22
2
5667 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chồng xa


CHỒNG XA

Tôi trở lại căn nhà nhỏ đó vào một chiều tháng sáu, khi cơn mưa dai dẳng kéo dài từ sáng tới bây giờ vẫn chưa dứt. Khi cởi cái áo mưa ni long ra thứ đầu tiên tôi nhìn thấy là ánh mắt có mong chờ, có hụt hẫng, có ngân ngấn nước, và đôi mắt đó tối đen. Đôi mắt má Bảy nhìn tôi trân trối... 

Bà ngồi im, dưới mái hiên nhà ọp ẹp, hai cây cột gỗ bị mọt gặm lồi lõm rờ rờ dám đứt tay, mưa tạt ướt phân nửa cái giường tre cũ mòn, tay má lạnh ngắt và môi hơi tái. Tôi thấy thoáng qua một chút hồi hộp từ má khi má cố rướn người ngồi lại cho ngay ngắn. Bên trong căn nhà vẫn y thinh như hồi tháng trước tôi ghé qua, vẫn bốn cái chân giường cũ, trên lót tấm ván rộng ngang chừng một mét dài nom hơn một mét rưỡi, cao cỡ tui nằm thẳng người chắc ló hai chân ra ngoài rìa. Trên đó là chú Bảy, ông nằm ú ớ một mình, lâu lâu nước miếng trào ra khóe miệng không kiểm soát được, tay chân ông cong gập xụi lơ, di chứng của một lần đi phụ hồ bị điện giựt rớt từ trên giàn cao hai mét xuống đất, ông liệt luôn từ đó. Trong căn nhà đơn sơ này, ngăn cách buồng ngoài buồng trong là tấm vải bông cũ mèm, tường nhà đất sét và rơm, có nhiều chỗ lởm chởm, chỉ khác là bây giờ có thêm một cái tủ nhỏ để ảnh thờ của Trúc- con gái má.


Tháng trước, tôi tới đây là để báo tin cho má và để gửi má chút ít tiền hỗ trợ của mọi người. Lần đó, má đã khóc nghẹn, không thể nói thành lời, khi người ta trao cho má giấy báo tử của Trúc, má không dám đọc, gương mặt của một người mẹ tái xanh như mất hết máu trong mình. Và hôm má tới nhà tang lễ ôm hũ tro cốt lạnh ngắt của người con gái trẻ, má như không còn chút hơi ấm. Nước mắt lặng lẽ chìm sâu trong đồng tử, cảm tưởng như má đã chết theo con mình rồi. Không thể cầm lòng được khi nghĩ tới một người con gái bằng xương bằng thịt, còn đang tuổi xuân thì, giờ đây chỉ còn là cát bụi tàn phai được gói ghém gọn gàng trong cái hũ sành nhỏ bé mong manh. Đời đúng là vô thường.


Trúc mới mười tám tuổi, gương mặt của em còn rất trẻ, nụ cười vẫn thoáng nét ngây thơ, hiền hậu. Má Bảy nói hồi còn sống Trúc rất hay cười, nên hình thờ má muốn lựa chọn tấm tươi tắn nhất, đẹp nhất của em, nhưng tiếc thay nhà nghèo, nên má không có tấm hình nào đẹp hơn tấm hình thẻ chụp khi em nộp hồ sơ xin lấy chồng Trung Quốc. Tôi ngồi xuống bên má, tôi nhận ra sự run rẩy của bà, sự kiềm nén tang thương, kiềm nén những tiếng nấc nghẹn ngào.

Trúc không phải cô gái duy nhất ra đi mãi mãi trên đất khách quê người, Trúc chỉ là một trong những cô dâu một đi không trở lại của rất rất nhiều năm nay mà mỗi lần cầm lấy danh sách, nhìn hồ sơ, tấm ảnh vô hồn của họ trên giấy là tôi và nhiều người khác tự thấy một nỗi xót xa dâng trào. Những người con gái đó ra đi, mang trong lòng nỗi niềm mong đợi, họ hy vọng thoát khỏi cảnh sống khổ mòn từng ngày ở cái vùng quê không ngóc đầu lên nổi. Nhưng có người bẽ bàng trở lại, có người mất tăm mất tích, có người lưu lạc ở nơi đó chấp nhận những vùi dập, có người về nhà bằng những tàn tro lạnh lẽo. 

Trúc cũng không thể khác hơn. 

