18
2
2204 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Đếm Ngược



Đồng hồ điểm 5 giờ 30 phút.

Bên ngoài trời đang mưa to. Lớp học trông ảm đạm và tẻ nhạt dù là ngày đầu tiên của khoá. Cô giáo bước vào và bắt đầu đếm. Cô đếm xong, nhìn các học trò của mình một lượt, đôi mày hơi cau lại, nhưng nghĩ đến trời đang mưa, cô lại chậc lưỡi cho qua. Dù sao cũng chỉ là một lớp kỹ năng giảng dạy không trao bằng chứng nhận.


Khi cô chuẩn bị bắt đầu bài giảng của mình, cánh cửa phòng học bật mở. Một người phụ nữ tuổi tầm ba mươi đứng ở bên ngoài, mặc một chiếc áo khoác thun màu đỏ bầm, chất vải đã bạc xỉn, dão xệ. Mái tóc lù xù rũ rượi và hai ống quần ướt đẫm từ đầu gối tố cáo rằng chị vừa vội vã đội mưa đến đây. Chị lấm lét nhìn phòng học một lượt rồi lại nhìn cô giáo, muốn nói gì đó, lại thôi.


- Chị vào trong đi, vẫn chưa bắt đầu đâu. - Cô giáo từ tốn nói.


Bấy giờ người phụ nữ kia mới thả lỏng được, nét mặt nhẹ nhõm hơn đôi chút. Chị dựng đôi dép sục ở ngoài cửa rồi rón rén đến ngồi ở góc cuối phòng. Sau này cô giáo mới biết, chị Liên đến trễ không phải vì trời mưa, và chị rụt rè cũng không phải vì đến trễ.


Chị Liên là công nhân may trong nhà máy, là một người phụ nữ đã kết hôn và đang nuôi hai đứa con nhỏ. Sự xuất hiện của chị trong lớp học này khiến nhiều người ngạc nhiên. Họ thậm chí ngạc nhiên hơn khi chị vẫn đều đặn theo học, trong khi lớp đã nghỉ ngang quá nửa. Đối với những người theo học mà nói, chị Liên là một sự tồn tại đặc biệt.


Chị Liên hay chọn những góc thật khuất mà ngồi. Những ngày nắng đẹp, chị sẽ ngồi cạnh khung cửa sổ, sẽ ráng đến sớm hoặc nán lại vài phút để nhìn mấy chậu sen đá cô giáo treo bên ngoài. Cô thấy chị thích thì muốn tặng chị mấy cây, nhưng chị không chịu. Chị sợ trồng không được sẽ chết cây, rất đáng tiếc. Ấy vậy mà lần nọ, chị phát hiện có một cây sen đá đã thúi rễ, thân héo muốn đứt, liền xin cô giáo đem về.

Quả là một người kì lạ!


***


Quán cà phê cóc ngày cuối tuần vắng vẻ. Hôm nay chị Liên bận một chiếc áo hơi mới, tô một chút son môi, ngồi cạnh khung cửa sổ đầy nắng. Chắc cũng vài năm rồi chị không ra hàng quán, tự dưng cảm thấy lòng bồi hồi nhớ đến cái thời còn là sinh viên, tung tẩy khắp đất Sài Gòn, cũng xinh xắn, tự tin, tràn đầy nhiệt huyết như ai. Ngày ấy chị cứ nghĩ nhiệt huyết là một ngọn lửa cháy mãi không tàn, cho dù có bị sóng gió cuộc đời vùi dập, một lúc nào đấy nó cũng sẽ bùng lên, toả sáng rực rỡ như xưa. Bây giờ nghĩ lại, chị chỉ tự cười mình. Có lẽ chẳng ai giữ được một ngọn đèn cháy trong đêm bão cả.


- Mày nghĩ gì mà cười một mình đấy Liên? - Một người bạn cũ huých tay chị.


Chị Liên không đáp, chỉ khẽ lắc đầu.


- Gớm! Dạo này người ta yêu đời lắm. Lại còn học lớp bổ túc nghiệp vụ kia. Sao? Mày muốn quay lại nghề à?


Mấy đứa bạn khác nghe thấy thế thì trố mắt ngạc nhiên. Năm ấy chị Liên học rất khá. Nếu không vì lận đận dở dang, giờ này chắc cũng đã là giáo viên có tiếng ở trường huyện rồi. Sự nghiệp chị đứt đoạn, bạn bè đều tiếc cho. Thấy chị tìm được ý chí trở lại, họ đều vui mừng. Song, vui thì vui đấy, nhưng cũng có những nỗi lo khác:


- Mà... có được thật không? Ý tao không phải chê sức mày. Nhưng mày biết đấy, sống ở đời, không phải cứ muốn là làm được. - Một người bạn chị nói. 


