31
7
2713 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chuyện con mèo và con người


Người trưởng thành - giới tính nam


Tiết trời nóng như đổ lửa. Tốp công nhân tay chân thoăn thoắt ban sáng giờ đã bị chậm lại thấy rõ. Thỉnh thoảng họ lại ngẩng mặt nhìn về phòng nghỉ của cai thầu như đang chờ đợi một món quà.


“Tới giờ nghỉ trưa!” Tiếng hét của cai thầu bén nhọn như kim, chích xẹp quả bong bóng đang phồng trong lồng ngực của những người công nhân ở công trình. Nghe tiếng hô, mọi người lần lượt bỏ đồ trong tay xuống rồi tản ra. Người đi tìm bóng cây nghỉ tạm, người đến bên chiếc xe máy của mình giở phần cơm mang theo ra bắt đầu ăn. 


Cậu Ba cởi nón bảo hộ trên đầu, giơ tay quẹt hai hàng mồ hôi chảy ròng ròng bên thái dương. Cậu Ba là cậu Ba, chẳng mấy ai biết tên họ cậu là gì, mà người ta cũng chẳng buồn hỏi. Gọi cậu là cậu Ba, hiếm hoi thì được một phần “kính”, chín phần còn lại có lẽ là vì “sợ”. Nghe đâu đằng sau vết sẹo dài như con rết trên trán kia là cả một tiền án hình sự. Phải làm chuyện gì mới bị kết án hình sự? Đấy, mỗi khi nghĩ tới những đáp án cho câu hỏi này, tiếng “cậu Ba” người ta gọi lại càng thêm vang dội.


Không cùng mọi người giở cơm lại dưới tán bàng ngồi, cậu Ba cầm cà mèn nhanh chóng bước tới cửa sau công trường, ngồi xuống. Cậu kéo một tấm gỗ dựng bên vách tường ra để kê đồ ăn, còn mình thì ngồi thẳng xuống đất bắt đầu ăn cơm. Và đến đũa cơm thứ hai, trong đống gỗ nát lấp ló một cái đầu nhỏ đầy lông. Cậu ngẩng đầu lên khỏi cà mèn cơm, liếc nhìn chú mèo lấm lem kia rồi lại cúi đầu chăm chú nhai.


Chú mèo nhìn thấy cậu Ba, bèn nhanh nhẹn chui ra khỏi đống gỗ đi đến ngồi nép bên chân cậu. Cậu Ba không nói gì, chỉ lẳng lặng nhích ra ngoài một chút, chừa chỗ râm mát hơn cho chú mèo nọ. Cậu cứ và ba đũa cơm lại làm rớt một miếng thịt xuống dưới cà mèn trống không trước mặt chú mèo. Đã một tháng rồi, kể từ ngày đầu tiên cậu đi làm ở công trường, kể từ ngày đầu tiên cậu gặp con mèo xấu xí này, ngày nào cậu cũng “làm rơi” thịt cá như thế. Cậu không chủ động gọi nó tới, cũng chẳng đường hoàng nói cho nó ăn, vì nghe thế trông cậu cứ giống như một người tốt. Mà một thằng từng đi tù thì không thể là người tốt được, đúng không? Đừng đến gần cậu. Cậu muốn nói với nó như thế. Nhưng chẳng hiểu vì sao lại luôn có mấy miếng thịt chẹt ngang cổ họng, cậu nói không ra tiếng.


Ăn xong, cậu xếp gọn gàng các ngăn đồ ăn lên nhau rồi cài nút gài lại, dựng miếng gỗ lên tường rồi nhìn chú mèo hết hai giây. Chú mèo hoang nọ cũng không sợ sệt trước ánh nhìn chằm chằm của cậu. Nó khoan thai bước đến, dụi dụi đầu vào mép quần bò cũ dính đầy đất cát. 


“Đi ra chỗ khác.” Cậu xua.


"Meo…" 


"Dơ." Dứt câu. Cậu Ba tránh khỏi cái đầu lắm lông nọ, đưa tay vào túi quần quờ quạng lấy ra gói thuốc lá Hero ra, ngậm lấy một điếu rồi nghiêng đầu châm lửa. 


Một người một mèo cứ yên lặng ngồi với nhau như vậy, mãi cho đến khi cậu Ba dụi tắt điếu thuốc thứ ba. 


"Sao mày còn chưa đi?"


Chú mèo nghe cậu hỏi, bèn nghiêng nghiêng đầu. Kỳ lạ, hôm nay ăn xong lâu vậy rồi mà nó còn chưa đi, cứ ngồi nép bên chân cậu mãi. Nó như quyến luyến, như bịn rịn, lại như đang lấy lòng… Cậu Ba phiền lòng vì chính những suy nghĩ dở hơi của mình. Một con mèo thì biết nghĩ cái gì. Cậu lại đốt một điếu thuốc, thở dài: "Thôi thì ngồi nốt hôm nay. Mai mày đi tìm người khác mà xin ăn."


