72
11
2759 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Bán thời gian


Tôi gặp cậu vào một ngày mưa rào.


Cậu xé ngang cơn mưa, mặc cho những giọt mưa nghịch ngợm bám trên tóc, dán mắt vào giấy tuyển nhân viên in trước quán cà phê. Sau một hồi đảo ánh mắt thăm dò một lượt quán qua tấm kính thủy tinh, câu đầu tiên mà cậu đã nói là:


“Em muốn bán thời gian.”


Hình như lúc đó tôi đã cố nhịn cười và liếc nhìn cậu bằng một ánh mắt dành cho những người đến từ sao Hoả. Định giải thích với cậu về cụm từ “bán thời gian” ở bản tuyển dụng, nhưng anh Đăng đã vội cất lời.


“Tại sao anh phải mua thời gian của em?”


“Vì thời gian của em quý giá.”


Cậu ấy đã trả lời như thế, bằng một ánh mắt đầy ngạo nghễ. Tôi đã không thể hiểu nổi tại sao anh Đăng lại đồng ý nhận cậu ấy, cũng không thể hiểu nổi tại sao anh ấy lại nhận tôi. 


Tôi là một con nhóc mới tốt nghiệp cấp ba, vì không đủ điều kiện học tiếp đại học nên đã miễn cưỡng bước vào đời ở cái tuổi mười tám. Quán cà phê sách này có tên The Times, chỉ mới vừa khai trương cách đây vài tháng, cũng là lúc tôi chân ướt chân ráo bước vào Sài Gòn. Hôm đó phỏng vấn có ba người, một cậu thanh niên cao lớn, một cô gái xinh đẹp như diễn viên, và tôi.


Nhỏ bé và lọt thỏm giữa hai ứng cử viên, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. 


Khi anh hỏi tại sao tôi muốn làm ở đây, tôi đã hơi choáng ngợp vì phần phỏng vấn vô cùng trôi chảy của hai ứng cử viên trước đó. Nghĩ chắc mình sẽ không được tuyển, lại không biết trả lời sao cho hay, đành ngậm ngùi đáp thật thà.


“Vì em rất thích sách ạ.”


Đúng vậy, vì thứ khiến tôi mê mệt khi vừa đi ngang qua quán cà phê này chính là những giá sách cao ngất đủ màu sắc ấy. Khi nhìn thấy tờ giấy tuyển nhân viên, tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Và khi được nhận vào làm, lại hơn cả một giấc mơ.  


Mỗi ngày đi làm đối với tôi đều tràn ngập hạnh phúc. Chỉ cần ngày ngày được ngắm nhìn những quyển sách ấy, ngửi mùi hương của gỗ cũ thoang thoảng trong không khí, tim tôi lại lạc vào một chốn bình yên nào đó. Thậm chí, tôi còn bị nghiện việc quét bụi trên những giá sách. Mỗi khi vắng khách tôi lại len lén trốn vào một giá sách nào đó rồi thỏa thích đọc. Những ngày tháng ấy tuyệt vời vô cùng, tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay áp lực bởi được làm một công việc mà mình yêu thích.


Và còn có một chủ quán hiền lành dễ thương như thế nữa. Lâu lâu không thấy tôi anh lại khẽ gọi, nhắc nhỡ nhẹ một câu dọa sẽ trừ lương, nhưng anh chưa bao giờ làm như thế cả. 


Niềm vui ấy của tôi kết thúc từ khi N vào làm. 


Nếu tôi dành những lúc không có khách cho riêng mình thì N lại dành cả nó cho việc lau bàn ghế, rửa ly tách, lau sàn, chăm sóc rất nhiều chậu cảnh trong quán, những việc mà tôi thường làm vào đầu và cuối ngày. Điều đó khiến lòng tôi nhộn nhạo khó chịu. Tôi bắt đầu không thể đọc sách một cách tập trung được nữa, tuy tiềm thức vẫn đọc đều đều những con chữ trên sách, nhưng ý thức lúc nào cũng chạy loanh quanh cậu ấy. Thế là tôi đọc cả buổi cũng không có một chữ nào vào được đầu. Quả thật không thể chịu nổi cái cảm giác rằng mình là đứa lười, suốt ngày chạy đi làm việc riêng. Còn cậu ta thì là một nhân viên chăm chỉ và gương mẫu.