- Phải đấy. Tuổi này khó mà bắt đầu lại. Mày cũng khác xưa nhiều rồi. Còn chồng con nữa! Chồng mày bảo sao?


Rồi câu chuyện lại bị đẩy đưa về những hướng thật khác. Cái nghề giáo không phải cứ muốn làm là được. Nghiệp vụ, kỹ năng là một phần, danh tiếng và đạo đức lại là phần khác. Cứ cho là dạy được đi, thì có bì lại các thầy cô giáo trẻ được đào tạo bài bản, được học sinh biết đến trong các trường kia không? Mà cứ cho là học sinh chịu đến học đi, thì phụ huynh có bằng lòng giao con mình cho một công nhân bình thường như chị Liên dạy dỗ không?


Chị Liên chỉ lẳng lặng nghe, hiếm lắm mới lên tiếng hỏi vài ba câu. Không gian ồn ào trong quán cà phê ấy, ngay tại chiếc bàn ấy, cứ như chẳng hề liên quan tới chị. Đầu óc chị cứ bâng quơ nghĩ về bài kiểm tra cuối khoá học, còn một tuần nữa là đến. Chị nghĩ tới chiếc bảng đen cũ vứt trong xó nhà, cạnh bậu cửa sổ chị đặt chậu sen đá. Không biết cái cây sống dở chết dở ấy có tự vực mình dậy được không?


***


- Chị Liên không đi ăn trưa à? - Một bạn đồng nghiệp lớn tiếng gọi, khi thấy chị liên cứ lúi húi quanh chiếc bàn may của mình, dù chuông báo hết giờ đã vang lên được một lúc.


Chị Liên chỉ khua khua tay, thế là người bạn kia hiểu ý, đành đi trước.


Giờ nghỉ trưa, cả xưởng may đều tắt đèn. Người thì đi ăn, kẻ thì tranh thủ nằm nghỉ. Chị Liên thu mình vào góc bàn may, móc ra củ khoai luộc đã lén đem vào từ sáng, vừa ăn ngấu nghiến vừa chậm rãi mở những trang vở mình đã cẩn thận ghi chép ra. Bài kiểm tra cuối khoá yêu cầu học viên phải thực hành bài giảng. Đã lâu lắm rồi chị không đứng nói trước chỗ đông người, lòng vừa háo hức vừa đầy lo lắng. Vậy nên chị càng phải chuẩn bị nhiều hơn.


- Này! Tắt đèn điện thoại đi chứ bà! - Người bên cạnh gắt lên.


Lẩm bẩm nói câu xin lỗi xong, chị Liên tắt đèn ngay, rồi rón rén bò khỏi chỗ nghỉ, ôm tập vở ra ngoài xưởng ngồi học. May mà hôm nay ngoài trời không mưa, ít ra cũng tìm được chỗ khô ráo. Có vài công nhân không ngủ trưa cũng đang nghỉ ở gần đó. Thấy chị Liên giở tập vở ra chăm chú xem, một người lên tiếng hỏi:


- Chị học gì đấy à?


Chị Liên không đáp, chỉ cười gượng.


- Người ta học nghiệp vụ gì gì đấy, để đi dạy học bà ạ! - Người khác thay chị trả lời.


Nghe câu trả lời xong, người đầu tiên liền phá lên cười.


- Học gì tầm này nữa. Mình làm công nhân, người ta chê mình ngu. Có dạy được ai chị ơi?


- Bà chớ có nói vậy, biết đâu người ta có hoàn cảnh khác.


Đôi co thêm vài câu mà không thấy chị Liên phản ứng lại, hai người công nhân cuối cùng cũng im lặng. Họ nhanh chóng chuyển chủ đề sang việc khác. Nào là Tết năm nay sẽ nghỉ được mấy ngày, con cái sắp nhập học tốn bao nhiêu tiền của, rồi tháng này lương thưởng được bao nhiêu,... vân vân và vân vân. Những câu chuyện ấy khiến giờ nghỉ trưa trôi qua rất nhanh. Khi tiếng chuông đếm ngược vang lên, chị Liên vội vã thu xếp tập sách, tranh thủ trở lại chỗ làm việc.


Vừa ngồi xuống chưa được mấy giây, chị đã thấy cán bộ quản lí bước nhanh lại chỗ mình. Trong lúc chị chưa kịp nghĩ ra mình sai sót điều gì, cán bộ ấy đã dúi vào tay chị một chai sữa còn ấm.


- Chị canh lúc nào ngơi việc thì uống cho khoẻ người. Phải có sức thì mới học được nhen chị.


Nói xong, cán bộ nhanh chóng quay người vội đi. Cả những công nhân xung quanh cũng chưa kịp nhìn thấy gì. Chị Liên cầm chai sữa cất nhanh vào hộc tủ. Hơi ấm còn đọng lại giữa lòng bàn tay khiến chị run run. Chị lại nghĩ về những ngày xa xôi ở cả quá khứ và tương lai mình, đầu óc lại hiện lên những ý niệm rối rắm.


