Chị Hai
CHỊ HAI
- Hai ơi, ngày mốt anh Cảnh cưới vợ rồi, nhà bển dựng cổng dựng rạp hết trơn... Vậy rồi... Hai có về hôn?
Bên kia điện thoại, chị Hai tui ngập ngừng khá lâu rồi cười:
- Về chi nhỏ, Hai mắc làm mà, làm mới kiếm đủ tiền mơi mốt lấy chồng chứ!
Cúp máy rồi nhưng tui biết Hai vẫn còn ngồi bần thần, tay xiết chặt cái điện thoại cùi mía cũ mèm, và nước mắt của Hai đã rơi khỏi khóe, rớt xuống mặt đầm đìa. Nén lòng chi mà nén hoài vậy, chị Hai?
Tía má tui mất sớm trong những ngày mưa gió bão bùng của miền Tây, con xuồng nhỏ tan hoang và tía má tui đi mãi không về, trận lụt năm đó nhấn chìm mọi thứ, thân xác của hai người nằm lại dưới những dòng chảy của quê hương. Chị Hai năm đó mới mười bảy tuổi, phải gồng gánh theo hai đứa em, mà đứa út là tui mới có mười ba tuổi đầu, anh ba lúc đó cũng mới mười lăm. Ba chị em trơ trọi trên cõi đời chỉ sau một đêm lạnh, chị Hai từ đó thay tía má nuôi nấng tụi tui. Chị nghỉ học đi làm để nhường phần cho hai đứa em được tới lớp tiếp tục, ai mướn gì Hai làm đó, làm lúa mướn, cuốc đất, lên giồng cái gì Hai cũng làm, thậm chí Hai còn ra huyện ở đợ cho người ta, rửa ly, rửa chén mướn để lo cho tụi tui học hành tới nơi tới chốn. Cuộc sống cơ cực, chưa bao giờ thấy Hai than thở nửa lời, cứ vậy mà tui với anh ba được ăn học đàng hoàng, với tụi tui chị Hai vừa là chị vừa là má. Có những đêm mưa lạnh, trong căn nhà nhỏ heo hút, ba chị em co ro bên nhau tìm hơi ấm, ngày nào cũng vậy, lo cho tụi tui ngủ xong Hai lại lọ mọ thêu áo gối, vắt sổ, cắt chỉ kiếm thêm tiền, dù mồ côi, dù nghèo nhưng ba chị em chưa bao giờ bị tai tiếng. Trong xóm ai cũng thương cũng cưu mang, có bữa thì dì Ba cho chè, có bữa thím Bảy cho xôi... Mỗi thứ đều là cái tình cái nghĩa, nuôi trong tâm hồn tụi tui những hy vọng những mong đợi được khá hơn, được đổi đời...
Anh Cảnh, là con trai của chú thím Tám sát bên nhà, ảnh với chị Hai là bạn hàng xóm, học chung trường, nhà ảnh khá giả nên ảnh được ăn học đàng hoàng, đang là sinh viên trên Sài Gòn, lâu lâu mới về nhà chơi vài bữa. Hồi đó, anh Cảnh với chị Hai thân với nhau, nhưng từ hồi tía má mất, chị Hai nghỉ học nuôi em thì ảnh với chị tui cũng chỉ còn những lần chạm mặt ít ỏi, tại có mấy khi mà chị Hai tui được rảnh đâu, rồi ảnh đi học xa nên lại càng ít gặp dù hai nhà sát đeo với nhau.
Nhà ảnh mở cửa sau ngó ra xa xa sẽ thấy cửa nhà tui khuất hờ sau gốc cây vú sữa tím già nua, cây vú sữa có trái sum suê, tán lá rộng rộng mát mát, chỗ đó hồi còn nhỏ tụi tui hay tụ tập chơi nhà chòi và cũng chỗ cửa sau có khói bếp um um mỗi sáng chiều, một bữa ảnh nhìn qua thấy Hai của tui ngồi chải tóc trên bộ giường tre ọp ẹp, ảnh chìm luôn trong mái tóc đó, nhớ thương hoài luôn...
