Chốn xưa
Chốn xưa
Tiếng còi chừng chặp vang lên, anh lơ xe ngoắt tôi lại. Tán cây dang tay che nắng, tôi đứng nhìn mãi đồng lúa Kiên Giang đang trĩu oằn những giọt nắng, tỏa hương thoang thoảng trong cơn gió nam. Lòng tôi bịn rịn. Tranh thủ lúc anh phụ xe bỏ hàng vào hầm xe, tôi đứng ngắm lại mảnh đất ấy thêm một chặp. Chân chưa muốn rời đi. Anh lơ xe hối như cái giặc, tôi buộc lòng phải "tuân chỉ".
Mảnh đất Kiên Giang lần lần ở lại phía sau tôi, khuất sau nẻo đường xa. Nhưng những ký ức về nơi ấy lại hiện về thật gần. Cơn gió đồng luồng qua cửa xe. Tôi thò đầu ra cửa. Không phải để hứng cơn gió mát rượi. Tôi trông lại mảnh đất phía sau, bởi lòng còn lưu luyến nơi đã gắn bó hơn bảy năm.
Kỷ niệm ùa về như thác đổ. Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày chân ướt chân ráo đi vào xứ lạ quê người.
Hồi ấy, tôi như một con ngựa non choẹt. Vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Quy Nhơn, tôi "bị đày" vào vùng Hạ Long phương Nam. Biển một bên và tôi một bên, tôi về công tác dưới Hà Tiên. Bất đắc dĩ mà thôi, đi xa như thế ai muốn bao giờ. Nhưng xét ra, mình cũng bằng một thằng lính quèn hồi phong kiến mà thôi.
Tứ cố vô thân, không ai biết mình, mình cũng chẳng biết ai. Đi vô đó, đâu phải "nước tới chân mới nhảy". Phải đi vào trước một tháng, lo sắp xếp chỗ ở, làm quen bà con hàng xóm, và còn đi tìm... "địa bàn hoạt động" nữa. Nên tôi phải sắp xếp đi ngay. Thời gian nghỉ vừa đủ khoảng trống để tôi điền vào. Những công việc vừa nêu lấp đầy khoảng thời gian một tháng của tôi. Ra trường, tôi chỉ có bấy nhiêu thời giờ để chơi thôi. Nhưng cuối cùng, cũng bị cấp trên cuỗm mất.
Hồi ấy, xe cộ không như bây giờ, không có chuyện xe giường nằm hay massage. Có được ghế ngồi trên chiếc xe tàn tàn thì xem ra cũng khá rồi. Ngày ấy, ít ai dám rớ đến xe hỏa. Có vé ngồi lên xe hỏa, người đó cũng là dạng máu mặt. Còn nếu dân lao động, chỉ leo lên toa hàng rồi đi tạm mà thôi.
Ghế xe, không êm và thoải mái như bây giờ đâu. Ngồi như ngồi trên đá, mỏi từ đầu đến chân, đau từ lưng đến gối. Xe ngày ấy hiếm như lá mùa thu. Nhưng "đường ta rộng xe ta đủ lái" thôi nên thời gian đi cũng hết mười hai con giáp.
Xe không "giao hàng tận nơi" như bây giờ. Ngày ấy, xe ít. Tôi đi vào đến xa cảng miền Đông, lại phải bắt một xe khác về Hà Tiên. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến đây là "chân người chen chân, lụa là khoe" - mượn câu hát của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân quả là hợp lý. Má tôi lo xa cũng không thừa. Hồi tôi chuẩn bị đi, má gói tiền kỹ hơn gói bánh tét. Tiền, má lấy dây thun buộc kỹ lưỡng. Gói một lượt ba lớp giấy báo, thêm một lớp giấy dầu. Sau cùng, má còn lấy băng keo quấn kỹ lại. Trông má tôi chẳng khác chi cô nhân viên bưu cục. Thấy má làm kỹ quá mức, tôi đùa:
Má gói vừa thôi để bọn móc túi đỡ nhọc!
