bởi Mía

238
21
2312 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2: Cậu Hai



 

Theo như lời của cụ Mận, ngày hôm nay - sinh nhật tôi - cũng là ngày đầu tiên tôi được gả vào nhà họ Huỳnh. Đúng là trên đời luôn có những sự trùng hợp đáng sợ như vậy. Mận nói khoảng độ đầu chiều, Mận thấy tôi xỉu ngoài sân, trên người không những ăn mặc vô cùng kỳ lạ mà còn đeo thêm chiếc ba lô sau lưng, thứ mà Mận quen miệng gọi chung là cái giỏ. Mận còn cẩn thận chỉ đúng vị trí tôi đã nằm trên sân, so với vị trí của cây anh đào trăm tuổi thì không trật đi đâu được.

 

Tôi mơ hồ nhìn ra khoảng sân ngoài cửa, chầm chậm nhớ lại đoạn ký ức trước khi bị cuốn về năm 1922...

 

Làng cổ Vọng Thê là điểm đến cuối cùng trong quãng đời sinh viên của chúng tôi. Theo tư liệu thu thập được từ trước, đây là ngôi làng thuộc huyện Cầu Đông, tỉnh Hưng Vinh, nơi mà từ lâu nổi tiếng với nghề đan chiếu lát. Thế nhưng, thứ thật sự làm níu chân du khách lại là ngôi nhà cổ của phú ông Huỳnh Khởi cùng những câu chuyện về dịch xác sống từng xảy ra 100 năm trước.

 

Sau hơn nửa ngày trời theo chân hướng dẫn viên, từ việc tìm hiểu về quy trình làm ra chiếc chiếu lát, rồi được nghe thêm những câu chuyện cảm động về nỗi đau thương, mất mát của người dân khi dịch bệnh đột ngột xảy ra. Cho đến việc tôi bắt đầu có cảm giác lạ trong lúc tham quan nhà cổ Huỳnh Khởi. Đó là khi tôi nhìn thấy chiếc cổng sắt ở phía xa xa, khi tôi đặt chân lên khoảng sân lót gạch Tàu, khi tôi bước trên từng bậc thang màu vàng nhạt dẫn vào gian nhà chính, hay khi tôi chậm rãi quan sát chiếc sập gỗ cùng bộ trường kỷ quý giá,... tất cả đều mang lại thứ cảm xúc không thể diễn tả được bằng lời.

 

Tua nhanh hơn một chút, tôi nhớ trước khi ra về mình đã đánh rơi điện thoại, sau khi tìm được nó ngay góc sân này, tôi có nán lại dưới gốc cây anh đào, nghĩ về chuyện tình dang dở của cậu mợ hai. Nghe đâu cây anh đào này do chính tay cậu mợ hai trồng, được chăm sóc bởi tình yêu và nỗi nhớ nhung của cậu hai dành cho mợ khi mợ qua đời. Bởi thế mà trải qua một thế kỷ, cây vẫn còn cao lớn, sừng sững, tàn lá xum xuê phủ kín một vùng trời. Cũng có không ít người tin rằng, nếu bạn viết mong ước về tình duyên của mình lên một lá thư và treo lên cây, thì sớm muộn nó cũng sẽ thành hiện thực.

 

Tôi không biết rốt cuộc thì tình yêu mang hình hài thế nào, chỉ biết con người ta không thể sống mà không tồn tại tình yêu. Tôi cũng không biết những lời đồn thổi về điều ước trên cây anh đào có hiệu nghiệm hay không, nhưng tôi quyết định sẽ thử một lần. Kể cả trước đó tôi từng gạt bỏ biết bao lời mời gọi về điều ước của đám bạn, nhưng hôm nay, ngay tại nơi này, tôi nhất định sẽ thử một lần.

 

Ẩn sau chòm lá xanh mơn mởn là những bức thư đầy màu sắc được treo phất phơ trước gió. Rõ ràng tôi nhớ mình chưa từng đến đây một lần nào, nhưng cái cảm giác mơ mơ hồ hồ, nửa xa lạ nửa quen thuộc ấy cứ thế mà bám theo tôi đến tận bây giờ.

 

Tôi đứng trên bậc thang cao vời vợi, chọn lấy một nhành cây chưa có ai chạm tới rồi cẩn thận buộc lá thư vào vào sợi dây. Ngay sau đó, một cơn gió vô tình lướt qua, làm cho mặt chữ của lá thư dừng ngay trước mắt tôi, trên đó có ghi:

 

"Ngày 20 tháng 5, năm 2022...

Ước cho cậu mợ hai sẽ gặp lại nhau."

 

Tức thời, đất trời như rung chuyển. Chỉ trong phút chốc, bầu trời trong vắt biến thành một vùng xám xịt, những đám mây đen dữ tợn cứ thế mà kéo về, xoay vần cuồn cuộn. Từng đợt gió quái dị hết lượt này đến lượt khác thổi vào với tốc độ chóng mặt, khiến tôi không tài nào nhìn thấy đường mà bước xuống bậc thang. Đây gọi là bão giông, hay cuồng phong lốc xoáy?

