bởi Tửu Ca

5
4
3898 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1


Mùa Xuân năm ấy đến thật lặng lẽ nơi ngôi làng nhỏ ven bờ suối. Không có những cơn mưa rào báo hiệu độ giao mùa, cũng chẳng có những sắc hoa nở rộ rạng rỡ chào đón năm mới gõ cửa.

Mùa Xuân năm ấy thật chẳng giống mùa Xuân chút nào.

Tiếng nước suối róc rách từ đầu nguồn chảy đến bên Tuyết Liên. Nàng mò mẫm trong chiếc làn cũ kỹ, lấy ra mấy bộ quần áo bằng vải thô chắp vá, rồi đem ngâm bên bờ suối, để con nước mát lành cuốn trôi đi những vết bẩn hoen ố phai màu.

Đôi bàn tay thô ráp của Tuyết Liên cũng ngâm xuống dòng nước đầu Xuân, cảm giác như tất cả sự phiền muộn của nàng đều giống như dòng nước này vậy. Chảy mãi, chảy mãi, mà có lúc nào dừng đâu.

Ngâm nước chán, Tuyết Liên dùng tay vốc chút nước đưa lên miệng uống. Nàng đã uống nước của con suối này không biết bao nhiêu lần rồi, ấy thế mà cảm giác mát lành lúc từng giọt nước chảy xuôi xuống cổ họng vẫn còn làm nàng thích thú biết bao, say mê biết mấy.

Uống nước xong, Tuyết Liên lấy ống tay áo quẹt qua khoé môi, mò mẫm khua tay bỏ quần áo đã giặt xong để lại vào trong làn.

Đúng lúc đó có một giọng nói lanh lảnh, non nớt từ sau lưng nàng cất lên:

“Tuyết Liên, Tuyết Liên, tỷ xem muội thêu được cái gì này!”

Giọng nói non nớt đó vừa vang lên, một thân hình bé nhỏ nhảy bổ đến, ôm lấy tấm lưng Tuyết Liên, sau đó chìa ra trước mặt nàng một chiếc khăn trắng thêu hình thù kỳ dị.

Tuyết Liên để mặc cho con bé ôm lấy lưng mình. Nàng nâng đôi tay thô ráp lên, dùng mấy ngón tay chai sạn lần theo từng đường chỉ vụng về của đứa bé rồi bật cười:

“Muội thêu cái gì thế?”

Đứa bé chu môi, giãy giụa trên lưng nàng.

“Muội thêu công tử!”

Tuyết Liên yêu chiều vuốt ve mái đầu nhỏ nhắn của đứa bé, dịu dàng nói:

“Ra là muội thêu công tử.”

Đứa bé hì hì cười rồi nhảy khỏi lưng nàng.

“Tỷ thấy muội thêu có giống với công tử không?”

Tuyết Liên gật đầu khen:

“Giống lắm.”

Nói rồi, nàng cắp làn lên vai, đưa tay cho đứa bé dắt đi.

“Tỷ bước cẩn thận đấy, trước mặt có hòn đá to lắm kìa.”

“Ừ.”

Nàng khẽ khàng đáp lại, đôi chân vụng về nhấc lên cao hơn một chút để tránh đi hòn đá đứa bé vừa nhắc đến.

“Sắp về đến nhà chưa, Tiểu Mai?”

Đứa bé hoạt bát đó, bây giờ là Tiểu Mai, nghe thấy nàng hỏi liền đáp:

“Sắp rồi, mấy bước chân nữa thôi.”

Được chốc sau, Tiểu Mai lại nói:

“Đến rồi, tỷ nhấc chân cao lên một chút.”

Tuyết Liên làm theo lời Tiểu Mai, tránh đi bậc thềm bằng đất mà trước kia đã từng làm nàng ngã không biết bao nhiêu lần.

Sau khi vào được trong nhà,Tiểu Mai khệ nệ đỡ lấy cái làn trong tay Tuyết Liên, đặt bừa xuống đất rồi dìu nàng ngồi xuống bộ bàn ghế cũ kỹ thô sơ đã bị mối mọt gặm nhấm đến thảm hại.

“Tuyết Liên, muội đói quá…”

Tiểu Mai ườn nửa người ra bàn, than thở với cái dạ dày lép xẹp trong bụng.

Tuyết Liên thở dài trầm tư, nghĩ rồi, nàng đi đến bên chiếc nồi gang nằm trong góc nhà, lấy ra một nửa chiếc bánh khô không khốc được gói trong một chiếc lá đã bắt đầu héo vàng.