Đừng có mà hời hợt, bệnh rồi mới chạy đi mua thuốc thì khổ.
Miệng nói tay làm, má vẫn không ngơi gói kiện hàng của mình. Chưa dừng lại ở đó, má xốc hết quần áo trong ba lô ra, chôn cục tiền dưới cùng rồi xếp đồ đạc bỏ lại đường hoàng, nghiêm chỉnh. Hành trang tôi mang lỉnh kỉnh. Đến đây, tôi mới gạt được ý nghĩ má lo bò trắng răng. Khi tôi đang bình yên thì đâu đó phía cuối bến xe có người hô hoán nhờ người còng đầu tên cướp.
Theo với tôi là con ngựa sắt. Nói cho oai vậy, chứ thật ra, nó là chiếc xe đạp trành mà ngoài quê, mỗi lần trèo lên là tay tôi dính đầy nhớt, xích cứ tuột mãi. Chiếc xe đó mua từ năm một ngàn chín trăm lâu lắc. Bây giờ, còn đi được cũng may phước.
Vào đến nơi, tôi không có nơi nào ở. Hiệu trưởng phát cho tôi cái ghế bố, cho tôi nằm trên phòng hiệu trưởng. Từ ngày đó, tôi vừa dạy, vừa làm "tổng quản" không công tại trường.
Thời gian đầu đi dạy, tôi được tín nhiệm điền vào chỗ Bí thư đoàn ngay khi tiền nhiệm thoái vị. Mới lên làm khoảng đâu một tháng, tôi được hiệu trưởng tuyên dương, làm cho đồng nghiệp mắt chữ a, mồm chữ o.
Câu chuyện đó, đến bây giờ tôi vẫn thường truyền xuống cho học trò. Lần ấy, học sinh của trường hay bị một đám thanh niên choai choai lạ mặt dùng làm "võ cụ". Chuyện đó xảy ra như cơm bữa, nhưng chúng nó câm như hến. Nói ra, sợ bị "phạt" nặng hơn. Sau hơn tuần lễ làm trinh thám, tôi lên kế hoạch và "ban hành" cho lũ trẻ thi hành.
Cũng như thường lệ, bước ra khỏi cổng trường, tụi du côn du đảng cũng lôi tụi nhỏ ra "dạy võ". Trời tròn bóng, trong trường đã không còn ai. Tụi nó chạy vào trong trường hòng tẩu thoát. Tụi côn đồ không nao núng, rượt theo sát nút. Chạy đâu không chạy, chạy ngay vào trong phòng thực hành mà trốn. Tụi du côn cười nham nhở:
Tự chạy vào hẻm cụt, phen này, tụi bay chết chắc.
Dứt lời, cánh cửa phòng khép lại. Phía ngoài, tôi khóa chặt và gọi công an dưới xã lên rồi. Tụi nó đâu đề phòng được mưu lược của tôi. Tụi học trò diễn cũng đạt phết, ra tay một phát, thành công ngay. Tụi "võ sư" van nài xin tha, tôi từ thẳng:
Tiền phạt, tôi đâu thu được. Mấy cậu chịu khó lên gặp mấy anh áo xanh mà xin!
Chốc sau, mấy anh công an lên tặng cho mỗi đứa một điểm tám rồi đưa về cơ quan. Sau này, khi mọi chuyện êm xuôi tôi mới rõ, tụi nó là đám cá biệt trong trường này về đi biển lâu rồi. Vài hôm vào bờ lại kiếm chuyện phá làng phá xóm, làm cho chó gà không yên. Về sau, tụi nó có tính kế trả thù. Nhưng có mấy anh công an chống lưng, tụi nó không dám làm "cảm tử quân" liều mạng cưa bom.
