Cúc họa mi đã nở hay chưa
Tôi không nhớ rõ đó là ngày nào, chỉ nhớ đó là tháng sáu, thời điểm mà chẳng ai muốn ra đường vì cái nắng như đổ lửa và những cơn gió Lào đã rình sẵn sẽ ập tới và sẽ xô thẳng vào người ngay khi ta vừa rón rén bước chân ra khỏi nhà. Nhưng tháng sáu thì cũng thật đẹp và hoài niệm. Nó luôn khiến tôi nhớ đến nụ cười của Duyên và ánh mắt long lanh chất chứa những khát khao cháy bỏng khi em nhìn tôi mỗi dạo tôi ghé thăm. Tôi luôn nghĩ về Duyên bằng lòng ngưỡng mộ và trân trọng, đôi khi dường như mỗi phút giây tôi đều mong mỏi được gặp em và trông thấy em một lần nữa. Giá như có ai đó ban cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước cho Duyên được tiếp tục nở nụ cười.
Tháng sáu năm ấy, tôi còn là một sinh viên trường mỹ thuật ở thành phố, được nghỉ hè nên về quê chơi. Quê tôi vốn là ngôi làng có truyền thống trồng hoa lâu năm nên người ta vẫn gọi là làng hoa Yên Thanh. Về đây không chỉ được tận hưởng cuộc sống bình yên mà còn giúp cho những đứa thích cầm bút vẽ như tôi tìm được cảm hứng sáng tạo. Quả thực, làng khi nào cũng đẹp, cũng rực rỡ và đầy ắp hương thơm của hoa cỏ. Tôi đã định chỉ ở đây một tháng rồi lại lên thành phố nhưng có nhiều thứ đã níu tôi ở lại quê lâu hơn.
Tôi về nhà được hơn một ngày thì mẹ bảo tôi qua chào hỏi hàng xóm. Trên đường tôi có gặp cô Loan, một người hàng xóm rất thân thiết với gia đình tôi. Tôi thấy lạ khi trước kia cô Loan vốn là người hay nói hay cười bây giờ trông thấy tôi lại chỉ gật đầu chào một cái rồi vội vã bỏ đi, giống như là muốn tránh mặt. Cái Duyên con gái cô hồi tôi còn ở nhà vẫn thường tíu tít chạy theo tôi đòi xem tôi vẽ tranh thế mà nay tôi đã về được gần hai ngày vẫn chẳng thấy bóng dáng em đâu. Tôi dám chắc là có chuyện rồi nên mới gặng hỏi mẹ. Mẹ tôi bảo cái Duyên đã ung thư giai đoạn cuối rồi. Tôi bàng hoàng lắm, sao lại nhanh thế được, Tết tôi về nhà còn thấy em đang khỏe mạnh lắm mà. Hóa ra từ năm ngoái em đã đau ốm liên tục, cô Loan đem Duyên đi khám và đã biết chuyện rồi mà cô giấu mọi người, giấu cả con bé để em không buồn. Nay bệnh đã trở nặng nên không thể tiếp tục giấu được nữa. Nhà cô Loan trước nay đã đủ thứ chuyện rồi bây giờ lại gặp phải tai ương như vậy, khó trách cô không muốn gặp gỡ bà con hàng xóm.
Biết chuyện rồi tôi liền sang thăm cái Duyên. Nhà chỉ có hai mẹ con trước đã vắng vẻ nay lại còn quạnh hiu hơn, bầu không khí ảm đạm trùm lên căn nhà nhỏ. Cô Loan buồn nhiều, cứ nhắc đến cái Duyên là lại muốn khóc, không thể kìm lòng được, vậy nên tôi chẳng dám hỏi gì nhiều. Chính tôi cũng suýt rơi lệ khi trông thấy dáng người em nhỏ bé, yếu ớt nằm trên giường với cái mũ len giấu đi mái đầu chỉ còn lại lưa thưa vài sợi tóc. Duyên trông thấy tôi thì mừng lắm, em mỉm cười, gắng gượng dậy dù những cơn đau đang dày vò thân xác. Nụ cười của em không còn tươi rói như ngày nào mà đã điểm thêm vài phần mệt mỏi. Duyên nói em nhớ tôi, em muốn tôi ở đây thật lâu và vẽ tranh cho em, còn muốn tôi dạy em vẽ. Tôi đương nhiên đồng ý, nếu còn thể làm gì giúp cho Duyên vui tôi nhất định sẽ làm để tôi sẽ luôn được trông thấy nụ cười của em cho đến những ngày cuối cùng. Kể từ hôm ấy, ngày nào tôi cũng sang chơi, đem theo cả giấy, bút và màu vẽ. Thường thì Duyên chỉ nằm im quan sát tôi vẽ tranh nhưng những lúc cảm thấy khỏe, em lại đòi học vẽ. Thỉnh thoảng em lại tâm sự vài chuyện vụn vặt với tôi, em nói em muốn đi học, đã lâu lắm rồi em chẳng được cùng bạn bè tới lớp, em muốn mình được lớn lên và được trở thành một kiến trúc sư, em sẽ thiết kế một căn nhà thật đẹp cho mẹ. Tôi thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng mỗi lần giọng nói ấy cất lên. Những ước mơ của em sao mà giản dị thế, thật khiến người ta đau lòng.
