Chàng kị sĩ và hoa hồng đen
Mảnh đất Andrea xinh đẹp có một tòa tháp nổi tiếng. Đó là tòa tháp nhỏ ở phía sau thủ đô, gần với phía khu rừng Carl thơ mộng, nơi có những đồng cỏ xanh mơn mởn với những bông hoa cúc họa mi trắng điểm xuyết, cánh mỏng như cánh bướm đung đưa theo gió.
Người dân trong làng luôn căn dặn con cái mình tránh xa tòa tháp đó: "Nơi đấy có một con quái vật! Nó sẽ bắt và ăn thịt trẻ con. Khôn hồn mà bén mảng tới đấy!". Đó là những lời dặn dò của người lớn trước khi đi ngủ sau mỗi câu chuyện cổ tích hoặc là lời la mắng mỗi khi thấy đứa trẻ nào léng phéng tới gần khu rừng Carl.
Hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân ngọt ngào. Những bông hoa khoe sắc dưới cái nắng rực rỡ, những con gió đưa gót ngựa của chàng kị sĩ Apollo tới thăm cánh rừng Carl mộng mơ kia. Dĩ nhiên chàng đã nghe câu chuyện truyền miệng của dân chúng về tòa tháp bị nguyền rủa này nhưng chàng chẳng để tâm. Có lẽ chàng nghĩ mình đâu phải đứa con nít vắt mũi chưa sạch mà đi tin những câu chuyện chỉ để ngăn bọn trẻ đi chơi lung tung.
Chàng đi đến vùng đồng cỏ xanh rộng lớn, cách không xa đó là tòa tháp trắng nổi tiếng. Tòa tháp được xây bằng đá cẩm thạch với những bông hoa hồng trắng bao quanh. Những bông hoa nở rực rỡ dưới nắng xuân, thân đầy gai nhọn như muốn cắm rễ mà len lỏi vào từng khe hở của những phiến đá. Nhưng đó là một tòa tháp cũ kĩ, hoang sơ, dẫu cho hoa hồng trắng nở đẹp như vậy.
Chàng bước tới gần tòa tháp, định vươn tay hái lấy một bông hoa hồng trắng, bất chợt chàng nghe thấy một giọng hát ngọt ngào:
"Chàng kị sĩ phóng ngựa một mình
Trong đêm dài sau tiếng guốc
Còn những bông hoa rạo rực
Như lửa cháy lên..." (*)
Giọng hát trong trẻo của một người thiếu nữ vang lên, hòa với tiếng chim sơn ca hót vang, đậu trên thành cửa sổ của tòa tháp. Chàng đến bên gốc cây cổ thụ gần đó, trèo lên trên cành cây đến bên bậu cửa sổ.
Chàng bắt gặp hình ảnh của một người con gái xinh đẹp, mái tóc vàng óng như ánh mặt trời với đôi mắt xanh thẫm, long lanh ngước nhìn chàng. Nàng mặc một chiếc váy trắng đơn giản với những bông hoa hồng trang trí càng tăng thêm vẻ nhạt nhòa, đơn điệu. Nàng ngồi trên chiếc ghế cũ, tay mân mê những lọn tóc, hòa mình với bản nhạc ngọt ngào trước khi tắt ngúm vì sự hiện diện của chàng.
Một người con gái xinh đẹp nơi ngọn tháp bị nguyền rủa đã dấy lên sự tò mò của chàng kị sĩ. Nàng cũng vậy, nàng giương đôi mắt ngơ ngác nhìn con người xa lạ trước mặt mình. Chàng mở lời với người con gái:
"Nàng làm gì ở ngọn tháp bị nguyền rủa này, thưa tiểu thư?"
Người con gái ngước mắt đôi mắt long lanh nhìn chàng, không nói gì. Chàng mỉm cười đưa cho nàng một bông hồng đỏ thắm xinh đẹp:
"Bông hoa hồng đỏ này xin tặng nàng. Nàng đẹp như tiên nữ Daphne của xứ Thessaly, ta hi vọng số phận của ta sẽ không bi thảm như vị thần mặt trời mang vòng nguyệt quế."
Chàng đặt đóa hồng trên thành cửa sổ, rồi trèo xuống cây rời đi.
***
Những ngày sau đó, chàng luôn đem đến một đóa hồng tới tặng nàng, hôm thì hồng đỏ, hồng xanh, hồng vàng... Chàng làm vậy cũng chỉ thêm một chút màu sắc cho những đóa hồng đơn điệu nơi tòa tháp. Và đúng như hi vọng của chàng, người con gái ấy đã mở lòng với chàng.