Hết niên học, tôi xin ra ngoài. Người Kiên Giang chân đất thật thà, rộng bụng mà mến khách lắm. Từ hồi tôi về đến hết năm học, từ học trò cho đến phụ huynh, ai cũng mến tôi. Nghe tin tôi dọn ra, lắm người nhà thừa chỗ tính mở homestay dài hạn cho tôi ở, nhưng tôi từ chối ráo. Tôi chỉ nhờ bà con dựng giúp căn nhà lá đủ che mưa, che nắng. Ở xứ này, tôi không có đất cắm dùi, không có cọng mùng tơi để rớt, làm gì cho khang trang, bề thế. Dựng tạm ở mé sông, khi nào cần thì di động. Dân ở xứ này, họ nhiệt tình dữ lắm. Xúm xít lại, chưa tới một buổi là tôi tổ chức tân gia rồi.
Tưởng chừng vô đây, tôi te tái như gà nhảy ổ. Có ngờ đâu người ta quý mình, lo cho mình từ A tới Z, từ chết đến bị thương. Khỏe re như bò kéo xe. Bà con còn xúm lại đóng bàn, đóng giường cho tôi,...nói chung là "bao ăn suốt tuyến". Tôi bỗng không còn cảm giác xa lạ với mảnh đất này nữa. Phải rồi! Hình ảnh này quen lắm. Ngoài Quảng, tôi gặp hoài. Tôi bỗng cảm thấy mảnh đất này thân thương quá đỗi. Trong một chốc, Kiên Giang bỗng trở thành quê hương thứ hai của tôi. Từ già đến trẻ, ai cũng xem tôi như người nhà. Cần gì họ cũng giúp, thiếu gì họ cũng cho. Nhưng cái đấy chẳng phải tôi ngửa tay xin. Người ta sang chơi, thấy mình thiếu thì họ cho thôi.
Họ khen tôi tốt tính. Ở xứ ấy, mỗi khi vào mùa, tôi xắn quần lội ruộng phụ người ta cấy, cũng có hồi phụ đập lúa,... Nói chung, họ làm gì, tôi phụ nấy. Tôi "thà giết nhầm hơn bỏ sót", chuyện gì họ làm cũng sáp lại giúp một tay cho rồi công. Có hồi, vừa dạy về, chỉ cần thấy người ta đang cần giúp, dù là trên đồng cạn, dưới đồng sâu, tôi đều lội bì bõm.
Tôi mang theo xe đạp nhưng hễ đến mùa đi dạy thì toàn chống xuồng. Đường dưới đó lầy như đất ruộng, trơn như mỡ. Về dưới, tôi làm thầy giáo, kiêm luôn "xuồng trưởng" và có thêm "bằng lái xuồng". Ở xứ đó, đi trên lộ thì một lát sau sẽ trở thành quái vật đầm lầy ngay tắp lự.
Nhưng đôi hồi nghĩ lại, tôi cũng thấy tủi thân. Vào đây đi dạy, nhà cũng của người ta dựng giúp, xuồng thì của ai đâu. Đồ của mình đem theo thì đắp mền, đắp chiếu. Chỉ có cái nghề là hữu dụng. Không có cái nghề, không nhờ bà con, chắc tôi ra kênh Vĩnh Tế chơi với Hà Bá cho rảnh nợ.
Không chỉ bấy nhiêu. Vào đấy, tôi bỗng trở thành ông bụt. Một mùa nước lên, đi học nguy hiểm lắm. Lênh đênh trên sông, nhỡ gặp xoáy nước thì chỉ có làm mồi cho cá. Tôi ở đó thời gian dài nên rành lắm. Lũ dưới đó lên từ từ, rút cũng chầm chậm. Song, ma da dưới sông thì chầu chực. Nhà tôi ở mé sông. Có năm...mà không, năm nào cũng thế, lũ lên, thường vào ban đêm là nhiều. Nửa đêm đang ngủ, tôi nghe lưng lành lạnh. Tỉnh ra thì bốn bề là nước. Đôi dép lềnh bềnh, mọi thứ đều được tắm rửa. Ngồi trên giường, tôi cứ tưởng chừng mình đã thành thuyền trưởng Sinbad đang dong buồm giữa mênh mông trùng khơi gió lộng.
