4
0
3627 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: "Tôi"


Ký ức cuối cùng của tôi dừng lại vào một buổi tối mùa hạ.

Hình như hôm đó là cuối tuần, cả thành phố lao ra khỏi công việc bộn bề lũ lượt đổ về phía trung tâm, người đi trên đường đông như mắc cửi, đèn xe nối tiếp nhau hệt như một dây led chuyển động liên tục.

Không nhớ bản thân đã rơi vào trạng thái trì trệ bao lâu, nhưng khi tỉnh lại, tôi đã thấy đôi chân trắng xanh của mình đung đưa bên mép ban công của một căn chung cư cũ. Phía trên là nền trời đen kịt, bí bách hệt như tâm trí của tôi lúc này. Gió trời mát lạnh cuốn theo một chút hơi ẩm mơn man hôn lên mái tóc rối bù, an ủi tâm hồn trống rỗng của cậu thiếu niên sắp trao sinh mệnh của mình cho tử thần. Dưới chân tôi, con rắn khổng lồ đen ngòm vẫn đang dập dềnh uốn lượn, trái ngược với cao ốc phát sáng chọc lên trời, nó sâu hun hút tựa như mũi khoan đâm vào lòng đất. Mỗi ngày nó đều gọi mời tôi bằng chất giọng tha thiết nhất, khi là âm thanh ngọt ngào của thiếu nữ mới lớn, khi khác lại là tiếng cười giòn tan của lũ trẻ thơ, và ngay lúc này… thứ vọng lại chính là giọng nói của tôi.

Chỉ cần nhắm mắt, chờ một vài giây cho đến khi mọi tạp âm tan biến.

Ban đầu có thể hơi lạnh và ngột ngạt nhưng sau đó cả thân thể sẽ được tận hưởng cảm giác thanh thản và bồng bềnh.

Ký ức gãy thành từng khúc rồi bị nước ép nát thành bụi mịn, tâm trí tôi giống như một lâu đài cát bị sóng biển vỗ vụn, từng thước phim lạ lẫm tràn về không rõ thời điểm, là của tôi và cũng là của một người khác.

“Nam… Nam ơi, con trai mẹ...”

Tiếng nức nở của một người phụ nữ đánh vỡ con sóng đang ôm lấy tôi, cố gắng giành lại sinh mệnh thoi thóp trong phút chốc.

“Ai cứu con tôi với… làm ơn gọi cấp cứu… Nam ơi, gắng lên con…”

Cảm giác bồng bềnh lâng lâng biến mất khiến cơ thể tôi rơi xuống một không gian trắng toát ngập tràn mùi thuốc sát trùng, tôi khẽ mở mí mắt: hóa ra thiên đường vừa từ chối mình.

“Con ơi, mẹ đây… Nam, con có thấy mẹ không?”

Đôi bàn tay đầy nốt chai sần ghì chặt lấy tay tôi, người phụ nữ trước mặt cho tôi một loại cảm giác yêu thương vô cùng lạ lẫm. Tôi vẫn nhớ đây là mẹ mình, bà chỉ mới ngoài bốn mươi nhưng những nốt chân chim nơi đuôi mắt đã tàn phá nhan sắc dịu hiền của bà. Hơi ấm từ bàn tay khiến đầu óc tôi tỉnh lại đôi chút, tôi vô thức gọi:

“Mẹ.”

Âm thanh này vừa vang lên, hàng loạt thước phim về cuộc đời tôi chầm chầm được tua ngược, những ký ức vừa quen thuộc cũng vừa lạ lẫm đan xen chảy vào não bộ, tôi không kháng cự được cơn đau, chỉ biết nhắm chặt mắt, ôm lấy đầu mình mà kêu khóc.

“Bác sĩ… bác sĩ…”

Mẹ cũng bật khóc, khóe mắt vừa khô nay lại ầng ậc nước, bà cố giữ hai cánh tay đang tự bứt tóc của tôi, vội vàng trấn an:

“Con bình tĩnh đã, mẹ đây mà… Nam ơi…”

“Con đau lắm… mẹ ơi, đầu con đau lắm…”

Chỉ vài giây sau, bên ngoài phòng bệnh đã truyền đến những tiếng bước chân vội vã, một vài người chạy tới giữ chặt cơ thể có khuynh hướng co giật của tôi, sau đó tiêm một loại thuốc an thần giúp tôi chìm vào giấc ngủ.

Phải đến năm ngày sau tinh thần tôi mới hoàn toàn ổn định trở lại. Trong cơn mê man do thuốc giảm đau và thuốc an thần, tôi bắt đầu làm quen với phần ký ức xa lạ đang chảy chậm trong tâm trí.

Phòng hồi phục có bốn giường nhưng mấy ngày nay cũng chỉ có mình tôi ở, bác sĩ và y tá đến hỏi thăm rất thường xuyên, có lẽ đây là một loại đặc cách cho những đứa trẻ có bố là cựu lính cứu hỏa.

“Cháu còn thấy đau đầu nữa không?”

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh cầm đèn pin nhỏ xem xét kỹ lưỡng tròng mắt tôi, rồi lặp lại những câu hỏi cũ.

“Cháu hết đau rồi, nhưng cháu không nhớ được nhiều.”

“Không sao đâu, có lẽ do ngâm nước hơi lâu thôi.”

“Cháu cảm giác mình bị mất nhận thức về nhiều mặt, giống như… giống như cơ thể này không phải của cháu vậy.”

Người kia ấn tôi nằm xuống, cầm lấy ảnh chụp CT sọ não trên bàn, đưa lên nhìn kỹ một lần nữa rồi lại lắc đầu:

“Không có gì nguy hiểm đâu, có thể…”

Bác sĩ nhìn về phía tôi, ẩn sau chiếc kính không tròng dày cộm là một đôi mắt ngập tràn yêu thương.

“Có thể khao khát biến mất của cháu quá lớn, nên khi tỉnh lại cháu thấy hơi lạ lẫm. Chiều cháu có thể xuất viện rồi… cậu sẽ thử tìm bác sĩ tâm lý. Đừng quá lo, bất cứ chuyện gì cũng có thể giải quyết mà.”

Trước khi người đó kịp rời đi, tôi đã nhìn thấy khóe mắt ông hơi đỏ, có lẽ ông ấy là một trong số những người tôi vô tình gửi lại trong làn nước.

Ngoại trừ bố mẹ, tôi gần như đã quên hết mọi người, bao gồm chính mình và lý do lựa chọn cái chết.

Một ngày ở bệnh viện trôi qua rất chậm, hầu hết thời gian tôi nằm trên giường đọc tóm tắt cuộc đời mình do mẹ ghi lại, bác sĩ nói những mẩu truyện nhỏ sẽ giúp ký ức của tôi liên kết liền mạch hơn.

“Đặng Hoàng Hải Nam.”

Bốn chữ này rất quen thuộc nhưng cũng rất xa lạ, khi mọi người gọi “Nam ơi” phản ứng của tôi vô cùng nhanh, đó dường như là phản xạ vô điều kiện, vì tôi biết đây là tên của mình. Nhưng khi bác sĩ đọc “Đặng Hoàng Hải Nam” thì tôi lại lưỡng lự, giống như cái tên đó của một ai kia rất xa lạ, chắc chắn không phải tôi.

Cuộc đời tôi rất bình thường, nếu đọc kỹ sẽ cảm thấy nó hơi tẻ nhạt. Mẹ tôi làm trong một xí nghiệp may, thời gian của bà rất khuôn mẫu, tám giờ ba mươi vào làm, mười bảy giờ tan ca. Biến cố lớn nhất trong cuộc đời là năm mười hai tuổi “anh hùng” của đời tôi đã hi sinh trong một vụ cháy lớn, ông ấy đã cứu hết đám trẻ trong trại mồ côi nhưng lại không thể giữ lại sinh mạng của chính mình. Một phần vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, một phần vì xót thương người chồng đã mất, mẹ tôi lao cơ thể gầy gò vào công việc mà quên mất bản thân vẫn còn một đứa con trai bé bỏng. Cũng từ đó, tôi bắt đầu trầm tính, ngại giao tiếp, lười ăn và mất ngủ.