Nàng là công chúa thứ 13 của vương quốc này - Công chúa Ellacos. Sở dĩ nàng bị nhốt ở nơi đây là bởi nàng là con thứ 13 của Đức vua, đó là một con số đen đủi. Họ coi nàng là phù thủy sẽ đem đến hiểm họa cho đế quốc, vì vậy Hoàng tộc đành nhốt nàng ở nơi đây cho đến khi tử thần đem nàng đi.
Đó là câu chuyện của người con gái xinh đẹp đã kể cho chàng nghe vào buổi tối thứ 5 gặp nàng. Dưới ánh trăng xinh đẹp, đôi mắt trong như ngọc của nàng nhìn chàng, đôi môi hồng nhỏ nhắn hé mở kể câu chuyện bi thương về thân phận của nàng. Và rồi nàng kết thúc câu chuyện với câu hỏi nhỏ:
"Chàng có tin em không, Apollo?"
"Ta tin em."
Chàng nắm lấy đôi tay nhỏ nhắn của nàng, hôn lên mu bàn tay và thề nguyện trước Nữ thần Mặt trăng: "Một ngày nào đó ta sẽ đưa em ra khỏi đây, để rồi em sẽ trở thành phu nhân của ta, Ellacos."
Nàng mỉm cười ngọt ngào. Bông hoa hồng đỏ trên mái tóc nàng nở rực rỡ dưới ánh trăng sáng.
Nàng gửi tặng chàng một đóa hồng đỏ thay cho lời hẹn ước.
***
Nhưng những ngày tháng hạnh phúc ấy không kéo dài lâu.
Dịch bệnh hoành hành trên khắp đế quốc. Hàng ngàn người chết vì lây nhiễm, người dân lầm than, đói khổ, biểu tình lên tới cung điện. Người dân cho rằng là sự trừng phạt của các vị thần, phải thiêu đốt công chúa Ellacos để hiến tế cho họ nguôi giận, trả lại sự xinh đẹp vốn có của Đế Quốc.
Thật đáng buồn thay, Đức vua đồng ý.
Nàng bị đưa lên cây thập tự giá bằng gỗ. Hai tay và chân bị trói chặt, bên dưới là là ngọn lửa đang hừng hực cháy. Nàng vẫn mặc chiếc váy trắng đơn điệu, mái tóc cài bông hồng trắng, đôi mắt xanh buồn bã nhìn dân chúng đang nguyền rủa nàng. Cái nóng thiêu đốt của lửa len lỏi vào da thịt của nàng khiến nàng chỉ muốn nhanh kết thúc cuộc hành hình này.
Và nàng nhìn thấy chàng đứng ở dưới đó, mỉm cười ngọt ngào với chàng. Chàng kị sĩ của em, em yêu chàng...
Chứng kiến người mình yêu bị thiêu đốt trước mặt mình, Apollo không đành lòng. Chàng muốn hét lên, muốn đến giải cứu nàng nhưng đã bị đám đông xô đẩy và ngăn lại. Chàng chỉ có thể trơ mặt nhìn người mình yêu ra đi. Những bông hoa hồng trắng trên mái tóc nàng nhanh chóng chuyển thành màu đỏ.
"Em đã chết trong hồng thắm nhuộm màu
Hoa trên ngực và hoa trên mái tóc
Còn anh đứng trong hương em ngào ngạt
Với hoa trên tay, trên ngực, trên đầu..." (**)
Bất chợt, chàng kị sĩ ngã xuống, người nổi mẩn đỏ, cảm thấy khó thở, trái tim như bị bóp nghẹt bởi một cái gì đó. Đó chính là biểu hiện của căn bệnh truyền nhiễm đang hoành hành. Đám đông thấy vậy nhanh chóng tránh xa chàng trai.
Chàng nắm chặt bông hoa hồng đỏ trong tay, ngước mắt lên nhìn người mình yêu và nghe nàng nói nhỏ:
"Chàng có tin em không, Apollo?"
Bông hoa hồng đỏ trong tay chàng chuyển thành màu đen, đánh dấu sự ra đi của chàng hiệp sĩ Apollo.
Những bông hoa hồng trắng bao quanh tòa tháp, hoa trên đường, trên lọ hoa bên giường của mỗi gia đình cũng chuyển thành màu đen.
Đến lúc ra đi, chàng có còn tin người con gái ấy không, Apollo?
Hết.
***
Ghi chú:
(*) Được trích trong bài thơ "Chàng kị sĩ phóng ngựa một mình" của nhà thơ Thụy Điển Pär Fabian Lagerkvist được dịch bởi Nguyễn Văn Thiết.
(**) Được trích trong bài thơ "Anh lại mơ thấy em, trên sân khấu, đầy hoa.." của nhà thơ Nga Aleksandr Blok được dịch bởi Nguyễn Viết Thắng.