111
13
3148 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Mùa hoa mận năm ấy đã bỏ lỡ mất em rồi...


Vườn táo nhà ông Bảy Gò có một cây táo ta lâu năm chi chít quả to nhỏ. Cây táo ấy nằm sát kề hàng rào kẽm phía trước nhà, mà bên kia hàng rào là con ngõ chính dẫn lối vào xóm Triềng - một trong ba xóm nhỏ của làng Tre. Ba cành lớn của cây vươn ra tận một phần hai con ngõ, mấy thằng nhỏ trong xóm ban ngày hay chạy đến chỗ cành táo hái trộm quả. Nhưng khi về đêm thì chẳng một ai dám bén mảng đi qua chỗ ấy.

Người trong xóm thường kể rằng, hôm nọ có bà kia đêm khuya đi qua con ngõ chỗ mấy cành táo thì bị con ma ngồi trên cây ném một quả táo trúng đầu, về nhà bả sốt li bì hai tuần rồi lăn ra chết. Không biết chuyện thật hay giả, mà người ta thay nhau lấy câu chuyện đó ra để hù dọa mấy đứa nhỏ thích đi chơi vào buổi tối. Họ hay bảo với bọn trẻ là có một con ma đêm đêm ngồi trên cành táo vặt quả ném xuống, ngay cả người lớn trong xóm cũng tin đến nỗi tự thêu dệt lên hàng trăm câu chuyện tâm linh quỷ dị. Nhưng chưa dừng lại ở đó, có người quả quyết cho rằng họ tận mắt nhìn thấy thằng May ngồi vắt vẻo trên cành táo vặt quả ném xuống. Gọi là thằng thế thôi chứ May còn sống thì cũng đã được độ ngũ tuần, mà người chết thì không lớn thêm, cũng không già đi, mãi mãi nó vẫn là thằng bé mười lăm tuổi.

Năm đó ở xóm Triềng, nhà ông Bảy Gò thường được khen ngợi là gia đình chuẩn mực nhất xóm. Vợ của ông Bảy là bà Hai Nhã, cả hai ông bà có với nhau ba người con, đứa lớn là chị Mận, đứa út là thằng May, còn đứa giữa do mệnh yểu nên chết sớm. Ông Bảy vẫn chưa kịp đặt cho đứa nhỏ này một cái tên đâu, thương lắm, hồi đó mà có tiền chạy chữa thì bây giờ nó đã là đứa trẻ khỏe mạnh rồi.

Thằng May không phải là đứa hiểu chuyện, nhưng nó thương cha mẹ, thương chị của nó lắm. May hay dẫn đầu mấy đứa nhóc trong xóm đi la cà khắp nơi, làm cho bà Hai đứng ngồi không yên, cứ mãi hoài lo lắng. Còn chị Mận lại nổi tiếng trong vùng là người ngoan hiền, lễ phép. Năm ấy, chị vừa độ mười sáu tuổi - cái tuổi trăng tròn đẹp đẽ, thơ mộng và tròn đầy của người con gái. Chị Mận lúc đó rất được các cậu thanh niên trai tráng trong vùng đến hỏi cưới, chỉ trong một ngày mà đã có hai ba tốp thanh niên mang trầu cau đến trước cửa nhà chị. Ông bà Bảy đã phải vất vả lắm mới đuổi khéo họ về được.

Hôm nay bầu trời quang đãng, ánh nắng chói chang rọi chiếu xuống từng kẽ lá, qua từng con ngõ, từng vách nhà tranh. Chị Mận vẫn như thường lệ, vẫn hay đi bán táo ta ở chợ Lụa gần xóm Liêu, còn tôi thì mang tập sách đến nhà thầy Jonathan học tiếng Pháp. Song, tôi hay thuận đường ghé qua hàng táo ta của chị Mận, chị em chúng tôi thường ngồi nói chuyện với nhau suốt một buổi hôm đó.