Cũng đã có đôi lần, học sinh đi trước, tôi về sau. Người ta ra sông bắt cá, tôi xuống sông tranh Hà Bá cứu người. Mùa nước lên, tôi hay nói vui học sinh thường lọt sông, lọt cầu. Tụi nó dân sông nước, coi vậy chứ yếu tay chèo tợn lắm, chèo đi vẫn bị lât xuồng thường. Bỗng chốc tôi trở thành "đàn ông biết đẻ", đúng hơn là "máy đẻ". Mỗi một đứa được tôi kéo lên, tụi nó đều rối rít:
Cảm ơn thầy, thầy đã sinh em ra lần thứ hai.
Một mùa, tôi vớt hàng chục đứa. Thế hóa ra, tôi đẻ còn giỏi hơn má tôi hồi xưa.
Học thì cũng quan trọng thật, nhưng học trò "đầu quân" hà bá thì thầy cô chẳng biết ở hà xứ. Tôi làm đơn lên, xin hiệu trưởng duyệt. Mùa nước tới, nếu thấy nguy hiếm lấp ló, học sinh tự nghỉ ở nhà. Hồi đó điện thoại chưa thông dụng như bây giờ, muốn đưa "tin nóng" về cho phụ huynh cũng khó. Làm vậy là chắc ăn. Nhưng học trò xưa ngoan lắm, không lợi dụng văn bản ấy mà nghỉ học. Lũ về nhưng còn chống xuồng đi được thì tụi nó vẫn đến lớp. Đó là lời đáp trả thể hiện sự cảm kích của tụi nó đối với tôi.
Nhưng cái ấy thì chưa hề gì. Mấy đứa được tôi "tái khai sinh" ấy, đem chuyện kể cho tía má nó nghe. Qua hôm sau, nhà tôi trở thành chuồng heo. Tụi nó xếp hàng bưng mỗi đứa một đĩa heo quay đứng trước cửa nhà tôi. Nếu mặc thêm lễ phục, có lẽ người ta tưởng nhà tôi là đền thờ Hùng Vương cái chắc.
Tôi mở cửa bước ra, tưởng mùng mười tháng ba. Tôi đưa tay chỉ vô nhà, vừa "chỉ điểm" luôn bằng một cặp lục bát hẳn hòi:
Ông Địa chễm chệ trong kia/ Còn ông Hà Bá ở ngoài mé sông.
Ai đời, mang quà cho thầy mà cứ như trả lễ ông Địa. Mua heo quay đã đành, mỗi đứa còn khuyến mãi thêm một nắm vạn thọ. Tôi cũng không biết tụi nó "hoa nhà, heo chợ" hay cố tình chơi tôi. Xối xả mà mắng như tát nước dưới sông lên mình tụi nó thì cũng không nỡ. Thôi thì nhiều quá, thầy trò vô ngồi cùng ăn cho vui.
Ai ngờ vô nhà, tụi nó lại bày trò bắt tôi ngồi nghiêm chỉnh trên ghế như Chu Văn An ngồi trên giường, tụi nó thì quỳ trước để tạ ơn. Tôi đùa:
Tụi bay tính làm diễn viên thì được rồi, sao lại tiễn thầy đi xa vậy?
Ý thầy là sao, tụi con không hiểu?
Ai đời, nó bắt mình ngồi, bông hoa, heo gà gì nó bày đầy trước mặt, còn tam quỳ cửu khấu. Nhà tôi bỗng thành nhà hát Trần Hữu Trang. Làm vậy, chẳng khác nào tế sống mình. Thật là dở khóc dở cười với tụi lính này. Thấy tụi nó làm quá, tôi nhắm mắt để tụi nó...cúng tạ cho xong. Sau này, nghe tôi chuyển công tác về Quảng Ngãi, tụi nó buồn lung lắm. Cũng bày biện tiệc tùng linh đình. Nhưng được cái là không "tế nghĩa sĩ Quảng Ngãi" nữa.