Anh Cảnh ngỡ ngàng, thứ tình cảm mơ hồ trong lòng bấy lâu nay dường như rõ rệt hơn, ảnh đâu có ngờ lâu rồi không gặp, cô bạn cũ nay khác như vậy, dù có đen sạm hơn do dãi nắng dầm sương, nhưng mái tóc dài, gương mặt hiền và đôi mắt nụ cười dịu dàng đó vẫn khiến người ta nao lòng.
Từ hồi chị Hai nghỉ học, hai người ít có dịp gặp nhau, mấy bữa tụ tập với đám bạn cũ cũng không có mặt chị tui. Sát bên nhà nên biết hoàn cảnh thì ảnh thấy thương lắm, nhưng chị Hai chưa bao giờ cho phép anh em tui nhận tiền bạc gì của anh Cảnh.
Thiệt tình thì anh Cảnh để ý chị Hai tui từ khi còn đi học, bằng chứng là ngày nào ảnh cũng mua bánh mì bẻ làm đôi, giả bộ ăn không hết để rủ chị tui ăn chung, ảnh đi rạch bẻ được mớ trâm bầu ngon, cũng đem về cho chỉ, trái bình bát chín vàng ươm cũng là cho chị Hai, tới mùa vú sữa, ảnh trèo cây bẻ một rổ đầy để sẵn trước nhà tụi tui... Biết bao nhiêu nỗi niềm mà hồi đó có biết thương là sao đâu nên cứ âm thầm cứ lặng thinh như vậy cho tới cái bữa lâu rồi gặp lại đó mới phát hiện ra con tim của ảnh lỗi nhịp xưa giờ.
Vậy rồi cứ mỗi bữa cuối tuần ảnh sẽ về nhà, nhón nhón nhìn coi có Hai tui ở đằng trước hôn. Có bữa Hai quét sân sồn sột, ảnh bên này bắc cái ghế cây, ôm theo cây đàn ghi ta, ngồi ca "hồn lỡ sa vào đôi mắt em, chiều nao xõa tóc ngồi bên thềm..." chị Hai tui vẫn quét sân mà không thèm quét mắt qua dòm cái nào. Ảnh cụt hứng nhưng vẫn cố lì ngồi đờn tửng từng tưng cho tới hồi thím Tám kêu vô nhà lấy quần áo phơi.
Đợi ảnh vô nhà rồi, chị Hai mới ngừng chổi, ngước mắt tinh nghịch dòm qua chỗ ảnh đã ngồi rồi cười tủm tỉm. Tụi tui biết thừa Hai cũng thích người ta, bởi mỗi chiều thứ bảy Hai sẽ ra ngồi trên giường tre rất lâu, ngóng qua cửa sau nhà anh Cảnh, Hai cũng hay cố tình ngồi chải tóc cho ảnh có cơ hội được ngắm, rồi cũng có đôi lần Hai nhìn lén người ta xong giật mình khi bị tụi tui bắt gặp. Ánh mắt dịu dàng đó của người con gái chỉ có thể là dành cho người mình thương thôi.
Tình cảm chỉ đơn sơ nhưng ngày một lớn, từ cây kẹp tóc, cho tới bộ quần áo mới, ảnh mua từ Sài Gòn về tặng cho chị tui. Những lá thư tay mà tui với anh Ba thường xuyên làm chim bồ câu cho hai người. Rồi mấy lần Hai đi đằng trước, anh Cảnh đi đằng sau, người thì khẽ khàng nắm tay, người thì e ấp để y thinh như vậy. Mùi hương trên tóc, mùi hương trên vai, ảnh chỉ chìm trong những nhớ thương, một tuần với họ như quá dài...