Sinh ra trong một gia đình quá nghèo thì làm sao trách được những cô gái tuổi mười tám đôi mươi đánh đổi và mộng mơ về một tương lai yên bình. Cũng làm sao trách được những người cha người mẹ ký tên trên tờ giấy mà người sung túc hơn hay nhìn nhận rằng đó là hành động bán con. Hơn trăm triệu chứ mấy, nhưng với một số người đó là cả khối gia tài đồ sộ. Họ có thể sửa lại căn nhà, có thể trả được những khoản nợ lâu năm, họ có thể chữa chạy thuốc thang cho chồng, cho con, thậm chí có thể mua cặp trâu, cặp bò để có hướng làm ăn, được ngẩng cao đầu hơn trong cuộc đời mỗi ngày cho nên khi đứng trước cọc tiền, họ quên rằng họ phải trả giá. Gia đình má Bảy cũng như những gia đình gả con đi xa, đều giống nhau. Nghèo, đông con, bệnh tật, học hành, cơm áo gạo tiền mỗi ngày là cả gánh nặng trăn trở.


Má bảy sanh ra trong một gia đình bần cố nông, nhà có tới mười một anh chị em, ông bà không có tiền nuôi con, nên một số người bị đem gửi đi ở đợ, một số người phải lăn lộn với cuộc mưu sinh từ khi còn rất nhỏ. Má Bảy là một trong số đó, rồi bà cũng lớn lên như nhành cây ngọn cỏ, gặp chú Bảy cũng nghèo, dọn về ở với nhau bằng một mâm cơm nhỏ cúng tổ tiên ông bà, bốn chị em Trúc lần lượt chào đời trên mảnh đất cằn cỗi nghèo khó, nắng thì nắng khô queo, mà hở mưa là mưa giông gió lốc. Hàng ngày má bảy lấy rau đem ra chợ bán, còn chú thì phụ hồ cho người ta, có khi cả tháng hơn mới về một lần, những mùa thất nghiệp chú ở nhà ai mướn gì làm đó, vợ chồng đắp đổi sống qua ngày, nuôi mấy chị em Trúc. Trúc nghỉ học từ rất sớm, học xong lớp năm thì em đã không còn tới trường để nhường phần lại cho ba đứa nhỏ. Em đi chăn trâu, đi bẻ ớt mướn, cô bé không có tuổi thơ bình dị như một số đứa trẻ khác. Mà cái xóm nghèo này thì đầy ra đó những cô bé như Trúc, đen đúa, lấm lem với nắng, với đất, với những cánh đồng khô nồng mùi cứt trâu, cứt bò ngai ngái. Trúc lớn lên với những ngày thiếu ăn, những ngày nghe tiếng má thở dài thườn thượt khi túi tiền lép kẹp, hoặc những mùa mưa dầm, lụt lội, nhà lá dột hết chỗ này tới chỗ kia, đôi chân mày của má sẽ chau đến nát nhừ và đôi vai gầy đã quá mỏi mòn theo năm tháng. Cho nên Trúc và những đứa nhỏ đều sợ trời mưa, sợ luôn cả trời nắng hạn, vì nắng hạn thì làm gì có nước sạch để xài, làm gì có rau trái cho má đem ra chợ bán mỗi ngày. Cái đói nhiều khi ám ảnh đến ghê người.


Ám ảnh hơn nữa là bữa đó, người quen chạy đò về xóm cù lao báo tin cho má Bảy biết rằng chồng má bị điện giựt té xuống giàn cao. Bà gửi ba đứa em Trúc cho hàng xóm, rồi dắt theo Trúc lên tới Sài Gòn lo cho chú Bảy. Nhà thầu hỗ trợ cho một số tiền để chú chữa trị, nhưng rồi tai nạn nghiêm trọng, nên chú trở thành người liệt, tiền thuốc thang trị liệu quá nhiều, má đành để chồng về nằm ở nhà tự chăm sóc. Người đàn ông trụ cột của gia đình ngã xuống kéo theo má con Trúc rơi rớt trong những chuỗi ngày khốn đốn, đôi khi ông trời không công bằng với những con người bên dưới...

Bốn chị em Trúc chưa từng biết cảm giác được bận đồ mới là ra làm sao, chưa từng được ăn một bữa ngon lành no nê mà không phải lo lắng nghĩ suy xem ngày mai mình cần phải làm gì để không bị đói. Gánh nặng cuộc sống hằn quá sâu, đè quá nặng trên vai của người phụ nữ.

