204
15
3725 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chiều Lặng


Hoàng hôn buông, mảng trời lốm đốm trắng đen rồi tối hẳn, lũ động vật ăn đêm bắt đầu cất tiếng râm ran tẻ nhạt. Em gái tôi chống tay nhoài ra khỏi cửa sổ, mắt mở căng ra như đang cố gắng tìm kiếm thứ gì đó. Nó khe khẽ nheo mắt, rồi bật chạy ngay ra ngoài.


Tiếng đạp xe cót két nghe vang dần rồi yên hẳn, mẹ tôi như bước ra từ vệt sáng nhỏ nhoi giữa bóng tối đang bao trùm đôi mắt em gái tôi. Thân thể bà thấm mùi mồ hôi, tiếng thở vừa nặng nề vừa bực bội. Em gái tôi im thin thít tháo bao cỏ trên xe mẹ, chẳng dám hó hé gì.


Mẹ tôi hít lấy vài hơi để ổn định hô hấp. Em gái tôi lấy cỏ cho bò xong thì đi vào nhà, pha sẵn nước tắm cho mẹ. Sau lại dò dẫm mò ra, nhẹ nhàng tháo nón tháo khăn rồi giục mẹ đi tắm.


Mẹ tôi rệu rã lê chân, chưa vào tới nhà đã nghe thấy tiếng rên như sắp chết tới nơi. Cơn mệt nhọc trong người chưa nguôi, bà hỏi như quát: "Ba mày lại làm sao?"


"Ổng... đau răng..."


"Người ta đi làm trượt mặt từ sáng đến tối còn chưa than câu nào, ông ở nhà thì nay than lưng đau mai than vai mỏi. Tứ chi bách hài than hết rồi cho nên giờ đến răng cũng phải lôi ra rồi phải không? Tôi không phải cối xay ra tiền, đau thì tự kiếm tiền mà mua thuốc, chả ai rảnh đâu mà mua."


Em gái tôi dường như hơi sợ mẹ giận, len lén bảo mẹ thôi im đi. Nhưng sẵn cơn mệt trong người, bà rủa một tràng như xả hơi. Ba tôi nằm trong nhà cũng không kém cạnh, ông qua bà lại, đến khi cãi chán chê, nước tắm cũng đã nguội. Tôi thở ra một hơi dài, đun một ấm nước khác.


Ăn uống xong xuôi, em gái tôi chở mẹ đi mua đồ. Trong nhà chỉ còn lại tôi, ba và bà nội, không biết có phải ảo giác hay không, mà tôi nghe thấy tiếng rên của ba tôi dường như mang theo cả nước mắt. 


Tôi cắn cán bút, bài tập và đề cương lớp mười hai xếp thành một chồng như núi, mà tôi lại chẳng đặt tâm trí vào bài vở. Tiếng ba tôi lại khẽ vang lên, âm mũi rất nặng, tôi đoán có lẽ họng ông cũng không ổn: "Đứa nào ở đó, lấy cho ba miếng nước."


Tôi thầm than một tiếng, không muốn đứng dậy cho lắm. Nhưng trong nhà chẳng còn ai để đùn đẩy, tôi đành rót một cốc nước đầy rồi đặt trên chiếc bàn cạnh giường cho ông. 


"Mai hai đứa mày có nghỉ không? Chở ba ra ngoài đó nhổ cái răng đi, đau quá chịu không nổi rồi."


Tôi cắn môi, nhẫn nhịn lắm mới không to tiếng, chỉ thấp giọng gằn lên từng tiếng: "Mai con học phụ đạo."


Lặng hẳn, chẳng ai nói gì nữa. Tiếng côn trùng như một bài ca oán than não nề, tôi thất thần một lát, bỗng chợt giật mình: chẳng biết từ bao giờ, tôi đã trở thành một con người bạc bẽo đến vậy. Người đàn ông ấy là cha tôi, là người mang đến cho tôi sinh mạng, nhưng trước cái đau đớn của ông, lạ là tôi chẳng có cảm giác thương xót gì...