Bệnh tình của Duyên ngày càng trở nặng, những cơn đau khiến em khó mà đi lại bình thường như trước. Những ngày ấy, tôi thấy em buồn nhiều hơn. Duyên nói em nhớ những ruộng hoa trong làng, trước kia em vẫn thường ra đấy ngắm hoa mỗi buổi sáng, em ước mình lại có thể đi dạo trên những cánh đồng ngát hương thơm ấy một lần nữa. Chậu cúc họa mi đặt bên bậu cửa sổ cũng đã héo dần vì không có người chăm sóc. Tôi thấy cô Loan nhiều lần muốn đem bỏ nó đi nhưng Duyên không chịu, em yêu hoa và luôn muốn được nâng niu, ngắm nhìn chúng. Tôi chợt nảy ra một ý tưởng. Suốt hơn một tuần, tôi âm thầm đi khắp các ruộng hoa trong làng và hoàn thành năm bức tranh, đủ để treo kín tường trong phòng Duyên. Hôm tôi mang tranh đến, em xúc động lắm, tôi hứa với em tôi sẽ vẽ lại tất cả những gì mà em muốn thấy.
Rồi mùa hè cũng sắp kết thúc, tôi phải quay lại thành phố để chuẩn bị cho học kỳ mới. Hôm tôi đi, Duyên cứ khóc mãi, cố níu tôi ở lại. Em sợ sẽ không còn được gặp tôi nữa. Tôi an ủi em nhưng chính tôi cũng sợ, giá như tôi có thể ở cạnh em đến những giây phút cuối cùng. Duyên tặng tôi chậu hoa cúc, nó đã héo gần hết rồi nhưng tôi vẫn nhận để cho em vui. Tôi hứa đến Tết sẽ về, em cũng hứa sẽ chờ tôi, lời hứa đó sao mà mong manh quá nhưng dẫu cho hy vọng chỉ còn lại là một sợi chỉ, tôi vẫn sẽ cố giữ chặt.
Tôi lên thành phố được ba tháng thì mẹ tôi gọi báo Duyên mất rồi.
Không thể ở bên em những ngày cuối cùng đến khi em mất cũng không kịp về dự đám tang, tôi bỗng thấy mình thật tệ. Mãi đến hôm làm năm mươi ngày cho Duyên tôi mới xin nghỉ để về quê được. Sau khi Duyên mất, cô Loan cũng đã bán nhà để trả nợ rồi chuyển đến nhà người họ hàng xa ở huyện khác ở nhờ, số tranh tôi tặng Duyên cũng đã được trả lại nhà tôi. Tôi phải hỏi thăm mãi mới tìm được chỗ ở mới của cô để tới thắp hương cho Duyên. Bệnh tật kéo con người ta đi nhanh quá, mới đó em còn cười với tôi mà bây giờ nụ cười ấy chỉ còn lại trên bức ảnh vô hồn.
Tôi không ở quê được lâu lại phải lật đật lên thành phố, mang theo cả những bức tranh mà cô Loan đã trả lại. Khi sắp xếp lại số tranh, tôi phát hiện một lá thư được kẹp cẩn thận sau khung của một bức vẽ phong cảnh, nét chữ run run nhưng vẫn gọn gàng, ngay ngắn.
"Anh Hòa ơi, anh ở trên thành phố có khỏe không? Dạo này em đau nhiều, chắc em không chờ anh được nữa rồi. Anh Hòa đừng buồn nếu Mai Duyên thất hứa với anh nhé. Em đã nói với mẹ chừng nào em đi thì mẹ đem mấy bức tranh trả lại anh, để ở nhà cũng chẳng ai ngắm nữa mà mẹ em thấy lại càng buồn. Em sẽ kẹp lá thư này trong bức tranh mà em thích nhất, mong anh sẽ tìm ra. Mai Duyên cảm ơn anh Hòa vì đã quý mến em, cảm ơn anh vì đã cho em những ngày tháng cuối đời thật hạnh phúc. Có lần anh Hòa nói anh thương em như em gái của anh, em cũng thương anh Hòa lắm. Chỉ tiếc rằng có lẽ em sẽ không được ở bên anh trai của mình lâu hơn chút nữa, nhưng sau này em có đi, anh vẫn cho em được là em gái của anh mãi mãi nhé. Em đi rồi anh Hòa đừng khóc, anh phải cười nhiều giống như anh từng dặn em vậy đó.
Anh Hòa ở lại mạnh khỏe nhé!
Em gái của anh,
Mai Duyên."
Nước mắt tự nhiên lăn dài trên má, tôi nhanh tay gạt đi rồi cố mỉm cười, theo lời dặn của em. Tôi nhìn lại bức tranh đã giấu lá thư, đó là cảnh ruộng hoa ngay trước nhà tôi. Trước kia tôi vẫn hay bày trò nghịch ngợm cùng lũ trẻ trong làng ở chỗ này, trong đó có Duyên. Đó là những ngày tháng tươi đẹp nhất. Hóa ra Duyên vẫn nhớ và có lẽ em luôn ao ước được trở về hồi ấy. Những khát khao của em khi nào cũng nhỏ bé nhưng lại khó thực hiện được.
Tôi giật mình khi trông thấy chậu hoa cúc tưởng đã chết mà xanh mơn mởn từ khi nào. Những nụ hoa trắng ngần, nhỏ bé e ấp sau tán lá. Tôi đưa tay nâng niu một đóa hoa đang hé mở, dường như có hơi ấm phả ra từ những cánh hoa. Khoảnh khắc đó, tôi có cảm giác như Duyên đang sống lại trong vòng tay mình.