Những ngày hai người lén hẹn nhau dưới bến sông có nước có gió, có những âm thanh của quê hương làm chứng cho tình yêu, chị Hai tui trao cho anh nụ hôn đầu, rồi trao cho anh đời con gái... thiêng liêng và khẽ khàng.
Năm anh Ba tui học lớp mười hai, thì chuyện tình của anh chị tới tai chú thím Tám (ba má anh Cảnh) và cũng gãy gánh từ bữa thím qua nhà gặp chị Hai tui. Tui vẫn nhớ như in đó là một buổi chiều muộn, tui với anh Ba đang chuẩn bị dọn cơm thì thím Tám bưng qua cho một nồi đất cá rô kho khô thơm thiệt thơm, nghe mùi đã thèm chảy nước miếng. Hai anh em lật đật cảm ơn rồi bưng nồi cá kho ra sau bếp, chị Hai ngại ngùng mời thím Tám ngồi xuống cái vạt giường cũ, kêu ọp ẹp, thím Tám kêu chị Hai ngồi đối diện thím. Gương mặt của thím chiều hôm đó mang nhiều tâm tình phức tạp, thím nói gần nói xa, nào là nhà hư hết rồi, mấy chỗ dột này mùa mưa tới ba chị em bây làm sao, nào là cơm nước gì toàn rau không hỏng thấy thịt cá chi, chị Hai tui cười bẽn lẽn. Nói gần nói xa hỏng qua nói thiệt, thím Tám biểu chị Hai"đừng chờ anh Cảnh nữa, anh Cảnh còn có tương lai chớ không lẽ học hành cho đã rồi về cưới vợ quê, đeo thẹo thêm hai đứa em tuổi ăn tuổi học, vậy coi sao đành hả bây? Tao thương bây lắm, nhưng mà... bây hiểu cho thím nhen, nhà có một thằng con trai duy nhất hà..."
Chị Hai tính nói con sẽ ráng làm phụ ảnh, nhưng rồi chị nuốt câu đó vào lòng, nghe nó nghẹn ngào và đắng chát... Nghèo quá mà làm sao có thể xứng lứa vừa đôi với người ta. Nội chuyện học hành tự so sánh cũng đã thấy mình hụt hẫng và cách biệt thì lấy gì đảm bảo được tương lai của cả hai.
Tự nhiên nồi cá kho nó lãng nhách, hết ngon.
Sự phản kháng yếu ớt và tình yêu non trẻ đó như ngừng thở sau lưng của một người mẹ, ba chị em tui đều hiểu đây là điều hiển nhiên không thể trách móc. Cho nên cách duy nhất là im lặng chấp nhận số phận của mình. Đêm đó Hai không ngủ...
Bảy ngày sau buổi chiều kia, anh Cảnh trên thành phố về nhưng không gặp được chị Hai, chỉ cố tình đi làm ở ngoài huyện không về kịp. Lại thêm nhiều ngày né tránh, ảnh đứng dưới gốc cây vú sữa chờ, ảnh đón đường anh Ba tui để hỏi thăm rồi nhận lại câu trả lời cộc lốc của anh tui"đừng có kiếm chị Hai tui nữa, mấy người giàu ai mà dám với tới, tha cho chị em tui đi"
Lần nào anh Cảnh cũng chờ nhưng cũng chưa lần nào gặp được chị Hai. Ảnh tìm cách ra huyện, lần mò đâu tới nhà mà chị tui làm mướn, thấy chị ngồi lom khom rửa đống ly đống chén, ảnh rớt nước mắt. Nhưng gặp rồi cũng để làm gì, chỉ gây thêm những đau khổ tổn thương trong lòng nhau mà thôi. Cũng có đôi ba lần duyên không tránh được, hai người chạm mặt nhau, nhìn lặng trong đáy mắt là những nỗi niềm không biết phải gọi tên chi. Lần nào chị Hai tui cũng cười trước, nụ cười sượng trân và xa lạ, không còn khúc khích tinh nghịch như những ngày nào hai người ở bên nhau. Anh Cảnh đau! Khoảng cách giàu nghèo là có thiệt.