__


Gà vẫn chưa gáy, trong nhà đã có tiếng lục đục. Tôi mắt nhắm mắt mở, biết ba mẹ lại chuẩn bị đi kéo lưới đánh cá. Tất nhiên nơi đây chẳng phải miền biển, ba mẹ tôi đánh là cá nước ngọt. Sáng sớm phải đi rất xa rất xa, tới một cái đầm rộng để giăng lưới. Người ta gọi đó là Đầm Sen vì hồi xưa trong đầm có rất nhiều sen, nhưng giờ thì chẳng còn cây nào, nước trong hồ cũng cạn dần, nên mới thành đầm. 


Trong lúc mê man, tôi nghe tiếng mẹ đánh thức anh trai, rồi tiếng bước chân lộp cộp, sau một hồi thì yên lặng.


Đến khi tôi tỉnh lại lần nữa, trời đã sáng bảnh, ông anh lớn sau khi cho ba anh em tôi ăn sáng thì đã đi học từ lâu. Ba anh em tôi ngồi lượm cá tôm, phân loại ra để mẹ đem bán, vừa lựa vừa cười đùa. Đây dường như là công việc quen thuộc nhất với chúng tôi mỗi cuối tuần được nghỉ, mùi tanh của cá tôm, ngửi quen dần, cũng không đến mức tanh đến thế. Cá tôm theo mẹ đi một lát, lúc về đã sạch hai bên thúng. 


Lúc nào đi bán cá xong mẹ cũng mua quà vặt cho chúng tôi, khi thì bánh bao, khi thì kem, khi thì kẹo kéo. Bởi vậy, cũng như mọi đứa trẻ khác, tôi thích ngồi trước nhà rồi giương mắt nhìn ra xa, chờ đợi bóng dáng mẹ xuất hiện trong tầm mắt. Suốt những tháng ngày ấu thơ, bóng dáng gầy guộc trên chiếc xe đạp cà tàng, với hai chiếc thúng sau yên xe tanh tanh mùi cá, đã trở thành nỗi mong chờ duy nhất của tôi trong ngày.


Hai mùa nước lên và nước cạn đã qua, trong mấy tháng ròng nghỉ dài, mẹ tôi nhận công làm thuê cho người khác. Tôi càng lớn, dường như tháng ngày mẹ không đi kéo lưới đánh cá ngày càng dài ra. Anh tôi vu vơ nói, nước trong đầm sen đang thấp dần, cá trong đầm cũng sớm lủi ra nơi khác sống, chẳng còn gì để bắt.


Tôi không thấy ba có biểu hiện gì, vẫn thường hay chờ mẹ mua mồi về nhậu với đám anh em. Chỉ có mẹ tôi hay ngồi chống tay lên trán, dường như suy nghĩ đâu lung lắm. 


Cho đến một ngày, thôn tôi có người mở một nhà máy nhựa, đang tuyển nhân công. Thời đó còn khốn khó, nhà máy là cái mà người dân thôn tôi chỉ nhìn thấy trên ti vi, nhưng cũng nghe nói là độc hại lắm, nên ai cũng e ngại. Rốt cuộc trong bữa tối vài ngày sau, mẹ tôi rốt cuộc nói lên lời cất giấu bấy lâu: "Thôn mở cái nhà máy, lương ba bốn triệu một tháng. Đánh cá chẳng dành dụm được bao nhiêu, mà lúc nghỉ chờ nước lên thì cũng ăn hết số tiền ấy rồi. Tôi tính vào nhà máy làm, chỗ đó đều công, sống cũng có cái ra cái vào."


"Không có máy miết gì hết, mày mà không đánh cá nữa xem tao có đập gãy chân mày không."


Bữa cơm tối chưa kịp ăn đã tanh bành, ba tôi tiện tay cầm cây chổi quất liên hồi lên người mẹ, hai ông anh tôi một kéo ba một ôm mẹ tách hai người ra. Ba đánh cả anh, cả tôi và em gái. Mẹ tôi than lên, thất thanh bảo chúng tôi nhanh chạy.


Đến khi định thần, tôi đã nửa mơ nửa ngủ ở một nơi không phải là nhà.