Đó chỉ là một việc nho nhỏ tôi làm ngoài xã hội. Với cương vị Bí thư và lương tâm của một nhà giáo, tôi vẫn thường đi động viên học trò đi học. Nhiều phụ huynh cũng lại "hâm mộ" tôi lắm. Lâu lâu, họ vẫn thường cá mắm cho tôi. Họ cảm ơn đấy.
Hồi tôi dạy ở đó, không ít những học sinh "từ giã áo thư sinh". Có những em vì nhà dột cột xiêu, cũng có những em lười như hủi. Đối tượng nào cũng có cái lợi khi tôi đi xin, và cũng không ít chướng ngại vật. Hồi mới đầu xin cho những em nghèo khó, hiếu học, ông hiệu trưởng chất vấn như khẩu cung:
Có nghèo thật không?
Vẻ mặt ông nghiêm nghị, lộ rõ vẻ bán tín bán nghi, nhưng phần nghi hình như nhiều hơn và đã gồm thâu tôi trong đó. Thời ấy, UBND thường cấp cho cái hộ nghèo. Nhiều học trò của tôi, chúng nó nghèo không có cọng mùng tơi để rớt, ấy vậy mà học phí vẫn phải "dâng" đủ, nếu không thì "xếp bút nghiên lên đường ra ruộng".
Có lần tôi lên, hiệu trưởng không giải quyết. Tôi chai lì, ổng nạt:
Không làm mất thì giờ! Tôi bảo không là không!
Nhưng thưa anh, học sinh khó khăn, mình phải giúp.
Giúp thì có giấy hộ nghèo, cận nghèo, đem lên đây cho rảnh nợ, không nói nhiều!
Nhưng em nó không được cấp giấy.
Vậy thì miễn bàn!
Ổng nói bằng giọng ông cha. Phải mà thầy hiệu trưởng trước kia thì mọi chuyện dễ như trở bàn tay. Thầy hiệu trưởng cũ ưu ái tôi số một - ông ấy cho tôi lên ở phòng hiệu trưởng. Ông này thì hách dịch, trước kia đã không ưa gì tôi rồi. Nãy giờ tôi xuống nước, ổng lại thừa thắng xông lên. Tôi không thèm năn nỉ nữa, bước ra ngoài, dập cửa cái rầm.
Tôi bỏ đi, không có nghĩa là tôi chịu thua. Tôi có suy nghĩ của mình. Em ấy mặc cảm, sợ sệt khi đi học nhưng không có tiền đóng. Nhưng ai nấy đều thông cảm và giúp đỡ. Nó đi học đều, học giỏi, ngoan hiền lại đẹp người đẹp nết. Khổ nỗi ở với bà nội, gia cảnh nghèo khó. Ba nó đi rừng, chẳng may đạp trúng mình hồi Pol-pốt rồi đi xa. Má nó ở nhà lam lũ. Mới đây, thấy xứ này làm không đủ ăn, má nó phải lên tuốt Sài thành. Nhưng trên đó đâu phải dễ, hiếm lắm mới có lần má nó về, mang tiền về cho bà cháu nó. Tiền mang về cũng chẳng bao nhiêu, chỉ đủ cho bà cháu rau cháo.
Ở đây, nó cũng đi cày thuê cuốc mướn trông mong qua ngày qua bữa. Nói như ông hiệu trưởng, làm sao các em nó đổi đời được. Tôi phải băng đồng, vượt sông qua nhà nó. Bà cháu nó là dân ở đây, mà cũng giống thằng ngụ cư như tôi. Căn nhà lụp sụp cũ nát, ngoài chiếc xuồng dưới sông là cái chân của bà cháu nó ra, nhà nó chẳng còn gì. Tôi đã có lần lặn lội đến nhà nó giữa cái nắng cháy da. Bà nó gặp tôi thì xúc động dữ lắm. Bà lau nước mắt từ kẽ mắt kèm nhèm, nghẹn ngào:
- Tui cũng muốn cho nó đi học. Nhưng thầy thấy đó, ngoài cái mạng trành thì có còn gì nữa đâu.