Sau đó không thấy anh Cảnh về nhà mỗi cuối tuần nữa, Hai luôn cười, luôn bình thản nhưng thân hình càng ngày càng ốm, càng ngày càng xanh xao cho thấy những đêm dài mất ngủ, cho thấy lòng Hai chưa bao giờ thôi nhớ về một người, tình yêu làm tổn thương con người ta dai dẳng.
Mỗi lần về nhà, Hai lại hay ngó mông mênh ra chỗ sau hè của căn nhà đằng trước, cúi mặt lặng thinh nhìn mà buồn rớt nước mắt.
Cũng có lần anh Cảnh không bỏ cuộc, ảnh đứng đợi Hai tui thiệt lâu ngoài bến, đón đường cho bằng được, níu tay, níu áo không cho đi. Hai người nhìn nhau khóc không thành tiếng, ảnh rủ chị tui"em có thương thì theo tui đi, đi đâu cũng được, ở đâu cũng được, miễn mình không xa nhau nữa. Nhen!"
Chị Hai nhìn thẳng vào mắt người yêu, chị lắc đầu cương quyết"tui còn hai đứa em dại phải lo, anh về đi... Có sâu nặng gì cho cam mà làm khổ nhau hoài hả Cảnh!"
Câu đó làm ảnh tê tái trong lòng, tụi tui thấy sự bất lực của anh khi buông tay, thấy được những nghiệt ngã ngập đầy trong mắt của người con trai si tình. Hai tui quay lưng cắp nón lá đi một hướng, bữa đó tui đồ rằng Hai về được tới nhà chỉ nhờ quán tính chứ mắt Hai và cái tâm của Hai đã giãy chết ngay tại chỗ anh Cảnh đứng rồi...
Hai anh em tui trong một khoảnh khắc, đã ước gì Hai gật đầu thiệt lẹ, bỏ hết đi theo hạnh phúc của đời mình. Sau này rồi mới hiểu, lắm khi tình cảm không cần sống chết với nhau, không cần gì nhiều, chỉ đơn giản là đủ thương thì sẽ trở nên khắc cốt ghi tâm... Nhưng khắc cốt ghi tâm cũng không hẳn là sẽ ở bên nhau trọn vẹn, thương, nhiều khi là buông bỏ...
Thì đó, rồi anh Cảnh nghe lời cha mẹ cưới vợ, nghe đâu, chị kia nhà trên Sài Gòn cũng giàu, gia đình hai bên quen biết nhau lâu lắm rồi, cưới xong anh Cảnh cũng dọn lên Sài Gòn ở, có nhà riêng hẳn hòi, có công việc đàng hoàng. Chú thím Tám nở mày nở mặt lắm, đi khoe con dâu dài xóm, mà cốt ý là cũng chỉ để những lời đó bay man mác tới chỗ chị tui mà thôi.
Trước ngày rước dâu, nhà đằng trước đèn hoa đã giăng ngập lối, nhạc xập xình, người cười nói nhộn nhịp hết một vùng, anh em tui không ngủ nổi, nằm nghe những ê chề chảy tràn qua tim. Anh Ba nói sẽ ráng học giỏi, đi làm nuôi lại chị Hai, chị Hai thiệt thòi, thương quá... chỉ cần nghĩ tới dáng vẻ của chị nhỏ bé, hai bàn tay chai cứng, ngồi lom khom rửa chén, giặt đồ cho người ta bất kể đêm ngày, mái tóc đẹp từ hồi chia tay người yêu đã bới cao không mấy lần xõa, mỗi lần chải đầu là tóc rụng, là ánh mắt bần thần. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ xót xa rồi.