 

Cứ thế cho đến khi tỉnh lại, bằng một cách thần kỳ nào đó, tôi được đưa đến nơi này.

 

"Ngoài sân không có cây anh đào nào sao Mận?"

 

"Dạ nhà mình từ đó tới giờ đâu có trồng cây anh đào nào đâu mợ. Mà em cũng không biết nó trông ra làm sao nữa."

 

Càng hỏi nhiều lại càng thêm tuyệt vọng. Tôi nhớ tôi viết rõ ràng trên lá thư là mong cho cậu mợ hai được gặp lại nhau, chứ tôi thì có thiết tha gì ở cái thời này mà lại thành ra như vậy? Nếu như giống trong mấy bộ phim xuyên không thường thấy, nhân vật chính rớt xuống nước rồi cũng sẽ từ đó mà trở về thời điểm hiện tại. Còn tôi, bị gió cuốn theo cây anh đào, nhưng ở đây lại không có cây anh cây đào nào hết, thì biết làm sao đây? Không lẽ tôi phải tự tay trồng, rồi đợi thêm 5 năm, hay 10 năm, đến khi nó lớn lên, đến khi tôi trở thành một bà già lọm khọm thì mới được trở về hay sao? Thế mới nói, anh đào với chả em đào, ước với chả ao chẳng qua cũng chỉ là ba cái thứ tào lao lừa người.

 

Lại nói đến cậu hai nhà này, từ lúc tôi tỉnh lại đến giờ cũng không thấy bóng dáng đâu. Hỏi ra mới biết, tuy hôm nay là ngày cưới nhưng cậu hai chẳng thèm đến rước dâu, thậm chí trong khi diễn ra hôn lễ cũng không ló mặt ra ngoài, để cho mợ hai một mình tự biên tự diễn. Đành rằng đây là hôn nhân ép buộc, nhưng cho dù cậu không yêu thương gì mợ hai, cũng nên giữ cho mợ chút thể diện chứ? Ai đời ngày đầu tiên cưới con gái nhà người ta về, lại dở chứng bỏ đi biền biệt.

 

Mà cái số của tôi nó cũng ẩm ương khốn khổ, đã trót xuyên không thì thôi cho tôi xuyên làm cô hai, cô ba nhà hội đồng đi. Hay chỉ cần làm nông dân lam lũ bình thường, cơm no ba bữa cũng được. Khi không lại để tôi có chồng vào cái năm sắp xảy ra tận thế. Vừa phải lo chuyện bên nhà chồng, vừa nơm nớp lo chuyện sống chết.

 

Cụ Mận nói với tôi rằng cụ Đằng còn lo nhiều việc ở xóm trên, nên chắc phải khuya lắm cụ Đằng mới về tới nhà. Tôi lại nghĩ, không có việc gì quan trọng bằng hôn nhân đại sự, đúng hơn là không có công việc nào ở đây hết. Hôm nay giải quyết chưa xong thì để ngày mai, mắc mớ gì phải gấp gáp đến thế. Hay là cụ Đằng bất mãn về cô vợ mới cưới nên đêm tân hôn đành bỏ nhà đi, rồi rượu chè be bét, vài ba tháng sau lại dẫn về nhà một người phụ nữ, xin ông bà cưới về làm mợ hai nhỏ? Đúng là tôi có hơi lo xa, nhưng đó mà thành sự thật thì có phải khổ cái thân tôi hơn không.

 

Trời gần về khuya, tiếng ếch nhái, côn trùng kêu vang inh ỏi. Đợi đến khi tất cả chìm vào giấc ngủ say, tôi cẩn thận thổi tắt đèn dầu, len lén xách ba lô ra khỏi nhà họ Huỳnh. Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ tới nghĩ lui thì tôi chẳng cần nhung gấm lụa là, mợ hai mợ ba cái con khỉ khô gì, điều quan trọng bây giờ là chỉ có rời khỏi đây, tôi mới mong được nhân đôi thời gian sống sót.

 

Ấy thế mà người tính không bằng trời tính, cánh cổng nhà họ Huỳnh đã sớm khóa lại từ bao giờ. Sau một hồi đắn đo phân tích, tôi quyết định lấy hết can đảm để leo qua cái cổng sắt cao gần gấp đôi mình. Một bước, hai bước rồi ba bước, leo lên đến đỉnh mà suýt nữa rách toẹt ống quần. Cửa ải thứ nhất coi như đã thành công, bây giờ tôi chỉ cần quay mặt vào trong, tay bám thật chặt, hít thở thật sâu rồi chầm chậm leo xuống mặt đất. Cảm giác như tôi và sự tự do chỉ còn cách nhau khoảng chừng hai mét.

 

Đang hí hửng vì sắp sửa hoàn thành cửa ải cuối cùng, tôi chợt nghe có tiếng ai gọi:

 

"Mợ đang mần cái trò gì vậy, mợ hai?"

