9
3
2411 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chị Búp đổi khác rồi


CHỊ BÚP ĐỔI KHÁC RỒI


Nhà ông Cả có chị Búp, ngoài 30 tuổi rồi mà chưa có gia đình. Ở thành phố thì phụ nữ 30 tuổi có lẽ đang sôi nổi tranh đua xã hội, dang tay tranh đua tiền tài, danh vọng, và dĩ nhiên chẳng lo nghĩ quá nhiều gì nếu chưa lấy được chồng. Nhưng ở vùng quê này thì khác. Ở vùng này, vùng nông thôn với cái nghiệp con trâu cấy cày thì ngấp nghé 16 tuổi đã có người tới nhà bàn chuyện cưới hỏi rồi. Ông cha quan niệm, phải lập gia đình xong mới xây dựng nhà cửa làm ăn tấn tới. Thế đấy, cái bước đầu tiên để con người sống cho đúng nghĩa, đúng với làng nước xóm giếng. Mà cưới hỏi cô dâu, chú rể về, đồng nghĩa có thêm một người lao động, rồi sau này cặp đôi ấy sinh nở, đẻ ra đám cháu, thì hóa ra đón về một người mà có được nhiều con người. Chuyện quả vừa vui vẻ cửa nhà, vừa thu nhận thêm người thêm của nên càng nhanh càng tốt. Với lại, nghề nông thì sức trẻ sức khỏe là cần thiết lắm. Do thế mà cưới hỏi khiến nhà nhà có con trai con gái đều xem đấy là chuyện hiển nhiên đáng thực hiện gấp.

Chị Búp buồn tủi sao phận mình lận đận. Cứ nhìn đám em đám cháu lần lượt có gia đình, nhà cửa đề huề còn mình đơn thân lẻ bóng thật quá tương phản. Nhớ thời con gái, chị còn vô tư. Mỗi buổi gặt, dù mồ hôi ướt đẫm mặt mũi, vai áo ướt bết, đám bạn gái cùng lứa cứ trêu ghẹo, cười nhau mỗi khi có anh chàng quen biết cô nào đi qua. Cứ ngỡ cuộc đời sẽ trôi theo quy luật của nó. Thế mà, ngoảnh đi ngoảnh lại, tuổi xuân đã trôi qua lạnh lùng. Chị Búp giờ đã quá lứa lỡ thì. Chị buồn, rồi lại nhủ thầm, cứ lấy việc đồng áng làm vui, ngại ngùng tiếp xúc với mọi người, với dòng cuộc sống tấp nập ngoài kia. 

Hôm ấy, rửa chân tay lấm bùn ngoài sân gạch xong, ngẩng lên, chị Búp nghe thấy ngoài bờ rào, có vài người hàng xóm bàn tán:

- Bà Búp vừa về nhà đó phải không?

- Ừ, đúng bà ấy rồi. Rõ chán, vừa ế vừa ngẩn ngờ. Chả biết gì về cuộc sống, về giao tiếp.

- Hơn 30 tuổi rồi cơ đấy. Không lấy chồng nên sinh bệnh thế.

Búp nén bật tiếng khóc nức nở, đưa bàn tay còn lấm tấm giọt nước bịt miệng mình lại. Không ai thông cảm cho hoàn cảnh của chị, sao mọi người cứ chê bai chị mà không nhìn thấy điểm tốt chị có. 

Có tiếng trẻ trong nhà gọi với ra:

- Cô Búp vào nhà ông bà có chuyện bàn bạc này.

Lúc này, người hàng xóm im bặt. Họ giật mình vì không ngờ chị Búp chưa vào hẳn trong nhà, có thể chị ấy sẽ nghe được lời bàn tán. Nhưng rồi họ nguýt dài, nghe rồi thì đã sao. Chị ấy ế, chị ấy ngẩn ngờ với đời là chuyện có thực, họ có đơm điều bịa đặt, vu khống gì cho chị ấy mà ngại. Chẳng qua là họ nói sự thật. Rồi nghe loáng thoáng tiếng khóc nấc của Búp, những người hàng xóm nháy nhau thôi giải tán đi. Khóc lóc gì ở đây, thật phiền phức.