Hai nói không về, nhưng trước ngày rước dâu, chị tui lặng lẽ về, lặng lẽ ở trong nhà, thêu cặp áo gối còn dang dở. Nguyên đêm đó Hai vẫn nói cười như không, nhưng đôi mắt chưa bao giờ có niềm vui thiệt sự.
Bên nhà đó, chú thím tám đang chuẩn bị mâm quả cho khuya mai đi sớm, anh Cảnh lầm lũi ra sau nhà, đứng ngay cây vú sữa cũ, tìm kiếm hoài một bóng hình sau cửa sổ căn nhà bên kia. Ngày mai nữa thôi, anh phải khép lại nỗi niềm si mê với cô gái có mái tóc dài đó. Đêm nằm ôm vợ anh không được nhớ mùi hương của nước giếng nước sông hòa quyện với mùi hoa bưởi hoa cau trên tóc, trên người của cô bạn cũ. Anh cũng buộc phải quên đi nụ hôn đầu tiên, ân ái đầu tiên trên da thịt bình yên của người anh yêu nhiều hơn bao giờ hết.
Dưới ánh đèn nhòa, chị Hai còn cặm cụi thêu cho xong đôi áo gối, thêu để đó thôi chứ lòng dạ nào mà đem tặng người thương, tưởng tượng cảnh vợ chồng người ta ấm êm trong căn phòng với đôi áo gối mình thêu thì không đau sao được.
Đêm khuya dần, mấy anh mấy chú nhậu xỉn queo, còn lại đôi ba người ngồi trước hiên chờ trời sáng, chú rể bữa nay uống rượu như uống nước trà, ai đưa ly nào là tợp hết ly đó, uống hoài mà không xỉn được, mắt cứ ráo trân, ráng ngủ cũng không yên trong bụng, nên chú rể ngồi ôm đờn ca"hồn lỡ sa vào đôi mắt em, chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm". Vừa ca vừa rớt nước mắt... Rượu đắng, hay lòng người đắng mà câu hát vang xa, khàn khàn. Đêm đó, chị Hai ngồi lâu bên cửa sổ, tóc dài xõa thêm một lần để nghe người thương của mình rót câu ca tê tái, "tình chỉ đẹp khi còn dang dở..." mà sao nghe đau quá chừng. Bờ vai chị run run, nén khóc không thành tiếng.
Cặp áo gối thêu xong, chị Hai lần lữa miết rồi xếp gọn trong hộc tủ, anh em tui biết chị buồn nhưng làm sao an ủi, vết thương lòng của chị sẽ không có câu từ nào đủ để xoa dịu. Tất cả chỉ tại vì nghèo, vì quá nghèo mà nên nỗi...
Bữa rước dâu, mắt anh Cảnh thâm quầng, còn ngất ngư hơi men vươn vất nên mặt không có nụ cười, cô dâu đẹp lộng lẫy, đúng phong cách con gái Sài Gòn, nụ cười lúng liếng, cứ đưa mắt trìu mến nhìn chú rể đứng bên cạnh lạnh tanh. Cổng hoa, bàn cưới, tiệc nhà trai rộn ràng, xong xuôi cô dâu chú rể đi lên thành phố, sau nhà dưới gốc vú sữa còn lại cây đờn gãy đôi. Có lẽ người ta quyết tâm lần này chấm dứt, một ngày nào đó không xa ảnh cũng sẽ hạnh phúc mà!
Chị Hai cắt tóc ngắn... Rất ngắn và cho tới nay mái tóc đó chưa bao giờ dài trở lại.
Anh Ba tốt nghiệp đại học, kiếm được công việc ổn định, phụ chị Hai nuôi tui học thêm năm cuối. Căn nhà cũ đã bán lại, ba chị em mua được chỗ ở mới ngoài huyện, thỉnh hương hồn ba má theo cùng, chắc ba má cũng hiểu...
