Chương 3: Vị cay.
Nửa tiếng sau vụ hiểu lầm tai hại kia, Lam đã có mặt ở nhà Tư Khế. Cô vốn không chịu đến, nhưng tên này lại bắt buộc cô phải đến để giải thích cho rõ ràng. Chẳng biết làm gì hơn, Lam buộc phải đến nơi đây dù bản thân cô vẫn còn mông lung vì một loạt những chuyện phi lý mà bản thân đã gặp trong buổi sáng. Tự dưng cãi lộn cùng một người đàn ông lạ mặt, sau đó đi ăn cùng anh ta, rồi lại bị người nhà người ta hiểu lầm. Trời ơi, sao cái cuộc đời này nó oái ăm vậy!
Dẫu sao thì Lam cũng đã ở trong nhà Tư Khế rồi. Đó là một căn nhà không to không nhỏ, nằm sâu trong một con hẻm be bé. Nhà gồm có hai bộ phận, một phần được xây tường và lát gạch như bao nhiêu căn nhà cấp bốn khác, một phần vẫn lợp lá và để nền đất theo đúng nếp xưa. Phía sau nhà còn có mảnh vườn thoáng đãng. Nhìn chung, tuy căn nhà không rộng lớn cao sang gì nhưng lúc nào cũng có gió vi vu, dễ chịu lắm.
Trong khi Lam đang ngồi ngắm nghía mọi thứ, cách đó không xa, Tư Khế vẫn đang cố giải thích một cách rất kiên trì:
- Ngoại ơi ngoại à, con nói thiệt đó, nhỏ này hông có phải bạn gái con. Ngoại đừng có tin dì Sáu đồn linh tinh, bả toàn đồn sai sự thật không á!
Trên mặt bà cụ lộ rõ vẻ thất vọng, nhưng bà vẫn hỏi vặn lại thằng cháu trai của mình:
- Thiệt vậy hả bây?
- Thiệt hơn cả vàng ròng luôn.
Thế là bà lão xụ mặt "Chán thiệt chứ, làm mình mừng hụt vậy à". Nhưng chỉ vài giây sau thôi, bà lão đã tươi tỉnh trở lại. Bà quay sang khều Lam nhè nhẹ:
- Nhỏ nhỏ, thế kể bà nghe đi, con là ai, gặp thằng cháu mắc dịch của ngoại ở đâu. Sao tự nhiên con đi ăn chung với nó vậy.
Thấy Tư Khế trừng mắc nhìn mình như thể muốn nói rằng "nãy giờ tôi giải thích mỏi cả miệng rồi, giờ tới phiên cô đó", Lam chỉ còn cách nỗ lực lựa lời:
- Dạ, con tên Lam, sống ở thành phố, bắt xe đò định đi xuống nhà bạn chơi mà lỡ bắt nhầm chuyến xe anh Tư Khế làm lơ á. Tới lúc xuống bến con mới biết là con đi lạc, nên định nghỉ trưa tí rồi bắt xe quay đầu về. Nào ngờ đâu, số con xui rủi quá, còn bị cướp giật mất túi tiền với điện thoại nữa…
Giọng kể của Lam cực kì khổ sở, có lẽ cô nàng đang nhớ đến mớ xui xẻo khó mà đỡ nổi trong buổi sáng này. Thở nhẹ một hơi để lấy bình tĩnh, cô nàng mới bắt đầu kể tốt cho cái gã đang đứng nhìn mình chằm chằm đằng kia.
- Mất tiền với điện thoại, con tưởng mình chuẩn bị chết đói tới nơi rồi. May là con tình cờ gặp lại anh Tư Khế nên ảnh cho con ăn ké bữa bánh cống đó. Rồi tụi con đang ngồi ăn thì bà ra…
Nghe vậy, bà cụ bèn nắm chặt lấy tay Lam:
- Ôi trời đất ôi, tội nghiệp con nhỏ phải biết. Sao con, mấy thằng cướp mắc dịch nó giật đồ của con hả, con có bị té không, có trầy xước gì không?
Nghe bà cụ dỗ dành mình như thể một đứa cháu nhỏ trong nhà, Lam xúc động lắm. Từ trái tim cô, một luồng hơi ấm xuất hiện và lan ra toàn bộ cơ thể này. Nó khiến cô thấy mình được xoa dịu, được nâng niu - những cảm giác mà suốt mấy tháng qua, cô chưa từng một lần được nếm trải. Tình thương khiến Lam bé lại, cô sụt sùi:
- Có đó bà. Tụi nó ngồi trên xe giật đồ mà, nhanh với mạnh lắm, con không để ý nên té chúi nhủi xuống đất. Tay chân cọ dưới đường nên khuỷu tay với đầu gối bị trầy hết rồi nè.
