bởi Dương

13
2
3084 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Con về rồi!


Tôi bước ra khỏi cửa nhà, thời tiết Sài Gòn hiện tại đang rất lạnh, từng cơn gió bấc cứ đua nhau kéo về. Ra khỏi ngõ nhà, nhìn chung quanh hình như cũng đã có chút khác so với thường ngày. Những cửa hàng trên phố bắt đầu treo những câu đối đỏ, mọi gia đình đều đang tất bật sửa sang nhà cửa cho kịp Tết tới. Tôi bước chậm lại, ngoái đầu nhìn một chút, bầu không khí cận tết làm cho tôi cay xè nơi chóp mũi. Cảm giác nhớ nhà từ từ trỗi dậy, chiếm lấy tâm trí tôi. Hít một hơi thật sâu, cố bình ổn lại tâm trạng, tôi lại vội vã đi đến chỗ làm.


"Hôm nay là 26 tết rồi có ai đã mua vé xe chưa?" - Đó là câu hỏi của một chị làm chung với tôi.


Hôm nay là 26 rồi sao, tôi cứ tưởng chưa tới 23 cơ đấy. Mà không biết ở quê nhà tôi đã sao rồi, ngoại đã gói bánh tét chưa hay vẫn còn loay hoay dọn dẹp nhà cửa, không biết cha mẹ đã sắm sửa được gì chưa? Bao lâu rồi tôi không về quê nhỉ? Hai năm hay ba năm? Không, chính xác là bốn năm. Là bốn năm tôi ở mọi chỗ lạ này lẫm vật lộn với đống công việc, là bốn năm không được nghe hơi ấm gia đình, là bốn năm không nghe được giọng nói của những người thân yêu.


Tôi nhớ nhà, nhớ người thân. Nhớ cảnh nơi đó có mai vàng nở rực sáng một vùng trời, và mâm cổ bày đủ các loại quả. Vẫn nhớ cách trưng bày mâm quả truyền thống "Cầu dừa đủ xoài" nhưng ông tôi lại vui tính hay bẻ thêm mấy nhành sung để lên mân quả nên đọc là "Cầu dừa đủ xoài sung" (Cầu vừa đủ xài sung). Cách trưng bày của ông tôi như thể chủ ý châm biếm sự hoang phí, xài tiền như nước của mọi người trong nhà. Khuyên nhủ cần phải xài có tiết kiệm, cho hợp lý mới có của ăn của để. Lúc mới thấy cách trưng này, tôi vẫn hay thắc mắc, nhưng khi nghe giải mới biết ý nghĩa của nó. 'Cũng hay hay đấy chứ!'


Ông tôi vui tính thế đấy, nhưng còn bà tôi thì khác. Bà tôi trái với ông tôi, bà tôi nghiêm khắc, kĩ tính hơn ông nhiều lắm. Mỗi lần bà và mẹ gói bánh tét thì tôi chẳng bao giờ đụng tới, kẻo vụng về làm đổ tháo thì bị mắng cho tét tát. Đó là suy nghĩ của tôi thôi, nhưng mẹ tôi lại bảo bà dễ tính lắm. Lúc trước mẹ cũng giống tôi hậu đậu đụng đâu hư đó, bà chỉ nói chứ không có la mắng hay đánh đòn như tôi hay nghĩ. Tuy nghe mẹ nói vậy nhưng tôi vẫn thấy sợ nên cũng chẳng dám bén mảng tới chỗ làm bánh bao giờ. Thế là tới giờ vẫn chưa gói được bánh.


"Này, sếp kêu em vào có việc đấy." - Chị thư kí gọi tôi. Chị ấy lớn hơn tôi hai tuổi, cũng phải làm xa nhà giống tôi, nhưng khác tôi là năm nào chị ấy cũng về quê cả.


Tôi cầm trên tay một xấp hồ sơ, nhanh chóng bước vào phòng của tổng giám đốc. Tôi cuối người xuống thay cho một lời chào, ông dùng bàn tay hướng về phía sofa ý chỉ tôi ngồi xuống. Tôi ngồi trên ghế dài còn ông ấy thì ngồi ở ghế ngắn đặt đối diện. Giọng ông nghiêm nghị:


"Cô chuẩn bị xong rồi chứ, hai ngày nữa chúng ta sẽ xuất phát."