Căn nhà mới không lớn nhưng đủ rộng để chứa những thương yêu. Chị Hai mở tiệm may tại nhà, trời thương, ba má phù hộ, mà khách hàng tin tưởng chị tui lắm... Có điều thời gian không chờ đợi ai bao giờ, chị Hai đã chớm già, tóc phai màu, da cũng bắt đầu có đôi nếp nhăn, anh em tui lần lượt ổn định công việc, có người thương của mình còn chị Hai thì vẫn lẻ bóng...
Có anh bán vải ngoài chợ, cũng là trai luống tuổi, người cục mịch, khô khan, nên chưa có ai ưng, mỗi lần bỏ vải cho chị Hai sẽ tự động bớt giá, hoặc gửi thêm xấp vải để chị Hai may đồ. Mỗi lần chị Hai đi chợ ngang sạp vải, thấy Hai xách nặng là ảnh lật đật gửi người coi hàng chạy theo xách phụ, đi lẽo đẽo vậy hà chứ không nói năng gì. Có bữa ảnh bẽn lẽn rủ chị Hai đi ăn chè, chị Hai tui cười lắc đầu từ chối, ảnh không năn nỉ thêm mà đi luôn rồi quay lại với mấy ly chè, ngồi ngoài hàng hiên tỉ mỉ bỏ đá rồi ăn chung với nhau. Hịch hạc vậy đó mà ai cũng biết ảnh thương chị tui thiệt, nhưng chắc với chị Hai vết thương cũ chưa bao giờ lành miệng, nên đôi áo gối cũ và cây đờn gãy kia Hai vẫn còn giữ như một kỷ vật, thường cái gì dang dở chắc nó day dứt như vậy hoài, không biết anh Cảnh còn nhớ không chứ chị tui vẫn âm thầm vuốt ve những hồi ức cũ. Nhiều lần tụi tui cũng nói giúp cho anh bán vải, nhưng Hai chỉ cười"đừng làm khổ người ta!"
Đợt đó tui với anh Ba lén lấy kỷ vật của Hai đem đốt, chị Hai về thấy tro khói còn hơi nóng, chị biết liền nhưng không la rầy, không trách móc. Chị im lặng... Lúc đó anh em tui nhận ra tàn tro cũng là kỷ niệm, dẫu không còn cây đàn hay cặp áo gối thêu kia thì chị cũng vẫn nhớ quá khứ, bằng chứng là chị tui chưa bao giờ quay lại nơi cũ, nơi có hai căn nhà nhìn ngó thấy nhau, có cây vú sữa chắc già lắm rồi... Con của người thương cũng lớn rồi... Chưa bao giờ quay lại, nhưng trong ánh mắt của chị, câu nói của chị, những hình ảnh ngày xưa vẫn hiện lên rõ nét, như cái lu nước mưa để chỗ nào, con đường đê đi học ngang qua nhà ai, cây cầu nhỏ giờ còn nằm yên chỗ đó hay căn nhà đằng trước khói bếp có còn cay... Và tóc Hai chưa dài lại bao giờ từ bữa người thương đập gãy cây đờn đi cưới vợ.
Anh bán vải vẫn ở đó, đơn giản chỉ để nhìn thấy chị Hai tui mỗi ngày, chỉ để được xách đồ phụ, hoặc có người con gái thích ăn chè thưng y chang ảnh, rồi lâu lâu có người may dùm cho cái áo sơ mi tối màu, cảm giác sẽ không cô đơn, đôi lúc với họ tình thương nó giản dị lắm. Chỉ cần một mối quan hệ không tên là đủ, có lúc đâu nhất thiết phải trọn vẹn ở bên nhau hoặc định danh cho tình cảm của hai con người. Cũng không cần phải quên đi quá khứ, sống với nó bằng những thanh thản là được.
Thương chị Hai tui - tóc ngắn trên vai
Thương người bán vải - chờ lạ thành quen...
Đồng Tử Dạ