1
1
2137 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Tao ngộ


Thành phố Xán Lạn hôm nay chợt trở nên náo động.

Mặt trời còn chưa kịp vùi mình sau đường chân trời, lũ chim đã vội vàng túa ra tìm nơi ẩn nấp. Chúng bị xua đi bởi âm thanh ồn ào hoà lẫn vào tiếng dậm chân thình thịch, dường như đến từ cuộc truy đuổi không cân sức bên dưới khu ổ chuột Mũi Tàu. Một chiếc bóng nhỏ tí len lỏi qua từng căn nhà đổ nát hoang tàn, nhanh nhẹn như chuột nhắt, con bé ăn mặc rách rưới sải đôi chân trần xước xát đến chai sạn hộc tốc chạy hết sức bình sinh. Phía sau nó là ba, bốn gã thanh niên hình thể to gấp mấy lần nó cũng đang tức tối đuổi sát theo. Dân cư khu Mũi Tàu đã quá quen với cảnh rượt đuổi thế này. Ngày nào cũng có kẻ vì đói quá mà đi trộm cắp, ngày nào cũng xuất hiện lũ bảo kê lùng sục họ để lấy lại món đồ bị mất và dần kẻ bần cùng ấy bầm dập. Chạy nhanh thì sống, chậm thì chết. Cuộc đua thường nhật ấy dần trở thành trò vui cho những cư dân nơi đây. Mỗi lần nghe thấy âm thanh náo động quen thuộc, họ sẽ cá cược với nhau vài đồng bạc lẻ xem đứa ăn cắp đấy có thoát nổi hay không.

“Là Dạ Thảo.” Có ai đó ló đầu ra khỏi lều dựng tạm để quan sát tình hình, vừa lúc con bé nhem nhuốc phóng vụt qua. Ông ta nói lớn như thông báo. “Cược một đồng bạc là nó bị ăn đập.”

Lũ đàn ông còn lại đang co cụm một góc để bẫy chuột chù và chia nhau tàn thuốc lượm được ở gần vùng trung tâm xị mặt. Lại là Dạ Thảo, con nhóc cháu bà Ba ở cuối khu ổ chuột Mũi Tàu. Con bé đấy nhanh nhẹn lắm, mười trận ăn trộm thì chỉ bị bắt một, hai lần. Đám dân cư nơi này toàn du thủ du thực*, song cũng có giới luật riêng: Cấm tiệt dần chết trẻ con. Đánh thoi thóp thì được. Trong thế giới hiện nay, bọn trẻ con quan trọng lắm. Chúng sẽ phải lớn lên và trở thành nguồn nhân lực mới cho các nhà máy xí nghiệp vùng ven trung tâm, rồi từ từ chết rục trong cảnh nghèo đói khi bị vắt sức đến kiệt lực. Cái luật đấy cũng chẳng phải do bọn họ đặt ra, mà là từ đám chủ xí nghiệp. Cứ mất một đứa trẻ là thiếu một nhân công, chẳng chủ doanh nghiệp nào muốn thế. Song họ cũng không muốn thí ra nguồn lương thực nuôi không bọn nít ranh, nên giới luật này mới được phổ biến xuống các khu hạ tầng. Đánh chết thì không được, đập què giò hay gãy tay lại tạm chấp nhận.

Dạ Thảo vẫn đang luồn lách qua mấy khu nhà, nó leo tường thoăn thoắt như khỉ, phóng qua bờ rào nhanh tựa thể mèo hoang. Cơ thể gầy gò nhỏ yếu của nó vậy mà lại có lợi thế lớn, tốc độ ngang nhau nhưng đường chạy lắt léo mà Dạ Thảo chọn khiến đám du côn đang đuổi theo khá chật vật. Dạ Thảo năm nay mười hai, sắp mười ba tuổi. Nhưng nó trông nhỏ thó, roi roi như mấy đứa nhóc mới mười, mười một. Vì thiếu đói cả, đứa nào đẻ rớt ở khu Mũi Tàu đều như vậy.

“Cược nửa chai rượu đế tự nấu con Thảo hôm nay ăn vả sấp mặt.” Có ai đó đứng nhìn cuộc truy đuổi từ nóc một căn nhà bỏ phế, huơ huơ chai rượu trắng đã uống quá nửa.