Nàng đưa chiếc bánh lên miệng thổi, hít lấy mùi thơm đã chẳng còn bao nhiêu của chiếc bánh đó rồi mỉm cười đưa cho Tiểu Mai.

“Muội ăn tạm chiếc bánh này nhé, chiều nay tỷ có tiền rồi, nhất định sẽ mua đồ ăn cho muội.”

Mặc dù chiếc bánh kia trông chẳng hấp dẫn chút nào, thế nhưng đang đói, Tiểu Mai cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều, cứ thế cầm lấy rồi đưa lên miệng cắn nhồm nhoàm.

Ăn được mấy miếng, con bé ngước mắt lên nhìn Tuyết Liên:

“Bánh của tỷ đâu, sao tỷ không ăn?”

Tuyết Liên khẽ cười, xua tay nói:

“Vừa nãy ở ven suối đói quá nên tỷ ăn một nửa rồi, Tiểu Mai cứ ăn đi.”

Nghe thấy nàng nói vậy, Tiểu Mai ngây thơ chẳng hỏi thêm gì nữa, tiếp tục thưởng thức “cao lương mỹ vị” trên tay mình.

Trong lòng Tuyết Liên thầm cảm thấy chua chát. Chẳng biết từ lúc nào nơi khoé mắt đã rơm rớm những giọt lệ nóng hổi. 

Mùa Đông năm ngoái nàng ốm nặng. Trận ốm đó tưởng như đã lấy đi sinh mạng nhỏ bé của nàng rồi, thế nhưng không biết là do may mắn hay tạo hoá trêu ngươi, sau hơn hai tháng nằm liệt trên giường bệnh, nàng bỗng dưng khoẻ lại, và phải tiếp tục gồng gánh trên lưng sự khắc nghiệt của cuộc sống thiếu thốn đủ bề.

Chút tiền bạc ít ỏi tích góp suốt năm năm trời vì trận ốm đó cũng đã không cánh mà bay. Lại thêm việc hai tháng không bán được thêm thước vải nào, trước đây vốn đã nghèo khổ, bây giờ có thể nói là trắng tay.

Mà nàng cũng đâu phải là kẻ lười biếng gì cho cam. Cái khi vừa xuống được giường, nàng liền chẳng quản ngày đêm thêu thùa may vá, hòng vớt vát lại chút gì đó đủ để nuôi hai miệng ăn cho qua ngày Đông giá rét.

Thế nhưng đã quá muộn. Đối với những người dân vốn đã sống quen với cái nghèo ở ngôi làng nhỏ ven suối này thì chỉ có mùa Đông mới là mùa có thể bán được vải. Nay đã vào cuối tháng Giêng, cho dù có là ngày Tết Nguyên tiêu đi chăng nữa thì cũng chẳng nhà nào dư dả để sắm cho mình một bộ quần áo mới đi chơi ngày Tết.

Lúc ấy Tuyết Liên cũng chỉ đành đánh liều một phen. Nàng nhờ cậy mấy vị đại nương ở gần nhà dắt nàng lên chợ phiên. Cho dù cơ thể không tiện đi lại như người khác, nhưng may mắn rằng những vị đại nương đó vẫn vui lòng dắt theo một khúc gỗ phiền phức như nàng đi cùng.

Thậm chí khi ấy nàng còn chẳng có đủ bạc để thuê một chỗ đứng bán hàng, may mắn có một vị đại nương rủ lòng thương xót, cho nàng đứng mép gian hàng của người để bày biện những xấp vải thô ít ỏi.

Sau những lần đi chợ phiên ấy, cuối cùng nàng cũng có thể bán thêm được mấy thước vải, vài cái khăn tay, thế nhưng Tiểu Mai lại đang tuổi ăn tuổi lớn, vấn đề về lương thực cũng đang dần trở nên nặng gánh trên đôi vai gầy guộc của Tuyết Liên.

Con bé trước kia mỗi bữa ăn được một chiếc màn thầu là đã lưng lửng bụng, nhưng bây giờ có khi ăn ba cái rồi mà đôi mắt bé bỏng ấy vẫn còn thòm thèm nhìn chiếc bánh trên tay Tuyết Liên. Nàng chẳng nỡ để Tiểu Mai phải đói, cho nên lúc nào cũng đưa cho con bé chiếc bánh cuối cùng đó.