Hôm ấy là một ngày mưa to, những giọt mưa buồn bã trút hết mọi áp lực lên tấm kính thủy tinh bằng vũ điệu cuồng nhiệt và hoang dại. Anh Đăng vẫn theo thói quen cũ, ngồi ở căn phòng riêng của anh ấy nhâm nhi tách cà phê nghi ngút khói cùng một quyển sách dày cộm nào đó. Thời khắc ấy anh như tách biệt hoàn toàn với mọi thứ xung quanh, có lẽ đó là nguyên nhân mà quán cà phê này xuất hiện.


Đây có lẽ là thời điểm hoàn hảo để thả bản thân vào tập truyện ngắn trên kệ, nhưng tôi đã không còn đủ sự tập trung để làm điều đó nữa. 


N lau bàn thì tôi cũng lau bàn.


N quét nhà thì tôi cũng quét nhà.


N rửa ly tôi cũng xoăn tay áo chạy vào rửa.


Trong lúc không cẩn thận tôi đã lỡ tay đánh rơi một chiếc ly, tiếng choảng sắc lẹm vang lên xé toạt bầu không khí nặng nề. Tôi nghiêng đầu nhìn vào phòng rồi thở phào nhẹ nhõm khi thấy anh Đăng vẫn đang đọc sách như thường.


Quay sang lại thấy N cuối đầu nhặt nhạnh mấy mảnh vỡ.


“Cảm ơn.”


Tôi nói khe khẽ, nhưng cậu ấy chỉ đáp “Ừ”.


“Cậu có thể đừng...”


“Không thể.”


Tôi vẫn chưa nói hết câu N đã cắt ngang bằng hai từ chắc nịt, như thấy được sự ngơ ngác của tôi, cậu lại bảo:


“Nếu cậu không tự nhận lỗi, tôi sẽ nói với anh Đăng.”


Ánh mắt sắc lẹm của N làm tôi rợn người. Thật ra đây là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn ba câu. Từ lúc vào làm tới giờ, N làm quần quặt như một kẻ cuồng công việc. Cộng thêm mặt lúc nào cũng khó đăm đăm khiến tôi tự giác nảy sinh cảm giác xa cách, tránh xa cậu ta trên mọi mặt trận. 


“Nhìn thấy tôi bị trừ lương, chắc là cậu vui lắm.”


Tôi cố ý nói móc nhưng cậu ấy lại đáp “Ừ”.


Thì ra trong lòng tên đó vốn đã ngầm cạnh tranh với tôi, chợt thấy hơi thất vọng một chút. Dù đã nghe xã hội khắc nghiệt, nhưng lúc phải đối diện với sự khắc nghiệt ấy, tôi vẫn cứ mong đó chỉ là lời đồn.


“Vui thay cậu, vì ít ra cậu sẽ bị mất lương tháng thay vì lương tâm”.


Giọng N trầm trầm cất lên, tuy khẽ nhưng lại xuyên qua tiếng mưa đâm vào thẳng trong lòng tôi. 


Tôi nhận ra thứ duy nhất biết về cậu ấy chỉ có cái tên, và việc N cũng vừa học xong cấp ba như tôi. Có lẽ, thời khắc đó tôi chỉ muốn khai thác thêm điều gì đó từ N.


“Tại sao cậu không tiếp tục đi học?”


“Không còn thời gian nữa.”


“Tại sao không còn thời gian, chẳng phải tuổi trẻ có nhiều nhất là thời gian hay sao?”


“Vậy cậu thì sao? Nhiều thời gian thế sao không học tiếp?”


“Thứ tôi thiếu đâu phải thời gian. Tôi là thiếu điều kiện, cậu hiểu không?”


“Hay là cậu không dám?”


Tôi cố gắng hít thở sâu để ghìm cục tức xuống. Nhưng buồn cười làm sao, tôi tức vì mình bị nói trúng chỗ đau. Tôi đã luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh để trốn tránh sự thật rằng bản thân là một kẻ hèn nhát, một kẻ chưa đánh đã sợ thua. Tôi lại nhớ tới ước mơ được trở thành một cô giáo nhỏ, lên miền núi xa xôi để dạy học cho các em nhỏ người dân tộc thiểu số. Nhớ đến số điểm 27 tròn của tổ hợp ba môn trong kì thi tốt nghiệp mà tôi phải thức đêm thức ngày để giành lấy, nhớ đến lần tra cứu thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển của trường đại học Sư phạm. Rồi, lại nhớ tới sự hèn nhát của bản thân, từ bỏ hết mọi đam mê chỉ vì sợ hãi những chông gai chưa xảy đến.