Không phải màn trời chiếu đất, ít nhất dưới thân vẫn còn một manh chiếu rách, nhưng sương lạnh vẫn thấm vào người tôi đến buốt giá. 


Ba tôi đang nóng máu, mấy mẹ con tôi chẳng ai dám vào nhà. Mà đây cũng chẳng phải lần đầu ngủ bờ ngủ bụi, mẹ tôi mang đầy đủ đức tính của người phụ nữ Việt Nam: cam chịu và bất hạnh. Mẹ xem việc ba đánh mình là đương nhiên, nên không dám phản lại. Anh tôi dường như muốn đánh cả ba, nhưng mẹ chỉ kéo tay anh, bảo không được.


Ba phản đối là vậy, nhưng mẹ vẫn vào nhà máy làm. Suốt mấy tháng ròng, nhà tôi luôn trong tình trạng căng như dây đàn, không một tối yên ổn. Giấc ngủ của tôi bắt đầu chập chờn nơi bụi cây, mà mẹ tôi tuy không rấm rứt, nhưng tôi biết trên khuôn mặt mẹ đã vương đầy nước mắt.


Thật ra tôi giận mẹ, lí do để giận thì có nhiều lắm. Không được chăn êm nệm ấm, ngôi nhà chẳng lúc nào bình yên đều có thể trở thành lí do. Nhưng khiến tôi cảm thấy mất mát nhất luôn là những lúc ngồi chờ mẹ về nhà, tôi không chờ được quà vặt, chỉ chờ được sự quật cường sâu trong cái cam chịu của mẹ.


Nhà tôi không có đất đai, thực ra là có, nhưng trước khi tôi ra đời thì ba tôi đã bán đi vì bài bạc. Không có mẹ đi cùng, ba tôi cũng không thể tiếp tục vác lưới đi xa để đánh cá, kể từ đó chính thức trở thành kẻ vô công rỗi nghề.


Thật ra ba tôi có thể đi làm thuê, hái cà gặt lúa không phải không được, nhưng ba tôi rất cứng nhắc, mặc định đánh cá là nghề thì mất đi cũng chẳng buồn làm việc khác. Gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai của mẹ, dần dần, mẹ trở thành trụ cột trong nhà, mà thái độ của tôi với ba ngày càng hờ hững.


Con cái đều là gánh nặng của cha mẹ, điều này đến lúc lớp tám tôi mới chợt nhận ra. Tuổi dậy thì của tôi trôi qua chẳng mấy vui vẻ, bởi đã đến lúc tôi nhận thức được cái xấu cái đẹp. Tôi vẫn tự tin mình không đến nỗi nào, nhưng thật không may trong mọi cuộc so sánh, tôi luôn bị đẩy ra sau khi em gái tôi giành được mọi sự công nhận.


Thật ra tôi cũng rất thích em gái, ngoại trừ hơi điệu ra thì nó cái gì cũng tốt. Nhưng từ nhỏ tôi đã rất nhạy cảm, vì dường như ba mẹ hay anh chị em trong nhà đều thích em gái tôi hơn. Nó là út, mọi người thương nó hơn cũng chẳng phải điều gì lạ. Chỉ có điều, nếu tính ra thì tôi mới là út thật sự, vì dù sinh cùng ngày nhưng tôi mới là đứa ra sau. Song không biết vì sao, ba mẹ lại cho tôi làm chị.


Tính tôi hay để tâm mấy thứ vụn vặt, người ta chê một câu có thể làm tôi buồn một ngày, dù biết đó chỉ là so sánh vui vui trong những cuộc tám chuyện không biên giới của tụi con gái, nhưng rồi tôi vẫn thu mình và tự ti dần. 


Quan hệ của tôi với mẹ đã tốt hơn, vì tôi cuối cùng cũng hiểu được cái khó xử của mẹ khi chọn lựa giữa tiếp tục làm nghề đánh cá không mấy ổn định và một công việc nhìn thì có vẻ hại nhiều hơn lợi, nhưng thật ra lại có tương lai hơn.