Dần dà, sức khoẻ của nàng lại ngày một yếu đi. Tệ nhất có lẽ là khoảng thời gian nửa tháng trước, lúc đó chỉ cần vận động mạnh chút thôi là nàng bị ngất xỉu.

Tuyết Liên vẫn còn nhớ, có một hôm nàng đang giặt quần áo bên bờ suối, vì đứng dậy đột ngột nên đầu óc bỗng quay cuồng, đôi chân lảo đảo, cuối cùng rơi tõm xuống dòng nước đó.

Tuyết Liên vốn không biết bơi, thế nên lúc rơi xuống nước, nàng hoảng loạn đến tột cùng. Đôi chân khẳng khiu cố gắng quẫy đạp, giãy giụa. Bàn tay vung loạn xạ tứ phía hòng bấu víu lấy chút hy vọng sống cuối cùng. Thế nhưng đôi mắt nàng tối đen như mực, khuôn miệng cứ mỗi lần hét lên kêu cứu là lại uống thêm từng đợt nước ùa vào.

Nàng cứ ngỡ rằng hôm đó là ngày cuối cùng của nàng trên cõi đời này, nhưng may mắn rằng có vài vị đại nương cũng đi giặt quần áo, thấy nàng đuối nước liền nhanh chóng chạy đến vớt nàng lên.

Trong cơn mê man bất tỉnh, nàng đã gặp lại được công tử, người thiếu niên đã trú ngụ bên trong trái tim nàng từ khi còn thơ ấu. Chàng vẫn dùng ánh mắt dịu dàng giống như năm xưa để nhìn nàng, nói với nàng rằng hãy cứ yên tâm đợi chàng, đợi đến khi nào đất nước không còn chiến loạn, muôn dân yên vui, thái bình thịnh thế, lúc ấy chàng sẽ đến đón nàng trở về. 

Tuyết Liên năm ấy chỉ biết nghẹn ngào ôm lấy chàng, nói rằng cho dù đời này có phải đợi chàng năm năm, mười năm, hay mười tám năm, nàng cũng bằng lòng. Chỉ mong cầu một điều rằng đôi lứa cách xa, thời gian trắc trở, tình cảm không vì thế mà trở nên phai nhạt.

Những đoạn hồi ức biệt ly thấm đẫm lệ nóng thuở ấy tựa như một cơn sóng triều cuối Hạ đầu Thu, đến cũng nhanh, và đi cũng chóng vánh.

“Tuyết Liên, Tuyết Liên!”

Tiếng gọi của Tiểu Mai đã kéo Tuyết Liên trở lại thực tại. Nàng vội đưa ống tay áo lau đi khóe mi, cố nặn ra một nụ cười gượng:

“Tiểu Mai sao thế, muốn ăn nữa à?”

Con bé lắc đầu rồi nắm lấy tay nàng, giọng nói non nớt hí hửng cất lên:

“Tỷ nói chiều nay tỷ có tiền rồi đúng không?”

Tuyết Liên ngập ngừng trong cổ họng, cuối cùng nàng cúi xuống, xoa mái đầu của Tiểu Mai rồi cười đáp lại:

“Ừ, chiều nay có người muốn mua vải của tỷ. Nhưng mà phải lên chợ phiên một chuyến, nên là sáng mai tỷ mới về với muội được. Tỷ hứa với muội, trưa mai sẽ mua quà bánh về cho muội ăn no thì thôi.”

Tiểu Mai nghe vậy thì thích chí lắm. Đối với một đứa trẻ ăn bữa nay lo bữa mai như Tiểu Mai, chỉ cần nghe thấy chữ “no” thôi là đã vui vẻ lắm rồi, nào có dám mơ tưởng đến việc được ăn những thứ quà bánh xa xỉ ở chợ phiên.

Buổi trưa hôm ấy, Tuyết Liên dùng nguyên một canh giờ để cẩn thận sắp xếp lại những thước vải mới may, kiểm kê lại đủ số vải cần mang theo, sau khi đã hài lòng thì nàng mới đeo giỏ lên vai, vuốt ve mái tóc ngắn cũn cỡn của Tiểu Mai.

Con bé trước đó cũng giúp nàng nhiều việc lắm. Chỉ là trẻ con mà, làm được một chốc thì đã chán rồi lăn ra giường ngủ mất.

Tuyết Liên yêu chiều vuốt ve Tiểu Mai, tận hưởng hơi thở đều đều của con bé trên chiếc giường sập xệ. Ngón tay nàng sờ lên đôi mắt, cái mũi, khuôn miệng nhỏ nhắn của con bé, thầm ước giá như mình có thể nhìn thấy được Tiểu Mai, ắt hẳn con bé là một tiểu cô nương vô cùng đáng yêu và lanh lợi.