Nhưng N thì sao? Cậu ấy chỉ biết nói người khác thôi. Bản thân cũng bỏ học đi làm mà bày đặt đổ lỗi cho thời gian nữa chứ. Một lí do hết sức là vô lí.


Tôi vừa định cãi một trận ra ngô ra khoai thì đã thấy N mở cửa và đi xuyên qua cơn mưa, không ô, không áo mưa.


Cơn mưa chưa bao giờ có thể ngăn cản bước chân của cậu ấy.


Do dự một chút, tôi cầm lấy cây dù nằm đơn độc bên cạnh cửa, chạy theo N. 


Cậu ấy không đi xa, đứng một mình ở ngã tư. Tai tôi bị lấp đầy bởi âm thanh của mưa, chúng đang đua nhau vỗ bồm bộp vào chiếc ô như muốn tìm ra một khoảng trống để chui xuống. Tim tôi cũng thế, nó bị lấp đầy bởi âm thanh của nỗi đau, vỡ vụn và lan tràn trong ánh mắt vô hồn của N, một nỗi đau đang dằn xé con người cậu để tìm cách thoát ra ngoài.


Cậu ấy đã khóc.


Ai đó đã từng nói những giọt mưa chính là vũ khí tốt nhất để che đậy đi sự yếu đuối. Nếu khóc trong cơn mưa, người ta sẽ không thể nhận ra, vì những giọt nước mắt sẽ xuất hiện với cái mác là những giọt mưa. Nhưng nhiều lúc, giữa giọt nước mắt và giọt mưa lại tồn tại một ranh giới, giống như ranh giới giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, không thể hòa vào thành một. Bởi giọt nước mắt chứa quá nhiều đau đớn, sức nặng của nó khiến giọt mưa không thể chứa đựng nổi. 


Tôi đứng lặng, không biết phải làm gì tiếp theo.


Còn N? Cậu ấy có biết bản thân đang làm gì không khi bước xuống đường giữa lúc đèn đang chuyển xanh như thế?


Tiếng kèn xe như một hồi chuông đánh vào tiềm thức đang mơ hồ của tôi, đẩy bước chân tôi chạy đến bên N, giữ chặt tay cậu ấy. Giữa dòng xe cộ tấp nập như mắc cửi, tôi chỉ biết nhắm chặt mắt để cố che đi nỗi sợ một cách vô ích. Những chiếc xe ấy tránh chúng tôi, có người buông lời mắng nhiếc, có kẻ chửi bới chúng tôi điên khùng.


Tiếng kèn xe rung màn nhĩ tôi, và sự run rẩy từ tay N làm rung trái tim tôi. 


Môi N mấp máy một điều gì đó...


Nhưng N đã không lấp đầy khoảng trống trong đầu tôi, cậu bỏ tay tôi ra, chạy qua đường khi đèn chuyển đỏ. Mưa đập vào mặt tôi đau rát, tôi ngẩn người nhận ra cây dù đã bị tôi quăng lại bên kia đường từ lúc nào.


Tôi đã từng rất sợ mưa. Những lúc phải đạp xe suốt bốn cây số đến trường trong mùa mưa luôn ám ảnh tâm trí tôi. Tôi ước mình sẽ được ngồi trong nhà ngắm mưa như rất nhiều những người dân hai bên đường, lúc ấy trông cơn mưa thật lãng mạn. Chứ không phải lạnh buốt đập rát mặt tôi, làm nhòe mắt tôi, tắm ướt những bộ đồng phục ít ỏi không kịp khô khi ngày mai đến. Giờ đây tôi cũng đang đứng dưới cơn mưa ấy, thì ra khi mình cho phép bản thân bị ướt rồi thì sẽ không còn sợ mưa nữa. Nỗi sợ ngày nào đã tan đi như bong bóng mưa dưới đường. Có nhiều lúc, con người ta tự gieo vào tim mình một hạt giống của nỗi sợ, cho phép nó đâm chồi, cho phép nó từ từ lớn lên. Rồi lại hoảng loạn nhìn nó nuốt chửng đi những giấc mơ còn dang dở. 


Tôi chạy theo N, những giọt mưa vẫn ngoan cố như không chịu thua trước tôi, chúng vây lấy bộ đồ tôi đang mặc khiến nó nặng trịch. Sau một khắc do dự nhìn N bước vào nghĩa trang, tôi quyết định đi theo cậu ấy. Có đôi khi, chúng ta lại không hiểu nổi hành động của bản thân mình nữa. Có lẽ vì đôi chút tò mò, cũng có lẽ vì chúng ta còn trẻ. Đúng vậy, chúng ta cho rằng mình còn trẻ nên không phải lo sợ trước những giới hạn của cuộc đời. 