Tôi vẫn thường có chút tỵ nạnh dâng lên trong lòng trước sự thiên vị của người nhà, song cũng hiểu ngón tay cũng có cái dài cái ngắn, nên cũng không so đo nhiều. Thay vào đó, tôi cố làm cho mình hiểu chuyện, bất cứ lúc nào cũng phụ mẹ đôi ba chuyện. Giặt đồ rửa chén, bưng cơm rót nước. Dần dần, tôi nhận ra mẹ bắt đầu quan tâm đến tôi hơn, thậm chí đôi lúc em gái tôi còn phải bĩu môi bất bình: "Sao cái gì mẹ cũng cho nó đầu tiên thế?"


Mẹ tôi chỉ cười, khe khẽ mắng yêu: "Thì mày cũng phụ mẹ đi rồi mẹ thương, mẹ cho quà."


Vậy là em gái cùng tôi chia sẻ việc nhà, thật ra tôi không còn sợ nó cướp sự thương yêu từ mẹ nữa. Có lẽ tôi đã lớn, cũng có thể vì tôi không còn quá quan tâm đến việc cân đo đong đếm ấy nữa.


Chị dâu tôi có thai, đây đã là đứa thứ ba của anh chị. Mẹ tôi miệng thì lẩm bẩm mắng chị dâu không biết kế hoạch, thời này rồi còn cứ sinh đẻ vô tội vạ, nhưng vẫn gói ghém hành lí đơn giản lên chăm chị mấy ngày. Mẹ để lại cho chị em tôi vài triệu rồi bắt xe lên thành phố, để hai đứa tôi ở nhà với ba và bà nội.


Vắng mẹ, bữa cơm mỗi chiều lại càng thêm hiu quạnh.


Chỉ có tiếng đũa va vào bát chén cùng tiếng côn trùng kêu, chẳng ai phá vỡ yên lặng.


Bà nội đổ bệnh, cô chú tôi xuống thăm rồi đi, chẳng ai chăm nom hay giặt cho bà một bộ quần áo. Bà ở một bên rên hừ hừ, ba tôi thì chẳng thèm quan tâm, ở một bên bật ti vi thản nhiên xem. Mà hai đứa cháu nội như chúng tôi cũng không hỏi han bà câu nào. Nghe có vẻ giận cá chém thớt, nhưng tôi rất ghét bà nội, ghét từ cái thuở bà buôn bán giàu sụ, tiền ra vào như nước nhưng lại không cho nổi anh trai tôi một cái xe đạp để đi học. Khiến bước đường học hành của ba anh chị đầu của tôi đều phải dừng giữa chừng ngay khi vừa xong cấp một.  Họ đã chẳng còn giận bà, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cứ mãi ghim trong lòng, chẳng sao quên được.


Mẹ phải lật đật chạy trở về, vừa bưng cơm rót nước dọn phân cho bà nội, vừa ức đến mức rơi nước mắt. Nhiều khi đi làm về còn phải chăm bà, mẹ không khống chế được phải chửi đổng: "Bà xem con cháu bà đi, lúc vàng bạc đầy người thì đứa nào cũng bâu vào bà bà cháu cháu ăn cho hết sạch. Đến lúc bệnh nằm một đống thì chả thấy mặt đứa nào, cũng là cái con này hầu đến tận miệng. Có khốn khổ thân tôi không cơ chứ!"


Bà nội vừa nuốt cháo vừa rơi nước mắt, song đến khi khỏi bệnh rồi cô chú tới thăm, náo loạn với ba tôi một hồi, rốt cuộc bà vẫn thu dọn hành lí đi theo họ.


Không nói đến mẹ, tới tôi cũng ức trước cái trò ăn cháo đá bát này.


Bà nội đi rồi, ngược lại khiến ý định sâu thẳm trong tôi không cách nào thực hiện được.


Đã từng, mỗi đêm mẹ khóc vì cơm áo gạo tiền, vì phải chăm sóc bà, hay cả về lão chồng đang ăn bám, tôi đã đau đớn nghĩ rằng chúng tôi đều đang là cục nợ gắn trên vai mẹ.