Thế nhưng nỗi buồn đó cũng chỉ thoáng qua một chốc, bởi nàng đã sớm quen với cảnh trước mắt mình chỉ còn là một màu tối đen như mực. Nghĩ rồi, nàng lại hân hoan trong dạ niềm vui rằng chỉ cần bán được chỗ vải trên lưng này, nàng sẽ mua cho Tiểu Mai những chiếc bánh thật ngon, và những viên kẹo đường đỏ ngọt lịm. Nàng biết từ nhỏ đến lớn, Tiểu Mai chưa từng được ăn những thứ đồ ăn vặt xa xỉ đắt tiền như vậy. Có lẽ tất cả những hương vị xa lạ đó, con bé chỉ từng nếm qua trong những giấc mơ ấp ủ nỗi niềm mong ước nhỏ nhoi mà thôi. 

Tiểu Mai, chờ tỷ về.

Nàng hôn nhẹ lên vầng trán non nớt của con bé, sau đó loạng choạng đôi chân dò dẫm từng bước một ra khỏi hiên nhà.

“Cô nương tên Tuyết Liên đúng không?”

Lúc này nàng đang đứng ở điểm hẹn với vị đại nương thân thiết, bỗng nhiên có tiếng gọi vang lên sau lưng.

“Vâng, đúng là tiểu nữ.”

Giọng nói ấy nghe thật xa lạ, nhưng nàng vẫn lễ phép đáp lại.

“Ừm, không tệ, tiếc là bị mù.”

Vị đại nương đó nhìn ngắm cả thân nàng từ đầu đến chân, rồi lại từ chân lên đầu, cuối cùng thốt lên câu nói kia.

Tuyết Liên không hiểu, ngơ ngác hỏi:

“Thưa đại nương, Lưu đại nương đến chưa ạ, bà ấy hẹn tiểu nữ giờ Mùi (*) gặp ở đây cơ mà?”

(*) Giờ Mùi: từ 1 giờ đến 3 giờ chiều.

Vị đại nương đó nhếch mép đáp:

“À, bà ta nói chiều nay không đi được, nên là nhờ ta dẫn cô nương đến chợ phiên.”

Tuyết Liên thẫn thờ suy nghĩ, sau đó vẫn không chắc chắn hỏi lại:

“Thưa đại nương, Lưu đại nương chiều nay có một lô trà mới phải đem đi bán gấp cơ mà, sao đột nhiên lại…”

“Phiền quá đi mất! Đào đâu ra lắm câu hỏi thế! Thế tóm lại cô có đi hay không?”

Vị đại nương đó không kiên nhẫn hét ầm lên. Tuyết Liên giật mình, cuối cùng sợ rằng lỡ mất giờ hẹn với người ta nên đành gật đầu nói:

“Tiểu nữ đi, phiền đại nương dẫn đường.”

Vị đại nương đó hừ mạnh một tiếng, sau đó nắm chặt lấy tay nàng, kéo đi xềnh xệch.

Tuyết Liên không rõ tại sao vị đại nương này lại tỏ ra nóng nảy vội vã đến như vậy, nhưng nàng cũng không muốn vì chuyện của mình khiến người ta trễ nải giờ giấc, nên đôi chân khẳng khiu chỉ biết cố bước kịp theo lực kéo tay của bà.

Sau khoảng hơn một canh giờ đi bộ, hết trèo đèo rồi lại lội suối, hết lên rừng lại xuống đồi, Tuyết Liên cố gắng ôm ngực thở lấy hơi, nhỏ giọng hỏi:

“Đại nương… sao hôm nay đường đến chợ phiên lại xa thế?”

“Sắp đến rồi, nhanh cái chân lên đi.”

Nghe thấy bà nói vậy, Tuyết Liên không dám hỏi thêm, chỉ đành tiếp tục cắn răng cắn lợi lê bước trên đôi chân sớm đã tê rần chẳng còn cảm giác của mình.

Đến khi Tuyết Liên chẳng thể bước thêm được một bước nào nữa, đôi chân ngã khuỵu xuống dưới đất, kéo cả vị đại nương kia cũng ngã theo, thì nàng mới được ngồi xuống nghỉ ngơi. Nàng đưa tay vuốt ngực áo, cổ họng lúc này bỏng rát khô khan, chân tay cũng rệu rã tưởng như sắp đứt lìa ra khỏi cơ thể đến nơi vậy.

