9
5
4383 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Bên kia dòng sông


Sương mỏng. Sương nhỏ dưới tán rừng rậm rạp. Cành cây dài ngoằng ngửa tay đỡ làn mưa bụi như nâng một dải lụa trắng hư ảo đang sà xuống không trung. Khí trời lạnh cóng sờ soạng mặt đất, xới lên một mùi âm ẩm đến tê tái. Hơi bốc ngùn ngụt qua những chặng đồi xanh âm u. Mọi thứ đều mơ hồ, tựa như lời thì thào của giấc chiêm bao, hay bước chân gió rừng đang mộng du về nơi xa xôi nào đó.


Tu Mơ Rông ở ngay trước mắt, tĩnh lặng và êm ả. Dãy Ngọc Linh trườn mình dưới tấm nệm trời màu trắng ngà như một con trăn khổng lồ đang say giấc. Quyên bước xuống xe, tay xách túi đồ lễ, trong có nắm hương, bật lửa, hoa, hoa quả, với vài món linh tinh lặt vặt chị bỏ vào trong phút bần thần. Anh lái xe, một người con trai hiếu khách và thấu hiểu tấm lòng Quyên, nói với một giọng lặng lẽ sẽ đến ngay để đón khi chị gọi.


Chị không đáp, giờ phút này, đầu óc chị lặng đi với những ý nghĩ miên man vừa mềm dịu vừa sắc lẹm. Người chị đau buốt. Như thể có một hồn ma nào siết lấy chị từ phía sau, nó đang ôm ấp hay muốn siết chết chị…?


Thỉnh thoảng, Quyên nằm mơ thấy những truông đất cháy khét. Máy bay địch quần trên đầu, bom dội đì đùng cả đêm lẫn ngày. Không khí đặc bụi và quánh sệt một cảm giác nhờn nhợn như máu. Cây rừng đổ ngả nghiêng, chết từng lứa một. Khói súng vờn quanh, ám cả lên áo quần các chị. Chẳng hề gì. Quyên ngửi đã quen hơi, hôm nào mùi khói súng nhạt đi, chị lại không yên lòng nổi. Sự yên bình thường đi kèm với cơn dông bão phía sau. Địch sẽ tiến công ác liệt hơn và quân ta phải đổ máu nhiều hơn.


Mười bảy tuổi, Quyên cũng như những đứa con gái xung phong khác, ngây thơ và yêu đời. Các chị đến sống trong làng Mơ Heng được bao bọc bởi hai làn suối xanh mát. Đồng bào nơi đây gọi tên suối luôn bắt đầu bằng từ Dak, bởi Dak theo ngôn ngữ mẹ của họ nghĩa là nước, sông. Tiếng thân thương như gọi máu thịt làm lòng chị ấm áp. Những buổi chiều không đến phiên mình phá bom, các chị hay ra suối lội nước. Ngồi ở một mỏm đá chênh vênh và nhìn ra xa bằng một ánh mắt chấp chới, các chị tựa đầu vào vai, ôm lấy nhau, kể về gia đình và người yêu.


Người yêu! Cả lũ đỏ mặt. Dáng hình của người yêu khúc xạ qua khói bom và những ước mong thầm kín thật huyền ảo. Một chàng trai áo lính với ngôi sao vàng trên mũ. Hoặc một anh thầy giáo trên giảng đường. Hoặc là bất cứ ai họ từng gặp, có nụ cười đôn hậu và đôi tay vững chãi. Những huyền thoại về tình yêu trong thời chiến để lại nơi khoảng trống mơ hồ của những cô con gái thật nhiều ảo mộng. Biết bao ảo mộng táo bạo mà ngây thơ, song không bao giờ thực hiện được.


***


Căn cứ nằm trong tầm ngắm của địch. Một ngày địch thả bảy, tám đợt bom. Công việc của Quyên và đồng đội là đếm số bom nổ, tính số đất cần để lấp hố, cắm cờ hiệu bên những quả bom nổ chậm và nếu được, phải đánh bộc phá để làm nổ luôn, tiện cho việc khơi thông đường.


Những đêm có đoàn xe đi qua, các cô gái đứng hai bên làm cột tiêu, một chị được cử ngồi trong xe đầu tiên để dẫn đường cho bộ đội. Chị Cài - tiểu đội trưởng, thường hay kể đi kể lại một lần hài hước ấy: cái hôm địch bắn, lửa cháy ngùn ngụt trên nóc xe, tàn lửa rơi xuống cửa kính như dấu hiệu tử thần, anh lính sợ tái cả mặt, không nghe được lời chị chỉ đường. Đoàn xe loạn lên chốc lát.


Chị Cài tát anh ta một cái rõ đau, gắt:

- Đồ hèn! Đồ nhát cáy!


Thế là anh ta lập cập tỉnh ra và đi tiếp. Chị Cài nói:

- Xin lỗi đồng chí. Trường hợp khẩn cấp cả.


Người lính nghẹn ngào:

- Cảm ơn đồng chí đã tát tôi! Suốt đời tôi sẽ không quên! Đồng chí tên gì, quê ở đâu?


Và họ hẹn đợi hòa bình sẽ gặp lại, rồi… tới đâu thì tới.


Những chuyện dí dỏm như vậy lúc nào cũng có mà đem ra kể. Tiếng cười con gái ríu rít khắp cả ngày. Có khi trên cao điểm, lúc ở bờ suối giặt đồ, hoặc lúc trau dồi văn hóa trong lớp học. Cả đội sợ nhất lớp học văn hóa, trừ chị Hồng - quê ở Hà Tĩnh, chị học rất giỏi. Chị đi xung phong được 2 năm rồi, nên học nói tiếng Bắc để trao đổi cho dễ. Nhưng mỗi lần tức lên, nhất là khi giảng Toán mà mấy đứa không tiếp thu được, chị mắng liên thanh:


- Răng mi ngu rứa! Học mãi nỏ xong!


Đứa nào cũng khiếp sợ câu "Răng mi ngu rứa" của chị. Chị cốc đầu, véo tai, đánh bôm bốp vào lưng, từ người nhỏ hơn cho đến lớn hơn mình, Hồng không chừa một ai cả. Quyên là người sợ nhất. Dường như bao nhiêu cái khôn của Quyên đã dồn hết vào văn chương rồi, nên điểm Toán luôn lẹt đẹt 3, 4. Hôm trả bài, Quyên trốn tiệt khỏi lán, ra bờ suối giặt quần áo hoặc kiếm cớ lên cao điểm canh máy bay địch, quyết không để cho Hồng bắt được.


Cuộc sống thanh niên xung phong bận nhưng vui. Song cũng có lúc, chiến tranh phô ra bộ mặt ảm đạm và u tối đúng với bản chất của nó. Những buổi rừng man dại, địch ném bom ráo riết. Sau các đợt rút lui, ta lại phản công dữ dội. Rồi mở đường máu, rồi phòng thủ, rồi tiến công. Từng vành đai tắm máu. Tin chiến trận truyền về liên miên, dồn con người ta vào trong thế nghẹt thở. Ngẩng lên không thấy nắng mà chỉ thấy chiến tranh đổ sầm sập trước mắt. Chân trời chết chóc đang vẫy gọi.


Chưa bao giờ Quyên thấy bàng hoàng như vậy. Tiểu đội xung kích mất đi bốn cô gái, trong đó hai người thuộc đội cảm tử. Rừng bước vào mùa mưa. Mưa tầm tã tuồng như khóc thay số phận xót xa của thanh xuân. Quyên vẫn đau đớn nhớ hôm tiễn đưa đồng đội: bốn chiếc khăn trắng lạnh người, màn khói mỏng lững lờ rụng xuống gò đất nhô cao. Một lá cờ son chôn cùng các chị. Hôm qua, Quyên vừa tết tóc cho cái Hương, nó mới tròn 17, nó bảo thích anh pháo binh và muốn hôn thử anh ta một cái ("xem vị hôn như thế nào", Hương bẽn lẽn). Chị cũng vừa đẩy võng cho Như, con bé có một vết thương sâu ở bắp đùi vì bom nổ văng trúng. Quyên nhớ cả từng nụ cười, từng lần khóc, những đôi mắt sáng lấp lánh của đồng đội.


Ai cũng biết chiến tranh là tàn khốc, nhưng chỉ khi những cái chết bất thình lình ụp xuống, không phải ụp vào ta mà là đồng đội ta, Quyên mới thấy tim mình như bị rách toạc, xé thành trăm mảnh. Đến lúc chết, những cô con gái vẫn đứng trong tư thế chắc súng. Phải hai người tới gỡ mới ra nổi. Cả tiểu đội nhìn nhau. Tự hào và đau đớn. Nước mắt ứa bời bời trên nụ cười cắn môi bật máu.


Đồng đội ơi! Chị không thốt nổi ra tiếng vĩnh biệt. Làm sao có thể vĩnh biệt…


Quyên sợ những cái chết gọi tên đồng đội mình. Đôi khi là cái chết anh hùng. Có lúc là cái chết đau rợn, chìm nghỉm.


Những đêm rừng ma quái, chị không nhớ được ai đã kể câu chuyện về con ma đào ngũ thế này:


- Người ta đồn rằng ngày trước ở chỗ này có một tiểu đội trinh sát dựng lán. Suốt nhiều tháng trời họ giao tranh với địch, máu chảy đỏ cả sông suối. Một hôm, có người lính phát điên vì không thể sống nổi những ngày tê liệt nữa, nên giếm ba lô vào rừng, tối đó lẻn đi. Người ta tuy lùng ráo riết, rồi tìm thấy xác hắn cách đấy chỉ mấy ki-lô-mét, thối um lên rồi. Quạ rỉa mất hai con mắt, xác trôi lều bều trên sông…


- Thế làm sao hắn chết?


- Không biết. Nghe đồn hắn muốn về thăm mẹ sắp mất, vội vàng lội qua sông nên nhầm đường, đâm vào dòng thác dữ. Từ đó, hồn ma của hắn vất vưởng bên bờ sông, mỗi đêm lại lội nước, khùa khoạng tìm đường về nhà. Cứ nghe tiếng òng ọc là phải tránh xa, không hắn túm theo cùng…


Vài tiếng kêu lên:

- Ghê quá đi.


Rồi bảo:

- Thôi ngủ các cậu! Mai còn có sức mà làm.


Và những tiếng thở trầm lặng tiếp nối nhau. Quyên không ngủ được. Nhắm mắt là nghe thấy tiếng òng ọc của dòng nước từ xa vọng đến. Chị rùng mình khi nghĩ đến một gương mặt ốm o, xanh tái, mất hết thần trí, con người ấy bất chấp lội vào chỗ nước sâu. Có thể hắn đã khóc. Những giọt nước mắt gầy guộc và tê tái chảy xuống lòng sông rồi mất hút trong cơn đau thảm khốc. Một nỗi đau trầm mặc len lỏi vào tâm hồn nhạy cảm của Quyên. Chị nghĩ đến người anh trai bạc phước của mình. Hai năm trời nhà mới nhận được một lá thư, chỉ một thôi, đó là thư báo tử. Anh chết giữa đêm sốt cao liên miên và mộng du ra bờ suối, đồng đội bảo… anh tìm đường về quê.


Những dòng suy nghĩ hỗn độn. Chiến tranh. Gương mặt mười bảy của đám con gái xung phong hiện ra trong đầu chị. Máu non thấm ướt màu áo xanh. Chị im lặng nghe tiếng đất thở. Đất quằn quại. Dưới nắm đại ngàn là xương của biết bao người lính bỏ mạng. Các chàng trai mười bảy tuổi như chị. Vong hồn họ đang vất vưởng quanh bụi bờ, hay cầm súng mê sảng đi tuần quanh lán, hoặc ngày đêm rầm rập hành quân…? Một phút nghẹn ngào tỉnh ra, họ cũng đưa tay khua nước như hồn ma đào ngũ kia, khẽ van gọi: "U ơi… Xin u tha thứ cho con, con chẳng thể về gặp u lần cuối!"


Mưa mãi rả rích trên đầu. Mở mắt ra trời đã lại sáng. Lòng người vẫn thổn thức như nằm trong đêm, dưới ánh trăng trắng xóa man dại, vô thức rùng mình đau xót khi nghe một tiếng nước gọi hồn… òng ọc… òng ọc…!


***


Dân làng Mơ Heng nhận được lệnh đi sơ tán, mặt trận đã lùi về gần đây. Bầu không khí căng thẳng. Trong tiểu đội, tiếng cười vơi đi, thay bằng những giờ ngồi bên nhau im ắng. Địch bắn phá ngày càng dữ dội. Bộ đội về làng, đào hầm, hào, dựng vài lán thương binh và mở kho quân nhu bí mật.


Đêm đêm, Quyên cùng đồng đội lặng lẽ tải quân nhu sang căn cứ Xơ Rang và cáng thương binh về để chữa trị. Hoạt động bí mật diễn ra mấy tháng, rồi bị máy bay trinh sát của địch đã phát hiện. Giữa khuya, đạn cày xới đất, bom cứa tận gốc cây rừng. Mơ Heng bé nhỏ trong năm giờ đồng hồ đã tan hoang, đổ nát, tiểu đội lại mất thêm hai người con gái, đó là Cài và Hồng. Họ mất nhưng quân nhu thì vẫn còn, được giấu kín trong hốc cây, phủ dưới lá rừng.


Quyên lau nước mắt. Chị bần thần áp má mình vào đôi má lạnh toát của đồng đội thân yêu. Người lính lái xe đêm nào không biết có chờ được đến hòa bình không? Còn Cài đã không chờ nổi. Ước mơ đến giảng đường làm giáo viên dạy Toán của Hồng cũng dừng lại mãi mãi. Đồng đội ơi! Quyên gọi… Trái tim chị nhức nhối. Cổ họng nghẹn ắng và kiệt quệ.


Lần này chị đã thốt ra được: Xin vĩnh biệt!


Vĩnh… biệt…


Trời sáng. Đợt bắn phá ngừng lại. Quyên đào huyệt, nâng niu đặt hai người con gái xuống. Chị trải một lá cờ đỏ lên mộ họ. Ngôi sao vàng sáng lên cùng lúc với mặt trời. Quyên quỳ gục xuống mộ, nước mắt tuôn ròng ròng. Khi nào chiến tranh mới chấm dứt? Khi nào đồng đội chị mới thực hiện được những ước mơ nhỏ bé của mình? Chưa bao giờ chị khao khát hai chữ hòa bình đến thế. Chị run rẩy lần sờ từng thớ đất trên nấm mộ đơn sơ. Lòng căm thù ngùn ngụt trỗi dậy. Rồi chị lặng đi, im như một pho tượng, phải đến khi Thắm kéo chị dậy, Quyên mới thất thểu về lán.


Các đồng đội còn sống sót ôm choàng lấy nhau. Không khóc, vành mắt đỏ hoe, họ nghiến răng và ghì sát trái tim giờ phút thâm trầm này.


Dưới nắng mặt trời, hai lá cờ nằm im lìm, một vạt gió thổi qua, ngôi sao vàng lay động. Và tất cả xa dần… xa dần…


***


Dường như những nỗi đau luôn lấy trò đeo bám nạn nhân làm thú vui. Mỗi lần chìm vào giấc ngủ sâu, cái ngày ma quái đó lại hiện về ám ảnh. Ký ức nhòe nhoẹt như một thước phim cũ nát.


Lời Thắm còn văng vẳng:

- Đợi sau này, em sẽ về trường học. Em trở thành giáo viên, mặc áo dài trắng đi trên giảng đường, tóc sẽ nuôi đến lưng, thả đằng sau thật mượt. Em muốn lấy một anh bộ đội hiền hiền. Anh ấy đến đón em sau mỗi chiều tan trường, cầm cặp táp cho em, chở em về bằng chiếc xe đạp hơi cũ. Chúng em có một mái nhà trồng đầy hoa tường vi, gian bếp nhỏ nhưng ấm cúng. Trên mái nhà, em muốn cắm một lá cờ đỏ sao vàng. Nó tung bay phần phật như reo vui vì độc lập…


Lúc đó Quyên đang ở đâu? Chị không tài nào nhớ nổi. Đêm rừng xanh và âm trầm. Những tán cây vô danh soi bóng xuống làn nước huyền diệu. Con suối chảy xuôi qua những gò bãi và núi đồi miên man như một bản trường ca không hồi kết. Quyên bỗng có một ảo tưởng, nếu cứ men theo sông suối mà đi, chị sẽ tới được bờ kia của lịch sử.