Bọn họ bàng quan nhìn cảnh đứa nhỏ như Dạ Thảo bị rượt, hoặc có thể bị đánh đập tàn nhẫn như thể nó không phải con người. Mà chín phần mười dân cư nơi này ai cũng thế thôi. Cuộc sống khiến họ trở nên lãnh đạm như vậy. Từ thời điểm Đại diệt vong, những người sống sót chui nhủi dưới lòng đất gần ba mươi năm, khi họ nhận ra môi trường bên trên mặt đất đã đủ để tiếp tục sinh sống thì mọi thứ đã đổi khác, rất nhiều. Những ai may mắn tiếp cận khu trung tâm đầu tiên trở thành tầng lớp trung lưu của các thành phố lớn, họ liên kết lại đẩy đám chậm chạp thiếu đói ra vùng ven và hình thành giai cấp, chèn ép đồng loại. Sau hơn hai mươi năm chiến tranh liên miên, một tổ chức lớn mang danh Dân Chủ đã chiến thắng chung cuộc, hình thành chính phủ lâm thời mới và chia đất nước này làm ba vùng định cư chính yếu.

Thành phố Lý Tưởng ở phía Bắc, trụ sở chính của tổ chức Dân Chủ, nắm quyền lực tối cao và sở hữu quân đội lên đến hơn trăm vạn binh chủng. Không chỉ nắm quyền chính trị, thành phố Lý Tưởng còn là nơi đặt cơ sở chính của tập đoàn Cứu Tinh, doanh nghiệp cung cấp 40% lương thực nhân tạo cho mọi miền đất nước.

Khu tự trị miền Trung tại thành phố Miên Hải, thuộc quyền kiểm soát của thương hành Cá Voi Xanh. Vốn là tàn quân trong phe thảm bại của cuộc nội chiến rút về vịnh eo hẹp gần biển rồi gầy dựng lại thành một vùng tự trị. Nổi tiếng với ngư nghiệp và sản vật biển cả, thương hành Cá Voi Xanh gần như là lãnh chúa của vùng biển cùng đội hải quân lên đến ba vạn người.

Vùng kinh tế tài chính miền Nam được xây dựng trên tàn dư của thành phố Hồ Chí Minh, giờ đây được gọi tên là thành phố Xán Lạn. Vùng trung tâm thuộc về khu Thượng Tầng chỉ dành cho nhóm người giàu và siêu giàu. Bao bọc lấy khu thương mại và chung cư cao cấp ấy là hàng trăm xí nghiệp lớn nhỏ, môi trường bóc lột những kẻ nghèo đói chỉ có thể bám trụ lại bằng cách bán mạng cho hệ thống sản xuất của các xí nghiệp. Vòng ngoài cùng của thành phố Xán Lạn là khu ổ chuột Mũi Tàu, nơi đám dân cư bần cùng nghèo mạt co cụm lại sinh sống.

Mạt vận lắm mới đẻ ra trong khu Mũi Tàu.

Ánh mắt của người dân nơi đây lúc nào cũng tăm tối không chút ánh sáng hy vọng. Họ sống lay lắt qua ngày bằng đồng lương ít ỏi từ xí nghiệp hoặc buôn bán nhỏ lẻ. Còn những đứa mồ côi cha mẹ không có chỗ dựa như Dạ Thảo, cái con bé đang chạy trốn bằng cả tánh mạng kia kìa, nó sẽ sớm trở thành gái điếm, hoặc bán mình cho xí nghiệp như lứa trưởng thành, sau đó lầm lũi sinh tồn trong thế giới này đến khi chết rục vì rượu, thuốc phiện hoặc bị đánh chết bởi kẻ xa lạ nào đó.

Cuộc truy đuổi vẫn tiếp tục. Con Thảo thoăn thoắt nhảy qua khoảng trống giữa các ngôi nhà hoang phế như sóc, cách nó liều mạng để trốn làm bọn bảo kê chợ chùn chân đôi chút. Xét về bản năng sinh tồn, lũ du côn kia nào có sức sống mãnh liệt bằng con bé. Đám truy đuổi biết nếu để nó khuất dạng thì coi như mất trắng tiền bảo kê hôm nay. Nhà con Thảo chỉ có hai bà cháu nương tựa vào nhau, ai chẳng biết. Nó đi ăn trộm xong giấu tiệt đi mất, một bà già gần đất xa trời, một đứa trẻ nõn mười hai tuổi, có tìm tới nhà đập thấy mẹ nó cũng như không, đồ đã giấu là đồ đã mất. Quan trọng hơn chuyện dần nó nhừ tử để xả giận là món đồ nó trộm được ở chợ, chủ sạp chỉ quan tâm đến đồ, ai cần biết con Thảo sống chết ra sao. Thế nên bọn du côn mới hộc tốc dí sát con bé, cái nghề này cũng cực chết mẹ, bọn trộm cắp thì đầy đường và liều mạng, còn họ cứ mất một món hàng nghĩa là nhịn đói hôm nay. Bởi vậy những cuộc truy đuổi này diễn ra thường xuyên đến mức đứa đi trộm và thằng đi đuổi bắt không ai hận thù ai cả. Bởi đôi bên cũng chỉ đang vùng vẫy để sinh tồn trong thế giới này mà thôi.