 

Chất giọng trầm ấm của người đàn ông xa lạ khiến tôi không khỏi lo sợ, tôi buông hẳn một tay, thấp thỏm quay ra dò xét. Trời bên ngoài tối đen như mực, tôi liên tục nheo mắt nhưng không tài nào đoán được âm thanh ban nãy là của ai, chỉ kịp nhận ra bên cạnh mình có một chiếc xe kéo, kế đó là một người đàn ông tay phải chống gậy, tay trái nhanh chóng gửi tiền cho phu xe.

 

"Tui hỏi mợ là giờ này mợ còn ở đây làm gì, mợ có nghe rõ không, mợ hai?"

 

Xe kéo vừa đi khuất, người đàn ông chống gậy ấy chậm rãi nhích từng chút lại gần tôi, bất ngờ hỏi thêm câu nữa làm tôi giật mình. Thân thể tôi bắt đầu cứng đờ, không còn đủ tỉnh táo để leo xuống đất.

 

Mợ hai? Không biết đây là nhân vật tầm cỡ nào, nhưng cũng gọi tôi là mợ hai giống như cụ Mận? Ăn mặc trang trọng thế này xem ra không thể là người ở được. Phải rồi, lúc nãy trước khi đi, tôi nhớ người phu xe có nói một câu "Cảm ơn cậu", rồi chợt nhớ ra nếu đã là "cậu", đã gọi tôi hai tiếng "mợ hai", vậy thì đây chắc chắn là cậu ba Thế Hiển chứ không ai khác. Phải rồi, chỉ có cụ Hiển mới cam chịu đi xe kéo, chứ cụ Đằng đã có siêu xe của hãng Citroen nổi tiếng, việc gì phải đi xe kéo chi cho cực.

 

"Ủa chú ba đó hả? Chú đi đâu giờ này mới về? Tui... Tại tui thấy trong nhà nóng nực quá nên chạy ra đây tập thể dục cho mát ấy mà."

 

Ngẫm nghĩ một lúc, tôi chọn đại một lý do nào đó để qua mặt cậu ba.

 

"Xem ra mợ hai nhà họ Huỳnh cũng rảnh ghê ha, đêm tân hôn mà chạy đi leo rào để tập thể dục."

 

"Chú ba nói sao chứ tui thấy leo vài ba bận là trong người khỏe ra à. Hổng ấy... chú qua đây leo chung cho vui."

 

 

Vừa nói dứt câu, vừa nhìn lại đôi tay đang chống gậy của cậu ba, tôi nhận ra mình đã đi quá xa rồi. Biết không thể trốn trong đêm nay, tôi đành cắn răng chịu đựng, thôi thì cứ ở lại một đêm rồi sáng mai tính tiếp.

 

Cậu ba không nói thêm câu nào nữa, bất lực đứng nhìn tôi loay hoay tìm lối xuống đất.

 

"Gâu gâu gâu."

 

Từ trong bụi rậm gần đó, một con chó cò sáng như sao giữa màn đêm phóng ra sủa inh ỏi. Trong vài giây không ngờ tới, tôi lại giật mình, hai tay đang bám chặt vào thanh sắt bỗng giơ lên không trung, không kịp giữ thăng bằng rồi ngã xuống.

 

Tôi nhắm mắt chịu trận. Dù gì thì cuộc đời tôi kể từ đây cũng quá thê thảm rồi, có thê thảm hơn nữa cũng chẳng sao. Tôi nghe thấy tiếng ngã lớn đến mức có thể làm sứt đầu mẻ trán, nhưng sao trên người không cảm nhận được chút đau đớn nào. Chỉ thấy ngay bên dưới có gì đó mềm mềm, êm êm tựa như tấm đệm lò xo.

 

"Mợ đè tui vậy đủ chưa mợ hai?"

 

"Hả?"

 

Cậu Hiển có vẻ nhưng đang thều thào gì đó nhưng con chó ngay bên cạnh vẫn cứ sủa liên tục, báo hại tôi nghe chữ được chữ không, đành phải ngẩng đầu lên hỏi lại thêm lần nữa.

 

"Tui hỏi mợ đè tui nhiêu đó đủ chưa?"

 

Đợi đến khi cậu ba lồm cồm ngồi dậy, lúc này tôi mới hay mình vẫn vô tư nằm trên người cậu. Đêm tối bao trùm gần nửa khuôn mặt cậu ba, nhưng tôi vẫn kịp nhận ra cậu cũng có nét gì đó gọi là đẹp trai. Suy nghĩ bậy bạ ấy vừa hiện lên trong đầu, tôi vội bật dậy nhanh như bay, vừa đỡ cậu vừa ríu rít nói câu xin lỗi. Hình như tôi lại làm cậu ba đau rồi, cậu đứng không vững, ra hiệu cho tôi đừng đỡ cậu nữa, một tay xoa xoa đầu gối nhưng vẫn khom xuống với lấy cây gậy dưới đất một cách khó khăn.