Chương 2: Định Mệnh Ta Gặp Nhau (2)
Bùi Nguyễn Văn Phương nhìn cô rồi thở dài, giọng buồn bã của hắn lại cất lên:
"Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, cha tôi là thợ hồ còn mẹ tôi là nội trợ, tôi là con thứ cũng là con trai duy nhất trong nhà nên rất được mẹ tôi cưng chiều, điều này là hạnh phúc của tôi nhưng lại là bất hạnh của mẹ tôi và gia đình tôi.
Tôi lúc chưa học mẫu giáo đã biết đọc, cha mẹ tôi đều nghĩ tôi thông minh nên rất vui sướng, khi đi học mẫu giáo cô giáo chủ nhiệm cũng là hàng xóm cũng khen tôi "Phương nó lanh lợi, sau này nhất định học giỏi lắm!"
Quả nhiên năm năm tiểu học và bốn năm cấp hai tôi đều là học sinh giỏi, gia đình, người thân, bạn bè và hàng xóm kể cả bản thân tôi đều nghĩ tôi giỏi giang, sau này làm việc thì họ hàng cũng được nhờ.
Nhưng khi lên cấp ba tôi mới nhận ra mình chỉ giỏi học thuộc lòng, học một cách rập khuôn theo công thức còn suy luận tư duy thì rất chậm chạp. Tôi lúc đó chẳng biết mình sinh ra để làm gì? Ước mơ của tôi là gì? Tôi muốn làm nghề gì? Muốn học ngành nghề gì? Cuối cùng tôi chọn đại vào ngành sư phạm nhưng thi Đại học Sư Phạm Hồ Chí Minh không đậu đành xin nguyện vọng hai vào Đại Học Sài Gòn. Đại học là một môi trường mới, tôi càng lúc càng nhận ra mình chẳng giỏi giang gì cả thậm chí còn tệ hơn người khác là đằng khác.
Tôi đã cố gắng học nhưng học kỳ một tôi cũng chỉ được trung bình năm phết thế là tôi nghỉ mà không bảo lưu, tôi do dự giữa thi lại và học tiếp nhưng rồi tôi không thi lại, sau đó tôi trở lại học tiếp, đã không cố gắng thì thôi còn mê game bỏ bê học hành, có môn tôi còn chẳng đi học ngày nào. Tệ hơn nữa tôi chỉ biết nằm lì ở nhà trọ chẳng chịu đi làm thêm, bạn cùng phòng rủ tôi đi làm chung tôi cũng chẳng thèm đi suốt ngày cắm đầu vào laptop, nghĩ lại tôi đã quá phí phạm thời gian và tuổi xuân của mình vào những chuyện vô bổ.
Tôi không bảo lưu nên học kỳ hai năm nhất là số không tròn trĩnh, năm hai tôi lại học hành thi cử như loằn nên điểm còn dưới trung bình, học kỳ hai năm cuối bạn cùng lớp gọi điện bảo tôi bị đuổi học. Điều này tôi đã biết từ trước, lúc đó tôi chỉ "Ừ! Tao biết rồi!" rồi cúp máy, vậy đấy, mười lăm năm học hành coi như đổ sông đổ bể, tiền bạc và kỳ vọng của cha tôi, mẹ tôi, chị tôi và em gái tôi tan tành như bọt biển.
Nhưng đáng sợ hơn là tôi bị đuổi học nhưng vẫn nói dối gia đình là còn học và bảo gia đình gửi tiền vào đều đặn, cha mẹ tôi nào biết con mình suốt ngày nằm nhà bấm laptop thôi, lúc đó cô biết tôi nghĩ gì không? Tôi muốn tận hưởng cuộc sống ở Sài Gòn này một chút nữa, một chút nữa thôi. Thật đáng sợ! Tôi cũng từng có ý nghĩ thi lại, bắt đầu thêm một lần nữa nhưng cũng tự biết bản thân vô dụng nên chẳng thi đậu nổi, có thi đậu cũng cũng học nổi. Tốt nghiệp đối với người khác là chuyện bình thường còn tôi nó là một chuyện vô cùng khó khăn, vô cùng xa vời.
