Chương 1: Chân gà rim
Chiều thu tháng Tám, cái nóng bức của mùa hè biến mất tự bao giờ. Hai tháng trước, mỗi hôm tan trường, học trò đều tụm năm tụm ba bên tiệm tạp hóa đối diện chia nhau mấy que kem, vừa ăn vừa cầm tạm một quyển sách hay vở gì đó quạt cho mát.
Kỳ nghỉ hè đã qua, thi thoảng vẫn có mấy tốp học sinh ngang qua sau giờ học nhóm, mấy đứa nhỏ dắt vội chiếc xe đạp nép vào một góc sân rồi kéo chiếc ghế con, lấy mớ bánh kẹo vặt bên quầy rồi cứ thế, chúng tám hết chuyện trên trời dưới đất, lại í ới hỏi bài lẫn nhau hay lên kế hoạch đi chơi đâu đó trong thành phố, vậy mà vui lạ thường. Đời học sinh mà, những lúc thư thả ngồi uống nước, ăn hàng vặt là sướng nhất.
Tháng Tám ở phía nam ở An Dương là tháng của những cơn mưa rào bất chợt. Đang đi đường mà mưa tuôn xối xả, người người trên đường vội tấp vào lề, cuống quýt choàng lên tấm áo mưa, lại hối hả rồ ga xe, chạy về cho nhanh kẻo ướt. Những người quên đem áo mưa thì đành kiếm một mái hiên nhà gần đó, dắt xe sát bên lề rồi chạy vào trú tạm.
Mưa thế này, không quen mùa thì đúng là phiền thật, nhưng nhìn những bồn hoa ven đường kia, chúng đều đang trở nên tươi tắn hơn hẳn. Cái nóng đã qua đi, giờ là lúc cây cối được tưới tắm trong màn mưa mát lành.
Giờ tan tầm người đứng trú mưa mỗi lúc một đông. Mười mấy, hai mươi người đứng dưới hiên tạp hóa của bác An, lại không ai mua được áo mưa vì mấy ngày này bác đã sớm bán hết, còn chưa kịp lấy hàng. Mưa không biết bao giờ mới tạnh, từng hạt từng hạt mưa cứ rơi tí tách mãi không ngừng. Dưới lề đường, từng đám bong bóng trôi theo dòng nước, cuốn theo mấy chiếc lá bàng vàng khô.
“Hình như đối diện mới mở quán cơm kìa thầy Quân!”
Nguyên Phương huých vai đồng nghiệp bên cạnh. Đáp lại cậu là cái lườm sắc bén ẩn sau một cặp kính gọng vàng. Triều Quân đang đưa tay vuốt mấy giọt nước mưa còn đọng trên áo sơ mi và tóc, bởi cú huých vai đó mà anh suýt chút đứng không vững. Nguyên Phương đón lấy cái lườm của anh, cười cười không mấy để ý.
Nếu giờ này dầm mưa về, cậu đang không biết phải ăn gì, tốn công xuống bếp nấu nướng, chi bằng giờ kéo anh trai đồng nghiệp ghé vào quán này ăn, dù sao cũng nên ăn thử xem quán mới buôn bán thế nào. Không nghĩ ngợi nhiều, Nguyên Phương túm cánh tay Triều Quân, tay khác ôm cặp che trên đầu, đương lúc vắng xe, cậu cứ thế kéo anh bước vào quán ăn đối diện.
Nằm ở góc đường, quán ăn Dương Lam có hai mặt tiền hướng đông, nam được xây dựng thông thoáng, bậc thềm dời vào trong khoảng năm mét so với vỉa hè và làm mái hiên rộng nên cho dù mưa giông cũng không ảnh hưởng gì đến khách ngồi tại quán. Tường nhà được ốp gạch men màu xanh ngọc, khách bước vào quán sẽ không cảm thấy nóng vì cái nắng bên ngoài, ánh đèn màu vàng lại đem đến cảm giác ấm áp vào ngày mưa giông. Bên hông cửa, sát bên bờ tường, quán cho đặt hai kệ tủ với chừng hai mươi mấy loại xương rồng, sen đá khác nhau, chất đầy cả hai kệ.
Khu nấu nướng cách cửa ra vào khoảng ba mét, ngăn cách với bên ngoài là một bức tường cao một mét và bên trên là một mặt trong suốt đủ để khách nhìn thấy các phụ bếp chế biến món ăn. Mùi chiên, xào hòa quyện trong âm thanh của nồi niêu, xoong chảo, cùng với màu sắc món ăn bắt mắt thu hút ánh nhìn của đông đảo thực khách đang ngồi đợi đồ ăn tại nơi đây.
