bởi July D Ami

14
11
2492 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 4: Mẹ phải xa bé An rồi!


Một năm sau đó, An lên bốn. Cô bé ngây thơ với đôi mắt to tròn lúc nào cũng quấn lấy mẹ. An sợ bà nội, An cũng sợ cô.

Cô Mỹ đi lấy chồng rồi, nhưng chả hiểu sao chỉ một năm sau cô lại trở về.
An từng thấy có chú có bà nào ăn mặc đẹp lắm dẫn cô về, đem theo cả đám túi quăng vào nhà. Rồi bà nội chửi nhau với họ, sau đó thì cô ở nhà luôn, không về theo chú đó nữa.

Bố đi làm kiếm tiền, không có nhiều thời gian rảnh chơi với An, nhưng mỗi lúc bố về đều mua đồ chơi, váy đẹp cho An, nên An không giận bố nữa, lại sà vào lòng bố nũng nịu.

Chỉ những lúc chỉ có ba người, hoặc có mình An, An mới thấy mẹ cười.

Mẹ cười rất đẹp. An yêu nụ cười của mẹ. Nhưng khi có những người khác xuất hiện thì mẹ không cười nữa. Đôi lúc chỉ có một mình thì An còn vô tình thấy mẹ khóc.

Có một ngày, An thấy một cô lạ mặt trông cũng hiền lành nhưng không xinh bằng mẹ đến nhà, trên tay cô còn bồng một em bé trai kháu khỉnh.

Bà nội nhìn em bé đầy yêu thương, bà bảo đây là em trai của An. Em trai? Tự khi nào An có một đứa em trai?

Từ sau khi cô kia và em trai xuất hiện trong nhà, An thấy mẹ khóc nhiều hơn, cũng thấy mẹ cãi nhau với bố nhưng bố chỉ toàn im lặng không nói lời nào, bố cứ đứng im cho mẹ đánh. Mẹ đánh xong, bố ôm mẹ nói lời xin lỗi, mẹ lại hẩy bố ra, nước mắt lưng tròng.

Bà nội nhìn thấy thế liền gọi mẹ đến quỳ trước bàn thờ gia tiên. Bà nói mẹ không giữ trọn đạo làm vợ, làm dâu. Mẹ quỳ ở đó cả đêm, An cũng lén chạy vào với mẹ, mẹ ôm An và khóc.

Rồi một ngày mẹ mua cho An một chiếc váy rất đẹp, một con búp bê thật xinh, và cả một chiếc bánh ngọt mà An rất thích. Mẹ nói:

- Mẹ phải xa bé An rồi!

- Mẹ phải đi đâu? Tối mẹ có về ngủ với con không?

- Tối nay thì không! Nhưng mẹ sẽ trở về tìm bé An. Bé An ở nhà ngoan, nghe lời bà, lời bố! Và hãy nhớ, mẹ yêu con nhất trên đời!

- Con cũng yêu mẹ nhất trên đời!

Tối đó mẹ không về, An nằm ôm con búp bê nhớ đến mẹ. Rất nhiều tối sau đó mẹ cũng không về, đêm nào An cũng nhớ tới mẹ, nhưng An không dám khóc. Vì có khóc cũng không còn ai dỗ dành. 

Từ khi mẹ đi thì bố hay uống rượu lắm, An thấy người bố thật khó ngửi nên mỗi lần bố ôm liền đẩy bố ra. Lúc đó An thấy bố lại khóc, nên An lại ôm vai bố và vỗ nhè nhẹ giống như ngày xưa mẹ vẫn hay dỗ dành An. Sau đó bố ốm một trận rất lâu. Trán bố nóng như hòn than, trên người có nhiều vết sưng tím, An hỏi bố bị làm sao nhưng bố không chịu nói. Bố nằm trên giường ba ngày thì khỏi bệnh, sau này An không thấy bố còn đi uống rượu nữa. Bố chăm chỉ đi làm, đi làm về bố chơi với An, và bắt đầu chơi với em bé.