Tôi đặt tay lên vai bà:
Bác cứ yên tâm cho cháu đến trường, còn lại, cứ để con lo!
Vậy là sau hôm đó, nó tiếp tục trở lại trường như mọi hôm. Đến kỳ giao học phí cho trường, cả lớp thiếu mỗi em đó. Tôi vẫn bàn giao tiền bạc đàng hoàng cho thư ký. Kiểm thiếu, cô ấy có bảo tôi. Tôi cũng bảo để đó tính sau. Tháng này qua tháng khác vẫn thấy tôi im như không có gì, cô ấy lên bảo với hiệu trưởng. Vậy là ông ta lôi tôi lên hài tội. Tôi được màn tranh biện đặc sắc với ông này. Ổng ngang như cua. Tôi tức mình:
Thầy không hợp tác động viên học sinh, tôi sẽ làm đơn gửi Sở.
Ông ta đang cãi khí thế bỗng nín bặt như ai bịt miệng. Tôi không buồn dây dưa tốn thì giờ. Cánh cửa lại đóng sầm lại. Lần ấy, được đơn của tôi, Sở đánh giấy gửi ngay cho lão hách dịch. Thế là lão giải giáp quy hàng. Con bé ấy, bây giờ đã đi học đại học và đổi đời rồi. Má nó cũng thôi làm công nhân, về nhà hưởng phước. Nó làm kỹ sư vẽ nhà cửa gì đó, nghe đâu cũng được lắm. Nhà cửa xây dựng bề thế. Nhưng từ dạo nó đi đại học, tôi đã thôi không còn đến nhà thăm hỏi gì. Lâu lâu, khi ở nhà, thỉnh thoảng nó cũng ghé xuống mé sông tìm ông "hà địa".
Đó là mấy đứa ham học thôi. Còn mấy đứa nhất quỷ nhì ma, cứng đầu cứng cổ, ngu lâu dốt bền khó đào tạo, tôi cũng "thuần hóa" nốt. Không ít lần tôi đến làm việc với gia đình, nhiều phụ huynh cũng bó tay bó chân với tụi nó. Hồi đó không có tiệm net như bây giờ, nhất là ở xứ chim kêu vượn hú đó thì lại càng khó tìm. Tụi nó "trốn học đuổi bướm cầu ao" thôi. Nhưng thời ấy, như thế là hại rồi. Tôi đến, khuyên giải tụi nó, tụi nó cũng nghe lời, đi học lại. Nhưng: "Ở đời dễ đổi gian sơn/ Còn riêng bản tính hãy còn nan di". Thế là chứng nào tật nấy, cũng có bữa tụi nó bỏ đi chơi.
Rồi một bữa, tôi lựa trời mưa to, đội mưa đến nhà tụi nó. Muốn tới nhà mấy ông trời đó phải qua sông. Bữa đó, tôi không đi xuồng. Tôi đi qua cầu. Dưới đó, nhiều chỗ có những cây cầu cùng tên thân thương lắm: "Cầu khỉ". Tôi đi đúng kiểu "cầu khỉ" - đu như khỉ đu cây. Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ đi cầu khỉ, dù đã mấy năm ở xứ này. Bữa đó, Thủy Tinh trút nước tính dìm chết Sơn Tinh. Tôi đi qua cầu, may phước đi làm việc thiện nên không có như chú bán dầu. Tôi thủ sẵn trong túi một trái chuối, phòng khi Thiên Lôi ló mặt thì lấy ra ứng phó. Trời thương, tôi đi đến nơi, về đến chốn.