Sau khi Nguyên Phương và Triều Quân đi vào, trong không gian náo nhiệt của quán, một cậu thanh niên dong dỏng cao, mặc áo thun trắng ngắn tay, quần đen, đeo chiếc tạp dề ca rô màu nâu, trên tay cầm theo quyển sổ đi tới.
“Hai anh đi chung đúng không ạ? Hiện tại ở góc bên phải, cạnh cửa sổ quán còn một bàn trống, hai anh theo em ạ.” Vừa nói, cậu vừa hướng hai anh trai mới đến làm động tác mời.
Nguyên Phương nhìn lướt qua người phục vụ, cười cười theo Triều Quân đi theo hướng bàn trống. Khi cả hai đều ngồi xuống bàn lúc này hai anh mới có dịp quan sát bày trí trong quán.
Trước mặt hai người là một chiếc bàn ăn gỗ màu vàng nhạt, xung quanh là bốn ghế tựa khá êm dù không có đệm nhưng đảm bảo cho thực khách ăn uống với tư thế thoải mái. Những chiếc bàn được bố trí cách nhau một khoảng vừa đủ để khách hàng có thể di chuyển mà không bị đụng nhau và nhân viên cũng dễ dàng phục vụ khách hàng tốt nhất trong khâu bưng bê đồ ăn hay chạy việc vặt.
“Dạ quán có thực đơn theo ngày, chiều nay trong bếp có món chân gà rim nước dừa, gà rô ti, tôm rim, canh bí đỏ hầm tôm khô, canh xà lách xoong nấu với thịt bò bằm, ngoài ra còn có rau muống xào tỏi, ngó sen xào và gỏi rau muống bào sợi cùng thịt ba chỉ ạ.”
Sau khi đọc liền một mạch tên các món ăn, cậu chàng phục vụ trông không có vẻ gì là hụt hơi cả, chắc cậu đã quen với việc giới thiệu món ăn cho mỗi thực khách đến đây hàng ngày rồi.
Ban nãy khi Nguyên Phương bước vào quán, cậu đã chú ý bảng giá đặt ở quầy bếp nên cậu cảm thấy hôm nay cậu có thể thoải mái ăn một bữa cơm ngon, dù sao bây giờ là đầu tháng, lương đi dạy của cậu vừa mới được gửi vào sáng nay thì dại gì mà về nhà ăn uống tạm bợ như hồi cuối tháng.
“Chân gà? Thầy Quân, anh ăn chân gà không? Mẹ em làm món này ngon lắm luôn, mà mấy tháng rồi em chưa về nhà. Em muốn thử xem đồ ăn ở đây so với chân gà do mẹ em làm có ngon bằng không.”
Khuôn mặt cậu chẳng che giấu nổi sự mong đợi về món chân gà này. Ngồi đối diện cậu, Triều Quân có chút không biết phải từ chối thế nào. Anh gật đầu, nhìn cậu phục vụ:
“Cho bàn bọn anh một đĩa chân gà, một bát canh bí đỏ hầm, một phần ngó sen xào.”
“Bàn 3, một chân gà, một canh bí đỏ, một ngó sen xào. Hai người ăn.”
Cậu thanh niên vẫn đứng tại chỗ, nhưng âm thanh gọi món vang vọng khắp quán ăn. Trong bếp lập tức vang lên tiếng đáp lại, “Có liền!” Có vẻ đầu bếp ở quán là nữ.
Chỉ chốc lát sau, cậu chàng đi vào trong, như thể cậu đã ước lượng thời gian mà đầu bếp chế biến món này. Rồi không mất bao lâu, cậu lại xuất hiện ở bàn của Nguyên Phương và Triều Quân.
“Dạ em đổi bình trà đá ạ. Hai anh cứ dùng thoải mái.”
“Ừ, cảm ơn cậu.” Nguyên Phương đáp lời, cậu lấy hai cái ly nhựa trên bàn, tráng nước qua một lượt rồi rót luôn phần của Triều Quân.
“Thầy Quân, anh uống đi.”
Triều Quân gật đầu tỏ ý cảm ơn rồi cầm ly nhựa uống một ngụm trà. Từ chỗ của hai người bọn họ có thể nhìn thấy cơn mưa bên ngoài vẫn đang rả rích. Góc này là góc nhìn ra đường lớn, xa xa có thể thấy cổng trường Trung học Phổ thông Bạch Đằng - nơi anh và Nguyên Phương làm việc.