Cứ mấy năm ròng rã như vậy, tôi hay thường tự nhủ với lòng mình chị Mận là một người chị tốt, cơ mà tôi mê cái nhan sắc của chị lắm. Chị đẹp, đẹp như cái tên của chị vậy - Mận. Bờ môi chị đỏ thắm không son, đôi mắt đen lúng liếng như người con gái vùng cao, e thẹn mà chắc khỏe. Làn da trắng như hoa mận mà chị sở hữu sớm đã bị nắng mưa tưới lên màu da nâu ngà khỏe khoắn. Có lẽ nếu không có thứ nhan sắc ấy, thì tôi đã không đủ kiên nhẫn hằng ngày đi ngang qua chợ Lụa để đến nhà thầy Jonathan học cái tiếng Pháp kia suốt nhiều năm liền.

"Chị Mận!" Tôi từ đằng xa vội vàng chạy đến gánh hàng táo của chị, trong lòng dâng lên một hồi cảm xúc khó tả. Chị Mận thấy tôi từ xa chạy tới, vẫy tay cười hiền bảo với tôi:

"Đi học về rồi đó hả? Hôm nay cậu học được cái gì vậy?"

"Dạ, em cho chị nè." Tôi cầm trên tay giỏ bánh croissants hướng về chị, chị nhận lấy, đôi mắt ngẩn ngơ nhìn mấy chiếc bánh kỳ lạ được đặt ngay ngắn trong giỏ. Chầm chậm ngó nghía nó một hồi rồi chị Mận ngẩng đầu hỏi tôi: "Đây là cái bánh hả? Nhìn nó lạ quá ha cậu Lam?".

“Dạ tên nó là croissants đó chị.”

Chị Mận vừa nghe tôi nói vừa cầm lấy một mẫu bánh giơ lên trước mặt mình nhìn ngó thật tỉ mỉ, chị lại bảo: "Khoai sò? Tên bánh lạ thật đó, nghe vui tai nữa."

"Không, không phải khoai sò mà là croissants, tiếng mình bánh này tên sừng bò."

"Vậy à, tên dễ thương cậu ha?" Chị Mận cười híp mắt, đưa cái bánh croissants lên miệng cắn ăn ngon lành. Tôi ngồi xuống chiếc ghế con để cạnh bên, ngẩn ngơ ngồi nhìn chị tha thiết. Chị dường như cảm nhận được ánh mắt tôi nhìn chị, đôi mắt to tròn trong vắt của chị nhìn lại tôi với đầy sự tò mò.

"Sao vậy cậu? Trên mặt tôi dính gì hả?"

"Giỏ bánh này là lúc sáng mẹ chuẩn bị cho em đó."

"Thế à, dì ở nhà chu đáo thật đó. Cậu Lam cũng ăn đi, bánh ngon lắm!"

Chị cẩn thận trao lại giỏ bánh sang cho tôi, tôi vội nhận lấy nhưng không ăn mà cứ mãi nhìn chị suốt. Ngày hôm đó thật đẹp, đẹp với một đứa trẻ ở tuổi mới lớn như tôi, không rõ vì sao nhưng tôi yêu cái khoảnh khắc dung dị mà đầy đủ ý vị này. Thời gian lúc đó trong tôi như ngưng động lại, tôi muốn sống mãi ở đây, nơi này, cùng với chị, người tôi trân quý như gia đình của mình vậy.

Bẵng đến mấy năm sau đó tôi không gặp lại chị vì phải lên Sài Thành cùng với bố. Nhưng trong thâm tâm của tôi vẫn biết, biết người chị gái năm xưa vẫn còn lưu luyến chốn vùng quê nghèo này, nên chị sẽ không như mấy cô gái kia, chị sẽ không rời bỏ nơi đây. Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi và chị.

Năm đó, khi tôi được mười bảy tuổi thì chị Mận đã ở cái tuổi đôi mươi, xóm tôi thời ấy hay quan niệm con gái bước qua tuổi mười tám mà chưa chồng sẽ mất duyên và bị coi là ế. Ông bà Bảy biết quan niệm này, chị lại càng hiểu rõ về nó, nhưng chị chưa muốn lấy chồng vì còn bận bịu lo tiền cho thằng May lấy vợ. Nhà chị Mận khó nên ai trong xóm cũng hiểu, có người đồng ý để ông bà Bảy mượn tiền làm của hồi môn cho chị lấy chồng sớm mà chị không chịu. Chị sợ khi chị lấy được chồng lại để ông bà sống bơ vơ ở ngôi nhà tranh xập xệ hằng ngày làm lụng trả nợ. Thương thì người ta thương, nhưng giúp thì lại chẳng giúp được gì.