Tuyết Liên hơi run người khi sợ sệt nghĩ rằng vừa nãy lỡ làm cho vị đại nương khó tính này ngã, chẳng biết bà ấy sẽ quở trách mình thế nào đây. Ngay khi nàng đang chuẩn bị tâm lý để nghe những lời đay nghiệt thì bỗng nhiên giọng nói của bà lại trở nên nhẹ nhàng lạ thường:

“Đến rồi đấy.”

Tuyết Liên nghe thấy câu đó thì ngẩn người đờ đẫn. Nàng ngơ ngác hỏi lại:

“Đến chợ phiên rồi sao? Sao tiểu nữ không nghe thấy tiếng gì hết vậy?”

Lạ thật. Rõ ràng trong trí nhớ của Tuyết Liên, một nơi đông đúc và náo nhiệt như chợ phiên thì chỉ cần là lúc gần đến thôi cũng đã nghe thấy tiếng náo nức rộn rã mời chào của các hàng quán, hay là tiếng mặc cả chê bai của những vị khách khó tính rồi. Vậy mà giờ đây tất cả âm thanh bên tai nàng chỉ có tiếng chim hót trên trời cao, và tiếng xào xạc của từng cơn gió Xuân phủi lá đầu cành mà thôi. Đến cả tiếng người… còn không có.

“Ai nói với cô là chúng ta đến chợ phiên?"

Câu hỏi này vừa vang lên, đầu óc nàng bỗng ngờ nghệch:

“Ơ, đại nương, không phải Lưu đại nương nhờ ngài dẫn tiểu nữ đến chợ phiên sao?”

Vị đại nương đó lại nhếch mép cười, cái điệu cười này của bà ta bỗng chốc khiến nàng sởn gai ốc:

“Cô bị ngốc à? Cô nghĩ ta dẫn cô lặn lội đường xa như thế chỉ vì mấy xấp vải nát ở sau lưng cô sao?”

Đến bây giờ thì Tuyết Liên mới bắt đầu nhận ra sự mờ ám trong chuyện này. Không biết lấy sức lực từ đâu, nàng hoảng hốt đứng bật dậy, đề phòng hỏi:

“Vậy chúng ta đang ở đâu?”

Thế nhưng lại chẳng có câu trả lời. Bà ta trông thấy có hai tên đàn ông cao to lực lưỡng đi tới, đôi mắt đồi mồi những vết chân chim chợt sáng lên giống như chó con thấy chủ về nhà:

“Ôi hai vị đại nhân, hàng hoá của hai người, già đã mang đến rồi đây này.”

Hai tên đó cười khẩy nhìn bà ta, sau đó bước đến chỗ Tuyết Liên đang đứng.

Đôi tai nghe thấy tiếng những bước chân nặng nề đang dần tiến về phía mình, Tuyết Liên hoảng hốt giơ tay lên trước ngực đề phòng.

“Đại nương, người đâu rồi?“

Nàng sợ hãi lên tiếng. Tâm thần lúc này hoảng loạn giống như có một con hươu đang chạy loạn bên trong.

Hai tên nam nhân kia mỗi người đứng một bên, ánh mắt dò xét nhìn từ trên xuống dưới cơ thể nàng. Ánh mắt của hai người họ dừng lại lâu nhất ở trên khuôn mặt và nơi ngực áo phẳng lì của Tuyết Liên. Cuối cùng, sau một chốc kiểm tra ngắn ngủi, một tên phỉ nhổ bãi nước bọt rồi hét ầm lên:

“Bà già khốn kiếp kia, bà mang cái thứ gì đến thế này?”

Bà ta xun xoe đi tới, lên tiếng chào hàng:

“Các vị quân gia đừng nóng vội. Trông thế thôi chứ cô nương này cũng là một viên ngọc quý đấy chứ. Ngài xem, ngũ quan của nàng ta thanh tú xinh đẹp biết bao, lại thêm việc hàng ngày làm lụng nhiều, nên là sức lực cũng khoẻ hơn không biết bao nhiêu lần các quân kỹ (*) khác, chắc chắn đủ để phục vụ những vị quân gia vai to sức rộng như các ngài. Còn về thân thể nàng thì… Ừm… bây giờ trông có vẻ không có gì, nhưng chỉ cần các ngài bồi bổ cho nàng thêm một chút, chắc chắn sẽ quyến rũ hơn người.”