Phạm Triều Quân năm nay hai mươi lăm, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm A, anh thi tuyển và trở thành thầy giáo môn Ngữ Văn khối 11 tại trường và đã đi dạy được ba năm. Thằng nhóc đang nghiên cứu ly trà đá ngồi đối diện anh tên Lâm Nguyên Phương, cậu ta vừa mới chuyển công tác tới trường hồi năm ngoái, dạy Tiếng Anh, nghe nói cậu ta tốt nghiệp xong liền đi du học Úc hai năm nên đi làm trễ. Cậu ta cũng đã hai mươi lăm, nhưng do sinh tháng Mười Một nên cậu gọi người sinh tháng Một như anh đây là “anh”. Dù sao thì với gương mặt “búng ra sữa” của cậu, người khác toàn nhầm thành mấy nhóc học sinh cấp ba chứ chả ai nghĩ cậu đã hai mươi lăm tuổi cả.
“Đồ ăn lên rồi đây ạ!”
Vẫn là chàng phục vụ nọ, nhưng sau lưng cậu có thêm một cô gái trẻ đang bê theo khay gỗ dài. Mùi đồ ăn thơm phức men theo làn khói mỏng lan tỏa ra xung quanh.
“Chà chà!” Nguyên Phương nhanh tay gắp một phần chân gà vào chén cơm của cậu. Chân gà rim hơi dính, năm, sáu cặp chân được cắt thành miếng vừa ăn, màu vàng hơi ngả nâu cho thấy chân gà làm rất thấm nước dừa và gia vị. Cắn một cái, Nguyên Phương không nhịn được mà xuýt xoa. “Quá ngon luôn anh. Chuẩn vị mẹ em làm luôn!”
Rồi cậu lại, “Ôi cái hương vị này! Em nhất định phải ăn hai,… À! Phải ba chén cơm mới được!”
“Chú phản ứng hơi quá đó. Có ngon đến mức đó không?” Triều Quân vừa cảm ơn hai phục vụ, vừa lấy cho bản thân anh và Nguyên Phương mỗi người một chén canh bí đỏ.
“Quóa… xoá… nhon… đóa…Thầy… nhoăn… oăn… thử đi!” (Quá xá ngon đó. Thầy nhanh ăn thử đi!) Nguyên Phương vừa gặp miếng chân gà, vừa cầm đũa xới cơm ăn phồng cả miệng.
Nhìn tướng ăn mất hình tượng ngày thường của cậu, Triều Quân hơi ghét bỏ nhướng mày, đũa trên tay anh gắp một phần chân gà, đưa lên miệng cắn thử.
Ồ, da gà vừa chín tới, mềm dai, beo béo lại thấm gia vị đậm đà. Điều đáng nói ở đây là phần gân nơi chân gà giòn sần sật, kết hợp với da gà làm món ăn vô cùng đưa cơm.
Triều Quân vốn là người thích ăn rau củ nên anh bắt đầu thử món ngó sen xào.
Những thanh ngó sen tươi được xào trên lửa vừa phải, thêm chút tiêu và nước tương và đảo đều tay. Sau đó là một ít hành lá cắt nhỏ làm món ăn được cấp thêm phần hương vị đặc biệt. Cách làm tuy đơn giản nhưng phải khéo mới giữ được vị ngó sen giòn giòn, mà chấm cùng với một chén nước tương cùng ít tương ớt quả thực là mỹ vị dân gian.
Chén canh bí đỏ thì khỏi phải bàn cãi về độ ngon của nó. Nước hầm xương thanh thanh cùng với vị ngọt của bí đỏ được hầm mềm, mấy con tôm khô cũng góp phần làm tăng vị ngon ngọt cho món canh.
Loáng một cái, cả hai người đã ăn sạch đồ ăn trên bàn.
Nhìn sắc trời bên ngoài đã tối, mưa cũng đã tạnh. Uống xong ly trà đá thứ hai, Nguyên Phương vẫy phục vụ, “Cho bàn anh thanh toán.”
“Dạ của anh hết một trăm nghìn. Cơm mười nghìn, phần chân gà sáu mươi nghìn, canh mười nghìn, phần ngó sen xào hai mươi nghìn ạ.” Cậu thanh niên phục vụ đưa hóa đơn cho Nguyên Phương kiểm tra, nhận tiền rồi cậu quay vào quầy lấy tiền thối. Thế nhưng lúc chuẩn bị quay đi, cánh tay cậu thanh niên bị một bàn tay hơi gầy giữ lại.