Ông bà Cả ngồi ở bộ bàn ghế cũ kỹ trong gian phòng khách cũng cũ kỹ, phe phẩy cây quạt nan:

- Này, có chuyện gì mà khóc lóc đỏ cả mắt thế kia? 

Không có gì thầy u ạ.

Chị rõ là. Chị bao nhiêu tuổi rồi. Không chịu lấy chồng đi, còn khóc lóc cái gì? Ai làm gì chị nào?

Dạ...dạ, chỉ là mấy người hàng xóm bàn tán này kia về con.

Ối trời, họ bàn tán từ lâu rồi, thầy u nghe riết cũng nhàm. Giờ có chuyện này, thầy u muốn bàn với chị.

Chị Búp ngồi ở mép giường, khẽ chùi sạch nước mắt, hiếu kỳ nhìn về phía bộ bàn ghế tiếp khách. Ông Cả nhấp một ngụm trà, tay nhịp nhịp lên mặt bàn gỗ như đang cân nhắc. Hồi sau, ông lên tiếng:

- Chị có biết cô Bảy nhà mình có mở quán cà phê ngay đầu làng không? Quán ấy giờ bán đông khách lắm. Cô nhờ chị ra đấy phụ giúp bán cà phê. 

Sao thầy u bảo con đi bán cà phê ạ. Con trước giờ chỉ quen làm ruộng.

Chao ôi, thì trước lạ sau quen. Thời buổi này nông nghiệp là lạc hậu rồi. Thêm nữa, chị đi buôn bán, đi tiếp xúc với người ta, sẽ thay đổi con người. Thầy u nghĩ chị sẽ vui vẻ hơn đấy. Chị cứ suy nghĩ rồi hãy trả lời.

Đêm ấy, chị Búp gác tay lên trán, nghĩ ngợi mông lung. Nghĩ đến mình cứ lủi thủi xó nhà với thầy u đã già, với đám ruộng bùn đen, chả bao giờ biết đến khi nào mới thoát khỏi vất vả tay chân. Hay là cứ thử một lần, đi buôn bán xem sao. Bán cà phê vừa nhẹ nhàng vừa có tiền lại sạch sẽ. Nhiều người muốn bỏ ruộng đồng mà đâu bao giờ có cơ hội như chị. Vả lại chị cũng chán cảnh những người hàng xóm bàn tán về sự ế chồng của chị rồi. Đi làm ở quán cô Bảy, chị sẽ cho họ thấy chị tân thời lắm đấy. Ế chồng chứ chị không tụt hậu như họ, chỉ suốt ngày chỉ biết trồng trọt chăn nuôi.

- Cô Bảy là em gái của thầy nhà chị. Gọi là 2 anh em chứ nhìn cứ như hai chú cháu, vì khoảng cách giữa họ gần 20 tuổi, ở quê sinh đẻ sớm, đẻ nhiều mới thế. Cô Bảy mừng rỡ khi đã thuyết phục được chị Búp ra quán phụ giúp. Công việc của chị Búp là bưng bê cà phê ra bàn. Cô Bảy nài nỉ chị Búp mặc những bộ quần áo hoa màu sắc nổi bật, căn dặn phải dưỡng da, dưỡng tóc, phải chăm chút vẻ bề ngoài. Chị Búp xem như lột xác, thay đổi không còn quê mùa, đen đúa như trước nữa. Cả xóm làng ai cũng ngớ ra, rồi họ gật gù, đúng là hơn nhau tấm áo tấm quần. Chị Búp ngày càng xinh đẹp, tân thời hơn. Có người còn nói chị đang trẻ ra những 10 tuổi.

Chuyện chị Búp có người yêu làm nhiều người nửa tán thành nửa phản đối. Người yêu của chị tên là Q. Anh này là người làng khác, thường hay ghé quán của cô Bảy uống cà phê. Người ta bàn tán cũng nhiều:

Nghe đâu Q. không chín chắn đâu, thường hay lông bông ăn chơi, không chịu làm ăn chí thú gì cả.