*  *  *

An thích đi học. Ở đó cô giáo đối xử công bằng với tất cả các bạn. Không như ở nhà, mọi người toàn bênh em Minh Khang.

Minh Khang là số một. Quần áo mới, đồ chơi mới luôn của Minh Khang.
Ban đầu An cũng chả thích em Minh Khang, vì em và dì tới mà mẹ Thùy không về nữa. Hơn nữa cả nhà ai cũng quý Minh Khang, An cảm thấy mình chỉ như một người thừa trong nhà không ai thèm quan tâm đến.

Có đôi khi An lén đánh em, phá đồ chơi của em, nhưng em chỉ khóc một chút xong lại quay ra túm lấy vạt áo An đòi bế. Em cứ đem ánh mắt to tròn ngây thơ ra dụ An. An đành chịu thua, lại ôm em vào lòng. Em Khang còn chia sẻ đồ chơi với chị nữa, toàn đồ chơi con trai. Ban đầu An chẳng có hứng thú, nhưng dần dà về sau lại thấy thích, lại ngồi xuống cùng em nghịch đám đồ chơi.

Trong nhà còn một người nữa cũng đối xử không tệ với An, là dì Mận, chính là mẹ của em Minh Khang. Dì còn hiền hơn cả bà nội và cô Mỹ. An từng nghe người ta kể chuyện mẹ kế ác độc, nhưng An thấy dì chẳng ác bằng một góc bà nội và cô Mỹ nữa cơ.

Chí ít An chưa thấy dì Mận đánh ai, ngược lại còn bị bà nội đánh, cô Mỹ thì nhanh chân đi lấy roi cho bà. Nhiều lúc An rõ ràng thấy cô Mỹ làm sai, mà lại đi đổ cho dì Mận, dì chả thanh minh được, phải chịu đòn. Những lúc như vậy cũng không thấy bố nói bênh dì Mận một tiếng.

An không hiểu, ngày xưa kể cả mẹ có làm sai chuyện gì bố cũng đều cố gắng bao che cho mẹ, giờ lại mặc kệ dì. Hay là bố không biết, bố tưởng dì làm sai thật?

Dì Mận phải dậy từ sớm, làm cho đến khuya, mà dì tuy chậm chạp nhưng lại rất chịu thương chịu khó. Phần lớn thời gian em Khang toàn quấn lấy An đòi chơi, thế nên trong nhà, hai chị em lại thân nhau nhất.

*  *  *

Năm dần trôi, tháng dần trôi. Đã mấy mùa bông sen trong hồ bên bên vườn nhà bà ngoại tàn rồi nở. Bà ngoại nói ngày An ra đời là ngày hoa trong hồ nở đẹp nhất, toả hương thơm nhất.

Mẹ vẫn chưa về, An vẫn đợi, An biết mẹ nhất định sẽ về, vì mẹ đã hứa với An. Từ trước tới nay mẹ chưa từng thất hứa với An bao giờ.

Bà nội và cô hay nói xấu mẹ, nói đủ thứ chuyện, nhưng An không tin đâu, dù chỉ là nửa chữ. An đâu phải con bé con ngốc nghếch, An biết thừa, đừng tưởng lừa được An. Theo những gì bà thằng Tuấn cùng làng nói thì đó là chiến dịch chia rẽ nội bộ, không có mẹ nào mà không thương con hết, nên An phải tin tưởng mẹ.

An nghe nhiều người trong làng buôn chuyện với nhau. Họ nói vì mẹ Thùy không sinh được con trai nên bị đuổi đi, dì Mận sinh được con trai nên được đón về nhà. Rồi cả câu chuyện dì Mận ngày xưa không chồng mà chửa, cả làng dè bỉu tưởng nó lại giống như con mẹ nó chửa hoang. Ai dè sau bà dì nó làm om sòm lên thì cả làng mới vỡ lẽ, hoá ra cha đứa bé lại là thằng Minh vốn nổi tiếng hiền lành thương vợ nhất làng. Đứa bé giống bố nó như đúc thì chả lẫn đi đâu được.

