha nó. Ông ta nhíu mày vì đau đớn. Tính giành gậy trong tay thằng Phúc nhưng nó đã nhanh tay hơn. Nó đá vào bụng ông ta một cái, ngã sõng soài. Chưa dừng lại ở đó, nó còn đạp thêm mấy cái rồi lấy dây thừng trói ông ta lại. Lúc này như nó một con thú hoang nổi cơn thịnh nộ trước bức tường mà cha nó dựng lên khiến đời nó chìm vào tăm tối. Đôi mắt nó tràn ngọn lửa giận, nó như đang phát điên.

– Con... Dừng lại! – Mẹ nó cố gắng bò dậy, van nài để ngăn nó. Nhưng sức bà quá yếu để có thể ngăn cản được. Dù bà đã cố gắng lấy lại chiếc gậy trong tay nó nhưng đều vô ích.

– Mẹ đừng có mà ngăn con. – Nó gào lên, đẩy mẹ nó sang một bên.

Nó đạp vào người cha nó một cái rồi cười khoái chí.

– Bà con đến đây mà xem này! Xem tôi trừng trị kẻ vũ phu chỉ biết rượu chè rồi đánh đập vợ con này!

Thằng Phúc vẫn tiếp túc giáng đòn lên người cha nó, sự thịnh nộ của nó như vũ bão, cuốn hết sự thiện lương vốn có.

Nghe xong, chú Nhân ngồi trầm ngâm một hồi thì lắc đầu. Trong đầu ông bây giờ hiện lên hình ảnh của thằng Phúc hồi nãy.

Người nó toàn mùi rượu, điên cuồng cầm một cây gậy lớn đập phá đồ đạc trong nhà. Đôi mắt đỏ ngầu, nước mắt lăn dài. Trong nhà, chính là hình ảnh một người đàn ông bị nó trói lại. Không ai khác, đó chính là cha nó.

– Tôi thành ra thế này cũng là ông ta thôi.

Có lẽ nếu được chọn lại, nó thà rằng mình không được sinh ra trên cõi đời này. Trong ánh mắt nó đã mất đi vẻ vô tư như bao đứa trẻ khác.

Chú Nhân khẽ lắc đầu:

– Tất cả cũng là do lối giáo dục sai cách.

Ông bước ra khỏi ghế, ra cửa, nhìn những áng mây trên trời. Dưới ánh nắng của tuổi chiều tà, áng mây ửng hồng. Ánh mặt trời sắp lặn, bầu trời chẳng mấy chốc sẽ chìm vào bóng đêm.

Chú Nhân lặng người. Tất cả cũng là do lối giáo dục sai cách. Lớn lên trong bạo lực, nó không thành ra như bây giờ cũng lạ. Ông tự nhận thấy rằng cuộc nó như ánh hoàng hôn cuối trời. Ngay từ bây giờ, cần phải tìm cho nó một lối thoát, một định hướng đúng đắn. Nếu không có thể cuộc đời nó sẽ chìm bào bóng đêm. Chỉ mong nó sẽ tìm được ánh sao trong màn đêm tối. Những ánh sao dẫn lối nó đi, đưa nó trở về với ánh bình minh rực rỡ.

* Quảng Phú: Một thị trấn thuộc huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk