Cha-Dượng
Nó hì hục đạp chiếc xe cà tàng, trên rổ xe là đủ thứ bánh trái các loại nó mua trên đường từ xưởng sản xuất giày về. Mẹ nó vừa mừng rỡ gọi điện:
“Dì dượng lên chơi nè, tranh thủ về.”
Bên kia đầu dây loáng thoáng tiếng ngăn lại.
“Để cho nó làm chiều nó về, làm gì gấp gáp dữ vậy.”
Thế là nó tức tốc xin chủ quản nghỉ buổi chiều để về ngay, vậy mà tầm đâu một tháng trước, khi ba ghé sang thăm, nó lại cằn nhằn với mẹ:
"Mẹ điện chi, làm con về nghỉ buổi mất mấy chục ngàn bạc.”
Mẹ nó bực bội nói:
“Thì ba mày ghé, tao gọi báo vậy, về không về thì thôi.”
Mẹ nó biết phải gọi một tiếng cho phải phép, dù gì người ta cũng là cha nó, không thể không cho con nhận. Mẹ và ba nó chia tay nhau ngần ấy năm, dạo này biết được nó đi làm có chút đồng ra đồng vô ba nó lại thường xuyên đến thăm hai mẹ con. Dù vậy nhưng nó làm sao mà quên được lúc hai mẹ con đói khổ, cả họ nội nhà nó chẳng một ai đoái hoài đến. Lúc bần cùng quá hai mẹ con phải đến nhà họ mượn mấy lon gạo, mấy người "thân thích" đó thậm chí còn đánh đuổi hai mẹ con. Cho nên làm sao mà nó có thể gọi ông ta một tiếng ba được nữa.
Chỉ gia đình dì cưu mang nó. Ngày ấy, dì đưa nó về nhà, mua cho một bộ quần áo mới. Thay quần áo cho nó xong dì nghiêm túc nói với dượng:
“Em muốn cho con chị hai về ở nhà mình anh thấy sao?”
Dượng không phản đối mà còn hết sức tán thành:
“Ừa! Mà con nhỏ cũng đến tuổi đi học, em chuẩn bị mua cặp sách cho nó luôn nha.”
Sau đó, dượng còn hết lòng chạy đôn chạy đáo tìm việc cho mẹ. Tối đến dượng còn dạy nó học. Dượng rất nghiêm khắc, nhiều lần có bị điểm nhỏ sợ không dám cho dượng biết, dượng sẽ đánh. Đánh! nhưng không phải đánh một trận nhừ tử mà chỉ là “thương cho roi cho vọt” một cái khẽ tay cho nhớ tội ham chơi không học bài.
“Đi học ráng mà thuộc bài, sau này mà còn nên người kiếm tiền mà nuôi mẹ mày.”
Vì dượng sợ đời nó không có cha, học hành không đến nơi đến chốn sau này sẽ phải khổ. Vậy mà, vừa học xong lớp chín nó đã nằng nặc một hai nghỉ. Mẹ nó không ngăn, dì cũng không cản. Dượng cũng không cấm chỉ cầm điếu thở dài nhìn xa xăm:
“Không muốn học thì nghỉ nhưng mà cãi dượng sau này mày sẽ hối hận cho xem.”
Giá như dượng là cha nó thì hay biết mấy, nhưng dù dượng có thương có yêu nó đến mức nào thì cả đời này nó cũng không phải con của dượng. Nhiều lúc nó nhìn các em làm nũng với dượng nhìn mà ghen tị. Ghen tị từ cử chỉ thân mật đến tiếng gọi thân thương mà nó chẳng bao giờ được gọi như thế.
“Ba ơi! Con muốn ăn đùi gà nướng.”
Ghen tị thì làm sao? Nó cũng chỉ có thể đứng một góc nhìn bằng ánh mắt thèm thuồng. Những điều đơn giản như bao người sao với nó lại khó khăn quá. Vì không phải con nên nó cũng không dám đèo bồng để dượng phải lo cho nó ăn học đến nơi đến chốn.
Nó hiểu rõ, hiểu rất rõ là đằng khác. Lương viên chức nhà nước của dượng đã phải chật vật lắm mới có thể lo cho gia đình, những khoản chu cấp của mẹ nó hằng tháng gửi cho thật sự không đủ để nó tiếp tục học.
Bỏ học, không bằng cấp, công việc bấp bênh, đời nó khổ lại càng thêm khổ. Nên năm nó vừa chập chững mười tám tuổi, nó dắt về một người đàn ông ngoài ba mươi đòi cưới, vì nó nghĩ chỉ có lấy chồng, thì đời nó bớt khổ, dù không có tình yêu nhưng nghĩ đến việc sau này có một nơi để nương tựa vậy là đủ. Mẹ và dì cũng nghĩ vậy, cái suy nghĩ của những người phụ nữ ngày ấy nó lạ lắm, người ta cứ sống theo cái quan điểm “lấy chồng để chồng nuôi.” Nó cũng vậy, nó đâu nghĩ nếu khi ấy nó thật sự lấy người đàn ông kia thì nó sẽ lại lâm vào cuộc đời bế tắc như mẹ nó, rồi sau này con nó cũng lại tiếp tục rơi vào cái vòng luẩn quẩn ấy.
Khi ấy cũng chỉ riêng có dượng nhất quyết không cho nó cưới:
“Lần này mày phải nghe lời dượng. Nhà họ đóng đông anh em ở cùng nhau, mày mới mười tám tuổi học hành lại không đến nơi đến chốn, gả về nhà người ta dượng sợ cảnh chị chồng em chồng ăn hiếp mày.”
Vậy là nó nghe lời dượng không cưới, đi nơi xa làm ăn, vài năm sau thì gặp người tâm đầu ý hợp cùng nhau phấn đấu.
Lần này nó cưới. Đưa người ta về ra mắt dượng, dượng không cấm, không ngăn, mà nhìn chàng rể tương lại miệng cười tươi rói.
Đám cưới tổ chức rình rang, người ta giới thiệu với khách mời hai họ mẹ và cha của người cùng chung dòng máu mà còn thua một “người dưng”. Mời họ nội đến dự để phải cái tình cái nghĩa, để cho người ngoài nhìn vào biết nó cũng có cha, cũng có nhà nội.
Còn nó thì lặng lẽ nhìn về một góc, nơi mà dượng đang ngồi. Trong lòng nó chỉ có ông ấy mới xứng làm cha, nó muốn giới thiệu với chồng rằng ông ấy là cha nó. Nó cũng muốn người trao tay nó cho anh là dượng - người vẫn luôn yêu thương nó chứ không phải một người cha hữu danh vô thực kia.
Nó từng bước bước lên thánh đường, đôi mắt ngấn lệ, người ngoài nhìn vào tưởng nó đang xúc động vì hôm nay là ngày vui nhất cuộc đời nó. Không ai hiểu, sẽ không ai hiểu cảm xúc hỗn độn trong tâm hồn nó. Nỗi uất ức khiến nó không kìm được nước mắt, rõ ràng người đàn ông ngồi bên dưới kia mới xứng đáng là cha. Đó là người đối với nó tốt nhất ngay cả khi họ không hề có cùng huyết thống nhưng vẫn cố gắng chăm lo cho nó từng tí một đến nỗi mái tóc đã điểm hoa râm. Mà hiện tại giây phút hạnh phúc nhất đời nó ông lại chỉ có thể ngồi một bên cười chúc phúc cho nó.
Ba!