Không còn thương đau, máu hay nước mắt. Bầu trời xanh và cao, những ánh đèn sáng thắp trên cửa sổ các căn nhà. Gió thổi giữa lòng phố thị mang theo hương mát mẻ. Lũ trẻ con chơi đùa trên vỉa hè. Cây phượng rực rỡ như ai mới đổ màu lên vẽ. Khắp các con đường cắm cờ đỏ tươi.


Tiếng Thắm nhỏ dần, nhỏ dần, chỉ còn nghe loáng thoáng câu sau cùng:

- Còn sau này chị Quyên muốn làm gì?


"Sau này" tức là khi hòa bình. Hòa bình xa xôi quá. Tự dưng chị nhớ Hồng và Cài da diết. Vết thương mất đồng đội âm ỉ đau, Quyên nhắm mắt im lặng. Nằm trong chăn với Thắm, hơi ấm vấn vít trong ngực, Quyên bỗng thấy lạ lẫm. Chị ngờ ngợ không rõ mình còn đúng là mình nữa không. Lòng chị trĩu nặng.


Ngoài kia đột nhiên có một tiếng hú rờn rợn, như ma núi đứng từ vách bên này hú sang vách bên kia qua một con thác hung bạo. Đám con gái từng rỉ tai nhau về những bóng ma xanh lục, cứ đêm đêm đi săn. Nó đến các lán, mò vào, cô nào chưa ngủ thì nó bắt về giết thịt. Chị thấy chợn lòng.


Suốt đêm mê sảng, sáng ra người bải hoải, Quyên mới biết là mình ốm. Cả thân mình nặng nề, hơi thở nóng rực. Hai cô gái kia (chị không rõ là ai?) hôm nay phải lên đường, chỉ vội vàng vào rừng hái cho Quyên một nắm lá thuốc:


- Các cậu giã ra uống tạm. Nếu mấy tiếng nữa vẫn sốt thì đi thẳng xuống cầu tre, nằm ngay ngã ba suối cách chừng một ki-lô-mét kia có nhà một thầy lang. Thầy ấy bốc cho một liều là khỏe ngay.


Các chị ôm nhau và chào:

- Chúc các đồng chí bình an. Chúng tôi đi đây. Xin vĩnh biệt.


Mãi đến trưa, Quyên mới hạ sốt. Nhưng không ngờ gần chiều người chị lại hừng hực như bị nướng trên lửa. Không thể trì hoãn đợi cơn sốt nguôi được nữa, Thắm quyết định đi tìm thầy lang, bèn dìu chị giấu kín đáo trong tủ gỗ, đập một lỗ tròn nhỏ để không khí vào.


Thắm dặn:

- Em đi nhanh thôi. Hễ ai mà vào thì chị đừng lên tiếng nhé.


Quyên mê man. Không rõ đã bao lâu rồi, chị bỗng nghe thấy tiếng bước chân. Thắm về đấy ư? Chị cố nhích lại gần cánh cửa, nâng hai cặp mắt nặng trĩu nhìn. Không thấy ai. Tiếng bước chân lởn vởn, không vang và cũng không rõ. Khẽ khàng như có điều mờ ám. Tiếng của nhiều người. Một dự cảm huyền hoặc về cái chết làm trống ngực chị đánh thùm thụp. Đêm trên núi buông nhanh. Những bóng ma màu lục bước vào nhà, khuất trong mờ mờ tối. Đừng về, Thắm ơi! Đừng về! Chị gào thét trong họng, nhưng cái ốm vắt kiệt giọng chị. Quyên không thể cử động nổi. Chị trơ mắt nhìn.


Hóa ra những con ma núi có thật. Chúng nó to như vâm, súng vẫn còn đỏ lòm máu, bùn và đất dính đặc trên gót giày khấc răng khế. Đi êm như ru. Chúng mò vào trại, xóa đi dấu vết. Thắm đã về. Có lẽ vì trời buông bóng tối, Thắm lo cho đồng đội ốm nặng, đi vội vàng. Bất thình lình, những con quỷ từ đâu xông ra, vồ lấy, ngấu nghiến.