Ở nhà thì lại nghe bà nội nhiếc móc dì:

- Tôi tưởng nhà chị hiền lành, ai dè cũng âm mưu nham hiểm. Dì chị đã nhận tiền rồi vẫn còn chưa thỏa mãn, còn mượn miệng làng xóm để lừa vào được cửa nhà tôi.

Dì Mận chỉ lặng yên nghe bà mắng chửi.

An không thích ở nhà, An chỉ thích trốn đi chơi. Khi thì sang nhà bà ngoại, lúc thì theo tụi thằng Tuấn đi khắp làng trên xóm dưới. Cũng chả ai để ý tới An, ở nhà không ai quản, An thích đi đâu thì đi, mấy giờ về thì về, có khi không ăn cơm ở nhà cũng chả có ai biết. Chỉ khi nào bố đi công tác về sẽ hỏi bé An đâu, rồi bố lại dặn dò An không được ham chơi, An vâng vâng dạ dạ, đến lúc vui vẻ lại quẳng lời dặn của bố ra khỏi đầu, An chỉ cần ngoan ngoãn khi bố có nhà là được.

Em Khang thích theo chị An đi chơi, An không cho, em liền mè nheo khóc um lên thế là An lại đành đồng ý. Có lần em Khang tranh nhau đồ chơi với thằng nhóc hàng xóm, anh trai nó chạy ra bênh em, xém đánh Khang. May mà An nhào ra đỡ kịp. Rồi hai bên đánh nhau, nhờ có người lớn chạy ra can nên mới dừng lại. An bị đánh nhiều nhất, nhưng lại chả chịu thua. Em Khang cũng bị đôi ba vết trầy xước.

Về nhà An bị bà nội đánh, bố cũng mắng An vì dẫn em đi chơi để bị thương. Chỉ là mấy vết xước thôi mà, An cũng lo chứ bộ. Nhìn mọi người xuýt xoa dỗ dành em, lo tìm thuốc bôi cho em, An lại thấy có lỗi trong lòng, đành lặng lẽ kéo áo giấu đi những vết bầm trên người mình đang nhức nhối.

Từ đó về sau An không dám dẫn em ra ngoài chơi nữa. An lại theo tụi thằng Tuấn đến tìm ông Dũng cuối thôn nhờ dạy võ. Nghe nói ông từng đi lính, ông có thể tay không đánh nhau với năm thằng lính Mỹ cơ. Ông còn biết dùng súng, tụi trẻ nghe ông kể mà gương mặt háo hức như tưởng tượng ra những cảnh bắn nhau trong phim hành động. Tiếc rằng bây giờ chỉ được nghe ông kể lại thế thôi chứ không còn được nhìn thấy khẩu súng của ông nữa. Ông trở về sau chiến tranh với một chân mang thương tật, nhưng trong mắt đám trẻ con ở thôn, đôi chân ấy là minh chứng cho giá trị một vị anh hùng.

Vị anh hùng già rất yêu trẻ con, còn hứa dạy võ cho chúng. An cũng muốn học võ, học võ để bảo vệ em Khang, bảo vệ bà ngoại, bảo vệ mẹ. Khi nào mẹ về An sẽ nói với mẹ: "Mẹ ơi đừng sợ, có bé An bảo vệ mẹ, sẽ không ai có thể đuổi mẹ đi được nữa!"

An thích ngọn đồi sau lưng nhà bà ngoại. Tụi trẻ con lên đồi đào củ sắn, hay trốn trong những hầm đá cũ nơi ngày xưa người trong làng từng đi trú bom trú đạn. Trời trưa dù có nắng cỡ nào thì nằm trong hầm đá cũng cảm thấy mát lạnh. Phía dưới chân đồi kia có ngôi mộ của ông ngoại, bà hay ngồi bên mộ ông rì rầm kể chuyện, nhìn xa xa ánh nắng rực đỏ một góc trời.