“Cậu có thể cho bọn tôi biết, đầu bếp ở quán cậu là ai không?”
Thanh niên phục vụ hơi chững người lại vì hành động đột ngột của Nguyên Phương, nhưng cậu nhanh lấy lại bình tĩnh, gật gật đầu rồi nói với vào quầy bếp.
“Hải Lam, em ra đây chút. Có khách muốn hỏi gì nè!”
Từ trong quầy, một bóng dáng mảnh khảnh đeo tạp đề giống phục vụ nghe gọi liền đi đến bàn ăn bọn họ. Hóa ra là người khi nãy mang đồ ăn ra. Ban nãy anh chỉ tập trung vào đồ ăn nên bây giờ mới nhận ra cô bé. Đây… Không ngờ cô gái nhỏ lại là đầu bếp của quán.
“Chào hai anh, xin hỏi có chuyện gì không ạ?”
Một giọng nói nhỏ xíu vang lên sau lớp khẩu trang đen, nếu không tập trung chú ý ngay từ đầu, Triều Quân đã không nhận ra giọng cô gái. Còn Nguyên Phương thì thính tai sẵn nên cậu cười hì hì với cô nàng.
“Không có gì hết á. Lần đầu ghé quán mà ăn được món chân gà giống vị mẹ anh làm quá nên anh muốn biết ai đã làm ra nó thôi. Cảm ơn em về bữa ăn nha.”
Triều Quân nhìn cô gái một chút, mấy lời muốn nói khi gặp lại cô ở nơi này, không biết sao nghẹn lại ở trong cổ, nhưng anh vẫn muốn nói gì đó với cô.
“Ừ, đúng là đồ ăn rất ngon. Cảm ơn em”
Vốn đang bối rối vì không biết làm sao mà hôm nay lại có khách hàng gọi cô ra, nhưng sau khi Hải Lam nghe thấy có người khen tay nghề nấu nướng của mình, cô cảm thấy vui như ngày đầu đón khách ở quán vậy.
Tuy chỉ mới mở quán và buôn bán được hai tháng nay, nhưng lượng khách sau ba ngày đầu khai trương đã tăng lên rất nhiều, giờ cao điểm hầu như không còn chỗ nên Hải Lam đã luôn cố gắng nấu nướng luôn tay luôn chân. May mắn là nhà cô đã mở quán ăn nhiều năm, Hải Lam sớm đã quen phụ việc trong bếp với ông ngoại nên hiện tại cô thấy cô làm khá tốt. Chỉ là vì từ nơi khác chuyển đến và nhân lực có hạn nên thực đơn mỗi ngày không đa dạng lắm. May mà khách hàng giống như hai anh trai trước mặt này đều cảm thấy món ăn ngon.
“Cảm ơn hai anh. Hẹn gặp lại ạ.”
Lúc tiễn hai vị khách này ra cửa, Hải Lam đã nói như thế. Nhưng cô không ngờ là anh chàng trông không lớn tuổi hơn cô là bao lại nhe răng cười và chỉ vào mình và người kế bên, đồng thời nói với cô rằng họ là thầy giáo.
“Tụi anh chắc chắn sẽ quay lại rồi. Tụi anh đi dạy ở Bạch Đằng đằng kia á. Hôm nào đi dạy nhất định sẽ ghé ủng hộ em.”
Nói rồi người này kéo người kia đi luôn. Nhưng Hải Lam đứng ở phía sau, gương mặt nhỏ nhắn của cô lộ vẻ thất thần. Hình như thầy giáo đi cùng với thầy giáo hoạt bát kia hơi quen mặt.
-
Vừa rời đi một đoạn, Nguyên Phương ôm cặp bá vai với Triều Quân. “Ha ha ha, cuối cùng thì em cũng không cần phải vất vả ăn mì gói với cực khổ nghĩ hôm nay ăn gì nữa rồi.”
“Ừ.” Triều Quân công nhận cậu nói đúng, dù sao với tay nghề nấu nướng “hỗn loạn” của cậu ta, anh đã phải đặt đồ ăn với ăn mì gói suốt hai tháng nay rồi.
Vốn sống một mình nên Triều Quân có thói quen ăn cơm ở căn tin trường, nhưng sau khi gặp Nguyên Phương, bị cậu ta mè nheo đòi thuê chung nhà với anh, rồi đòi phụ trách bữa ăn chính, Triều Quân mới biết thế nào là “thảm họa”.
Thật may là bây giờ đã có nơi cứu vớt cho cái dạ dày của anh và cậu đồng nghiệp này.
Với cả… Cuối cùng lại gặp được em.