Và Trúc năm đó mới mười sáu tuổi, mười sáu tuổi cũng là năm năm bỏ lại mái trường sau lưng, năm năm dang dở những mộng mơ của cuộc đời."con Trúc nói nó mong được làm cô giáo" má Bảy thì thầm.

Ước mong đơn sơ của cô gái nhỏ mãi mãi không bao giờ trọn vẹn, năm đó Trúc lạy má bỏ quê lên Sài Gòn kiếm việc làm. Mà Sài Gòn không phải là xứ mộng, nên cô gái nhỏ bé phải lăn lóc giữa cuộc đời, chắt chiu từng đồng từng cắc đỡ đần cho ba má và cho mấy đứa em dại. Mười sáu tuổi, bị đời quăng quật hết chuyện nọ tới chuyện kia, làm hết việc này tới việc khác mà thiếu thốn vẫn luôn chực chờ không buông tha. Nhiều tháng lãnh được ít tiền lương, em hay đứng tần ngần rất lâu trước cửa hàng quần áo, chỉ là một bộ đồ bông hơn trăm ngàn nhưng em phải đắn đo miết, thèm thuồng nhưng ráng lướt qua vì tiền để mua một bộ đồ đó có thể giúp má được mấy bữa cơm hoặc có thể mua cho ba vài cử thuốc giảm đau. Vậy nên bộ đồ rách vá đi vá lại nhiều lần của em đâu phải là vấn đề gì cần thiết lắm.


Trúc mười tám tuổi... một buổi sáng tháng ba, nắng cù lao gắt gỏng, có người đàn bà dáng dấp phì nhiêu, chân mày xăm bén ngót, môi tô son đỏ bầm, phấn dày trên mặt, bị nắng làm đổ mồ hôi nhòe nhòe ướt át, nhưng bộ quần áo sang chảnh trên người và ánh mắt dữ dằn đủ sức trấn áp một nhúm nhà trong xóm nghèo này. Người đàn bà, ngồi mấp mé ngay cái giường tre, đảo cặp mắt khinh nhờn nhìn quanh nhà, khẽ trề môi khi lướt qua chỗ chú Bảy đang nằm ú ớ. Phe phẩy xấp giấy gấp đôi trong tay, chê "nhà gì mà nực quá trớn!". Má Bảy đứng khép nép bên cạnh, cúi đầu lo âu, vì người này là chủ nợ. Má thiếu bả cả hai tháng tiền lời rồi chưa trả được, Trúc đứng bên rụt rè, hai má con như sắp khóc. Bả đưa mắt nhìn Trúc, soi từ đầu tới chân, từ chân lên đầu, đôi mắt him híp như muốn bóc tới tận cùng lớp vỏ mềm yếu của những con người trước mặt.

"chừng nào trả tiền cho tao được đây Bảy?"

"dạ chị Ba làm ơn làm phước cho em nợ thêm ít bữa... con Trúc mấy nay thất nghiệp về nhà, mấy đứa nhỏ mới đóng tiền học, ông xã em thì đau bữa giờ, em... em chưa xoay kịp..."

Người đàn bà cười khẩy, liếc xéo hai má con, thủng thẳng phân trần như một người tốt.

"con gái mày nay lớn bộn rồi, không có tiền trả cho tao, thì mày gả nó đi nước ngoài đi, kiếm chút đỉnh cất lại cái nhà, lo cho chồng cho con. Chứ mày khất tao hoài mày coi có đặng không? Tao cho mượn tiền cũng kiếm cơm kiếm cháo, mà gặp mười con nợ cỡ mày, thì còn cái gì để ăn."

 Thấy hai con người khúm núm chỉ biết cúi đầu thinh lặng, bà Ba chụp cơ hội, nhỏ nhẻ rót mật vô tai" nói chớ, tao thương cảnh nhà mày, tao mới biểu, mới nói, như con Mận xóm bên đó, lấy chồng Trung Quốc, giờ sướng nguyên dòng họ... thôi tao cho mày tờ giấy, mày coi kỹ đi, có số điện thoại tao trong đó. Nhớ điện cho tao. Tao dìa à! nóng nực quá hà!". Những lời nói đó như cố gắng chen ra khỏi khuôn miệng có đôi hàm răng khít rịt và nó có tính sát thương rất cao với những người nghèo hèn tận đáy trước mặt.

