11
5
1501 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Cúi xuống thật gần với cỏ



Tây Nguyên, cuối tháng Ba. Đất trời đều nóng như nung. Không khí giãn ra, khô khét. Chừng như, nếu có một xíu hơi nước mỏng manh nào đó trong không khí thì đó đích thị là mồ hôi của con người, của chim muông, của cỏ cây bị thiêu đốt mà bốc lên. Nhưng rồi nó cũng sẽ biến mất ngay trong tích tắc.


Trời đang nắng chang chang, bỗng ì ầm sấm. Sấm cũng cáu kỉnh, khó chịu làm sao. Cứ như thể một người phụ nữ trái tính trái nết đang trong những "ngày ấy", gầm gừ chồng con bởi những chuyện trái ý vặt vãnh thường ngày. Thế rồi, đùng một cái, mưa xối. Mưa đầu mùa cũng cá tính lắm, ào ạt đổ xuống cơ man nào là nước, rồi tạnh ngay. Đất đang khát, cỏ cây đang khát. Nước đổ xuống tới đâu là đất uống trọn từng giọt tới đó. Mưa tạnh mà đất ráo hoảnh. Chỉ thấy mặt đất nóng ẩm và hơi nước bốc lên nghi ngút. Nắng lại bừng lên, hơi nước bốc lên càng hăng. Chỉ một lát sau, cây lá đã hớn hở như vừa tắm mát xong và đã lau khô mình mẩy. Tôi nhìn cảnh tượng đó mà hình dung ra hàng triệu hàng tỉ hạt cỏ ẩn mình trong lòng đất vừa bị ông trời trụng qua nước nóng cho tái lớp vỏ đi, sau đó bật chế độ sấy năng lượng mặt trời lên để sấy cho chín thấu vào tận bên trong, rồi khô giòn đi theo ánh nắng chói chang kia như một món đồ ăn vặt nhai giòn hơn cốm.


Ấy vậy mà, chỉ sau chừng ba lần "trụng" và "sấy" - ba trận mưa giữa nắng nung như thế - mầm cỏ ở khắp mọi nơi đồng loạt bật lên, hiên ngang như đang thách thức đất trời và con người. Mười ngày, nửa tháng sau, cỏ non xanh rì khắp lối.


Người dân quê tôi, mà có lẽ ở bất cứ miền quê nào làm nông trồng trọt cũng đều coi cỏ là thứ cần phải tận diệt. Từ bao đời nay, cỏ luôn bị đem ra so sánh, khinh khi, hắt hủi, thậm chí là thù oán qua những lời cay nghiệt: "Loại cỏ rác", "lũ giặc cỏ", "nhổ cỏ phải nhổ tận gốc", hay "Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ" (Nguyễn Đình Chiểu)... Cỏ biết thế, nhưng vẫn lặng thinh.


Cỏ âm thầm bám đất và sinh sôi, con đàn cháu đống. Cỏ không nề vách đá cheo leo, đất sỏi khô cằn, hay thậm chí là vách tường gạch cũ, chỉ cần nơi đó có vài hạt đất và hơi nước. Người càng diệt cỏ, cỏ càng sinh sôi. Cỏ càng sinh sôi, người càng oán cỏ. Nhưng người nào hay, cỏ vẫn nhẫn nhục, vẫn hi sinh để cứu lấy người, cứu lấy muôn loài trên hành tinh này - hành tinh xanh duy nhất mà cho đến nay, con người được biết đến.


Cỏ muôn đời tận tụy giữ đất, giữ nước cho người. Lá cỏ lọc không khí, giữ gìn sự trong lành nơi nơi. Rễ cỏ vươn vào đất, phân giải những độc tố trong đất và tiếp thêm oxy cho đất. Khi cỏ chết đi, xác cỏ rục xuống, đất lại được nạp thêm bao nhiêu chất hữu cơ. Đất dùng oxy và những dưỡng chất ấy để nuôi cây cối, cây cối lại nuôi muông thú và con người… Cứ như vậy, sự sống từ cỏ mà bắt đầu, mà sinh sôi, tươi tốt. Suốt vòng sinh - diệt của mình, không lúc nào cỏ ngừng đóng góp cho đời. Cỏ khiêm nhường, bền bỉ, lặng lẽ sắt son… mà đời mấy ai thấu!


2022 năm về trước, Chúa Jesus chào đời trong máng cỏ hang lừa. Trước đó hơn 600 năm, Đức Phật Thích Ca khi ngồi thiền dưới cội cây, được một cậu bé chăn bò cúng dường bó cỏ thơm để làm tọa cụ. Hai bậc Thánh nhân, hai con người vĩ đại nhất trong những con người vĩ đại ấy đều được nâng đỡ bởi cùng một thứ vô cùng rẻ rúng, đó là cỏ.