Ài, tôi sống cuộc sống như thế một năm thì nhà tôi cũng biết chuyện, cha tôi tìm lên tận Sài Gòn, hôm đó ở một quán cà phê lề đường tôi đã thú nhận tất cả với cha. Cha tôi là người rất mạnh mẽ, tôi chưa từng cha khóc bao giờ nhưng hôm đó mắt cha đỏ hoe, cha im lặng không nói gì một lúc lâu.
Cha tôi là kiểu người trái ngược với mẹ, làm nhiều hơn nói, yêu thương cũng bằng hành động, cha chưa từng nói lời yêu thương nào với ba chị em chúng tôi nhưng tôi biết được cha rất yêu thương chúng tôi. Nhìn làn da đen sạm vì ánh mặt trời và biển cả cùng những nếp nhăn vì tuổi già và cực khổ phong trần, chiếc áo sơ mi kẻ sọc, chiếc áo đẹp nhất của cha nhưng lại quá bình thường với người khác cùng quần kaki cũ, lúc đó... nước mắt tôi như muốn trào ra. Cha tôi cao một mét bảy nhưng lúc đó cha như co rúm lại, nhỏ bé và cô đơn giữa thành phố tấp nập xe cộ.
Lúc đó chắn chắn cha tôi rất buồn và đau lòng. Tôi rất thương cha mẹ tôi, tôi thấy có lỗi với cha mẹ nhưng thật buồn làm sao, tôi là một kẻ vô dụng và lười biếng.
Câu đầu tiên mà cha tôi nói là: "Bây giờ con tính thế nào?"
Lúc nhỏ tôi làm sai cha tôi sẽ đánh đòn hoặc chửi mắng tôi, cha tôi ít đánh hơn mẹ nhưng đánh rất đau. Từ khi lên cấp ba cha tôi không đánh mắng tôi nữa, hễ tôi quậy phá ở trường cha chỉ nói chuyện với tôi "Mày lớn rồi, biết suy nghĩ rồi. Đừng để cha nói nữa!"
Lúc đó thà cha đánh tôi hay chửi mắng tôi nghe còn thoả mái hơn, tôi trả lời "Con cũng không biết, con tính về đi biển!" Học hành làm gì nữa? Về quê lao động tay chân còn hơn! Cha lại nói "Chuyện cũng lỡ rồi, cha mẹ sẽ ráng lo cho mày đến nơi đến chốn để sau này mày không trách cha mẹ. Khi nào mày không cố gắng được nữa thì về đi biển, đi biển khổ lắm con ạ không sung sướng gì đâu!" Cha và mẹ tôi tha thứ cho tôi, cha tôi còn hỏi tôi muốn thi lại hay học Tiếng Anh để đi du học giống chị gái tôi, tôi quyết định sẽ du học Úc.
Sáng sớm ngày hôm sau cha tôi về quê.
Lúc đầu tôi cũng rất quyết tâm làm lại từ đầu, cố gắng học tiếng Anh nhưng tôi biết tôi là kiểu người cả thèm chóng chán, nếu cố gắng mà không thành công tôi liền bỏ cuộc, kết quả lại chứng nào tật nấy tôi chẳng chịu học hành chỉ biết chơi game suốt ngày và tất nhiên là lại thất bại, một năm và mấy chục triệu học phí lại vãi đọt dứa.
Cha mẹ tôi vẫn không bỏ cuộc, họ gợi ý tôi học tiếng Nhật để du học Nhật, lúc đó phong trào du học Nhật của đảo tôi khá đông nhưng kết quả không khá là bao, tôi chỉ cố gắng được ba tháng đầu còn ba tháng sau tôi buông xuôi luôn và ngay cả thi N5 cũng không đậu nên kế hoạch du học Nhật Bổn thất bại, cha mẹ tôi cứ nghĩ giờ chỉ có đi nước ngoài tôi mới có tương lai nhưng tôi lại làm họ thất vọng.