An còn thích nằm trên chõng tre dưới hiên nhà bà ngoại, gối lên đùi bà, lúc lim dim ngủ nghe tiếng quạt nan phe phẩy, nghe tiếng bà bỏm bẻm nhai trầu, khi tỉnh lại nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa. An lại kể cho bà nghe chuyện được cô giáo khen ở trường, và đôi khi nằm nghe bà đọc thư của mẹ gửi về.

* * *

Nay An đã lên lớp Bốn rồi. An biết làm văn, biết làm toán giỏi. An đã tự mình đọc thư của mẹ cho bà nghe. Bà nay đã không còn nhìn rõ chữ, nhưng trong đôi mắt vẫn như lấp lánh những vì sao mỗi khi nghe những câu chuyện của mẹ gửi về.

Năm xưa mẹ Thùy bỏ đi lên thành phố, cố gắng bắt đầu lại từ đầu. Ôn thi, thi đỗ, học đại học, ra trường, xin được việc làm và đang cố gắng dành dụm tiền mua nhà để đón hai bà cháu lên thành phố.

Mẹ đang mua nhà trả góp, sang năm sẽ có nhà mới. Mẹ gửi tiền về cho bà, nhưng bà không lấy, bà thương mẹ thân một mình mưu sinh vất vả. Mẹ xin lỗi vì không thể ở bên cạnh bà ngoại thường xuyên, chỉ về thăm nhà được dăm ba lần như vậy.

Bà không trách mẹ, bà bảo có bé An ở bên cạnh bà, bà rất hạnh phúc, chỉ có mẹ một mình nên bà sợ mẹ cô đơn.

An học hết lớp Năm, cuối cùng mẹ cũng về đón An và bà ngoại. Nhưng bà ngoại không chịu đi, bà nói sợ ông ở lại cô đơn lạnh lẽo. An muốn ở lại bên bà ngoại. Mẹ trả lời rằng sẽ thường xuyên về nhà hơn. Bây giờ cuộc sống của mẹ khá lên nhiều, giao thông đi lại cũng không còn khó khăn như trước. An rất vui vì tháng nào cũng được gặp mẹ, mẹ còn mua nhiều đồ dùng và quần áo cho hai bà cháu nữa cơ.

Mặc dù ngày nghỉ của mẹ không nhiều, nhưng An thấy rất vui, được nghe mẹ kể chuyện cuộc sống trên thành phố ồn ào náo nhiệt. Có toà nhà cao cao, có khu vui chơi giải trí, có tàu lượn chạy nhanh nhanh, An nghe cái gì cũng cảm thấy thích ơi là thích. An thích nơi đó, bởi vì nơi đó có mẹ!

Lúc chia tay mẹ bên hồ sen xanh mát, mẹ xoa đầu An nhờ An chăm sóc cho bà ngoại. An vẫy tay chào tạm biệt mẹ, hứa sẽ thật ngoan, là ngoan thật, chứ không phải như mấy lời hứa suông trong mấy bản cam kết mà học sinh vẫn viết trong mấy bài văn hay bài dự thi của trường.

Xa xa bên kia ao sen nhìn sang, An thấy có bóng dáng bố đang nhìn... Không biết mẹ có nhìn thấy bố không?

* * *

Hết lớp Bảy, bà ngoại mất.

Sen năm nay không nở. Khu vườn nhà bà không còn tỏa ngát hương. Bên cạnh mộ ông đã có thêm bà làm bạn. Từ bây giờ ông bà mãi chẳng xa nhau. Ngọn cỏ lau rì rào trong ráng chiều đỏ thắm. Cơn gió hát đưa bà về với ông.

Mẹ sang nhà bà nội xin đón An đi. Bà nội không ngăn cản. Ánh mắt bố đượm buồn nhưng cũng để cho An có quyền tự do lựa chọn. Bố nói An lên trung tầm thành phố Hải Phòng sẽ có điều kiện học tập tốt hơn. An hứa hè hàng năm sẽ về quê thăm bố, bố mới yên lòng.

Tạm biệt làng quê thân thương với bao kỉ niệm vui buồn.

An phải đi đây!