Tới trước cửa nhà mấy đứa nó, tôi ướt như chuột lột. Lạnh run như bất, nhưng trước mặt tụi nó, tôi cố kìm lại. Tụi nó còn nhỏ, ham chơi thôi. Thấy thầy ướt, lạnh, tụi nó mời vào nhà, lấy khăn cho tôi lau khô người. Ai cũng chưng một dấu chấm hỏi trên đầu, nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên. Nhà tôi không ở xóm đó, tôi cũng không hay đi qua xóm đó, cớ gì lại bị thần mưa mai phục ở đây.
Ba má nó pha trà gừng cho nó uống, bữa đó trời mưa, nó không tung tăng được, tôi phải tranh thủ đến. Vì những lần trước, tụi nó miễn cưỡng đi học dưới "ách bắt buộc" của má nó. Tôi không gặp được bao giờ, hôm nay phải me đến. Tôi chưa vội mở lời. Không gian yên lặng như tờ, chỉ nghe tiếng mưa ào ạt ngoài trời và tiếng gió vụt vù qua ngõ. Ai nấy nhìn nhau, im lặng không nói lời nào. Thằng học trò phá tan không gian trầm mặc bằng lời hỏi tôi:
Thầy đi đâu mà để ướt như mới lội sông vậy thầy?
Tôi chưa vội, tôi để nó chờ đợi, tôi hít một hơi rồi ngó qua nó:
Thầy qua tìm con.
Chỉ có riêng nó kinh ngạc thôi, còn ba má nó thì rành sáu câu. Bởi thế họ mới không hỏi tôi một câu vô nghĩa. Ly nước gừng còn bốc khói, mùi thơm xông lên mũi, tôi hớp một ngụm. Nó tiếp:
Thầy kiếm con có gì không ạ?
Tôi lại tiếp tục im lặng, không gian lại được bao bọc bởi sự trầm mặc. Chưa được một phút, nó giục:
Việc gì mà thầy suy nghĩ lâu thế?
Câu hỏi của nó cần quái gì suy nghĩ. Câu đó, tôi trả lời một trăm lần cũng còn khỏe chán. Nhưng tôi muốn nó chú tâm nghe. Nó ngồi im, đôi mắt nhìn tôi chăm chăm. Nó biểu hiện thế cũng là lẽ thường thôi. Thầy của nó chưa bao giờ có những hành động như vậy. Thấy nó nóng lòng, tôi ôn tồn:
Con có thấy ngoài kia mưa không?
Sao thầy hỏi lạ vậy?
Tôi tiếp:
Con có thấy thầy ướt sũng khi đến nhà con không?
Sao thầy lại hỏi những điều sờ sờ trước mắt?
Vậy con có biết lí do thầy đến đây không?
Dạ không!
Phải! Làm sao con biết được, nếu con biết thì thầy đã không đến.
Vậy, thầy đến có việc gì quan trọng ạ?
Thầy chỉ có một câu thôi: "Học giả hảo, bất học giả hảo. Học giả như hòa như đạo, bất học giả như cảo như thảo". Con nên đi học cho đều, đừng để tương lai như cỏ mọc ven đường. Mong rằng đây là lần cuối thầy đến nhà con.
Nói rồi, tôi đứng dậy ra về. Trời đã sửng mưa, chim lại reo ca trên cành. Bữa nay mưa, má nó đúc bánh xèo. Nhưng tôi xin kiếu. Mùi dầu phụng bỗng làm tôi nhớ đất Quảng quá đỗi.
Sau lần ấy, không biết nó suy nghĩ thế nào. Nhưng từ ngày sau trở đi, nó đến trường đều như bắp. Phụ huynh cảm ơn tôi khôn siết. Còn tụi nhỏ, tụi nó biết mình không phải Lê Quý Đôn, chăm chỉ đến bất ngờ. Sau đó vài năm, tụi nó cũng đi đại học, cao đẳng cả.
Hôm qua, không biết truyền thông ở đâu đưa tin, mấy đứa nó hay, về đông đủ lắm. Vì hôm ấy, tôi dạy tiết cuối nên học trò còn cơ hội nhìn mặt. Có đứa tôi nhớ, có đứa gặp tôi lại độ nhạc Trịnh: "Thầy còn nhớ hay thầy đã quên". Thực sự, không thể nào nhớ hết nổi. Có đứa lại nắm tay tôi, nước mắt rưng rưng:
Cảm ơn thầy, không có thầy thì đứa học trò nghèo như con khó thành tài.