Cầm tờ giấy nợ trong tay, rồi thêm tờ cam kết tự nguyện lấy chồng, má Bảy ngồi xuống giường, hai chân run rẩy, đầu óc lan man vì đau khổ. Trúc nhìn má mình, nước mắt chảy xuôi, thời gian và những nhọc nhằn trong đời đã làm má già đi quá nhiều, mái tóc xơ rối, bạc nhiều hơn đen, đôi mắt mỏi mê, và vầng trán hằn những nếp suy tư. Mỗi ngày của má là những buổi họp chợ tới trưa, là cơm nước cho chồng cho con, là quần quật gánh nặng gạo tiền, là nỗi đau chảy theo từng đường gân thớ thịt. Mỗi lần lau mình cho chồng, mắt má rớt dài những niềm thương nhưng bất lực, mỗi lần mấy đứa nhỏ lí nhí"má ơi cặp con rách, má ơi con cần mua sách..." mắt má hoang mang, trầm lặng nuốt nghẹn những mảnh buồn, cứng bén như miễng sành, tưởng cứa đứt hết miệng lưỡi, túa máu bên trong, tanh rình và nhói.

Chú Bảy đau, không có tiền mua thuốc, từng tiếng rên khốn khổ của người đàn ông như xé lòng, má quay đi che những dòng nước mắt, mặn chát, đắng nghét...

Trúc không chần chờ quá lâu, đêm đó nằm trong vòng tay của má, em để má vuốt mái tóc thề, ôm chân má, em thỏ thẻ"má gả con đi má!" có một câu nhẹ nhàng, mà nghe nặng lòng không tả nổi. Má khóc, nước mắt tủi hờn rơi ướt mái tóc con gái. Trúc lặng im vì có trăm ngàn lời cũng không đủ lấp đầy những tổn thương vô bờ của cả cuộc đời người mẹ. Một chút này thôi sá gì cho những điều má đã dành cho cô...

Lúc cầm cây viết ký tên trên giấy cam kết, má thấy trong lòng như chết, cầm lên đặt xuống rất nhiều lần rồi mới viết được cái tên ngay chỗ trống oan nghiệt của tờ giấy đã được soạn sẵn. Câu chữ, cam đoan gì cũng còn ý nghĩa chi đâu. Cho tới bây giờ, không còn Trúc, má luôn tự đọa đày bản thân với ý niệm má bán con mình, má hại chết con mình.

Người đàn bà chủ nợ mừng thầm trong bụng, gương mặt vẫn cười cười xởi lởi, nhưng lòng đầy toan tính sẵn sàng để xén bớt số tiền sắp nằm trong tay. Rất sớm tới ngày người ta coi mắt Trúc, thằng cha Trung Quốc già nhăn nhúm, cặp mắt tim híp soi như rọi đèn, nói giọng ồn ào, khó chịu. Chân bước khập khiễng, ngả nghiêng, còn lén ngửi mùi hương trên mái tóc thề của Trúc, điệu cười khùng khục làm em nổi hết da gà. Lần đầu tiên trong đời, Trúc thấy mình sợ hãi, sợ hơn nhìn thấy con rắn, con sâu, cảm thấy mình chơi vơi chìm trong ánh mắt toan tính của người đàn ông xa lạ, tự lặp đi lặp lại trong đầu rằng mình không có bán thân. Thằng chả hài lòng, ngả giá với bà ba, bả đon đả chào mời xin thêm chút đỉnh như bán một mớ rau non. Cầm xấp tiền trong tay, đếm xoèn xoẹt lấy phần tiền cò với tiền nợ của mình, giọng kể ơn trịch thượng"tao giúp mày rồi đó nhen, cái này phần tao". Má Bảy đón lấy mớ tiền, nhẹ tênh mà nghe nặng hơn cục tạ, tay run rẩy, hơn một lần má muốn hỏi có thể trả lại tiền, không gả Trúc nữa không. Nhưng cái nghèo, cái đói, những dột nát quên ngày đêm làm cho má phải chấp nhận, phải dặn lòng coi đây là may mắn, dặn lòng hy vọng con gái có một bến trong. 

Má Bảy cầm ít tiền, nhín nhút ra làm mấy mâm cơm mời chòm xóm tới tề tựu, mọi người rôm rả kể chuyện lấy chồng nước ngoài. Con Na, con Thắm ở đâu đó xóm nào, đứa có tiền cất nhà, đứa thì gọi điện về than khổ... Má nghe ngậm ngùi...


