Đồ Mi Si Lá
Truyện ngắn: Đồ mi si lá
Sáng tác: Hạ Dương
-------
1.
Đứa trẻ ngồi đánh đàn bên cửa sổ, chiếc rèm cửa trắng lay lay, những tia nắng xuyên qua lớp ren mỏng vẽ hoa trên gương mặt say sưa đầy rạng rỡ. Đôi môi nhoẻn nụ cười nhè nhẹ, những ngón tay thoăn thoắt dìu dặt trên phím đàn, tựa như lạc vào cõi mộng ảo.
Tôi đứng chếch phía sau lưng em, chỉ cách ba bước chân, bàn tay vươn ra muốn chạm vào những lọn tóc hơi loăn quăn màu nâu hạt dẻ. Do dự, chần chừ. Cuối cùng tôi lại lựa chọn rụt tay về, vì không nỡ cắt ngang bản nhạc khiến trái tim tôi rung động.
Cô bé chưa nhận ra tôi đứng phía sau, vẫn say sưa đánh đàn. Và tôi, cũng muốn thả lòng mình trong giai điệu xưa cũ.
Tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, dựa lưng vào tường, miệng lẩm nhẩm theo từng nốt nhạc. Đồ mi si lá... và gì nữa nhỉ. Tôi cứ tưởng mình không thể nào quên được chứ? Nhưng trí nhớ như bị khoét rỗng thủng một lỗ thật lớn, tôi mò mẫm tìm hoài mà vẫn chẳng thể nào ra. Đó là khúc nhạc của tôi, tôi đã từng đánh nó. Nhưng đã lâu rồi tôi không còn nhớ từng nốt ra sao, còn cô bé kia lại có thể đàn được một cách trơn tru như thể khắc sâu trong tâm khảm.
Thật kỳ lạ.
Tôi nhìn chăm chú cô gái nhỏ, cái cằm hếch hếch theo mỗi nốt phiêu, ngón tay út cong lên một cách tự nhiên. Đó không phải thói quen của tôi, mà tôi đã thấy điều ấy ở thầy dạy nhạc năm xưa của mình...
Có thể là một người họ hàng của thầy ấy. Tôi chắc mẩm như thế, nhìn kỹ, giống lắm. Chỉ trông từ đằng sau tôi đã mường tượng về dáng vẻ quen thuộc ngày nào. Một bóng lưng mà ngay cả trong mơ cũng không hề sai biệt, cứ bấu chặt lấy ký ức ngày một hỗn loạn của tôi. Cả cây đàn cô bé đang đánh kia cũng giống y hệt chiếc mà tôi đã đem trả lại thầy... cùng với tập bản nhạc viết tay cất trong hộc nhỏ.
Có lẽ thầy đã đem bản nhạc cho cô bé, dạy cô bé đàn như thầy đã từng dạy tôi. Ghen tị thật, nếu không phải vì tôi khi đó... thì có lẽ ngồi vào chiếc ghế trắng không phải là cô bé lúc này...
Tôi ôm lấy đầu, vò mạnh lấy mớ tóc đang rối. Đau quá, cứ mỗi lần nhớ về nó tôi lại thấy đau. Chẳng lẽ đến cả ông trời cũng bắt tôi phải quên đi ư? Tôi không muốn, nhưng mà... tôi đau quá...
2.
Tôi tỉnh dậy thấy mình đang nằm ở trên giường. Chiếc rèm trắng nhợt nhạt được thay bởi màu xanh thẫm. Cũng bởi nó cản nắng nên tôi không phân biệt được bây giờ là buổi sáng hay chiều. Tôi không thích chiếc rèm ấy, vì nó mang màu mẹ tôi thích, không phải tôi. Màu xanh mát mắt mà bà bảo giúp xoa dịu tinh thần và khiến lòng tĩnh tâm hơn nhưng lại ngăn ánh sáng của tôi tới.
Tôi cứ ngồi thẫn thờ trên giường, chả biết bao nhiêu lâu thì cửa phòng bật mở, là mẹ tôi bước vào cùng ly nước trên tay. Tôi xoay đầu nhìn về phía mẹ, ngạc nhiên khi thấy mẹ cười.
- Mẹ mua trà sữa cho con này, đúng quán mà con thích.
Đôi mắt tôi mở to, nhìn chằm chằm vào ly nước trên tay mẹ. Không phải nước cam sao? Mẹ chưa bao giờ đồng ý cho tôi uống trà sữa cả.