Công bằng mà nói thì mấy vết thương của Lam chỉ vào dạng xây xát nhẹ, có gì nghiêm trọng đâu, nhưng chẳng mấy khi được dỗ dành nên cô nhõng nhẽo ngay lập tức.
Đứng xem hai người kia bà bà cháu cháu, đến tận khi Lam kéo tay áo lên chỉ, Tư Khế mới biết cô gái kia cũng bị trầy một mảng khá lớn. Nhưng hắn lơ luôn. Bụng dạ hắn tự bảo nhau rằng "hồi nãy cô ta ăn quá trời quá đất, chắc cũng hổng đau lắm đâu". Thế nhưng, đối với bà của hắn thì vết thương này không phải là một chuyện cỏn con. Quay sang thằng cháu, bà quát to:
- Rồi còn đứng đó đi. Vô trong lấy thuốc tím với bông gòn ra để bà lau cho em nó.
Hết cách, Tư Khế đành phải làm chân chạy vặt. Nhanh chóng đem bông băng thuốc tím ra đưa bà, hắn tưởng mình đã xong việc. Nào ngờ đâu, công cuộc lao động khổ sai chỉ mới bắt đầu. Bà lập tức ra mệnh lệnh tiếp theo:
- Giờ thì ra sau vườn đào mấy củ nghệ vàng, xong rửa sạch, giã nhuyễn rồi mang vô đây cho tui.
- Bị thương có chút xíu, chi mà phiền phức vậy bà.
Nam thanh niên lẩm bẩm với thái độ bất mãn. Bà cụ hừ một tiếng thật to:
- Người ta con gái con lứa, da dẻ mỏng manh dễ bị sẹo. Da trâu của mày so gì được mà so!
Rồi bà quay sang cười tủm tỉm với Lam:
- Con yên tâm, lát bà đắp nghệ lên cho con là da dẻ nó liền lại y hệt như trước à, không lo bị sẹo.
Lam khẽ khàng dạ một tiếng. Cô cảm động, nhưng cũng không biết mình phải làm gì để đền đáp tấm chân tình của bà cụ này. Tự dưng, trong đầu Lam nảy ra ý tưởng rằng cô muốn đi du lịch khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Rồi cô sẽ quay về thăm cụ, mang cho cụ những đặc sản độc đáo của những vùng đất ấy.
Song, vào lúc này, Lam bất chợt chú ý đến vẻ mặt của Tư Khế. Cách cô vài bước, tên Tư Khế đang nhìn bà cụ và cô chằm chằm, mặt mày toát ra vẻ khó chịu lạ lùng. Nếu phải so sánh thì nhìn hắn bây giờ giống hệt một con mèo con bị anh chị em giành mất mẹ, rất uất ức, rất đáng thương. Sự liên tưởng đó khiến cô không thể không cười thành tiếng.
- Sao hả, cười gì mà cười?
Hắn mở miệng, giọng oang oang. Thanh Lam không trả lời câu hỏi đó mà tủm tỉm cười. Bà cụ, dù không hiểu rõ những chuyện đang xảy ra, vẫn quyết định can thiệp vào chuyện này.
- Xong xuôi. Giờ thì con bé Lam ngồi chơi xơi nước, thằng Khế theo thì tao ra vườn, bắt một con vịt Xiêm. Chiều nay mấy bà cháu mình ăn vịt nấu tiêu cho ấm bụng. Lam nữa, con ở lại ăn chiều với ngoại nha con.
Toan phản đối, nhưng nghe đến vịt nấu tiêu, Tư Khế ngậm mồm lại ngay lập tức. Hắn rảo bước ra sao vườn, chưa đến năm phút, mấy tiếng ngoác ngoác thảm thiết đã vang thấu đến tận trời xanh. Tò mò, Lam quyết định bước ra nhà sau thì thấy Tư Khế đã cắt tiết xong con vịt. Cô khá ngạc nhiên, hóa ra xác con vịt trông không đáng sợ như sự tưởng tượng của cô. Có lẽ vì Tư Khế làm khéo, máu vịt đều bị hứng gọn gàng vào chén, lông vịt xiêm lại màu đen nên nhìn nó không quá máu me. Còn về phần bà cụ, lúc này, bà đã ngồi sẵn vào một cái ghế xúp thấp bé với một cái thao to trước mặt.