Trúc hẹn Bình ngoài bến, cô gái nhỏ giấu ánh mắt buồn sau mái tóc dài, tình yêu đầu đời cũng là tình dang dở, Trúc nói nhỏ, lời nhẹ như không mà buồn nặng trong lòng"em lấy chồng anh ơi, mình thôi nghen, anh về lấy vợ cho ba má anh vui, mình nghèo quá, nên em phụ anh..." Bần rụng xuống sông nghe nao lòng, Bình như chết lặng, bỏ không đành, níu không xong, chỉ biết đứng ngậm ngùi nhìn theo bóng lưng người con gái rất hiền, rớt nước mắt chia ly, vì anh cũng nghèo, vì anh cũng không thể đưa vai gánh lấy cho Trúc những nhọc nhằn nên dù muốn dù không phải buông tay. Sự im lặng thay cho câu tiễn đưa và lời chúc thầm cho em hạnh phúc, hai người hai hướng cũng là ngày cho những nhớ thương dừng lại...


Bữa trước ngày đi Sài Gòn ra sân bay về nhà chồng, má nấu cho Trúc bữa cơm ngon, mà không lòng dạ nào ngờ được đó là bữa cơm cuối cùng đứa con gái ngoan hiền xấu số được ăn với má với em. Sáng má đưa Trúc đi chợ, lần đầu tiên trong mười tám năm em có mặt trên đời, má mua cho em vài ba bộ quần áo mới, má nghẹn ngào dặn dò con gái đủ thứ chuyện. Như có dự cảm không lành cho một ngày đi nhưng trở lại không vẹn nguyên...

Tối hai má con ngồi xếp đồ vô va li, Trúc thấy má im lặng khóc, không kiềm được lòng, cô gục đầu nơi ngực má, chìm ở hơi ấm thân thương đó, vì biết chừng nào mới quay về được chốn này. Nhà chồng không phải ở bên sông, cũng không phải chỉ cách hai ba cánh đồng, tự tủi phận mình, tự thương cho mối tình đầu nhỏ dại, nhưng Trúc muốn ba má được ấm no hơn. Muốn mái nhà lành lặn hơn để em út đủ đầy. Chú Bảy nằm buồn hiu, thâm tâm ông đủ hiểu mình là gánh nặng cho vợ cho con, thâm tâm ông đủ hiểu rằng, Trúc đi xa để tròn đạo hiếu, không nói được lời nào ông lặng lẽ khóc. Nước mắt của người đàn ông từng chở che cho vợ con giờ thành bất lực, cay xót. 

Má chải tóc cho Trúc, cây lược cũ lướt nhẹ trên mái đầu, với suối tóc thề chấm tới eo cô con gái mười tám tuổi. Mấy đứa em ngồi quây quanh, mắt buồn rười rượi. Cột lại mái tóc, Trúc nắm tay cha lần nữa, siết nhẹ bàn tay già nua teo tóp đã nâng niu, đã thắt từng con cào cào lá dừa nhỏ xinh để cô treo lên vách nhà, nói cha ráng khỏe, rảnh con về thăm... ngọn đèn dầu chao nghiêng trong gió tiễn Trúc sớm mơi này theo chồng xa xứ... lời hẹn trở về như tan trong đêm dài...


Xứ lạ quê người, Trúc không nói chuyện được với ai, vì chưa rành tiếng, người ta nói Trúc cũng không hiểu. Nhiều bận ông chồng bực mình vì cố gắng giao tiếp với cô vợ trẻ không thành. Nhà chồng ở một miền quê heo hút, sau nhà là ngọn núi, cây xanh thăm thẳm, nhìn không biết đường. Xứ sở gì mà lạnh teo, sáng thức dậy chỉ được ăn chén cháo bắp lỏng lẻo, vị lơ lớ. Rồi cắm mặt suốt ngày trên những cánh đồng chè, cong lưng đếm thời gian trôi qua chậm rãi. Nỗi nhớ nhà quay quắt vì không có một ai để tâm sự, Trúc ra vô căn nhà đó như chiếc bóng tàng hình lay lắt giữa bốn con người ta, chồng Trúc và ba đứa con trai, đứa nhỏ nhất cũng bằng tuổi em. Những ngày đầu tiên ở chốn này, Trúc được sự quan tâm của chồng, em tự an ủi bản thân rằng mình có giá trị đỡ đần cho gia đình, chỉ chút cách xa không là gì để phải khổ đau. Tưởng tượng má có tiền sửa lại mái nhà lá, cha được uống thuốc đầy đủ, mấy đứa em đi học không thiếu tiền, sách vở quần áo tươm tất, tự Trúc thấy ấm lòng, tạm quên đi những miên man vô định.