Cha tôi đã hết kiên nhẫn với tôi nên ông ấy gọi điện bảo tôi về, tôi cũng hết trông mong vào bản thân nên khăn gói về quê.
Tôi đi biển hai năm, tôi cứ nghĩ đi biển đơn giản lắm nhưng nó chỉ càng lộ ra những khuyết điểm của tôi mà thôi, tôi chẳng biết làm gì cả từ những cái đơn giản như làm cá, vấn câu mực, buộc dây câu cá, sắp xếp mực hay cảo neo, lái thuyền đến đối nhân xử thế, tôi không hoà đồng, người ta chọc ghẹo cũng không biết phản pháo nên trên thuyền ngoại trừ em họ ra chẳng có ai thích tôi. Có thể nói tôi chỉ có thể làm vài cái đơn giản, gần như vô dụng. Ừ thì còn mới nên không biết làm thì người ta dạy nhưng tôi học mãi, học cả hai năm vẫn không làm được thì đúng là vô dụng.
Cô tin nổi không ngay cả buộc thắt nút tôi cũng không biết buộc? Và cô tin nổi không tôi là dân đảo nhưng đến giờ vẫn chưa biết bơi? Hai năm đi biển vì tôi không biết bơi mà trăng nào mẹ tôi cũng lo lắng không yên, hễ thấy gió thổi là lại sợ còn chị gái tôi ám ảnh đến mức không dám đi tắm biển. Tôi cũng từng tập bơi rất nhiều lần nhưng không thành công và bây giờ thì tôi đã từ bỏ việc biết bơi, tôi thích biển nhưng biển không thích tôi.
Khi đi biển về cha tôi năn nỉ tôi đi làm thợ cùng ông, tôi cũng đi nhưng chỉ phần tô vách là cái đơn giản nhất tôi cũng không làm được nên tôi nghỉ luôn, mẹ tôi hỏi sao không đi làm thì tôi không trả lời.
Ra ngoài xã hội mới biết bản thân mình chẳng biết làm gì, người thì khù khờ chậm chạp. Nhiều lúc bị người ta bắt nạt uất ức quá chẳng biết làm gì. Nhiều lúc cảm thấy mình sống thế này sống làm gì? Chết đi cho rồi! Nhưng rồi nghĩ lại chút cực khổ này so với cha mẹ đã tần tảo nuôi mình có là gì? Vậy thì mình phải ráng sống kiếm tiền để bù đắp lại cho cha mẹ, dù ít vẫn còn hơn là không có gì. Sau này không cần lấy vợ cũng được, mình sao cũng được! Mình sao cũng được!
Hai năm qua tôi đã gắng gượng sống lay lắt với ý nghĩ như vậy đấy nhưng giờ tôi đã gắng gượng hết nổi rồi. Giá như có một phép màu khiến tôi biến mất, biến mất hoàn toàn mà không có ai biết đến sự tồn tại của tôi như vậy thì gia đình tôi sẽ không buồn khi tôi chết đi..."
Bùi Nguyễn Văn Phương cuối cùng cũng kể xong câu chuyện của bản thân, Nguyễn Châu Tú Linh nhìn sang. Hắn chỉ mới hai mươi lăm nhưng khuôn mặt như đã ba mươi, làn da đen đúa, khuôn mặt thậm chí chưa đạt mức dễ nhìn đã thế còn đầy rỗ và mụn, thân hình không có gì nổi bật ngoài trừ bờ vai rộng. Bùi Nguyễn Văn Phương cũng nhìn sang, bốn mắt chạm nhau Nguyễn Châu Tú Linh liền quay đi. Hắn mỉm cười, nụ cười vô cùng thanh bình, nụ cười của một kẻ đã buông bỏ tất cả. Hắn đột ngột hét lớn:
"Cô đúng là ngu ngốc! Cô chỉ biết nhìn lên trên mà không biết biết nhìn xuống dưới! Cô thấy tôi không? Xấu! Lùn! Nghèo! Yếu sinh lí! Tôi là tập hợp tất cả những gì tồi tệ nhất trên đời này! Người như tôi chết là đúng! Còn cô thì sao? Xinh đẹp có! Sexy có! Thông minh có! Tài giỏi có! Giàu sang cũng có luôn! Cô có mọi thứ thì sao phải tự tử? Cô bị ngu chắc luôn! Gia đình người thân chơi xỏ? Vậy cô chỉ cần tát vêu mồm bất kì đứa nào đụng vào cô thôi! Công ty sắp phá sản? Định mệnh cô có thể từ tay trắng lập ra công ty thì giờ việc beep gì lập công ty khác không được? Cô còn trẻ còn khoẻ thì có gì phải sợ? Cô đừng lo, linh hồn của tôi nhất định sẽ phù hộ cho cô! Cô không được chết! Nghe rõ chưa?"