Cứ tưởng hôm nay là ngày may mắn của con Thảo, nhưng hoá ra không phải. Nó trượt chân rớt xuống từ tầng một của căn nhà bỏ hoang gần hẻm Cỏ Dại, cả cơ thể nhỏ bé va đập xuống hàng hiên bán nước bên dưới. Thảo lồm cồm bò dậy, máu me bê bết. Nó ôm lấy túi gạo vào lòng, sờ sờ kiểm tra để chắc chắn túi không bị rách rồi loạng choạng bỏ chạy tiếp trong tiếng chửi rủa của bà hàng nước. Lũ bảo kê chợ nhờ thế mà đuổi kịp con bé. Hai thằng du côn chộp lấy mái tóc xơ xác của nó mà đè Dạ Thảo xuống mặt đường đất cát, xáng cho nó mấy bạt tai nổ đom đóm mắt. Dạ Thảo quen lắm rồi. Nó co người lại như con tôm, tứ chi ôm chặt túi gạo mặc cho người ta đánh, đá.

“Chết con mẹ mày! Đưa túi gạo đây! Hôm nay tao không đập gãy chân mày tao bỏ nghề!”

Hai gã du côn tức tối đá bôm bốp lên tấm lưng gầy trơ xương của Dạ Thảo, vừa đánh vừa chửi bới um hết cả lên. Không ai xung quanh can ngăn, họ chứng kiến việc này quá thường xuyên, và cũng chẳng ai rảnh rang đâu mà xen vào chuyện của kẻ khác. Dạ Thảo cũng không cầu cứu, nó nhân lúc một trong hai gã bảo kê giơ chân tính đạp vào đầu mình thì bật người dậy như châu chấu, há miệng cắn ngập răng vào bắp chân hắn. Gã nọ ré lên đau đớn và ngã ngửa ra, kẻ còn lại cũng khựng tay trong giây lát. Nhân khoảnh khắc ấy, con Thảo búng chân chạy đi như thỏ. Ngay cả khi cơ thể rệu rã, nó nhất quyết ôm cứng túi gạo mà chui qua lỗ chó gần đó, lách người len vào con hẻm chật hẹp để cắt đuôi lũ bảo kê.

“Mả mẹ nó! Đứng lại!”

Hai gã nọ vội đuổi theo, nhưng con nhỏ này lẹ quá. Nó lanh như chuột nhắt. Họ phải đi đường vòng trong khi con Thảo chui nhủi qua đám xà bần, luồn lách trong ổ chó vườn hoang thẳng tắp. Máu rỉ dài theo bước chân nó làm dấu chỉ, con Thảo biết mình không thoát được việc bị ăn đập nên nó cố gắng tìm nơi giấu túi gạo. Song bao tử đói meo và thân thể kiệt quệ khiến nó lảo đảo ngã xuống. Thảo gượng dậy, rồi lại ngã xuống. Hai thằng bảo kê đã dí sát rạt sau lưng.

Ráng chiều rọi xuống màu đỏ cam hoà lẫn với màu máu tươi rỏ đất từ mũi nó. Dạ Thảo thấy một đôi chân chắn phía trước mắt, bóng một thiếu niên lang bạt đổ dài lên người nó. Thảo ngước mắt, máu làm mờ đi tầm nhìn nên nó chỉ thấy loáng thoáng gương mặt người nọ. Nó gượng dậy lảo đảo lách qua người nọ, thế mà anh ta lại giữ chặt cánh tay Thảo lại. Nó hoảng hốt, nài nỉ:

“Anh trai, anh thả em đi, có gì túi gạo này em với anh chia đôi nha. Mấy ông kia bắt được là em chết mất!”

Người thanh niên nọ quay sang nhìn nó, song anh ta đứng đấu lưng với hướng mặt trời nên Dạ Thảo chẳng nhìn rõ mặt. Thấy thanh niên không có ý định thả tay mình ra, Dạ Thảo bất ngờ vùng vẫy hòng thoát khỏi sự kiểm soát của anh ta. Ấy thế mà nó vừa dùng sức đã thấy cơ thể trở nên vô lực, cảnh vật trước mắt mờ hằn đi, đầu óc choáng váng. Nó ngã ngửa xuống đất. Người thanh niên vừa lúc níu tay nó lại, đỡ lấy tấm thân gầy gò của nó.

“Gạo… cho bà…!”

Dạ Thảo thều thào, rồi ngất đi.

 

* Du thủ du thực: Lưu manh. Trong phương ngữ còn mang nghĩa ám chỉ những người lêu lổng, không nghề nghiệp.