"Dạ xong rồi, nhưng tôi..." - Tôi thấy có chút nghẹn ở họng.


"Vấn đề gì?" - Ông ấy hơi cau mày.


"Dạ vâng... không gì ạ." - Giọng tôi nhỏ dần.


Vậy là năm nay cũng vậy, cũng chẳng được về quê ăn Tết. Cũng lại một lần nữa thất hứa với mẹ, với gia đình.


.


Hôm nay là ngày 27, tức là ngày công ty tôi đã cho nhân viên nghĩ ăn Tết hết rồi, nhưng trừ tôi ra. Trong công ty chỉ có lác đác vài bác lao công đang bận bịu dọn dẹp nhưng chắc ngày mai thôi họ cũng được nghĩ rồi. Màu không khí bây giờ vừa ảm đạm, vừa vắng vẻ. Khác hẳn với cảnh náo nức rộn ràng khi Tết đến ở làng quê. Tôi trở về nơi làm việc của mình, ngồi xuống lôi xấp hồ sơ ra làm cho xong để còn bắt đầu chuyến đi công tác "dài" hạn. Chuyến công tác kéo dài bảy ngày, lúc về chắc cũng đã là mùng bốn. Tôi thở dài, tiếng thở mang sự mong mỏi, nhớ nhung. Tết của người ta là dành cho gia đình còn Tết của tôi là dành cho những chuyến công tác xa nhà.


Một xấp rồi hai xấp cứ như thế tôi đã giải quyết xong. Nhìn đồng hồ bây giờ cũng đã hơn bảy giờ tối và cái bụng của tôi đã réo lên tự khi nào. Dọn dẹp gọn gàng hết mọi thứ trên bàn tôi quyết định đi ăn tùy tiện một thứ gì đó để lót dạ, chứ không có tâm trạng nấu nướng bây giờ.


Ra khỏi công ty, lang thang trên phố, ánh đèn bây giờ lung linh huyền ảo. Chốn thành thị này đông đúc, náo nhiệt thật. Nó là nơi khiến con người ta dễ dàng hòa nhập vào công việc và cũng khiến người ta cảm thấy mệt mỏi với công việc đấy.


Tôi chẳng hiểu lý do gì mà tôi lại bám miết cái thành phố này nữa. Chỉ nhớ hồi nhỏ cứ mơ ước lên thành phố sống, thích cảnh nhộn nhịp xoa hoa của thành phố. Mơ ước được xa gia đình, được tự do muốn làm gì cũng được mà không phải hỏi ý kiến của người thân. Nhưng rồi thì sao? Chẳng phải cái thành phố này bào mòn thể xác lẫn tâm hồn tôi sao. Nơi đây giờ với tôi chỉ là một mớ áp lực, một vùng trời cô độc khiến cho tôi ngột ngạt, khó thở. Như chú chim bị nhốt vài lồng kính.


 Tự nhiên tôi cảm thấy ghét cái thành thị này (nơi mà tôi đã cương quyết phải lên đây lập nghiệp cho bằng được), ghét cả ngôi nhà nơi tôi đang sinh sống ở mảng đất lập nghiệp (là ngôi nhà mà tôi tích góp hơn hai năm mới có được), ghét cả công việc tôi đang làm (là công việc tôi tâm huyết trau dồi học tập). Ngay lúc này tôi muốn về nhà như bao người khác, nhưng có lẽ chẳng được đâu.


Dừng chân ở quán nhỏ bên lề đường, gọi là quán nhưng thật ra cũng chỉ là vài cái bàn, vài cái ghế được xếp thành hàng, và một chiếc xe đẩy đã cũ là nhà bếp. Ngồi một nơi như thế này quan sát một chút sẽ thấy những chiếc xe khách đông hơn bình thường. Trong xe là những người giống tôi, cũng có thể. Họ đang náo nức, bồn chồn, có lẽ vậy. Họ vui mừng, mong được về quê gấp, chắc đúng. 'Họ giống tôi mà cũng khác tôi!'