Mẹ đặt ly lên bàn, thu dọn lại đống giấy bút lộn xộn của tôi. Mẹ cũng không hề mắng tôi dù trước đây tôi chẳng được tha kể cả khi ốm mệt.
- Mẹ để ở đây nhé, con muốn ăn gì thì nói với mẹ. - Mẹ cười nói với tôi, cơ mặt giãn ra bớt đi mấy phần nghiêm nghị. Tôi có cảm giác mẹ hôm nay khác với thuờng ngày, liệu đó có phải chính là mẹ của tôi không?
Mẹ chẳng để ý đến vẻ đăm chiêu của tôi, vẫn cứ dịu dàng nhắc nhở:
- Đừng làm việc quá sức như hôm qua, mệt thì cứ lên giường mà ngủ.
- Em ấy còn ở đây không mẹ? - Tôi dè dặt hỏi, cứ có cảm giác gì đó không đúng. - Con bị ngất khi đang nghe cô bé ấy đánh đàn trong phòng khách.
- Đứa bé nào? Đàn nào? - Mẹ lo lắng sờ trán tôi, không sốt, có lẽ là do tôi nằm mơ thôi. Bàn tay mẹ ấm áp chân thực lắm, có lẽ là do tôi nằm mơ thật.
Mẹ dặn tôi tiếp tục nằm nghỉ, mẹ sẽ xuống bếp nấu cháo cho tôi. Tôi ậm ừ vâng dạ mấy câu, nhưng bởi sự tò mò không ngừng thúc ép nên tôi đã dậy ngay sau khi mẹ vừa đi khỏi.
Vén tấm rèm cửa sổ buộc sang một bên, hoá ra trời đang là buổi sáng. Tôi xoè tay đón những hạt bụi li ti trong nắng, cảm thấy mình khỏe khoắn lên rất nhiều. Tôi mở cửa đi ra khỏi phòng, chầm chậm từng bước xuống cầu thang, nhẹ nhàng như một chú mèo với những nệm thịt êm ở dưới chân.
Ngang qua phòng bố mẹ đang mở toang, chỉ thấy một chiếc chăn gấp gọn gàng ngay ngắn trên giường cùng hai cái gối. Một trong hai chiếc có nếp lún xuống, hơi ngả màu mồ hôi, và lơ thơ vài sợi tóc bạc rất ngắn của bố tôi. Chiếc gối còn lại thì thẳng thớm và thơm phức, đó là của mẹ, lạnh lẽo như thể đêm qua bà chẳng hề ngủ ở nhà vậy.
Tôi lại nghe thấy tiếng nhạc ấy phát ra từ phòng khách, ban đầu rất nhỏ rồi dần dần to hơn. m thanh không quá lớn nhưng chắc hẳn ai ở trong nhà đều phải nghe thấy. Tôi sẽ chứng minh với mẹ sự hiện diện của cô bé.
- Mẹ ơi. - Tôi gọi, hướng về phía gian bếp nơi toả ra hương thơm của thức ăn. Tôi nghe thấy tiếng lạch cạch của dao, tiếng đảo đũa và cả tiếng kim loại chạm vào nhau của những chiếc nĩa. Chắc hẳn mẹ đang nấu trong ấy, vì thế nên tôi bước vào.
- Con dậy rồi đấy à? Bố đang nấu cháo gà nấm hạt sen cho con, con ngửi thấy thơm không? Ngon không khác gì mẹ nấu đấy.
Là bố, không phải mẹ. Bố đang quấn tạp dề, thành thục với những thao tác nấu nướng, điều hoàn toàn mới mẻ trong ký ức của tôi. Dạo này xảy ra thật nhiều thứ kì lạ.
Bố múc một muỗng nhỏ đưa lên miệng thổi, rồi đỡ tay hướng về phía tôi, bảo tôi nếm thử. Ngon thật, tôi không ngờ bố có thể nấu ăn ngon như thế, giống như ông ấy vẫn thường làm điều đó trong thời gian dài vậy. Ông bắt đầu việc này từ khi nào nhỉ? Sao tôi không hề hay biết?
- Mẹ con đâu rồi hả bố? - Tôi chờ ngụm cháo tan trong khoang miệng, hỏi.
Bố không nhìn thẳng vào mắt tôi, đáp:
- Mẹ con sang nhà bà ngoại rồi.
- Mẹ vừa mới đi hả bố? Ban nãy mẹ vừa vào phòng con, còn nói sẽ nấu món ngon cho con ăn nữa.