Có đứa thì ôm tôi khóc sướt mướt:
Nếu không có thầy, chắc bữa nay tụi con đi kéo lưới rồi.
Còn rất nhiều những đứa học trò yêu thương tôi. Chúng nó thương tôi như cha đẻ. Duy tôi nhớ thằng Hồng, hồi nó té xuống sông, nó cũng lại chào tôi, nhưng nó cười tươi rói, lúc nào cũng pha hề. Trong lúc ai nấy khóc lóc ỉ ôi, nó lại khiến ai nấy phì cười:
Con mang ơn thầy tợn lắm. Không có thầy, chắc con đi chơi với Hà Bá rồi! Thầy đã sinh con ra lần thứ hai.
Thầy thì đẻ bằng nách à? Mày vừa phải thôi! - tôi hùa theo, đùa với nó
Bữa đó, trường làm tiệc, học sinh làm tiệc, phụ huynh làm tiệc. Tôi...trốn biệt. Tính tôi không thích rườm rà, tôi đây chỉ thích bình thường, giản đơn. Họ làm quá. Nhưng tôi biết vì họ quý tôi. Họ xem mình như một nhà, mình xem họ như người thân. Phải rồi! Từ lúc tôi vào đây, tôi đã xem họ là người thân tự bao giờ chẳng hay. Họ cho tôi nhà, họ cho tôi đồ đạc,...và họ cho tôi cả một trái tim yêu thương. Tôi đã gắn bó với họ, đã san sẻ, đã giúp đỡ cho nhau từng chút. Bây giờ, sắp sửa chia ly, tôi không nỡ.
Nhưng tôi trốn, họ lại kéo đến nhà, đông nghẹt. Kẻ bưng bia, người bưng nước ngọt, người khác lại bưng thức ăn mặn ngọt các loại, có cả hoa hòe - được cái không phải vạn thọ. Tôi vui mà tự nhiên nước mắt chảy ròng ròng. Ai nấy mắt đỏ hoe. Chốc sau, không khí bớt chùn. Mọi người chúc tụng và nhắn nhủ tôi đủ thứ. Tiệc tùng, ca múa đến tận khuya mới tan. Có ông hàng xóm ca cái bản gì mà: "Chung vui đêm này cho trọn tình yêu thương, đẹp tình quê hương/ Mai anh về chúng mình đôi đường". Trước phút chia tay không biết ngày hẹn, anh ca thêm: "Ngày mai, ta xa nhau rồi/ Nhưng tin trong đời anh sẽ còn gặp tôi/ Quê cũ mừng vui". Quả thật, đúng tâm trạng và tâm sự của tôi.
Đêm chuẩn bị chia tay Kiên Giang, tôi trằn trọc không ngủ. Có thằng học trò ruột ngủ lại, hai thầy trò huyên thuyên mãi đến gà gáy mới chợp mắt một chút. Kỷ niệm trong đêm ấy đã tràn về như thác đổ. Tôi nằm vắt tay lên trán, lòng bồi hồi, bâng khuâng và bồn chồn vô tả.
Ở xứ này, đã có lúc nhìn khói đồng bay lên, tôi nhớ và mong được về Quảng Ngãi. Nhưng sao bây giờ, chân bước đi mà lòng muốn ở lại. Mảnh đất Kiên Giang đang lùi lại phía sau tôi, mỗi lúc một xa...xa hơn...xa hơn nữa và khuất sau con đường xe đang chạy. Lòng tôi bỗng nao nao. Có lẽ mai này vê Quảng, nhìn dòng sông, con đò và sợi khói chiều thần tiên, tôi sẽ da diết mong ngày tìm lại chốn xưa...
Phổ Khánh, ngày 16 - 3 - 2021