Đêm đầu tiên trở thành đàn bà, cảm giác đau đớn chứ không phải thăng hoa, cảm giác mình chết lặng, lúng túng không biết phải làm gì cho phải. Sau trận đầu của người đàn ông, chỉ còn sót lại cô gái nhỏ với những nhàu nhĩ, mỏi mòn, lạnh lẽo ôm thân mình, lạnh lẽo những nghĩ suy, nuối tiếc...

Nhưng mọi thứ không phải là một giấc mơ, và niềm đau là điều sớm hiện hữu, Trúc không thể biết trước được rằng, số tiền người đàn ông kia bỏ ra không phải để cưới em mà là mua em về làm đàn bà cho cả nhà, quá lời. Sau hai tháng đầu tiên mang danh mẹ của con chồng, có một đêm lạnh, ông ta ra ngoài từ chiều muộn, Trúc ở nhà một mình, lúc ăn cơm, dọn dẹp xong em trở vô buồng, chưa kịp khép cửa thì đứa con trai lớn của chồng lấy chân chèn lại, xô mạnh vô bên trong, Trúc mất đà ngã ngửa trên nền đất lạnh, tim đập nhanh, linh cảm chuyện không lành. Tên đàn ông điền nông, nụ cười méo mó, người nồng nặc mùi rượu, nhanh chóng cởi bỏ hết áo quần, lộ ra thân hình rắn chắc và cái thứ bị thịt thì căng cứng chực chờ. Trúc đã khóc không thành tiếng, đã la hét không biết bao nhiêu câu, đã quỳ gối dập đầu lạy lục van xin, nhưng nó vẫn thúc cái thứ khốn kiếp đó vào người em, khi em phản kháng và vùng bỏ chạy, em bị hai tên anh em của nó giữ siết lại, em biết mình đã không còn đường thoát. Những cái bạt tay, mái tóc thề bị giật ngược đằng sau hung bạo, quần áo tả tơi, vừa đau thể xác, vừa gục ngã tinh thần. Tụi nó thay nhau dày vò cô gái. Căn nhà dưới chân núi, tiếng la hét, tiếng khóc rấm rức, tỉ tê, vang vọng trong cùng cực của nỗi đau đớn không diễn tả được bằng lời. 

Má bảy giựt mình sau cơn mơ dữ, nước mắt ướt gương mặt từ hồi nào không hay. Lòng má chập chờn từng cơn đau ray rức, nhớ Trúc đến nao lòng. Đêm đó, má chong đèn thức trắng, không thể nào dỗ mình vô một giấc ngủ xanh xao...

Má tìm bà Ba mong được biết tin con gái, nhưng chỉ nhận lại sự khước từ lạnh lùng tàn nhẫn."thương quá mà bán con, bán rồi hỏi tao chi!". Câu nói cay nghiệt như dao đâm thấu tim người mẹ, má Bảy bất lực đi về trong nỗi bẽ bàng, thấy mình y chang một bà mẹ khốn nạn...

Những ngày tháng sau đêm đau lòng đó, Trúc đã sống dài như một cái xác không hồn. Người đàn ông mà em nuôi hy vọng giúp em bước ra khỏi nghèo đói, cuối cùng chỉ là một con sói dữ, một đám lưu manh, dục vọng... Trúc không thể thoát, nhiều lần muốn bỏ trốn, nhưng đứng giữa mênh mông lạnh giá, em không tìm được đường về, sau mỗi bận tìm cách chạy mà không thoát, em sẽ nhận lại những trận đòn đau đớn hơn, dai dẳng và tàn khốc hơn. Em không được ra ngoài, những ngày dài của em là bốn bức vách lạnh căm của căn buồng tàn nhẫn, không ánh sáng, không biết được đêm hay ngày, chỉ có tiếng bước chân và tiếng thở hồ hởi của bọn người làm nghẹn ngào trái tim mỏng manh hoảng hốt của em...

Trúc đau, em nhớ nhà, em nhớ những ngày theo chân má ra chợ, nhớ cha từng cõng em trên lưng đi qua cây cầu tre vì sợ em bị té, nhớ những hôm dầm mưa, lội sình tát cá với mấy đứa nhỏ xóm cù lao nghèo. Trong những giấc chập chờn, trong những lặng lẽ khi bị dày vò thân xác, em tự tưởng tượng cảnh cô gái nhỏ, chạy giữa cánh đồng chang chang nắng đổ, những bông cỏ lau trắng mướt theo gió chao nghiêng, em núp sau bóng của đống rơm, mò mẫm mớ nấm mới nhú, vui thú bụm kỹ trong vạt áo đem về khoe với má... Dòng sông trước nhà, con xuồng nhỏ cha thường đi giăng câu, căn nhà lá nghe mưa rào rạt, có bữa cơm khô chiên, canh rau muống luộc nặng thêm chanh, có bốn chị em quây quần nhường nhau gắp trước...