Hôm nay sau ngần ấy năm rời xa nơi này, tôi lại trở về và đi ngang qua chợ Lụa, như cái thói quen khó bỏ lúc nhỏ, tôi đi một mạch tới gánh hàng táo thân thuộc của chị Mận. Chị vẫn giống như chị của ngày đó, người chị năm mười sáu tuổi đẹp đẽ, và tôi không còn là đứa nhóc chỉ mê đắm cái nhan sắc của chị nữa, tôi bây giờ đã yêu con người chị. Chị Mận khi nhìn thấy tôi từ phía xa, hệt như năm nào chị vẫn hồn nhiên vẫy tay gọi tôi lại:

“Cậu Lam ơi!”

Hai tiếng “chị Mận” ứ nghẹn lại trong cuống họng làm tôi rất khó chịu. Đã nhiều năm như vậy rồi, mà chị vẫn còn nhớ tới đứa nhỏ năm nào chỉ ăn táo chị bán, chỉ lo tan học được đến gánh hàng của chị ngồi chơi, chỉ muốn được chị giục về khi trễ giờ cơm. Giây phút ấy tôi nhớ chị lắm, không, không phải, đúng hơn là từ rất lâu rồi, tôi nhớ chị, nhớ da diết. Nếu có thể... nếu có thể...

“Nhiều năm rồi tôi chưa thấy cậu ghé đây chơi, nghe nói cậu lên phố học. Chắc cực lắm ha, lâu vậy mà.”

“Dạ không cực lắm đâu. Em có mấy gói bánh da lợn này, chị ăn cùng em được không?”

“Bánh da lợn hả? Bánh đó thằng May nhà chị thích lắm đó.”

“Chị ơi, em hỏi chị này. Chị có tò mò về thành phố không?”

“Tò mò hả? Có chứ, tôi thấy ai lên trên đó về cũng đẹp hết, họ còn mang thật nhiều tiền về nữa chứ.”

“Vậy, chị có thích sống ở đó không? Thành phố ấy.”

“Không đâu, không đâu. Người quê mùa như tôi sao sống ở trên ấy được. Tôi nghe nói trên đó sống phung phí lắm, thôi thôi, tôi sống ở quê tích góp tiền của quen rồi, không được đâu.”

Tôi khi nghe chị nói thế chỉ biết cười khẽ, đáp: “Với chị và người dân quê mình thì họ sống phung phí, nhưng mà với người thành phố, đó là cách sống xa xỉ đó.”

“Vậy hả? Tôi học ít hiểu hẹp nên có gì không đúng cậu Lam đừng cười tôi nhé.”

Tôi chỉ biết nhìn chị cười mỉm rồi nhẹ nhàng ghé tai chị nói nhỏ: "Chị này."

"Hử?"

"Chị có biết gì không?"

"Cậu hỏi ngộ ghê. Biết gì là biết gì?"

"Em thương chị! Lắm lắm luôn đó."

"Trời đất ơi, cậu đùa chị hả? Tôi lớn hơn cậu tận ba tuổi lận đấy!" Chị Mận ngạc nhiên, đôi mắt mở to, biểu cảm như không tin vào tai mình. Động tác đang ăn bánh của chị trở nên ngượng nghịu, đôi gò má ửng hồng xấu hổ. Chị xưa giờ được thanh niên trai tráng người ta hỏi cưới quen rồi, giờ lại nghe một đứa nhóc thua mình ba tuổi tỏ tình thế này làm chị muốn úp mặt vào đâu đó.

"Mặc kệ, em cứ thương thôi."

Chị Mận còn tính ra dáng chị cả răn dạy tôi vài điều nhưng nghe tôi nói xong, cả hai chị em nhìn nhau rồi bật lên một tràng cười sảng khoái, được một lúc thì có người tới mua táo. Tôi ngồi chống cằm say sưa nhìn chị bán táo cho khách vãng lai. Mãi tới hồi sau, cứ nhìn chị hoài mà tôi quên mất giờ giấc. Lúc mặt trời đứng bóng, chị quay sang giục tôi:

"Cậu Lam, trễ cơm rồi, cậu về đi, kẻo tía má trông."

