9
2
1052 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Có một đêm nọ ở Quy Nhơn


Có một đêm nọ ở Quy Nhơn, bầu trời đầy sao và không khí thì trong lành. Gió biển cuộn hơi muối mằn mặn lùa vào tầng thượng chiếc homestay mà chúng tôi đang trú. Khuya, con đường vắng vẻ nằm bất động giữa hai hàng bông giấy lặng nghe tiếng dế kêu, cũng như chúng tôi. Đó là một dịp hiếm hoi mà chúng tôi đủ can đảm để sắp xếp lấy vài ngày nghỉ, chạy trốn sự nhộn nhịp của Sài Gòn.


Anh chủ nhà và mấy vị khách khác vừa kết thúc cuộc trò chuyện của họ, về những điều mà chúng tôi cảm thấy khó lí giải ở độ tuổi đôi mươi. Anh ta là một nhà thiết kế đã “về hưu sớm”, còn vị khách nọ là một người phụ nữ trung niên miền Bắc dắt đứa con trai đi phượt khắp Việt Nam. Họ nói về nghệ thuật, về kiến trúc, về hải sản tươi sống và cách lựa rau củ khi đi chợ. Họ nói về triết lý sống của bản thân, về sự từ bỏ một công việc tháng vài chục củ để đổi lấy chút thời gian nhìn thấy mặt trời lên mỗi ngày. Họ cũng nói về những con người chúng tôi không quen, một chú họ hàng đã bắt đầu kinh doanh online, một ông sếp trẻ từ chức ở công ty ngoại quốc để bắt đầu lại như một thợ chụp ảnh tầm thường, một đứa cháu gái sắp tốt nghiệp Đại học và có ý định về quê cưới chồng sau bốn năm miệt mài đèn sách. Thi thoảng, họ sẽ dừng lại và nhìn sang chúng tôi, hai con người chỉ muốn lẩn vào cảnh đêm, tâm hồn mải rong chơi ở bên kia bờ biển. Có vẻ họ định hỏi han gì đó, rồi lại thôi.


Khi không gian trở về với sự tĩnh lặng hoàn toàn, tôi đã buông một tiếng thở dài. Bạn tôi thì nhìn tôi rồi bật cười. Nó là đứa duy nhất hiểu được những gì đang diễn ra trong đầu tôi, tôi đoán vậy.


Từ khi còn bé, tôi đã được kỳ vọng sẽ đạt được những điều lớn lao. Thầy cô nói rằng tôi có nhiều năng khiếu, vậy nên tôi đã tham gia rất nhiều cuộc thi. Trong ấn tượng của những người hàng xóm và họ hàng, tôi là chuẩn mực để tụi nhỏ noi theo, chăm chỉ, ngoan ngoãn và có nhiều thành tích. Trong cách nhìn nhận của bạn bè, tôi là đứa có thể gánh cả trời đất, có thể đối mặt với mọi khó khăn mà không nghĩ đến sự sợ hãi hay chùn bước. Tốt nghiệp xong, tôi tìm được một công ty tốt, thu nhập ổn định, thăng tiến cũng nhanh hơn người ta. Đó cũng là lúc tâm hồn tôi bắt đầu gào thét, yêu cầu tôi phải dừng lại trước khi bị những kỳ vọng giết chết. Và trước sự ngạc nhiên của tất thảy mọi người, tôi dừng lại thật.


Tôi trở về quê và tìm một công việc văn phòng lương ba cọc ba đồng. Tôi bắt đầu viết, dù việc ấy không thật sự mang lại lợi ích kinh tế. Tôi dần trở thành một sự tồn tại khác hoàn toàn với những gì tôi đã cố gắng làm trước đây. Tôi trở nên nhỏ bé, bình thường, trở thành một “người trẻ không có ý chí cầu tiến”, dần tụt lại so với bạn bè và những đứa em tốt nghiệp sau tôi.


“Rồi sớm muộn gì mày cũng về lại Sài Gòn.” Đây là câu mà tôi nghe được nhiều nhất. Tôi tự hỏi, tại sao vậy? Ngay cả khi tôi không thật sự nói ra điều đó, họ vẫn sẽ cho tôi rất nhiều lý do. Tôi đoán rằng chúng ta đều từng nghe qua mấy câu chuyện phấn đấu giống như tàn tích sót lại từ giấc mơ dở dang của họ, giấc mơ “sống hơn người”. Tiếc rằng đó không phải là giấc mơ của tôi. Giấc mơ dở dang của tôi là câu chuyện kỳ ảo viết chưa xong, là bữa cơm gia đình và những trò đùa thường ngày nhạt nhẽo, là có thể trồng được một bụi xương rồng, uống một tách cà phê tự pha. 


Giống như cảnh đêm được đan từ những đốm sáng li ti, hạt cát nhỏ đắp thành bờ biển rộng, tôi đã bắt đầu lại từ những thứ vụn vặt, những thứ có vẻ như vô giá trị với nhiều người. Và tôi đã được cứu sống theo cách đó. Tôi đồ rằng, đã đến lúc học cách nhìn gần hơn và bao dung với chính mình hơn. Như trước khi phượng hoàng sống lại, nó phải chết đi, tôi cho rằng con người cũng thế, muốn làm lại những điều dang dở, đôi lúc phải chấp nhận việc khác sẽ dở dang. Muốn bản thân trở thành một thực thể khác đi, thì không thể luyến tiếc khuôn mẫu trong quá khứ. 


Trong những giấc mơ của mình, tôi vẫn thấy bãi biển Quy Nhơn đêm ấy, với bầu trời đầy sao, hàng bông giấy lặng im bên con sóng rì rào vỗ, với mặt trăng bàng bạc trên đầu và cảm xúc rạo rực khi đến thăm mộ phần của nhà thơ tôi yêu. Tôi cũng mơ về những nghĩa trang kỳ lạ, nơi mọi người ngồi bên bia mộ, vui vẻ cười đùa, trao nhau những bó hoa tươi, sau đó vẫy tay chào tạm biệt người đã khuất với một niềm hân hoan. Rồi từ những nấm mồ ấy mọc lên các loài thực vật xinh đẹp diệu kỳ, hoa nở mịn như bông gòn, trái trĩu ngọt như kẹo dẻo. Ánh mặt trời ấm áp chảy qua vai tôi tựa sự động viên từ một người bạn lâu nay tôi đánh mất.


Khi những đau buồn của đoạn kết trôi qua, lòng người cũng sẽ đủ rộng rãi để chào đón một khởi đầu đẹp đẽ hơn. Bao giờ cũng vậy, cuối giấc mơ ấy, người bạn kia sẽ mỉm cười với tôi mà nói rằng: “Miễn là cô thấy vui vẻ thì không sao, xứng đáng rồi!”