"Cho con tô hủ tiếu."


Trước cái không khí cận tết này thì chắc hẵn ai cũng muốn ăn những đồ ăn vừa nóng, vừa có nước để ấm bụng. Nhưng vệ đường bên kia lại có một ông lão đang cầm trên tay ổ bánh mì, nhìn cách ông lão đó ăn ổ bánh mì lạnh lẽo, khô khốc đó một cách ngấu nghiến ai cũng đoán được ông ta đã nhịn đói rất lâu. Nhìn ông ấy một chút tôi phát hiện rằng ông ấy không có nhà, vì tấm chăn mỏng đang lót ở trong bậc cửa tiệm có mái che kia là chỗ ngủ lí tưởng của ông.


Có lẽ tôi rất cũng thật giống với ông ấy, kẻ cô độc không thể về nhà cũng chẳng khác gì là một người vô gia cư.


Thôi, không để ý những thứ xung quanh nữa vì càng để ý sẽ càng muốn về quê và hậu quả sau đó là tôi sẽ trở thành một đứa thất nghiệp.


.


5 giờ sáng. Tiếng chuông báo thức cứ réo liên hồi khiến tôi không thể ngủ được thêm tí nào nữa. Nhờ có tiếng chuông ấy mỗi ngày mà tôi không trễ giờ làm, và hôm nay nhờ nó mà tôi sẽ không bị lỡ chuyến bay. Chuyến bay của cô gái đi công tác.


Sửa soạn mất ba mươi phút, mà cũng chỉ một cái áo thun trắng, chiếc quần jean dài. Tôi kéo vali ra khỏi ngõ, leo lên chiếc taxi đã gọi cách đó vài phút.


"Cô muốn ra bến xe phải không?" - Bác tài xế hỏi.


Tôi ngây người trước câu hỏi đó, bác nói thêm.


"Tại mấy ngày nay nhiều người ra bến xe về quê ấy mà."


"Bác chở tôi ra sân bay."


Câu nói yêu cầu của tôi khiến bác nở một nụ cười. Nụ cười ý chỉ chế nhạo tôi rằng: Kẻ nhà giàu muốn 'về quê' bằng 'máy bay' cho sang chứ không phải về bằng 'xe khách' tầm thường.


Hai câu nói của bác lái xe khiến tôi có chút chạnh lòng, tôi cũng muốn về quê lắm chứ, muốn giữ lời hứa với mẹ. Nỗi khổ của người làm ăn xa là nhớ gia đình, nhớ nhà, nhớ quê. Tôi càng cảm thấy có lỗi hơn khi hiện tại lúc này chiếc điện thoại lúc này đang có người gọi đến là mẹ tôi.


"Con nghe đây mẹ!"


"Con tính khi nào về để ba ra đón. Năm nay làng mình đông ghê lắm. Mấy đứa đi làm xa giống con nó cũng về quê hết rồi đấy." - Giọng mẹ rõ ràng mạch lạc, mang chút hi vọng.


"Mẹ à! Năm nay con bận công tác rồi, nên không về được." - Mắt tôi đã rưng rưng.


"Vậy à! Vậy thôi con... con cứ lo công việc đi. Sự nghiệp quan trọng mà. Khi nào con rảnh nhớ về đấy!" - Lần này không còn rõ ràng mạch lạc như câu nói trước, giọng mẹ tôi có chút nghẹn, như muốn khóc.


"Vậy thôi nha mẹ."


Tôi vội tắt máy. Lúc này trong mắt tôi có thứ nước gì đó vừa trong suốt, mặn chát, có cả nhớ thương và uất ức tràn ra. Lúc này tôi cũng không thấy bác tài cười nữa mà ông chỉ lắc đầu, ngao ngán.


.


"Tới sân bay rồi của cô 100 ngàn."


"Của bác đây."