Máu trong người Quyên đông cứng lại. Chị cào cửa gỗ, những cái dằm tua tủa đâm nát bấy mười đầu ngón tay. Nhưng nỗi đau ấy chẳng là gì với cảnh tượng kinh hoàng ngày đêm ám ảnh linh hồn chị: những con quỷ Mĩ trần trùng trục rống lên, thở phì phò, những tiếng cười ghê rợn như thỏa mãn. Máu chảy lênh láng trên sàn. Thắm đã giật lấy súng mà bóp cò. Một tiếng nổ đoàng! Chúng chửi rủa. Nghiến mũi giày lên ngực Thắm. Đầu Quyên ong ong. Răng chị nghiến lập cập vào nhau, miệng ú ớ không thoát nổi một tiếng thở.


Cả người chị lạnh toát. Quyên đờ đẫn. Rồi không còn quan tâm đến việc chúng đã đi hay chưa, chị dộng người vào cửa gỗ. Chốt khóa lỏng ra, cửa mở, chị ngã quỵ xuống. Quyên lết về vũng máu. Tay chị rờ rẫm hình hài bé nhỏ đứa em. Chị muốn đứng ngay dậy lao ra ngoài sống mái với lũ quỷ ấy. Nhưng thấy Thắm vẫn nắm chặt gói thuốc trong tay, trái tim chị run rẩy. Không, không. Chị không thể chết. Chị cắn chặt răng để không kêu ra tiếng. Chị phải sống. Phải nã đạn vào đầu chúng nó để trả thù cho Thắm. Thắm ơi! Thắm ơi! Cổ họng Quyên đau rát. Nước mắt đầm đìa trên gương mắt méo xệch của chị. Ngày hôm qua em vẫn còn thủ thỉ về giấc mơ có căn nhà với lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ, thế mà hôm nay… hôm nay…


- Quyên ơi…


Thắm còn sống. Trời ơi! Lạy trời! Quyên run bần bật, thì ra cây súng chệch đi, chỉ bắn vào gần bụng Thắm, cách trái tim có 5 xăng-ti-mét. Hơi sốt vẫn còn, nhưng giờ phút này cơn nóng làm chị thêm sinh lực. Chị lảo đảo bế Thắm lên, đi cẩn thận từng bước dài và vững, mặc cho nước mắt đầm đìa hai bên má. Hi vọng giục Quyên bước rất nhanh. Nhưng một cái gì đó, từ sâu trong cõi vô minh đã khiến chị thấy hi vọng thật mong manh, mờ nhạt. Làm ơn, chị cầu xin, đừng đưa Thắm khỏi con. Làm ơn… làm ơn…


Điều kì diệu đã không xảy ra. Quyên đứng sững trước nhà. Cây cầu tre duy nhất nối từ đây xuống đã bị lũ quái ác làm gãy nát. Nếu có một mình, Quyên leo được, nhưng Thắm… Nỗi sợ mất đồng đội trào lên rùng rợn. Thắm! Người Quyên như bị ngâm trong nước đá. Những ngón tay cứng còng của chị đưa lên dò hơi thở em.


Không còn gì cả. Thế là hết. Hết thật rồi! Chị gào lên đau đớn. Máu thấm ướt sũng áo chị, nhỏ tong tỏng xuống đất. Giá như chị không để Thắm đi. Giá như chị có thể ra khỏi tủ sớm hơn. Giá như cây cầu không bị gãy. Giá như… Những cái "giá như" lởn vởn trong đầu chị, ngày đêm thì thào bên tai…


***


Quyên hít vào và thở ra một hơi dài. Những nấm mồ im lặng ngủ trong sương. Nghĩa trang thanh vắng. Tiểu đội của chị đang nằm đây, xếp một hàng ngang, mặt ai cũng cười hiền dịu. Nén nhang tỏa khói làm cay mắt chị. Thời con gái hồn nhiên lùi xa khỏi họ như một giấc mơ đẹp tan nát trong lòng chảo chiến tranh. Quyên đã men theo dòng sông dài qua đất rừng để đến bờ kia lịch sử, gặp gỡ hòa bình. Còn đồng đội chị dưới ấy, có biết nay là hòa bình hay chưa…?