"Meo, meo, meo!" Chú mèo nhổm dậy, đặt hai chân trước lên bắp chân cậu Ba. 


"Hiểu không? Ngày mai là mày lại thành mèo đói." Nói tới đây, cậu nhẹ giọng. "Vì hết hôm nay là tao đi."


-


Công trình Trường Phát lấy danh là công ty lớn, sẽ trả lương đàng hoàng, có thưởng lễ mà thẳng tay ép lương công nhân xuống mức thấp nhất có thể. Đàn bà một ngày được trăm rưỡi, đàn ông phụ hồ được hai trăm, thợ thì được ba trăm. Công việc không nhẹ nhàng hơn bao nhiêu so với làm cho tư nhân bên ngoài được bao nhiêu. Nhưng được cái họ trả lương đủ. Làm bên ngoài có bị quỵt cũng không biết đi thưa, đi khóc với ai. 


Cậu Ba phụ hồ, mỗi ngày được hai trăm. Vị chi một tháng được sáu triệu bạc nếu không nghỉ ngày nào, không đến trễ, không về sớm, hoặc không bị trừ thứ tiền vô lý nào khác. Sáu triệu cho một người đàn ông độc thân, không có cha mẹ phụ thuộc, coi như cũng đủ sống.  Hôm nay là ngày lãnh lương.  Hằng ngày vào giờ này, ai cũng vội vã chen hàng để chấm công ra về. Giờ lại vui vẻ cười, nghiêm chỉnh xếp hàng nhận tiền.


"Lê Văn Em." Kế toán gọi tên.


"Đây!" Người đàn ông giơ tay, hô lớn, nhanh nhẹn đi đến bên cái bàn kê tạm giữa công trình. 


"Hai mươi bảy ngày. Lương năm triệu tư. Đếm coi đủ chưa." Người phụ nữ đưa xấp tiền qua.


Lê Văn Em kẹp cái nón tai bèo đang cầm trên tay vô nách. Liếm ngón tay, bắt đầu đếm tiền.


"Đủ rồi."


"Bành Thị Lệ." Kế toán lại gọi tên.


"Tới liền!" 


Cứ phát như vậy hết năm mươi người, cậu Ba mới được gọi tên. 


"Làm đủ, sáu triệu. Trừ tiền làm gãy hai cây bay, còn năm triệu sáu." 


"Mỗi cây hai trăm ngàn?" Cậu hỏi lại.


"Chứ sao. Đồ tốt đó."


Cậu Ba liếc mắt nhìn kế toán, cuối cùng vẫn không nói gì, đưa tay nhận tiền. Cậu Ba đếm xoành xoạch. Mắt thấy đủ thì cất tiền vào túi, quay gót định đi. Lúc này, cai thầu đi ra từ phòng bảo vệ, bước đến bên cạnh cậu.


“Chú.” Cậu Ba khẽ chào.


“Ừ.” Cai thầu đáp lại. Mở gói thuốc lá đưa cho cậu Ba. “Làm một điếu?”


Thấy cậu Ba lắc đầu, cai thầu bèn tự mình ngậm một điếu, đốt lửa. Ông rít vào một hơi. Đầu lọc như bị đốt trong ánh lửa đỏ vàng, sợ hãi di chuyển với những hình thù kỳ quái. 


“Mày nghỉ thật đấy à?”


“Con nghỉ thật.”


Trong tiếng bước chân của công nhân đang xếp hàng nhận lương bên cạnh, ông cai thầu thở dài, đặt tay lên vai cậu Ba.


“Mày… ráng sống cho tốt.”


Sống như thế nào thì tốt? Cậu Ba không hiểu, nhưng cũng không hỏi tiếp. Cậu đứng lại, quay mặt nhìn cai thầu: “Cảm ơn chú đã săn sóc con trong thời gian qua.” Ông xua tay. Môi mấp máy định nói gì đó, cuối cùng chỉ thở dài. 


“Con về.” Cậu Ba nói.


“Ừ.”  


"Chú… giữ sức khỏe." 


Ông cai thầu nghe thế giật mình, tay cầm điếu thuốc sững lại mấy giây mới bắt mỉm cười, vỗ bôm bốp vào vai cậu.


-


Sau khi về nhà và tắm rửa, cậu Ba giở chân giường lên lấy chìa khóa cũ. Tra chìa khóa vào hộc tủ cũ ở đầu giường, cậu cầm mấy xấp tiền buộc gọn bên trong ra, gộp chung lại với số tiền mới nhận được. 