Tôi bước xuống xe, không khí trong sân bay càng khiến tôi muốn quay về nhà hơn nữa. Những người ở nước ngoài xa nửa vòng trái đất còn có thể về sum họp, còn tôi chỉ cách có mấy trăm ki-lô-mét mà chẳng thể về được. Đi sâu hơn vào trong tôi gặp được sếp tôi, ông ấy đứng đấy mặc vest màu đen trông rất chỉnh chu.


"Chào sếp."


"Sếp gì mà sếp, khi nào gặp khách hàng hay ở công ty hãy kêu vậy. Tôi lớn hơn cô có vài tuổi kêu bằng anh được rồi."


"Vậy ta vào trong để soát vé được rồi chứ."


"Ừm cũng sắp tới giờ rồi vào trong đi."


Chúng tôi vào trong kiểm tra vé và xác định được thông tin chuyến bay phải hoãn lại hai tiếng. Thấy vậy, tôi và sếp tôi ghé vào khu bán thức ăn sáng trong sân bay. Cả hai ăn trong im lặng, không ai nói với ai một lời, chắc tại tôi ít tiếp xúc nhiều với mọi người trong công ty nên đâm ra chẳng ai muốn nói chuyện với tôi và tôi cũng chẳng muốn trò chuyện với ai. Nhưng sau đó thì tên sếp của tôi bất ngờ bắt chuyện:


"Đi công tác vào mấy dịp này có nhớ quê không?"


"Tính luôn năm nay thì tôi không về quê bốn năm rồi."


"Sao lại không về, bộ không nhớ nhà sao?"


"Nhớ chứ, nhưng năm nào cũng bận cả núi công việc nên chẳng được về. Năm nay tôi tính về nhưng lại mắc chuyến công tác đâm ra chẳng thể về." - Tôi chợt nhận câu nói đó như đang trách người chung bàn, nên thẹn mà cúi mặt xuống.


"Tôi có trách cô đâu mà cô sợ, sao cô không kháng lại những mệnh lệnh của tôi." - Chân mày của sếp tôi hơi cau lại.


"Tại tôi sợ mất việc."


"Mất việc?"


"Đúng vậy! Ở trên đây rất khó kiếm việc làm. Với lại công việc của tôi đi xin chỗ nào cũng dư người chẳng ai nhận cả."


Anh ta bật cười:


"Cô làm như tôi khó tánh lắm không bằng."


Tôi hơi ngượng nhưng thôi cũng nở một nụ cười cho vui vậy. Tôi hỏi rằng ông ấy có nhớ quê không. Nhưng tôi lại nhận một câu trả lời không mong muốn.


"Tôi là trẻ mồ côi, ba mẹ tôi đã bỏ tôi trước cổng chùa. Tôi lớn lên với các Sơ trong ấy. Các Sơ thương tôi lắm, họ dạy tôi cách làm người, dạy tôi con chữ, cho tôi ăn, cho tôi học. Họ chẳng khác gì cha mẹ của tôi cả, có khi hơn..."


Trong đôi mắt ấy như có những tia buồn bã, lạnh lẽo. Những giọt nước trực chờ nơi khóe mắt. Lại một kẻ đón tết một mình.


"Kể cho tôi nghe về quê của cô được không?"


"Anh muốn nghe?"


"Đúng."


Tôi kể lại rành mạch từng con đường, hàng cây của làng tôi của bốn năm về trước. Kể về những mùa hè ra đồng chơi, xuống ao bắt cá. Kể về mùa thu có những cậu nhỏ đua nhau tới trường. Kể về mùa đông lạnh lẽo có hơi ấm gia đình. Kể về mùa xuân họ cùng nhau đi chúc tết. Kể rất nhiều nhưng lại chẳng kể về gia đình vì tôi mà kể thì một lát sếp tôi sẽ đi công tác một mình.


Ngồi đấy nói chuyện một lúc lâu thì:


"Cô có muốn về quê ngay bây giờ không?"


"Anh chớ đùa, tôi đang đi công tác với anh mà?"


''Chuyến bay A1 15 đi Băng Cốc Thái Lan sẽ bị hủy vì thời tiết không được ổn định. Xin nhắc lại chuyến bay A1 15...''