Gần mười trang giấy kể về tôi trước năm mười hai tuổi, một đứa trẻ lém lỉnh, nghịch ngợm cùng những thước phim ngập tràn tiếng cười. Nhưng thật kỳ lạ, sáu năm tiếp theo lại chỉ vỏn vẹn ba mặt giấy. Điều khủng khiếp gì đã khiến một đứa trẻ phóng khoáng trở nên khép mình trong khuôn khổ?

Đây không phải lần đầu tôi đọc những dòng chữ này, nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy bản thân mình là người ngoài cuộc, rồi tự thương xót cho cậu bé trong câu chuyện.

Vừa khép lại cuốn nhật ký của mẹ thì bên ngoài có người gõ lên tấm kính trên cửa.

“Khỏe rồi chứ?”

Người bước vào là một thiếu niên có mái tóc màu nâu nhạt, trên cơ thể cao lớn mặc bộ đồ bóng rổ rộng thùng thình, mồ hôi quanh người cậu túa ra, chạy dọc theo làn da màu đồng rồi thấm vào áo quần.

“Cháo cá hồi vô cùng tốt cho trí nhớ đây.”

Cậu ta đặt cặp lồng lên kệ tủ cạnh giường bệnh rồi thành thục múc từng thìa cháo nóng hổi ra bát sau đó dúi vào tay tôi. 

“Hôm nay vẫn thắng chứ… Minh?”

Thật đáng xấu hổ khi não bộ ngập nước của tôi quên đi cả người bạn thân nhất. Qua lời mẹ kể thì có vẻ như chúng tôi đã quen nhau từ nhỏ, gia đình Minh ở sát cạnh nhà tôi, mười hai năm đèn sách chúng tôi đều may mắn học cùng một lớp.

“Hôm nay chơi với mấy anh đại học, thua cả hai trận.”

Nói xong, cậu ta cũng múc một bát cho chính mình. Vì đặc thù công việc nên mẹ chỉ có thể đến thăm tôi vào buổi sớm và xế chiều, vậy nên mọi bữa trưa đều nhờ Minh tan lớp học sáng rồi chạy qua đưa cho tôi.

Cậu ta là mẫu con trai ưu tú điển hình mà ai cũng ao ước, cha mẹ Minh đều là những doanh nhân thành đạt, tuy thành tích học tập không quá nổi trội nhưng cậu ấy rất giỏi thể thao, hầu hết các môn vận động trong trường đều có tên của Minh trong danh sách.

“Nhìn gì, chưa thấy trai đẹp chảy mồ hôi hay sao? Nay được nghỉ học, chiều mát mình đưa cậu xuống sân cho thoáng, cả ngày hít mùi clo không ốm thêm mới lạ.”

Cậu ta mỉm cười nhìn tôi, ánh mắt đong đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, sức sống đó giống như một ngọn lửa ngùn ngụt cháy.

“Chiều nay được về rồi.” Tôi đặt bát cháo rỗng xuống bên cạnh, bình thản thông báo.

Động tác dọn dẹp của người kia khựng lại, cậu ta khẽ cười, gương mặt điển trai càng thêm rạng rỡ. Đôi đồng tử Minh giãn nở không giấu nổi sự vui vẻ, dường như cậu ta muốn lao đến ôm lấy tôi, nhưng nghĩ một hồi lại e ngại thu hai cánh tay rắn chắc về.

Ăn trưa xong, tôi trao đổi thêm với Minh về tình hình sức khỏe của mình, còn cậu ta kể chuyện ở lớp học, càng nghe tôi càng thấy mọi thứ xa lạ và khó tin. Quá trình học tập của tôi được mẹ ghi chép rất ít trong cuốn nhật ký giúp cải thiện trí nhớ, nên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại là một học sinh giỏi toàn diện.