Thật ra người nhạy cảm rất dễ rơi vào tuyệt vọng, đến mức ý định đi tìm cái chết cũng không phải lần đầu tôi nghĩ đến.


Tôi từng thử tự tử rất nhiều lần, cũng suýt thì thành công, nhưng chung quy, tôi vẫn hãm lại ngay khi cách thành công vài bước.


Tìm đến cái chết để giải quyết vấn đề đều là kẻ hèn, song đến kẻ hèn tôi còn chẳng làm được, vì tôi không dám chết.


Sau, tôi tìm được lí do bao biện để mình không nghĩ tới cái chết: người tôi thương còn đang sống để chịu tội, tôi không thể tìm cái chết được.


Nhà tôi đông con, cả thảy bảy anh em, nhưng dường như khi muốn tìm đến cái chết, tôi chẳng nghĩ đến một ai trong số họ, chỉ nghĩ đến một người duy nhất.


Mỗi ngày khi thức dậy và khi ngả lưng xuống giường, tôi đều thầm nghĩ: đợi mình làm cho mẹ bớt khổ, báo đáp đủ công ơn cho mẹ, xong rồi chết cũng chưa muộn.


Sáng bốn rưỡi tôi dậy nấu cơm nấu nước đặng cho mẹ kịp ăn cơm đi làm, tối lại xoa dầu bóp chân bóp tay cho mẹ để bà vơi đi cơn nhọc. Những lúc mẹ cười cười bảo tôi rốt cuộc cũng lớn rồi, hiểu chuyện rồi, tôi lại cảm thấy mình giả tạo ghê gớm.


Trước mặt mẹ tôi là một kẻ ngoan hiền, nhưng đợi mẹ đi khỏi, tôi vẫn sa đà vào thú vui nơi màn hình điện thoại, mặc dù mẹ đã nhiều lần khuyên ngăn dùng điện thoại nhiều không tốt cho mắt.


Để đến khi mẹ đi làm về, tôi lại cảm thấy vô cùng có lỗi, vì lại quên lau nhà hay dọn dẹp. Song cũng chỉ là cảm giác thoáng qua, bởi ngay sau đó tôi cũng quăng thứ cảm giác tội lỗi ấy ra sau đầu.


Tôi còn không ngửi được mùi mồ hôi nặng trên người mẹ, dù biết rằng đó đều là mồ hôi xương máu đổi lấy tiền bạc nuôi chúng tôi ăn học. Thứ mồ hôi ấy dần trở thành mùi cơ thể mẹ, đến nỗi tôi luôn hơi nhíu mày mỗi khi đứng gần bà. Mỗi lúc như thế, tôi lại thầm rủa mình là cái đồ bất hiếu, song lại không thể chối bỏ cảm giác chán ghét ấy.


Tôi thường hay nhớ về cảm giác nằm trong lòng mẹ khi xưa, để tự cảnh tỉnh mình rằng chính cuộc sống và chúng tôi đã khiến mẹ tính toán chi li từng đồng, và hèn mọn dần trong cái túng thiếu tiền bạc.

Và tôi luôn cho rằng cuộc đời con người có ba mốc quan trọng: lúc ra đời, khi mười tám, và còn lại là lúc chết.


Tôi không muốn tuổi mười tám   và thời điểm chết đi của mình bị gom thành một mốc.


Vậy là tôi lại tiếp tục sống.


Mọi mối quan hệ xung quanh tôi dần khởi sắc, duy chỉ có với ba là mãi chẳng cải thiện. 


Dù không đi làm, nhưng ba vẫn không chịu thừa nhận mình đang ăn bám. Máu gia trưởng dường như đã ăn sâu vào trong máu, khiến ba tôi luôn muốn nắm giữ mọi thứ. Nhưng quyền quyết định trong nhà từ lâu đã chẳng còn liên quan đến ba, làm gì, ăn gì, mua gì, mẹ tôi không còn bàn bạc với ba nữa. Thi thoảng uống rượu, ba vẫn lè nhè cả đêm, dù vẫn là những câu rủa đã cũ, nhưng chẳng bao giờ mẹ tôi bỏ ngoài tai. Chỉ cần về nhà ngửi thấy hơi men, tôi đã biết tỏng trong lòng tình cảnh tối nay. Nhưng chỉ biết thở dài, thầm than câu mỏi mệt, bởi tôi vẫn còn là đứa trẻ, khuyên mẹ không nghe, can ba không được.