Không thấy N đâu nữa, sự sợ hãi lại được nước vây lấy tôi. Mờ mờ sau làn nước là hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ lớn nhỏ đang ẩn hiện trong màn mưa lất phất. Xa xa là ngọn khói trắng đục đang chống chọi với những hạt mưa tí tách rơi. Tôi lớn tiếng gọi N, nhưng đáp lại tôi chỉ là những tiếng cười của con nít hòa vào màn mưa lách tách rơi. Tôi cố trấn an bản thân tin rằng đó chỉ là ảo giác do tôi tự tưởng tượng.


Nhưng không.


Những tiếng khóc thảm thiết trẻ thơ lại vang lên, như những tiếng gọi hồn đến từ một miền âm u xa vắng.


Tôi lại cố chạy, vừa chạy vừa gọi N. 


Chẳng mấy chốc, đôi giày nặng trĩu bùn đất khiến chân tôi không còn nhấc lên nổi. 


Tôi trượt ngã.


Tay chống vào một ụ đất cao cao, đến khi nhìn vào tấm bia cạnh bên mới biết đó là một ngôi mộ bằng đất. Hàng chữ bằng sơn màu đỏ như chảy trên bia đá:


“Hưởng dương: 8 tuổi.”


Bé như vậy sao? Cả người tôi run rẩy, lần đầu tiên tôi biết thế nào là không đứng dậy nổi. 


“Mỗi người ở nơi đây đều có một điều khiến họ tiếc nuối, con có nuối tiếc nào không?”


Tôi giật mình nhìn sang thì thấy một bà cụ đang ngồi trồng hoa. Tôi lắc đầu khe khẽ, không dám đáp gì. Vì sợ bản thân hiểu sai những điều mà bà đang nói. Bà cười cười rồi bảo:


“Con thật may mắn.”

 

Tôi còn đang suy nghĩ lời bà nói thì chợt nhìn thấy N, cậu ấy đang ngồi trước một ngôi mộ của ai đó. Quay sang thì chợt không thấy bà cụ đâu nữa, tôi thấy hơi là lạ, nhưng vì sờ sợ nên nhanh chóng đi đến chỗ N. 


Đến gần thì mới thấy, ngôi mộ còn rất mới, mới được lập vào năm nay thôi. Chủ nhân của ngôi mộ còn rất trẻ, chỉ mới mười tám tuổi, bằng tuổi tôi. 


Nhưng...


Tên trên ngôi mộ chính là tên của N, còn tấm ảnh trên đó, sao lại mờ đến thế?


Tôi hoảng hốt quay sang nhìn N, gương mặt N cũng mờ nhạt không thể nhìn rõ.


Thì ra tôi không biết mặt N.


...


“Dương, dậy chưa? Trong giờ làm việc mà dám ngủ à? Có tin anh trừ lương hay không?”


Tôi giật mình ngồi dậy thì thấy anh Đăng đang đứng bên cạnh, hai cô gái ngồi không xa vẫn đang kể câu chuyện về một cậu bạn tên N, vì cứu một cô gái qua đường mà bị tai nạn qua đời. Tôi ngơ ngẩn nhìn anh Đăng, dường như anh nhìn thấy sự kì lạ trong đôi mắt tôi, chợt hỏi:


“Em có sao không?”


Tôi không đáp lời anh, chỉ hỏi:


“Tại sao lúc trước anh lại tuyển em?”


Anh cười cười hỏi lại: “Tại sao anh không thể tuyển em?”


“Vì hai bạn kia ai cũng trả lời trôi chảy như thế, còn em...”


“Vì em đã nói em thích sách. Nếu một người thích điều gì đó, họ sẽ không đứng nhìn nó lụi tàn. Những quyển sách của anh đã được chăm sóc rất tốt, vậy là được rồi.”


Thích một điều gì đó, sẽ không đứng nhìn nó lụi tàn...


Thứ tôi có nhiều nhất là thời gian, và thứ tôi có ít nhất cũng là thời gian. Vì có thể một khoảnh khắc nào đó, tôi sẽ không còn thời gian nữa. Tôi như được tái sinh, vội bảo:


“Anh Đăng, em muốn thi lại, em muốn làm cô giáo. Em không muốn bán thời gian.”


Anh cười cười xoa đầu tôi:


“May quá, lại có một ước mơ không bị dang dở”


Hết.