“Chuyện được tuyển thẳng vào đại học Xây Dựng, cậu cũng quên rồi à?”

“Đại học Xây Dựng…”

Trong mớ ký ức lộn xộn của tôi có bốn chữ này, một địa điểm lưu lại rất nhiều dấu ấn quan trọng, nhưng trong đó không hề có chi tiết “được tuyển thẳng”. Gặng hỏi thêm, Minh cũng chỉ trả lời qua loa, nói tôi đi thi toán Quốc gia đạt giải cao nên được nhiều trường đại học chiêu mộ, cuối cùng tôi đã lựa chọn Xây Dựng.

“Trước đây cậu có biết vẽ vời là gì đâu, năm lớp mười đi thực nghiệm đại học Xây Dựng một lần, từ đó về sau cứ coi mỹ thuật là ánh sáng cuộc đời, sống chết đòi vào học trường đó.”

Nghe người kia càu nhàu, tôi cũng không phản bác, hóa ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu mấy ngày nay chính là vì lý do này. Ngay cả trong cơn mê man không nhìn thấy cảnh vật, không nghe rõ âm thanh, trong nỗi đau tận cùng của vết rách tâm trí tôi vẫn thấy bàn tay mình ngưa ngứa và liên tục tìm kiếm thứ gì đó rất mơ hồ.

Sau khi tỉnh lại tôi luôn vô thức xòe hai bàn tay trắng xanh của mình trước không trung, ngắm nhìn chúng thật lâu, trong lòng dâng lên một loại cảm giác mất mát chẳng thể nói thành lời. Hóa ra, việc không được cầm cọ vẽ lại khiến tôi khó chịu đến vậy.

Tôi mở ngăn kéo tủ đồ dành cho người bệnh, cầm lấy bút bi và một tờ giấy trắng. Khép mí mắt nặng trịch lại, khung cảnh con đường giữa trung tâm thành phố hiện lên thật sống động, dòng người đông đúc nhốn nháo nối đuôi nhau như một đàn kiến phát sáng đang tha mồi về tổ. Con đường đó cắt ngang qua một con sông rộng dài, giữa đêm đen trông nó càng thêm u ám và lạnh lẽo. Không rõ không gian và cảnh vật này tôi đã nhìn thấy ở đâu, nhưng mấy ngày nay chỉ cần nhắm mắt lại, bức tranh tương phản vừa sặc sỡ chói mắt, vừa tĩnh mịch âm u ấy lại hiện lên, điên cuồng réo gọi tên mời mọc tôi bước tới.

“Chỗ này cậu thấy bao giờ chưa?”

Sau khi Minh rửa xong bát và thìa, tôi cũng vừa hoàn thành bức họa phong cảnh phố đêm của mình. Chỉ với một cây bút bi, nét vẽ non nớt của tôi không thể truyền tải được hình ảnh mà bản thân mong muốn. Thấy bạn mình vẫn đang ngơ ngác không rõ đầu đuôi, tôi vội giục:

“Thế nào?”

Minh cầm bức tranh với những đường bút bi loằng ngoằng tiến đến ô cửa sổ bên cạnh, ngắm nhìn rất lâu. Cậu đưa tờ giấy lên cao, để ánh mặt trời đỏ vàng xuyên qua từng nét vẽ, như thể đang tìm điều bí ẩn ngụ trong vài phút ngẫu hứng của tôi.

“Quen lắm!”

Minh gãi gãi đầu nhìn về phía tôi, đường nắng vàng nương theo xương quai hàm góc cạnh khiến cậu ta như phát sáng. Đôi mắt hai mí mở to, vào giây phút ngắn ngủi ấy tôi dường như thấy dáng hình tiều tụy của mình phản chiếu trong đồng tử đen láy của cậu. Minh định nói gì đó nhưng khi nhìn thấy sự mong chờ từ tôi thì lại chỉ thở dài, yết hầu lớn nhô ra từ cổ cậu chầm chậm lên xuống, ém lại những câu từ vừa chớm xuất hiện ở một nơi an toàn. Có lẽ cậu ta sợ câu trả lời của mình không đáp ứng được điều mà tôi đang tìm kiếm.