"Ơ, em quên mất, em chào chị nhé! Em về."

Để lại vài gói bánh cho chị, tôi quay lưng ra về. Tôi lúc đó sẽ không bao giờ biết được rằng, giây phút ấy là lần cuối cùng tôi có thể nhìn thấy chị cười, nụ cười đẹp đẽ làm cho tôi nao lòng cho đến tận bây giờ.

Ngay đêm hôm đó, gió Bắc dội thổi về, vợ chồng ông Bảy Gò tranh thủ thức dậy đỏ đèn đi cho tằm ăn, chị Mận và thằng May thì ra vườn hái táo để mai đem đi bán. Cùng lúc đó, gã Hùng - người vẫn cố chấp theo đuổi chị Mận dù chị không ưng, gã nổi tiếng trong làng là nát rượu, hay đánh người. Ở xóm Truông không ai là không sợ gã. Khi đi nhậu về, gã đi ngang qua xóm Triềng rồi rẽ vào vườn nhà ông Bảy Gò.

Trong cơn say tí bỉ, gã định giở trò cưỡng hiếp chị Mận thì bị thằng May, em chị ra ngăn lại. Gương mặt gã hung tợn hằn lên sự tức giận, tay cầm chai rượu đế đập thẳng lên đầu thằng May. Chai rượu vỡ nửa, đầu May chảy máu không ngớt, hơi thở của nó bắt đầu nặng nề. Nó ngã sóng soài, nằm bất động trên đất. Chị Mận bấn loạn hét toáng lên, ông bà Bảy nghe tiếng con gái hét lớn thì chạy nhanh tới xem.

Vừa chạy tới vườn táo, ông bà Bảy bàng hoàng khi thấy thằng May đang nằm bất động trên mặt đất giữa một vũng máu đỏ thẫm. Bà Hai ngất xỉu tại chỗ, còn ông Bảy đứng cạnh giận đỏ mặt. Ông nắm chặt khúc gỗ lớn trong tay đánh liều xông tới gã Hùng. Gã cầm chai rượu vỡ đã rớm máu của May thục túi bụi vào bụng ông Bảy, ông cố gắng tránh né. Song khi đó, ông dùng khúc gỗ đánh tới tấp lên đầu gã Hùng.

Được một hồi, ông Bảy và gã Hùng đều ngã khụy xuống đất. Ông Bảy Gò nằm quằn quại, bụng của ông nát tươm bởi miểng chai, máu thịt lẫn lộn. Gã Hùng cũng không khá hơn, trên đầu gã máu đỏ thẫm túa ra. Chị Mận nãy giờ nép sau thân cây táo hoảng hốt đến mức ngất lịm đi.

Mấy tháng sau, tôi vừa đi học xa trên Sài Thành về thì nghe mọi người trong xóm bảo nhau nhà ông Bảy Gò xảy ra án mạng. Cả nhà ông Bảy chỉ có bà Hai Nhã và chị Mận là còn sống.

Nhưng bà Hai từ đó goá chồng mất con, tâm trí lúc tỉnh lúc mê, đã thế lại hay đi lang thang, rồi rớt xuống mương chết lúc nào không hay. Còn chị Mận, chị cũng chẳng kém bà Hai là bao nhiêu, từ khi tỉnh lại, chị hay ngồi thất thần đối diện trước cây táo hôm đó khóc suốt một ngày một đêm. Người ta còn thấy chị sớm mai hay đi luẩn quẩn lòng vòng trong vườn nhà rồi gọi tên ông bà Bảy Gò và thằng May. Thương lắm nhưng ai cũng sợ mà tránh chị ra.