Q. còn nhỏ tuổi hơn chị Búp 5 tuổi. Rõ ràng so với chị Búp, Q. chỉ giống cậu em chưa trưởng thành.

Nhưng chị Búp dường như không lưu nhớ lời bàn ra nào. Nhiều người ủng hộ mối tình này của chị. Dù gì chị đã quá lứa, thôi thì cứ yêu đi, lấy nhau rồi về bảo ban Q. lại. Con người thôi mà, từ từ sẽ hiểu ra, chứ cứ đòi đạt chuẩn cả thì đào đâu ra bây giờ. Khi yêu Q., chị Búp thấy đây như là tấm vé cuối cùng lên chuyến tàu hạnh phúc mà chị may mắn có được. Chị thấy mình trẻ ra, yêu đời hơn và luôn mỉm cười khi nghĩ sẽ được cùng Q. nắm tay nhau chung bước.

Sau cùng, đám cưới của chị Búp cũng diễn ra. Cả dòng họ gia đình nhà chị thở phào nhẹ nhõm. Chị như quả bom nổ chậm ở trong nhà bấy lâu làm ai cũng lo lắng, nhiều khi phát bực. Giờ chị Búp đi lấy chồng xem như muộn màng chút nhưng còn đỡ hơn không bao giờ lấy chồng. Thế là mọi người kéo nhau đi dự đám cưới rất đông để chúc mừng cho đôi vợ chồng son.

Tưởng là chị Búp đã cập đến bến bờ của cuộc đời mình, ai ngờ đâu, anh chồng trẻ không yêu chị dài lâu như lời chúc mừng trăm năm hạnh phúc bữa đám cưới. Khi đứa con đầu lòng vừa lững chững tập đi thì Q. lộ ra lơ đễnh gia đình. Bắt đầu từ những đêm Q. vắng mặt ở nhà. Chị dò hỏi:

- Anh có việc gì mà đêm qua không về nhà, làm em lo lắng ngủ không yên.

Ừ...thì bận công việc.

Bận công việc gì mà đi cả đêm hôm thế anh? Anh còn giữ sức khỏe nữa chứ.

Q. cáu hẳn, giọng cộc cằn:

-   Kệ tôi, cô cứ ở nhà trông nom con là được rồi.

3. Cô Bảy ghé thăm, kéo chị vào thầm thì:

- Thằng Q. nó cặp bồ với một con trẻ măng à. Cháu biết chưa?

Chị Búp lộ vẻ ngạc nhiên, thông tin như sét đang ngang tai. Chị ngớ người ra rồi cả người như có lửa đốt, tim đập thình thịch, chị lắp bắp:

- Có...có thật không vậy cô? Cháu thấy chồng cháu hay đi vắng ban đêm nhiều lần rồi. Cháu cũng không nghĩ là do công việc như lời anh nói. Nhưng cháu cũng không ngờ chồng cháu lại phản bội cháu. Hu hu. Cháu khổ quá cô ơi!

Tiếng cô Bảy đanh lại:

- Khóc lóc làm gì? Cháu theo cô đi đến tận nơi bắt tận tay day tận mặt. Cho chúng nó thôi cái trò ngoại tình này đi.

Cháu không dám đâu cô ạ. Cháu còn con thơ, còn yêu chồng lắm.

Chồng gì mà chồng, cháu không đi đánh ghen thì chờ đến lúc nào nữa hả? Thật quá sức chịu đựng. Tùy cháu đấy. Cô chờ xem, cháu sẽ hối hận đấy.

Hối hận ư? Chị Búp sụt sùi nước mắt, cổ họng nghèn nghẹn. Chị nghĩ chị không sợ phải hối hận, mà chị sợ phải tự tay dẹp đi cái hạnh phúc gia đình này. Lòng chị như ai cào xé. Phải giải quyết việc chồng chị ngoại tình ra sao đây?