“Bỏ đi.” Nhìn người kia như vậy tôi cũng chẳng thấy hụt hẫng, câu đố này đành phải dùng thời gian phía trước để lý giải.

Nước biển truyền vào cơ thể đã hết, tôi không gọi bác sĩ mà tự mình rút cây kim ghim trên mu bàn tay ra. Nhiều ngày cắm truyền liên tục, mũi kim đâm sâu trong da thịt đã tạo thành một lỗ nhỏ màu đỏ, giữa làn da trắng xanh trông càng thêm nổi bật.

“Không đau à, để tớ gọi bác sĩ.”

Minh vội chạy đến bên cạnh, gương mặt tái mét nhìn vài giọt máu đỏ trào ra khỏi vết kim đâm.

“Không sao, cậu gấp mấy bộ quần áo giúp mình đi.”

Tôi lật chăn, vịn vào thành giường từ từ ngồi dậy. Ngay lúc bàn chân trắng bợt của tôi chạm xuống sàn đá, bàn tay to lớn của Minh đã kéo tôi lại. Cùng trang lứa nhưng cậu ta lớn hơn tôi rất nhiều, không nói đến hình thể vạm vỡ, thì chênh lệch chiều cao hơn mười xen-ti-mét cũng đủ khiến tôi thua áp đảo.

Biểu cảm của Minh lúc này hệt như một viên cảnh sát ngờ vực chòng chọc nhìn nghi can. Cậu khẽ nhíu mày, bàn tay đang kéo bả vai tôi hơi siết lại, Minh chất vấn:

"Cậu là Nam đúng không?"

Tim tôi đập hụt một nhịp, khắp người tràn ra một loại ngứa ngáy râm ran. Chỉ là câu hỏi "đúng" hoặc "sai" nhưng tôi không tài nào trả lời được, tôi không rõ mình là ai, càng không dám khẳng định mình chính là "Nam" mà người kia đang tìm kiếm.

Minh chờ lời hồi đáp, còn tôi thì im lặng. Bốn mắt nhìn nhau, đấu tranh tư tưởng một lúc lâu, cuối cùng khóe mi hoen đỏ của cậu thất bại trước vẻ mặt điềm tĩnh của tôi.

"Bỏ đi." Minh buông tay rồi ra về.

Trước lúc bóng lưng vạm vỡ đó biến mất, tôi dường như đã nghe thấy một tiếng nấc nhẹ.

Giờ đang là đầu hạ, thời tiết dần chuyển mình từ mát mẻ sang ấm nóng, tuy nắng chưa gắt gỏng như ban trưa tháng bảy nhưng nhiệt độ bên ngoài đã tăng lên đáng kể. Phải đến xế chiều, khi hoàng hôn nhuộm sắc đỏ vàng kín phố xá, không khí mới đạt ngưỡng dễ chịu.

Vương theo chiều gió, đám ve sầu mơ màng đậu trên những thân cây bắt đầu tỉnh giấc, râm ran bản đồng ca chào đón mùa hạ. Chúng gồng mình, gắng sức gào thật to như sợ ồn ào nơi phố thị sẽ chiếm mất hào quang của mình.

Đồ đạc của tôi không nhiều, chỉ có ba bộ quần áo cùng với một đôi dép lê mòn đế. Còn lại đều là thuốc, giấy tờ khám sức khỏe và quà của người thân thăm biếu. Mẹ và cậu không để tôi cầm thứ gì, mặc dù tôi cố gắng khẳng định cơ thể mình đã khỏe hẳn.

Lúc ngồi trong xe nhìn ra cửa sổ, tôi vẫn thấy mẹ và cậu trao đổi rất nhiều thứ. Thỉnh thoảng cậu lại cong môi nhìn về phía tôi, còn mẹ cứ nói được dăm ba câu là lại lau nước mắt. Rõ ràng mẹ rất thương tôi, vậy mà tôi vẫn lựa chọn một bước đi thiển cận.