- Biết mần vịt hông con?
Bà cụ hỏi. Lam lúng túng gãi đầu. Bà cụ cười khì khì:
- Thôi không biết thì được ngồi nhìn. À mà nhỏ, qua kia, nhấc cái ấm nước sôi xuống đây cho bà coi.
Trên bếp củi bập bùng là một cái ấm nước nhuốc nhem. Lam đảo mắt nhìn quanh, thấy cái nhấc nồi được treo ngay ngắn, cô liền dùng nó để xách ấm đun nước xuống. Xong nốt việc đó là Lam rảnh hẳn, cô ngồi nhìn bà và Tư Khế nhổ lông con vịt xiêm. Nhìn họ vặt hết mớ lông vũ rồi tẩy mớ lông tơ của con vịt một cách thành thạo, Lam thầm đoán rằng chắc nhà họ cũng thường xuyên ăn vịt lắm.
Khi con vịt đã hoàn toàn sạch sẽ, Tư Khế đứng dậy bước ra ngoài. Lam không biết anh ta đi đâu và cũng chẳng quan tâm đến, vì điều thu hút cô nhất lúc này chính là cách bà cụ chặt vịt. Một nhát ngọt lẹm chặt đầu vào chân vịt để sang góc, lại thêm một nhát vào ngay giữa sống lưng, con vịt đã bị tách ra làm hai phần đều nhau. Kế đến, những tiếng tanh tách liên tục vang lên báo hiệu rằng con vịt đã bị chặt ra làm nhiều mảnh đều tăm tắp.
- Học làm bún vịt nấu tiêu hông nhỏ? Bà dạy cho nè!
Lam gật gù, rồi lí nhí nói:
- Con cũng muốn, nhưng năng lực có hạn á bà…
Bà lão cười:
- Cũng không sao, đằng nào thằng Tư Khế nó cũng nhận được chân truyền từ bà rồi. Nó nấu món này ăn cũng chín mười với bà đó nhé!
Không hiểu lắm vì sao bà nhắc đến Tư Khế, Lam quyết định tập trung vào việc học nấu ăn. Đầu tiên là học cách ướp vịt này. Hành tỏi, tiêu, sa tế, nước mắm, đường, hạt nêm, bà cụ cho thẳng vào trong vịt một lượng như tổ tiên mách bảo chứ chẳng cần đo lường bằng bất cứ thứ công cụ nào cả. Lam nhìn mà hoảng loạn "trời ơi, nấu như vầy rồi mình học kiểu gì?" Sau khi trộn đều thịt vịt với mớ gia vị kia, bà cụ đặt chúng sang một bên để bắt đầu rang tiêu. Bước này thì Lam biết làm, tiêu cứ rang đến khi nào dậy lên cái mùi hăng hăng đặc trưng là được. Rồi cụ bắt đầu châm nước vào nồi rang tiêu đó, rất nhiều nước. Xong xuôi, cụ còn nướng thêm hai củ hành tây để thả vào. Kế đến, cụ đi bằm gan vịt nhỏ ra. Rồi cụ quay sang tám chuyện với cô gái trẻ đang ngơ ngác nhìn mình nấu nướng:
- Rồi, giờ bà cháu mình ngồi chơi tí. Chờ chừng mười lăm, hai chục phút gì đó cho thịt ngấm gia vị thì nấu nó mới ngon.
Lam gật gù. Vào lúc này đây, cô chỉ hận là mình không mang theo sổ tay nên không có chỗ để ghi chép.
Nhân lúc rảnh rỗi, hai bà cháu bắt đầu tám chuyện. Vô tình cố ý, bà cụ hỏi han Lam đủ điều. Dù thấy hơi là lạ nhưng Lam vẫn thành thật trả lời mấy câu hỏi kia, trong khi đó, bà cụ cũng kể cho Lam nghe được nhiều chuyện lý thú ở vùng đất này và cả chuyện về thời trẻ của bà nữa. Quá trình chuyện trò đó khiến Lam càng thêm quý mến bà cụ. Rồi bà cụ hỏi han chuyện cô chuẩn bị đi đâu, cô cũng thành thật khai báo rằng mình còn chưa biết rõ nơi đến. Thế là bà cụ gù cô ở lại, rằng có sao đâu, tối cứ ở lại đây mà ngủ chung với bà. Lam, vốn cũng đang bối rối về nơi ăn chốn ở quyết định xuôi theo. Nghe cô hứa, bà cụ cứ cười tủm tỉm mãi.