“Sáu chục.” Cậu Ba ngã xuống giường, lẩm bẩm. 


Chừng ấy năm qua, cậu chỉ tích góp được số tiền này thôi. Tuy không nhiều, nhưng đã đủ rồi. Cậu đã sớm suy nghĩ về cuộc đời của mình. Một thằng mồ côi, từng đi cải tạo, sống không ai thương, chết có lẽ cũng không ai thương tiếc. Cậu thấy cuộc đời của mình thất bại quá. Và chán nản hơn hết, có lẽ là cảm giác muốn chết cứ vởn quanh cậu như những con muỗi phiền phức sau những năm tháng đấu tranh để được sống.


Cậu gác tay lên trán. Bàn tay xẹt qua vết sẹo lồi xấu xí. Cậu rụt tay lại như bị điện giật. Đối với cậu, thứ mình vừa chạm vào không chỉ là một vết sẹo mà còn là cả một miền ký ức đầy hổ thẹn.  Mười năm trước, khi ấy thế giới còn chưa có ai mang danh cậu Ba với một vết sẹo dài trên trán. Chỉ có cậu thanh niên nhà giàu, phong độ nhưng lại phá phách, ăn chơi. Tuổi còn trẻ, nhưng chưa có gì cậu chưa từng thử qua. Trong đó môn khoái khẩu nhất là đua xe. Mặc kệ sự ngăn cấm của gia đình, mặc kệ tiếng khóc than của mẹ, chẳng có cuộc chơi nào vắng mặt cậu.


Gia đình cậu chuyển từ buồn bã, thất vọng, bất lực đến buông xuôi, bỏ mặc.


Cậu chưa bao giờ nghĩ sở thích của mình là sai, mãi cho tới khi cậu gây ra tai nạn xe, và người bị đâm không qua khỏi. Ngày cậu run rẩy quỳ trước mặt cha mẹ báo tin, mẹ cậu ngất lịm đi. Còn cha, ông run rẩy đứng dậy, lại tức giận chỉ vào mặt cậu bảo từ con. Khi ấy, lần đầu tiên trong đời, cậu rơi nước mắt. Cậu lãnh án tù ba năm, và đền bù tiền cho gia đình người bị nạn. Năm thứ hai sau khi vào tù, mẹ cậu mất. Sau đó nửa năm, cha cậu cũng đi theo mẹ. 


Ngày cậu hết hạn tù, trong nhà chỉ có hai di ảnh đang mỉm cười chào đón. Cậu quỳ xuống trước bàn thờ, nhưng không rơi được một giọt nước mắt nào. Mắt cậu ráo hoảnh, tâm hồn cũng như đã cạn khô. Cậu xứng đáng với mọi hình phạt cho tội lỗi của mình, nhưng hình phạt đó không nên bao gồm cả hai chữ “mồ côi”...


-


Cứ thế mười năm, cậu cúi đầu lủi thủi, cố gắng sống thật tốt. Cậu nên sống tốt, cha mẹ ở nơi kia mới không phải lo lắng thêm gì cho đứa con bất hiếu như cậu nữa. Hôm nay, cuối cùng cậu cũng tích góp đủ số tiền năm đó cha mẹ phải trả cho lỗi lầm của cậu. Tiền tích đủ rồi, nhưng cha mẹ không thể nhận được nữa. Cậu Ba nhìn trân trân lên trần nhà. Trong mắt cậu trào ra những giọt nước mắt đầu tiên trong mười năm qua.


Mười năm, cậu bị người khác bàn tán, chỉ trỏ, mắng nhiếc cũng không rơi một giọt nước mắt. Vậy mà hôm nay chỉ nằm yên đó thôi, cậu cũng khóc như muốn trút ngược ruột gan ra ngoài. Cậu co người lại như một con tôm bị luộc chín, mất đi sự sống.

Cậu cứ nằm im thế đến khi màn đêm nuốt chửng tất thảy mọi thứ. Lúc này, nước mắt đã cạn, tâm trí cậu cũng minh mẫn lại đôi phần. Phần tiền này, có lẽ cậu sẽ mang đi ủng hộ người nghèo. Nhà của cha mẹ, cậu không có quyền định đoạt, thôi thì cứ để vậy. 


Mai, ngày mai… Cậu sẽ đến công trình cho con mèo ngu ngốc kia ăn lần cuối. Sau đó, cậu sẽ đi tìm cha mẹ của mình.


-


Chẳng biết có phải vì mệt mỏi hay không, cậu Ba ngủ tới gần trưa mới tỉnh. Sau đó, cậu chuẩn bị hẳn một bịch thức ăn to cho mèo, mang đến công trình. Thỏa thuận vài câu với bảo vệ, cậu Ba được đi vào. Bình thường, người ngoài không được tự ý vào công trình. Nhưng cậu Ba lại viện cớ quên đồ một hồi, bảo vệ mới miễn cưỡng cho vào. Đã vậy còn nhìn chằm chằm cậu.