Người mở lời về chuyện tình nhân này hóa ra lại là Q.. Q. bảo với chị:

- Chúng ta hãy li hôn đi. Tôi không còn chút tình cảm nào với cô nữa. Tôi đã tìm thấy tình yêu thật sự của mình.

Chị Búp hốt hoảng, hai tay chị nắm lấy tay Q. van nài:

- Em xin anh, con còn nhỏ quá, anh đừng làm khổ em khổ con.

Q. lạnh băng, phủi tay:

-   Tôi chán ngấy cả hai mẹ con cô rồi. Hãy buông tha cho tôi. Tôi muốn được sống theo lựa chọn của tôi.

Lời nói sau cùng của Q. cứ xoáy vào làm nhức nhối trái tim của chị Búp. Chị nước mắt ngắn dài đành bất lực ký tên vào đơn li hôn Q. đưa cho. Vậy đó, mong mỏi có được tấm chồng như người ta, vậy mà sau cùng đơn thân ôm con nhỏ mà thổn thức. 

- Thầy u thở dài khi thấy mẹ con chị Búp dắt díu nhau trở về. 

Thiệt tình, số phận lận đận vậy sao? Thầy u tưởng chị đã yên bề, vậy mà ra nông nỗi này đây, thật thương quá.

Thầy u ơi, xin cho mẹ con con ở lại. Con không biết nên đi đâu nữa.

Ừ, thì cứ ở lại đi. Đây mãi mãi là gia đình của chị.

Chị Búp tuy lòng chua xót nhưng được an ủi phần nào khi thầy u luôn đứng về phía chị. Chị còn có bé con, nó là nguồn lực động viên cho chị tiếp tục sống tiếp tục phấn đấu. 

Hàng xóm vài người lại lời ra tiếng vào về chuyện li hôn của chị Búp:

- Biết ngay mà, chồng kiểu ấy chẳng thể nào ở lâu với nhau được đâu.

Lỗi cũng do cái Búp mà ra, không biết xử sự mới dẫn đến li hôn.

Thầy u và chị đều bị hỏi, bị nhận xét thẳng thừng của người làng như vậy. Họ không có ác ý, nhưng họ không hiểu chuyện. Ở làng quê, đàn bà mà bị chồng bỏ đúng là chẳng thể có hạnh phúc gì được nữa. Lại có thêm bé con, chị Búp khó mà bước thêm bước nữa. Thân phận chị, họ bảo thật ê chề quá đi.

Khác với hồi bị dè bĩu là gái ế, chị Búp có con rồi, tiếp xúc với xã hội nhiều rồi, chị thấy việc li hôn chẳng thể nào khẳng định chị là thứ bị người ta vất bỏ ngang đường.

Chị nghĩ, chị có quyền được mưu cầu quyền lợi, mưu cầu hạnh phúc cho mình, cho con mình. Xóm làng còn rất nhiều người thông cảm cho hoàn cảnh của chị. Những lời nói không hay kia chỉ là số ít, của những kẻ giữ quan điểm cũ xưa. Chị nghe nói bên nước ngoài, li hôn là chuyện bình thường, không ở hợp với nhau thì li hôn. Người đàn bà li hôn cũng có thể lấy chồng lần nữa, pháp luật nước mình cũng cho phép thế mà. Chị Búp đã mạnh mẽ, tự tin hơn thời còn con gái. Trải qua nhiều chuyện đã khiến chị biết sống hơn. Cuộc sống của mình là do mình, người khác có nói vào nói ra cũng xem như chó sủa ngang đường, không cần ném đá làm gì, cứ đường mình, mình đi.

Làng quê chị đang đổi mới hàng ngày. Các trường học, bệnh viện, xí nghiệp, hàng quán đang mọc lên hiện đại. Chị sẽ cho con chị đi học. Bé sẽ lớn lên, hiểu biết và không phải chịu cảnh sống lạc hậu như chị trước đây. Chị nghĩ về tương lai và tràn đầy hy vọng.