Tuyết Liên nghe thấy những lời đó thì ba hồn bảy vía đã nhảy lên mây. Nàng sợ hãi ngã phịch xuống, nắm lấy bàn tay của vị đại nương kia, khẩn thiết van xin:

“Đại nương, tiểu nữ không làm được đâu! Cầu xin người cho tiểu nữ về nhà, cầu xin người cho tiểu nữ về nhà!”

Bà ta giằng tay ra khỏi Tuyết Liên, hét ầm lên mắng mỏ:

“Im miệng! Ngươi mà còn nói thêm tiếng nào nữa, ta giết ngươi!”

Tuyết Liên sợ hãi ngậm chặt miệng mình lại, thế nhưng giờ đây nước mắt lại bắt đầu chảy ròng ròng nơi khoé mi. Nàng bất lực gục đầu xuống, quỳ dưới mũi giày của vị đại nương xa lạ này.

“Thôi bỏ đi, kể cả nàng ta có béo thêm một chút thì cũng không dùng được đâu.”

“Ờ, mắt mũi như vậy thì hầu hạ cho ai? Giả như rót rượu phục vụ vị đại nhân nào mà không rót vào chén, lại rót nhầm vào mặt người ta thì bay đầu là cái chắc.”

Hai kẻ đó thay phiên nhau lên tiếng chê bai. Bà ta lại càng tức tối Tuyết Liên, bèn giơ chân đạp thật mạnh lên lưng nàng lúc này đang khom người bên dưới.

“A!”

Nàng đau đớn kêu thét lên. Song, bà ta vẫn chẳng thoả giận mà vừa đạp vừa chửi bới:

“Con tiện nhân vô dụng, mất cả một ngày trời của ta, cuối cùng chẳng kiếm lại được chút gì!

Sao ngươi không đi chết đi, đi chết đi!”

Mỗi một tiếng “đi chết đi” được nghiến qua khuôn miệng độc địa đó, bàn chân của bà ta lại tàn nhẫn giáng lên tấm thân gầy gò của Tuyết Liên một lần. Chiếc giỏ đựng vải cũng bị đạp đến rách nát. Từng thước vải thô nàng hết mực quý trọng rơi lả tả xuống đất, trở nên nhàu nhĩ bẩn thỉu. Đến khi nàng đau đớn đến độ chẳng còn sức lực nào chống cự nữa, cả thân người nằm phịch xuống nền đất lạnh thì bà ta mới dừng lại.

“Không đánh nữa, đánh chết người ra đấy lại mất công dọn xác, mệt lắm.”

Một tên giơ tay ra ngăn cản. Bà ta vẫn không cam chịu đi toi công một chuyến như vậy, liền kéo áo của hắn, khẩn thiết mời mọc:

“Các vị quân gia không mua nàng ta cũng được, già này không ép, nhưng nàng ta vẫn còn đêm đầu tiên.”

Hắn ta nhếch mép cười:

“Ra là chưa lấy chồng à?”

“Chưa có, chưa có. Đêm đầu tiên của nàng ta, già này bán rẻ nửa lượng bạc trắng, được không?”

Cả hai tên chợt phì cười:

“Nửa lượng? Bà già rồi lú lẫn à? Mười văn tiền thôi.”

Nghe thấy “mười văn tiền” ít ỏi, tuy trong lòng không cam chịu, nhưng bà ta biết nếu còn kỳ kèo thêm câu nữa thì đến cả mười văn tiền lỗ vốn này cũng chẳng kiếm lại được, đành khó nhọc gật đầu:

“Được, mười văn tiền.”

Tuyết Liên lúc này đang nằm trên nền đất lạnh. Nàng loáng thoáng nghe được cuộc trao đổi đó của bọn họ, một nụ cười tự giễu chẳng biết từ lúc nào đã hiện trên khoé môi.

Mười văn tiền.

Đó là giá cả cho đêm đầu tiên của nàng, và cũng là số tiền lấy đi sự trong trắng nàng gìn giữ suốt bao năm nay. Hoá ra, khi bản thân là một kẻ thấp cổ bé họng, nàng chỉ có thể chịu đựng tất cả những sự chà đạp, giày vò mà chẳng có quyền được chống cự. Đến cả những gì bản thân quý trọng nhất, đối với đám người đó mà nói, chẳng qua chỉ là một điều nực cười, đáng phỉ nhổ nhất trên đời này.

Công tử, Tuyết Liên phải làm sao đây?

(*) Quân kỹ: chỉ các kỹ nữ phục vụ trong quân doanh.