"Tới ông trời cũng muốn cô về quê."


"Có lẽ vậy. Tạm biệt anh!"


Tôi đi nhanh ra khỏi sân bay, gọi điện thoại đặt một chiếc xe.


.


Bước xuống xe hít một hơi thật sâu, cảm nhận một chút, chợt thấy không khí ở đây và thành thị khác nhau xa quá. Nơi đây có sự thân quen, dễ chịu đến kì lạ. Lần này về gấp quá chẳng kịp báo nên chẳng ai ra đón, ở đây vào làng tôi không xa lắm nên tôi vừa kéo vali vừa tản bộ về nhà.


Nơi đây khác bốn năm trước nhiều lắm, con đường vẫn nhỏ nhưng không còn là đường đất mà là đường đan xi măng. Không còn bến đò nhỏ chạy qua sông mà là cây cầu vững chắc đủ an toàn để đi qua. Tôi còn nhớ khi nhỏ hay ra bến đò chơi, ở bên đây bến là một cây đa cổ thụ rất to, che một vùng mát rượi, nhưng nay đã không còn mà chắc họ đã chặt bỏ để tiện cho việc xây cầu.


Bạn biết không khi bạn về quê trong lòng sẽ khác hơn ở quê nhiều. Tôi thấy trong lòng cứ nôn nao khôn xiết, bồi hồi, náo nức như chỉ muốn chạy thẳng một mạch về nhà. Tuy nhiên cái thể diện của tôi bắt mình phải điềm đạm đi từ từ về nhà, không được vội vàng quá người ta sẽ đánh giá.


.


"Ba mẹ ơi con về rồi đây!" - Tôi gọi thật to, trên môi cứ nở nụ cười mãi. Cảm giác thật thoải mái, bình yên đến lạ. Đúng là đi đâu cũng không bằng nhà của mình.


Từ trong nhà, mẹ tôi chạy nhanh ra tiếp sau đó là bà ngoại. Mọi người ai cũng bất ngờ trước sự hiện diện của tôi cả. Chắc chẳng ai nghĩ tới việc rằng tôi sẽ về.


"Con bảo con... con..." - Mẹ tôi bất ngờ đến nỗi không thốt thành lời. Tôi thấy có giọt nước hạnh phúc đã trào ra trong khóe mắt của mẹ. Có phải mẹ của con đã mong giây phút này lâu lắm rồi không?


"Tại con muốn cho mọi người sự bất ngờ đấy."


"Cha tổ nhà bây." - Bà tôi cũng giống mẹ tôi. Nhưng bà không khóc mà nở một nụ cười không thể tươi hơn được nữa.


"Ông ơi con nó về rồi này!"


.


Gia đình là nơi cho ta hạnh phúc, tiếng cười, tình yêu thương vô bờ bến. Là nơi cho ta cái ăn, cái mặc. Là một tổ ấm chứa đựng những con người luôn muốn những điều tốt đẹp dành cho ta. Là một bức bình phong vững chắc để ta sải bước trên đường đời mà chẳng lo âu hay nghĩ ngợi. Vậy tại sao ta chẳng thể về để cùng gia đình ăn một bữa cơm tất niên? Tại sao cứ tìm điều bình yên ngoài nơi sóng gió đầy rẫy cám dỗ mà quên mất nơi bình yên nhất là nhà? Bạn cứ than trách số phận mình sao bi ai đến nỗi không một ai hiểu và thương lấy mình, vậy bạn có từng nghĩ gia đình luôn là nơi bao dung, thấu hiểu bạn chỉ cần bạn quay đầu nhìn lại?


Cận tết rồi, vậy các bạn ở xa đã cầm trên tay một chiếc vé xe chưa hay vẫn còn loay hoay ngoài xã hội. Nếu muộn phiền thì hãy về nhà đi, nơi đó luôn có người chờ đón ta trở về.


"Đối với tôi mùa Xuân là mùa của gia đình còn bạn thì sao?"

___


31/12/2018 - 3/1/2019