Cỏ êm ái nâng đỡ Phật, nâng đỡ Chúa, và cũng nâng đỡ tất cả chúng ta, cả tâm hồn lẫn thể xác. Thuở hồng hoang, con người đã biết dùng cỏ để che thân, lấy cỏ làm thức ăn. Về sau, cỏ được dùng làm giày để bảo vệ đôi chân, làm nón để bảo vệ đầu, làm "ổ", làm chăn cho ấm thân, làm chất đốt để mà nấu nướng… Rồi cỏ được dùng để lợp mái nhà che nắng che mưa hay làm thuốc làm thang mỗi kì đổ bệnh… Cỏ với người gắn bó không rời. Cỏ thành lúa, thành rau, thành hoa, thành lương thực, thực phẩm, dược liệu… Tên gọi và mục đích sử dụng tuy có khác nhau, nhưng chung quy lại vẫn là từ cỏ.


Cỏ không chỉ gắn bó, bầu bạn với người lúc sống, cỏ còn che chở cho người lúc nằm xuống với thiên thu. "Cỏ non xanh rợn chân trời" hôm Thúy Kiều đi tảo mộ. Cỏ thương tiếc một đời hồng nhan bạc mệnh nên "nửa vàng nửa xanh" trên mộ Đạm Tiên… Rồi cỏ mọc xanh mướt trên mồ mả tổ tông. Cỏ rủ rỉ rù rì tâm tình sớt chia với người khuất bóng.


Lớn lên cùng với cỏ, nên tôi yêu cỏ. Ngày còn ở Sài Gòn, phố xá cong queo hồn tôi, nhà cao tầng đóng khung hồn tôi, nên thi thoảng "thèm" cỏ, tôi lại phóng xe ra khúc sông ở Thủ Đức để thỏa lòng nhớ cỏ. Hai bên bờ sông, cỏ đuôi chồn mọc xanh mướt. Đến mùa cỏ trổ bông, sắc hồng vạt cỏ mơn man theo gió như sóng khẽ lao xao ru vỗ hồn tôi. Tôi cúi xuống thật gần ôm cỏ. Rồi tôi buông mình nằm lên cỏ, mắt lim dim nhìn trời xanh bao la, tim khẽ xốn xang với những ca từ "Cỏ hồng" (nhạc Phạm Duy) cùng chất giọng khàn khàn, phóng khoáng của cặp tình nhân Lê Uyên - Phương mà lòng thầm ước mình được một chàng trai nào đó rước lên đồi như cô gái trong bài hát vậy:


"Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối

Rước em lên đồi, hẹn với bình minh

Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép

Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm…"


Tôi nằm trên cỏ, cỏ thơm thơm, êm êm, mát rượi. Cỏ nạp thêm cho tôi năng lượng và sinh khí để tôi đủ sức mạnh quay trở lại với những tất bật mưu sinh nơi đất khách quê người.


Nhiều năm sau đó, tôi từ giã Sài Gòn, trở về với đất cỏ quê tôi. Nhưng bàng hoàng thay, quê tôi giờ đây không còn những con người biết sống chung với cỏ, nương nhờ vào cỏ. Cỏ oan ức, chết tức tưởi dưới những màn sương thuốc diệt lưu dẫn ở khắp đó đây, khi con người ta vừa không đủ sức, vừa không đủ nhanh để dùng những cách thủ công mà loại trừ cỏ; và cũng không đủ hiểu biết, nhẫn nại, bao dung mà cùng cỏ vui sống. Con đường đến trường của con trẻ dường như xa hơn, bỏng rát hơn khi hai bên đường bê tông trước đây dập dờn bướm bay trên những vạt hoa xuyến chi mà nay cỏ cháy xác xơ, xác cỏ chết đứng sững sờ như Từ Hải.


Tôi yêu cỏ, thương cỏ, mà tiếc thay thân mình cũng chỉ như cọng cỏ, cái rơm, nên chỉ biết ngậm ngùi nhìn cỏ bị thảm sát mà xót xa, day dứt. Giận người, tôi về nuôi xanh cỏ ở vườn mình. Sớm, tôi chân trần bước ra với cỏ, những ngọn cỏ còn đẫm sương đêm. Trưa, tôi mang rổ ra vườn hái ngọn xuyến chi về xào tỏi, ngắt lấy một nắm nhỏ tàu bay về nấu canh. Chiều, tôi dạo bước vườn cỏ, cúi xuống thật gần để chiêm ngắm những bông ngũ sắc tim tím, những bông cỏ lạc vàng tươi, và hái cho mình một bông xuyến chi trắng xinh cài lên mái tóc. Đêm, tôi nằm nghe gió lao xao, nghe cỏ thì thào suốt sáng thâu đêm cùng lời đất đai, giun dế.


Ngoài kia, giờ này, người ta đang làm gì với cỏ, tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều, rằng gió vẫn cần mẫn mang hạt cỏ đi khắp nơi nơi; và ngay dưới chân những vạt cỏ chết cháy vì thuốc lưu dẫn kia, vẫn có vô vàn những hạt cỏ bé xíu xiu đang ẩn mình chờ những cơn mưa. Và chờ ai đó phải cúi xuống thật gần, để thấy…


Ngọc Hà