Rốt cuộc nỗi u uất tôi gánh chịu phải lớn thế nào mà ngay cả tình yêu vô bờ của mẹ cũng không thể níu đôi chân tôi lại.

Bệnh viện và nhà cách nhau hai cái ngã tư, bình thường mẹ chỉ mất mười lăm phút đi đường. Nhưng hôm nay là cuối tuần, xe cộ trên phố đông như mắc cửi, làn này nối tiếp làn kia, còi xe vang lên không dứt khiến đầu tôi có chút choáng váng.

"Con sao thế? Đau ở đâu à?"

Mẹ lập tức nhận ra thay đổi nhỏ trên gương mặt tái mét của tôi, bà dịu dàng vươn tay giúp tôi xoa xoa hai bên thái dương đang giật từng hồi. Giây phút này, tôi chẳng còn là cậu thiếu niên mười bảy mười tám tuổi nữa, mà chỉ là một bé trai ba tuổi sà vào lòng mẹ. Hơi ấm của mẹ khiến tôi vừa an tâm lại vừa lo sợ, an tâm vì có mẹ đây rồi, lo sợ vì tôi không dám chắc bản thân mình chính là đứa con trai bé bỏng của mẹ.

Thời gian chầm chậm đi qua, cũng may não bộ ngập nước của tôi còn nhớ rõ quang cảnh trên con đường quen thuộc này.

Nhà tôi nằm trong một khu đô thị mở, nơi mà ô đất nào cũng có cấu trúc y hệt nhau. Một căn nhà ống ba tầng, có sân trước để vừa hai chiếc ô tô nhỏ, cổng ngoài hình chữ nhật với hoa văn bầu dục ở giữa. Sát lề đường mỗi nhà đều trồng hai cây cau cảnh, thân cây nhỏ chỉ bằng bắp đùi một người đàn ông trưởng thành, được quấn kín bởi dây led ngoài trời.

"Vào nhà nghỉ đi con."

Thấy tôi đứng từ xa giống như một người lạ thập thò nhìn lén, mắt mẹ rơm rớm nước không nhịn được xót xa. Bà để đồ xuống dưới chân, bước nhanh tới rồi kéo tôi đi vào trong.

Nhà và đường về nhà là hai thứ duy nhất trong ký ức ngập nước mà Thượng Đế nhân từ không cướp mất của tôi.

Lỡ chuyến xe cuối cùng bạn vẫn có thể trở về vào một ngày khác, nhưng không nhớ đường về nhà thì chẳng có chuyến xe nào trên quốc lộ rộng lớn cứu rỗi được tâm hồn bạn.

Mọi thứ vẫn giống như lúc tôi rời khỏi đây, trừ việc trên bức tường phòng khách thừa ra một khoảng trống hình chữ nhật.

"Mẹ, ảnh…"

Tôi gọi mẹ, rồi chỉ tay vào chỗ trống trên bức tường màu vàng nhạt, muốn hỏi "ảnh gia đình mình đâu" nhưng vế sau không tài nào bật được thành tiếng. Cổ họng tôi bị một bàn tay cứng tựa gọng kìm bóp nghẹt, ngăn cản khuôn miệng nhắc đến ba chữ "gia đình mình".

Mẹ vẫn tiếp tục công việc cất dọn đồ đạc, chỉ ngước lên nhìn một cái rồi bình tĩnh nói:

"Hôm trước lau dọn, mẹ vô tình làm rơi nên cất đi rồi."

Mẹ đang nói dối, tôi biết nhưng không muốn vạch trần. Ảnh gia đình được khoan đinh vít cắm thẳng vào tường, không có lý do gì khiến nó dễ dàng rơi xuống như lời mẹ nói.

"Lên phòng tắm rửa đi, một lát xong bữa tối mẹ sẽ gọi con xuống."

Mẹ dịu dàng nhìn, sâu trong đôi mắt chất chứa tình yêu thương vô bờ dành cho "tôi" - con trai của mẹ.