Hồi ức chảy dài theo dòng nước mắt. Nếu cha má biết chắc sẽ đau dữ dằn, bởi vì em cũng đang đau lắm, sống không bằng chết...

Rồi Trúc không thể chịu đựng được lâu, cô gái nhỏ đã mỏi mòn quá nhiều trước những khắc nghiệt mà bọn người kia đổ dồn lên em. Không một ngày nào được bình yên, Trúc sợ tất cả mọi thứ, tiếng bước chân, những giọng cười the thé, tiếng gió núi lùa ngoài cửa, cảm giác dây thần kinh luôn căng như dây đàn có thể đứt rời, bật tung một thanh âm giòn giã thê lương bất cứ lúc nào. Nỗi đau thể xác và tinh thần ám ảnh đến ghê người, em ghê sợ chính bản thân mình, mỗi lần đứng giữa dòng nước chảy, trời lạnh tê thân, em vẫn cố chà xát, cố gột rửa hết những ô uế trên từng tấc da thịt mỏng manh trong tuyệt vọng. Không ai có thể ngờ cuộc đời lại quá khắc nghiệt với linh hồn không có tội. Con đường nhanh nhất để kiếm được tiền cũng lại là con đường ngắn ngủi dẫn đến ngày tháng tận cùng của một người con gái, rất trẻ. Tôi không thể, hoặc không dám tưởng tượng về những ngày đau thương đó của em, vì tôi nghĩ nó phải khủng khiếp và hãi hùng biết bao nhiêu cho đủ, mỗi ngày sống trong sợ hãi, đau đớn, mỗi ngày phải đối diện với từng gương mặt thú tính méo mó, chắc em đã tuyệt vọng lắm, chắc máu đã hòa nước mắt nhiều lắm, nên cái chết là lựa chọn cuối cùng và duy nhất mà em có thể làm, như một sự giải thoát...

Ngày hôm đó, một buổi sáng sương dày, bọn người phát hiện ra em nằm trên vũng máu tràn từ vết cắt rất ngọt nơi cổ tay, máu đỏ tươi ám ảnh, màu rờn rợn, máu ướt một góc lá thư viết tay, nét chữ đứt gãy, thổn thức. Da em tái và mái tóc đen buông dài, lãnh đạm, hơi thở cuối cùng cũng lìa xa cô gái nhỏ. Trúc tự mình tìm tới một chốn vĩnh hằng nào đó, chỉ mình em biết.


Lúc tới báo tin cho má Bảy biết, tôi đã ngập ngừng rất lâu, không biết phải bắt đầu như thế nào cho bớt đi nỗi đau mà mình sắp trao tận tay người đàn bà khắc khổ đó. Nhiều năm dài, làm việc ở chỗ này, mỗi lần nhìn danh sách những cô dâu lấy chồng xa xứ là mỗi lần cảm giác ngậm ngùi làm cay khóe mắt và nồng cánh mũi. Những cô gái còn rất trẻ, nụ cười từng rất tươi, nhưng có người trở về với từng vết thương lòng không bao giờ khỏi, có người thì bặt vô âm tính chưa nhận được tin dù là tin lành hay tin dữ, cũng có người giống như Trúc, lúc đi đang độ xuân thời, đang tươi trẻ hồn hậu và mong chờ. Lúc quay về thì nằm gọn trong vòng tay của má chỉ bằng một cái hủ nhỏ nhoi, rưng rức và xót xa. Khi đưa giấy báo tử cho má Bảy, bà lặng im không nói được câu nào, tôi cảm nhận đủ niềm đau quá đầy trong trái tim của một người mẹ. Lúc quay đi không nhìn nhưng tôi vẫn biết, má đổ quỵ, không có đôi chân nào đủ sức chống đỡ một con tim đã nặng nề những tổn thương.

Tôi đã đến rất nhiều nhà, gặp rất nhiều người cha người mẹ, cũng có ít người hoang mang rằng sẽ không có tiền con gái gửi về nữa. Tuy nhiên đa phần đều là những bà mẹ mềm lòng, nhận tin dữ của con mà không thể nào chịu đựng. Nỗi mất mát quá lớn, quá đau...