Không có tiếng trả lời. Quyên tự ôm lấy vai mình, cảm tưởng như có những linh hồn bao dung đang vòng tay ôm ấp chị. Nhưng chẳng bao giờ… chị thấy lại những đồng đội thân yêu nữa.


Tự dưng Quyên muốn khóc. Chị đặt lên mộ những bông hoa tươi rồi đứng nhìn những gương mặt thanh thản rất lâu… rất lâu… Mãi đến khi sương tan, cái nắng mật ong dịu ngọt của tháng Tư êm ả chảy xuống bờ cỏ xanh rì, chị mới lặng lẽ quay gót rời khỏi nghĩa trang.


Tu Mơ Rông. Tuổi trẻ của chị, niềm vui của chị, nỗi đau đến xương tủy của chị. Quyên lặng lẽ ngắm những thay đổi hiện ra trong lành trước mắt, không mù mịt khói bom, hăng nồng thuốc súng, chỉ còn những đám mây êm ái phủ lên màu xanh mát dịu ngút ngàn của núi đồi. Gió thổi mơn man, xóm làng yên ả. Thinh không vắng lặng. Một tiếng xe máy lên ga trong không khí này không làm chị bàng hoàng tưởng tiếng máy bay Mĩ nữa. Tất cả đều dịu dàng, chầm chậm.


Chị bỗng nhớ Thắm da diết. Chị mới gặp Thắm hôm qua, trên cây cầu ở trại tăng gia cũ - nó đã được sửa lại, đẹp và rắn chắc. Câu chuyện của Thắm khắc trên đó. Chị đứng từ đầu cầu này, giơ đôi tay ra, bỗng cảm thấy mình đang nâng một nhịp thở. Quyên không bị ốm, nhưng tay vẫn run rẩy. Chị chầm chậm đi qua cầu. Đến đầu bên kia, nhịp thở ấy chợt như tan biến giữa không trung, mà như vẫn còn đấy: quấn quýt bên tóc, bên vai, bên tay chị. Lòng chị, sau bao nhức nhối đau xót, bỗng thanh thản lạ lùng.


Ngồi đây, trong nghĩa trang, nước mắt Quyên lại đổ xuống. Chị gạt đi mà chẳng tài nào gạt hết được. Một chiếc khăn tay chìa ra trước mặt chị. Chị mỉm cười cảm ơn.


Đứa bé ngây thơ hỏi:

- Bà ơi, sao bà lại khóc?


Quyên lau nước mắt, dịu dàng nói với đứa trẻ:

- Bà khóc vì đang vui thôi, con à.


Nắng mặt trời chiếu lên những huy chương sáng lấp lánh trên áo bà. Bố mẹ đứa trẻ cúi người chào bà trang trọng, rồi gọi con mình lại, xoa đầu và khẽ khàng bảo nó:

- Đến thắp hương cho ông đi con.


Trên bia đá là những nụ cười tươi tắn. Đứa bé cẩn trọng cắm nén hương, đáy lòng bỗng dâng lên một niềm tôn kính và thiêng liêng mơ hồ. Nó chưa hiểu hết, nhưng lòng nó trào dâng những tình yêu thương thấm thía lạ lùng. Nó đặt bó hoa vẫn còn vương sương sớm lên mộ ông.


Rồi cả gia đình lặng lẽ đứng đấy. Ngọn cờ độc lập reo vui dưới gió trời lồng lộng. Trong tâm trí họ, màu cờ đỏ thắm với ngôi sao vàng cũng hiện lên thật lung linh, tươi sáng, như đang dịu dàng kể lại những điều sử thi xa xôi. Nắng đã lên rồi.

_________


Lưu ý: Những thông tin về chiến tranh trong bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn, chắc chắn sẽ có sai sót. Mọi địa danh mình sử dụng trong truyện (trừ Tu Mơ Rông và núi Ngọc Linh) đều là sáng tạo của mình để phục vụ nội dung, không có nguyên mẫu. Chi tiết Cài tát anh lái xe mình tham khảo từ phim "Ngã ba Đồng Lộc".