- Giờ là đến bước nấu rồi nè.
Đứng dậy, bà cụ cho một ít tỏi băm vào chảo to, phi lên cho vàng tươi, thơm nức. Kế đến, bà cụ cho mớ gan vịt bằm vào nồi, xào nhanh tay cho tái lại rồi xúc ra dĩa để riêng. Kế đến, bà cho luôn phần vịt tẩm ướp từ nãy đến giờ vào xào. Dưới ngọn lửa lớn, thịt vịt nhanh chóng săn lại, da vịt ánh một màu vàng nhẹ trông cực kì hấp dẫn.
- Trước hết, mình thả mấy miếng thịt vịt vô nồi nước tiêu nè. Còn gan thì phải chờ nồi nước sôi thật sôi mới thả vào sau.
Bà cụ dặn dò thật kĩ. Lam gật gù lia lịa. Vừa hay, lúc này, Tư Khế cũng trở về. Tay anh ta xách theo một chai nước ngọt to đùng, một bịch nước đá, một túi bún và một túi rau hỗn hợp. Thoạt nhìn thì có vẻ là bắp chuối và rau muống bào trộn lẫn với nhau. Vội vã khui cái túi ấy ra, Tư Khế hào hứng khoe với bà cụ:
- Công nhận nay hên thiệt, chiều rồi mà vẫn mua được tiêu xanh nè bà.
Bà cụ ừ một tiếng, mặt cười hiền. Rửa chùm tiêu xanh, cho thật sạch, cụ mới cho luôn chúng vào nồi.
- Rồi, giờ bây rửa rau đi.
Bà cụ lại tiếp tục sai bảo thằng cháu. Tư Khế đang định phàn nàn, song chưa kịp mở miệng ra thì Lam đã vội vã xung phong nhận việc.
- Thôi cái này con biết làm, để con.
Dưới sự chỉ dẫn của bà cụ, cô nàng nhanh chóng tìm được rổ, muối và bắt đầu sự nghiệp rửa rau. Riêng khoảng này thì Lam rất kĩ càng, bà cụ nhìn thấy mà gật gù lia lịa. Khi Lam rửa xong thì món vịt nấu tiêu đã hoàn thành đâu ra đấy, cũng chẳng rõ bà cụ đã cho gan xào vào nồi khi nào.
- Rồi, giờ dọn ra ăn.
Tư Khế nhanh tay bắt bún cho vào từng tô lớn, rồi múc vịt nấu tiêu chan lên phía trên. Trong khi đó, bà cụ nhanh nhảu lấy đũa, muỗng cho tất cả. Về phần Lam, cô cũng đã bưng dĩa rau rửa sạch ra bàn. Dưới mùi hương cám dỗ của món bún, ai nấy cũng vội vã cầm đũa lên, quên mất rằng chai nước ngọt vẫn còn đang nằm trong góc.
Lam hít hà mùi tiêu sực nức. Thơm lắm, món vịt nấu tiêu hôm nay thơm quá trời. Gấp miếng thịt vịt, cô cắn thử ngay, ôi miếng thịt ấy ngọt ngay, mềm mọng. Phần da vịt dai dai tăng thêm cảm giác thích thú trong từng lần nhai. Còn về nước dùng càng khỏi phải chê, ngọt vị vịt, béo vị gan, cay vị tiêu, the the vị sa tế ớt còn thơm mùi hành tây nướng thì quả là cực phẩm. Gấp một đũa rau nhúng vào bát, Lam bắt đầu công cuộc càn quét tô bún vịt nấu tiêu. Thấy cô nhiệt tình như vậy, bà cụ tủm tỉm cười:
- Ngon hông?
- Quá là ngon.
Lam đáp vội rồi tiếp tục vùi đầu ăn.
- Thế có muốn ăn suốt đời không? Chỉ cần con chịu thằng Tư Khế nhà bà…
- Khụ khụ.
Đang ăn ngon, bị một cú bẻ lái ngoài dự đoán, Lam bị nghẹn ngay lập tức. Cô đưa tay về phía Tư Khế ra hiệu xin nước, tên này mới phản ứng kịp, vội vã đi rót ly nước cho “nạn nhân”. Đến khi thấy Lam đã ổn, hắn mới quay sang trách bà:
- Ngoại à, giỡn gì kì cục quá trời.
Và bà cụ đã đáp lại đứa cháu trai bằng trận cười ha há.