Cậu mặc kệ ánh nhìn ấy, đi xăm xăm về phía cửa sau.


"Ê?" Cậu ngồi xuống, ngó vào đống gỗ gọi.


"Meo?" Chú mèo ló đầu ra nhìn. Như là nhìn thấy người quen, nó nhanh nhẹn lách mình ra khỏi đống gỗ, chạy đến dụi vào chân cậu.


Cậu Ba không kiềm được, đưa tay xoa xoa lông nó một hồi mới xé bịch thức ăn để vào đống gỗ.


"Cái này mày để dành ăn. Ăn hết thì đi ra xin người khác. Này, người đấy đấy." Cậu Ba xoay người chỉ về phía bảo vệ. "Mày cứ đi đến đó mà xin."


Chú mèo không đáp. Nó càng tiến lại gần cậu hơn. Lần này, nó bạo dạng, trèo hẳn vào lòng cậu. Cậu Ba đang thao thao bất tuyệt bỗng dừng hẳn lại, nhìn đám lông trong lồng ngực của mình. Khóe mắt như lại cay nồng. Đã lâu rồi, đã rất lâu rồi, chả có ai đến gần cậu như vậy cả.


"Đi xuống đi." Cậu sụt sịt. "Mày phải sống… cho tốt."


Cậu chẳng hiểu sao mình lại khuyên nó sống cho tốt với hoàn cảnh khó khăn hiện tại của nó. Lời khuyên ấy chỉ như một thói quen. Nó vụt ra khỏi miệng rất nhanh, không sao kiểm soát được. Ngồi một lát, đến khi bảo vệ vào giục, cậu mới bắt chú mèo đang bám trong lòng mình ra. Chú mèo thấy cậu đi cũng nhanh nhẹn chạy theo.


Lạ quá. Thường ngày nó sợ người lạ nhất, vậy mà hôm nay lại nằng nặc đòi theo cậu.


Cậu Ba dừng lại, quát nó: "Đừng có đi theo!"


"Meo!" Chú mèo như cãi lại.


"Thôi thì cậu bắt nó về luôn đi. Ở đây thể nào cũng chết. Không chết đói thì chết rét."


Nhưng về với cậu, nó cũng chết thôi. Chính cậu cũng sắp chết đây này! Cuối cùng, dưới sự đeo bám của chú mèo, cậu chịu thua. Lúc cúi người xuống ôm lấy nó, cậu nghĩ, thôi thì mang nó tặng cho nhà nào thích mèo vậy. Cứ thế, cậu ôm chú mèo nọ về nhà. Cứ thế, chú mèo làm ổ trong nhà cậu vì chẳng ai chịu nhận nuôi.


"Nuôi mèo nghèo lắm."


"Mèo nó có biết giữ nhà như chó đâu."


"Ôi, nuôi tốn cơm."


Những lời ấy đẩy chú mèo về phía cậu, không gỡ ra được. Bất tri bất giác, kế hoạch của cậu bị trì hoãn một tuần. Ngày nọ, khi cậu và chú mèo ngồi nhìn màn mưa rơi trước mái hiên, bỗng cậu nói:


"Hay là… tao cố gắng ở lại cho tới khi mày đi?"


"Meo." Chú mèo liếm liếm chiếc móng béo múp của mình.


"Vậy tao đặt cho mày một cái tên vậy. Tên là… An đi."


Chú mèo ngước mắt nhìn cậu, còn đuôi thì phe phẩy qua lại như đồng ý.


"Còn tao… tao tên… Hiếu. Một thằng bất hiếu lại có tên là Hiếu. Đứng là buồn cười mà."


An đang ngồi trên bàn bỗng rướn người dậy, bò đến nằm gọn trong lòng của cậu Hiếu. Đôi lúc, An làm cậu ảo giác như nó nhìn thấy những thứ vô hình. Như nỗi buồn, như cái chết. Cậu không thể nào chứng minh suy nghĩ của mình là đúng hay sai. An cứ thế sống ở nhà cậu. Ngoài ra, cậu còn nhặt về thêm rất nhiều những con mèo lang thang, mèo bị bỏ rơi ngoài đường về nuôi bằng số tiền vốn để "trả nợ" kia.


Bọn nhỏ làm cậu quên đi hoàn toàn kế hoạch ban đầu của mình.  Hoặc giả là cậu nhớ, nhưng cậu không muốn làm nữa. Vì lúc này, cậu chẳng còn đơn côi một mình nữa.


- HẾT -