Và sự ra đi của Trúc cùng nỗi lòng của má Bảy là câu chuyện ám ảnh tôi nhất suốt những năm dài...


Má Bảy ôm cái hũ sành hình bông sen, màu xanh lá, ấp yêu trong đáy lòng, tay vuốt nhẹ nhàng, nhớ lại từng đêm bồng hát ru con gái ngủ, nhớ những lần chải mái tóc dài mềm mại, thắt cái bính nhỏ xinh. Má thầm thì nghẹn ngào.

 "ầu ơ ví dầu, cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi, khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời... ầu ơ... Trúc ơi! Má dắt con về, con đi theo má, suốt đời nghe con..."

Câu hát vang xa ngẩn ngơ trên dòng nước, tôi tưởng chừng nghe trong gió tiếng cười khúc khích hồn nhiên của cô gái nhỏ, nghe được tiếng bước chân chạy mỏi mòn trên những cánh đồng mênh mông màu cỏ lau trắng mướt... Trúc như đang đi bên cạnh má của mình, như hiện diện theo từng lời ca não nề, thê thiết... Suốt quãng đường từ bến đò về nhà, nước mắt má Bảy rớt không thôi, trời đổ mưa tầm tã, đường trơn trợt, má bỏ dép đi chân không, ngón chân bấu xuống lớp đất nhão bật máu, má ôm hũ tro của Trúc, quấn áo mưa kỹ càng, tôi che dù thêm cho má, nghe mưa lạnh tê tái lòng dạ.


"má, không biết lá thơ này tới tay má hay không, nhưng con biên thơ vì con không tiếp tục được nữa. Con kiệt sức rồi má, con gái bất hiếu, nơi xa quỳ lạy cha với má lần cuối, xin má rước con về, đem hồn con gửi cho dòng sông quê mình, chỗ có cây cầu tre nhỏ bắc ngang. Má nói anh Bình quên con nha má..."

Má dừng lại bên bờ sông, cây bần chao nghiêng ướt đầm đìa, đôi tay gầy ôm hũ tro đã tái ngắt lạnh căm, từng túm mưa bay vội vàng trên mặt sông, cuốn theo dòng nước mắt của người mẹ sắp phải buông chút hương hồn tàn phai của con gái. Má run run tỉ mẩn mở hủ sành, run run từng nắm tro nhỏ xám xịt, gió cuốn em bay xa hòa trong mưa, thấp thoáng như cái vẫy tay đầy nuối tiếc dành cho má. Cuối cùng theo di nguyện của Trúc, em đã về nằm lại dưới dòng sông quê mình, tan trong tình thương của má. 

Đám tang nhỏ, không có quan tài, chỉ có khói nhang và tiếng tụng kinh đều đều vang vọng, người trong xóm nghèo tới viếng em, người em thương cũng ở đó. Nhiều nước mắt rất buồn. Hình em cười rất tươi, lá thư dính máu đã đổi màu nâu khô sậm, má Bảy kẹp dưới lư hương, để em biết điều cuối cùng em mong má đã làm được...

Cha và má Trúc sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc này, sẽ không bao giờ vết thương được vẹn nguyên lành lặn, nhưng tôi tin em chưa khi nào trách móc đấng sinh thành của mình. Tôi tin rằng hồn của em đang hòa quyện trong từng hơi thở của nơi đây, quê cha đất mẹ. Dù đã quá đau lòng, quá khổ ải, nhưng em về rồi trong bàn tay đón đưa ân cần của má. Mỗi bữa cơm nghèo, mấy đứa nhỏ dọn thêm một cái chén, một đôi đũa, gọi tiếng chị Hai thân thương quây quần như một ngày nào năm đó. Những gì em để lại có tiếc nuối, nhưng cũng đầy lắm yêu thương. Tôi ngồi xuống bên má Bảy, nhẹ vòng tay ôm má rất chậm, má ốm đi nhiều, hốc hác đi nhiều, tôi im lặng, chỉ mong má có thể an lòng, thôi nghĩ rằng mình là người mẹ bán con, mưa tạnh, đâu đó trong những vạt nắng ngoài sân kia, chắc Trúc mỉm nhẹ nụ cười thương má hao mòn.

Ai đó trên ghe ngoài sông ca lời buồn hiu hắt: "má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú... Biết nhà má đâu..."

Rồi sẽ qua thôi, những ngày nắng nhạt, gió thổi và lòng buồn hiu.

Trúc ơi! Bình yên...

                                         Đồng Tử Dạ