Nguyễn Châu Tú Linh phì cười, bao lâu rồi mới có người mắng cô nhỉ? Bùi Nguyễn Văn Phương đang mắng sướng mồm nhìn thấy cô cười cũng trở nên ngượng ngịu. Nguyễn Châu Tú Linh nói:
"Được rồi! Tôi sẽ không tự tử nữa nhưng anh cũng phải hứa với tôi một chuyện..."
"Chuyện gì?"
"Tôi không tự tử thì anh cũng vậy. Anh có thể đến làm tại công ty của tôi, tôi sẽ nói phòng nhân sự nhận anh nên đừng lo lắng. Công ty của tôi trả lương theo năng lực chứ không phải bằng cấp, lương khởi điểm là bảy triệu nếu làm tốt anh có thể được trả với mức lương cao nhất là ba mươi triệu..."
Bùi Nguyễn Văn Phương lắc đầu:
"Được rồi! Được rồi! Tôi nói rồi mà, tôi chẳng thể làm tốt điều gì đâu, sớm muộn gì cũng bị đuổi việc..."
Nguyễn Châu Tú Linh liền cắt ngang:
"Anh không làm được hay anh nghĩ mình không làm được? Nếu anh cố gắng hết sức thì dù thất bại cũng không phải hối hận..."
"Ha! Nếu cố gắng hết sức thì thất bại cũng không phải hối hận..." Câu này Bùi Nguyễn Văn Phương cũng thường tự nhủ với bản thân nhưng ngẫm lại hắn chưa từng cố gắng làm thứ gì hết sức cả, đây có lẽ là lý do hắn trở nên vô dụng. Hắn cười khổ:
"Được rồi khổ lắm nói mãi! Không tự tử thì không tự tử nữa. Khuya rồi về nhà thôi, có gì thì ngày mai nói."
Nguyễn Châu Tú Linh có vẻ không tin lời Phương nói, cô im lặng nhìn thẳng vào mắt của hắn, hắn xấu hổ tránh ánh mắt sắc bén của cô. Cô lấy điện thoại ra rồi hỏi:
"Số điện thoại của anh bao nhiêu? Ngày mai tôi sẽ liên lạc với anh."
Bùi Nguyễn Văn Phương gãi đầu, hắn dạo này trí nhớ kém hơn trước, số điện thoại bản thân cũng quên. Lục lọi ký ức một lúc lâu hắn mới trả lời:
"033252****"
"Nhà anh ở đâu?"
"Cô đi thẳng vào rừng phi lao... gần sân khấu nhỏ... cách hai ba căn nhà... rồi... nhà của tôi có cửa ngõ màu..."
"Được rồi! Vậy hẹn ngày mai gặp! Bây giờ anh về nhà trước, tôi sẽ đứng ở đây canh chừng anh! Mau lên!"
Bùi Nguyễn Văn Phương cười khổ, lúc nãy cô nhẹ nhàng là thế giờ có vẻ đã trở về bản chất thật rồi, lạnh lùng và sắc bén. Hắn đành đi về, đến khi bóng hắn khuất khỏi khu rừng phi lao thì Nguyễn Châu Tú Linh mới yên tâm trở về Mộ Thầy lấy xe, cô vừa đi được một đoạn đột nhiên linh cảm được điều không lành.
Nguyễn Châu Tú Linh vội vàng quay trở lại thì thấy...