***


Tiếng cánh cổng sắt nặng nề mở ra. Chị Liên đẩy vội xe vào. Phải nhanh nhanh thu sắp đồ đạc mà đến lớp cho kịp. Trời bên ngoài đã kéo mây đen, sợ rằng sẽ đổ mưa ngay trong vài phút tới đây.


- Về rồi đấy hả Liên? - Mẹ chồng chị đang ngồi trên ghế dài, tay phe phẩy quạt, mắt hướng vào màn hình TV.


Chị Liên thấy mẹ chồng thì khúm núm bước lại chào, rồi xin phép mẹ cho mình vào trong. Chỉ khi mẹ chồng phẩy tay đồng ý, chị mới thở phào, đi vội. Vừa vào đến buồng, chị Liên tá hoả khi thấy tập vở ghi chép bài học của mình nằm ngổn ngang khắp nơi. Có rất nhiều trang bị xé mất, thậm chí là đã đem gấp thành đồ chơi trẻ con rồi. Chưa kịp lên tiếng hỏi, chồng chị đã từ ngoài cửa đi vào, trả lời:


- Tôi thấy mấy thứ ấy để chật nhà chật cửa, nên cho con Tít nó lấy nó chơi đấy!


Nói rồi, chồng chị Liên đến ngồi ở mép giường, hay tay chống lên đầu gối, nét mặt vừa nghiêm nghị vừa tức giận.


- Tôi chả biết bà học mấy thứ vô bổ này làm giống ôn gì? Thấy người ta kiếm tiền dễ quá à? Có chắc dạy lại người ta không? Mình thì nào có ngon lành gì mà đứng núi này trông núi nọ. Làm công nhân không ổn định hơn à? Mắc mớ gì phải làm khổ gia đình?


Ở bên ngoài phòng khách, tiếng mẹ chồng cười khanh khách vọng vào khi bà xem đến đoạn hài thú vị. Cùng lúc ấy, sấm nổ vang ngoài bầu trời đen kịt, mưa đổ xuống to, khiến đứa con nhỏ đang nằm dưới nhà sau khóc ré lên.


Chị Liên nghe con khóc, vội chạy ra ẵm con mà dỗ. May là đứa trẻ cũng ngoan, chỉ đung đưa vài cái đã chịu im lặng, say ngủ trong vòng tay mẹ như một thiên thần.


- Đấy! Tay ấp tay bế như vậy, còn thời gian đâu mà vẽ chuyện? - Chồng chị cũng vừa đi tới.


- Chứ chẳng phải tại chúng bây sao? Con gái người ta đang học hành tử tế, tại chúng bây làm nó mang bầu nên nó mới phải cam chịu về làm vợ bây còn gì? - Giọng mẹ chồng từ nhà trên vọng lại đầy mỉa mai. - Người ta chê bây ít học, không có hiểu được lý tưởng của người ta đâu. Để người ta làm theo ý người ta đi cho nó yên cửa yên nhà.


Chồng chị Liên nghe thấy những lời đó thì mặt nóng bừng bừng. Là thằng đàn ông, cưới vợ về mà không dạy nổi vợ thì còn ra cái thể thống gì? Anh ta tiện tay vơ lấy mấy đồ vật gần đó mà ném xuống đất.


- Mày nghỉ quách cái lớp ấy cho tao! Không học hành gì nữa hết! Lấy gà theo gà, lấy chó theo chó! Đừng có mà đòi hỏi!


Chồng chị mắng liên hồi, không có giấu hiệu gì là sẽ dừng lại. Chị Liên ôm đứa con nhỏ vào lòng, cố che chắn tai nó lại, để nó yên tâm mà ngủ, mặc cho tiếng mưa bão sấm chớp ngoài kia cứ lăm le xen vào giấc mơ của nó. Con Tít ở nhà trên ngồi bên cạnh xem hài cùng bà nội mà mặt mày lấm lét, miệng mếu máo, mắt đỏ hoe chực khóc. Nó cũng không biết nó đã làm sai chuyện gì.


Chị Liên nhìn chồng mình, nước mắt ứa ra. Khoé môi bặm chặt nín nhịn không chịu đựng nổi nữa. Chị bối rối nhìn các con, nhìn căn nhà bừa bộn. Chị nhìn túi đồ mình vừa đi làm về, trong đó có bài giảng chị đã học thuộc xong. Chị lại nhìn đến chậu cây sen đá bên bậu cửa, đoạn thân héo khô vừa đâm một chồi xanh bé tí.


Trời bên ngoài vẫn mưa. Chiếc đồng hồ trên tường vẫn nhích từng giây, sắp sửa đến 5 giờ 30 phút.

Cuối cùng, chị trút một tiếng thở dài, nói:

...