Tôi quay sang giận ba. 


Giận vì ông mãi chẳng thể hiểu được cái khổ của mẹ. 


Rồi chẳng biết bắt đầu từ lúc nào, tôi đã không còn nhìn vào mặt ông mỗi lần nói chuyện hiếm hoi.


Với người khác, đã ghét rồi thì nhất định phải chửi cho hả dạ, nhưng có lẽ là do tự ti và thu mình thành quen, cho dù ghét tôi cũng không muốn buông lời mắng chửi ai. Ghét ai thì tôi dường như hận không thể tránh xa mười bước, càng không bao giờ nhìn vào mắt người ta khi nói chuyện.


Tôi dần dần không còn giận ba, cũng dần dần nhận ra mình đã xem ông thành người xa lạ. 


Mà tôi cũng tiêm nhiễm điều xấu xa này vào sâu trong trí óc mẹ và em tôi mỗi lần ba mẹ con ngồi nói chuyện. Nói đi nói lại nhiều lần, rốt cuộc ba đã hoàn toàn bị cô lập, hỏi không ai thưa, nói chẳng ai chả lời.


Tôi xem đó là báo ứng của ba, và xem mình là đứa con sinh ra để làm chuyện khi sư diệt tổ.


Khi tôi lớn thêm một chút, nhà chỉ còn năm người ra ra vào vào. Lúc hai ông anh còn ở nhà, có lẽ còn có tiếng cãi vã, song sau khi anh đi rồi, mỗi tối chỉ còn tiếng ba tôi ca bài ca không quên, mẹ tôi im lặng. Tôi nghĩ có lẽ mẹ sợ ba, nhưng là sợ kí ức bị đánh đập khi xưa, chứ không hẳn là sợ ông hiện tại.


Bởi ba tôi đã già, sáu mươi ba tuổi, gần như đi qua hết cuộc đời con người.


Song tôi đã lờ đi mọi dấu hiệu tuổi già của ông.


Đọng lại trong kí ức chỉ có ba của hai thời điểm, trước và sau khi mẹ đi làm công nhân.


Các anh tôi ai cũng đã từng nếm đòn roi của ba, duy chỉ hai đứa tôi là chẳng bị ông đánh lần nào. Không phải vì chúng tôi là con gái, mà có lẽ vì là út, nên ông thương yêu hơn hẳn các anh chị. Ba của khi ấy sẵn sàng dùng hàng giờ để chơi với chúng tôi, để dỗ chúng tôi vui vẻ.


Ba tôi của lúc sau, đáng sợ và vô lí. Không chỉ xả giận vào mẹ mà hai đứa tôi cũng chẳng thoát khỏi. 


Từ yêu thương, đến sợ sệt, rồi chán ghét, sau cùng là hờ hững, thì ra tôi đã bỏ nhiều thời gian như vậy chỉ để khiến người thân thương nhất của mình trở nên xa lạ.


Liệu tôi có còn cảm thấy hả dạ trước cái gọi là báo ứng mà chính tay mình mang đến cho ba?


Chợt nhận ra, dường như cả tôi và ba đều chẳng nhận được gì sau bấy nhiêu thời gian lãng phí. 


Một chiều hoàng hôn, em gái tôi không còn giương mắt ra ngoài cửa sổ tìm kiếm bóng dáng mẹ. Ba tôi cũng không còn nằm trên giường rên hừ hừ. Chúng tôi ngồi bên nhau, không gian vẫn chỉ có tiếng côn trùng nỉ non, song lại có thêm tiếng lau lá loạch xoạch, tiếng dây lạt buộc vào đòn bánh. Chiều đã lặng, hoàng hôn đã buông, thời khắc giao thừa đang dần tới. Trong bếp vang tiếng lửa lách tách, ánh lên gương mặt ai hồng hồng...


16/3/2020

Truy Quang