Sau khi nghe xong sự tình, ngay lập tức đầu tôi choáng váng như bị búa bổ. Bỏ mặc sự can ngăn của mẹ, tôi bèn đi đến chỗ con ngõ có cây táo. Bỗng tôi nghe thấy tiếng ai đó hát, tiếng hát phát ra từ nhà chị Mận nhưng không phải giọng của chị. Giọng này yếu ớt, non nớt như giọng của một đứa trẻ. Tôi ghé vào thăm chị, xem chị sống tốt không. Trông thấy tôi bước vào nhà, chị Mận thôi hát và cười bảo:

"Cậu ơi, yêu đi! Đây, chị cho!" Tôi đứng như trời trồng thất thần nhìn chị không nói được lời gì. Dường như trong cái đầu tăm tối của chị Mận, con đom đóm ký ức vẫn nhấp nháy, lay dậy những năm tháng bình yên trong chị. Nhưng tôi đang sợ, sợ người con gái tôi từng nói lời yêu thương.

Chị Mận khẽ đứng dậy, đi đến bàn thờ, nơi có di ảnh của ông Bảy, bà Hai và cả thằng May nữa. Chị kiễng chân, vươn tay mò mẫm mặt bàn, cầm lấy được một quả táo ta to vừa lòng bàn tay con nít chạy lại đưa cho tôi. Rồi chị nắm lấy tay tôi đặt lên bầu ngực lem luốc của chị, cúc áo nơi ấy cài không kỹ bị bung ra, tôi quay mặt đi nơi khác nhưng không rụt tay lại mà cứ để nguyên đấy.

"Yêu đi cậu! Đây chị cho." Giọng nói chị nghẹn ngào, ánh mắt ngây ngô tha thiết nhìn tôi nhưng sâu bên trong đó là một khoảng không trống rỗng. Phải rồi, người ta nói chị không được bình thường, ác miệng hơn sẽ bảo chị bị điên. Chị Mận vừa nói xong liền bật lên một tràng cười ngây dại, nghe mà lạnh sống lưng. Tôi đứng im không nói gì, chậm rãi nhìn chị, nhìn vẻ đẹp và cả con người đã làm tôi say đắm mãi đến tận sau này.

Cái Mơ, con gái lớn của cô chú Lai nhà hàng xóm đem sang cho chị một bát cơm to đầy cùng hai con cá trích kho và một bát canh lá giang. Chị Mận nhận suất cơm ấy rồi ngồi ăn ngon lành hết suất cơm đó. Trong lúc chị ăn, cái Mơ bỗng quay sang nói với tôi: "Chị ấy thích ăn canh lá giang lắm, cứ phải có canh ấy mới chịu ăn cơ." Nó vừa nói vừa nhìn tôi cười tít mắt. Tôi chợt chú ý đến dĩa táo ta được bày ra gọn gàng đặt trên bàn thờ, bèn hỏi Mơ: "Ở đâu ra mấy quả táo trên bàn thờ vậy?"

"Em không biết nữa, chắc thằng May cho." Dứt lời, nó quay sang nhìn chị Mận, nhanh chóng đi đến bên chị, vừa cầm lấy bát đũa, vừa ân cần nói: "Ăn xong rồi nhé, em về đây, chiều tà em lại sang." Song, Mơ chào tôi rồi quay gót ra về.

Chị Mận ăn xong lại ngồi thất thần, chị nhìn chằm chằm vào khoảng không phía trước mặt, đôi mắt u buồn, ngây dại. Tôi nhẹ nhàng lại gần ngồi ôm chị vào lồng ngực, dịu dàng vuốt lấy mái tóc xơ xác của chị. Chị Mận cười cười, dựa vào người tôi nói nhỏ đủ cho hai người nghe:

"Yêu, yêu!"

Lúc này, bất giác trong lòng tôi có một chút rung động nhẹ, như cái thuở ban đầu còn cất lời ngọt tiếng thương. Chị vẫn còn nhớ câu nói yêu thương tôi dành cho chị ngày ấy. Vậy ra chị vẫn không quên những giây phút đẹp đẽ giữa hai đứa và tôi cũng chưa từng hết thương chị, chỉ là bản thân tôi sợ thương một hình hài khác của chị. Tôi rục rịch tay, khẽ chậm rãi cúi đầu thì thầm nhỏ vào tai chị, đủ để mình chị nghe thấy: "Chị ngoan, chờ em một chút nữa thôi, em rước chị về."

Năm tháng vẫn dài như năm tháng xưa

Lại không đủ để viết xong đoạn kết

Câu chuyện tình ngày trước chưa kể hết

Mận chưa tàn đã dang dở mùa hoa.