Một chút ngập ngừng thoáng qua trong đôi mắt bố, nhưng tôi không nhận ra điều đó. Ông gật đầu bảo ừ, bên ngoại có chút việc nên mẹ sang giải quyết gấp. Cũng không quá nghiêm trọng, ông bảo tôi đừng lo lắng.
Ừ thì tôi có lo lắng đâu, mẹ vẫn luôn là người quyết đoán, luôn giải quyết mọi công việc thật tốt, chẳng cần đến bố con tôi.
- Con ăn luôn bây giờ nhé.
Tôi gật đầu, nhìn bố cẩn thận múc từng muỗng ra bát rồi đặt lên bàn, còn rót một ly nước ép táo đặt bên cạnh. Tôi ngồi xuống ghế, bố kéo ghế ngồi phía đối diện, lặng lẽ nhìn tôi ăn. Tiếng nhạc lại vang lên, tôi chợt nhớ ra ý định ban đầu xuống bếp của mình là gì. Tôi hỏi bố:
- Bố có nghe thấy tiếng nhạc không?
- Tiếng nhạc gì cơ?
- Tiếng đàn trong phòng khách. Bố có thấy em ấy không?
- À... bố có nghe...
- Vậy mà mẹ lại bảo không thấy. - Tôi nhỏ giọng thở dài, cụp mi mắt xuống, không nhìn thấy ánh mắt đầy lo âu của bố. Mà kể có thấy thì tôi cũng quá quen thuộc rồi. Xưa nay bố vẫn gần gũi với tôi hơn mẹ, mỗi lần có chuyện gì xảy ra ông ấy đều nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng đầy yêu thương như thế. Nhưng tôi vẫn có chút giận bố, chỉ chút nho nhỏ thôi, tại sao năm ấy không bênh vực tôi mà lại đứng về phía mẹ.
- Con vẫn còn giận bố mẹ à? - Bố nói đúng tim đen của tôi. Tôi im lặng không trả lời. - Bây giờ con còn muốn học đàn lại không? - Tôi lắc đầu, ông vẫn tiếp tục hỏi. - Là vì người đàn ông đó hả?
Vết thương lòng lên da non bỗng nhiên bị dao cứa toạc ra, mũi tôi thấy cay cay, tôi phải cố ngăn không cho mình xúc động. Bố vươn bàn tay ấm áp chạm lấy mu bàn tay lạnh ngắt của tôi, ánh mắt đầy thống khổ.
- Đừng giận bố mẹ có được không? Bố mẹ cũng có nỗi khổ của mình, nhưng bất kể có làm gì thì con cũng hãy tin rằng bố mẹ chỉ muốn tốt cho con. Hơn nữa, mọi việc thật ra...
Yêu thương luôn là cái cớ rất kinh khủng để trở thành lồng giam hãm con người. Đáng lẽ tôi nên giận bố mẹ, nhưng giận như thế nào? Đầu óc tôi mơ hồ đến mức chẳng thể gọi tên cơn giận của mình.
Tôi không giận, nhưng cũng chẳng cảm thấy vui vẻ gì. Gương mặt hờ hững tìm kiếm những mảnh ký ức vụn vặt không ăn khớp với nhau.
3.
Tôi đang ngồi ngả người trên ghế, mắt lim dim, chăn đắp hờ lên bụng, có lẽ bố đã đắp khi tôi ngủ quên. Tôi cảm thấy mình là người có bệnh, dạo này tôi luôn cảm thấy mơ hồ về mọi thứ, không nhận định được đâu là đúng đâu là sai, đâu là hư là ảo. Giống như cô bé ấy, thi thoảng lại xuất hiện rõ ràng trước mắt, nhưng cũng có lúc tôi tìm quanh nhà cũng không thấy đâu. Tôi hỏi bố, bố bảo em ấy chạy đi chơi. Tôi hỏi mẹ, mẹ lại bảo chưa từng nhìn thấy. Rốt cuộc thì ai mới là người nói thật?
Tiếng nhạc ở phòng khách ngày một to hơn, giống như được đặt cạnh một cái loa khuếch đại âm thanh, và nếu tôi không chịu tiến về phía đó thì nó sẽ không ngừng tăng âm lượng vậy. Luôn luôn là tiếng đàn kéo tôi về với thực tại, đánh thức sự chú ý của tôi.
Tôi lại nhìn thấy cô bé ấy đánh đàn bên cửa sổ, ánh sáng buổi chiều dường như đậm hơn so với bình minh. Tôi từng thích đánh đàn vào buổi chiều như thế, khi đó thầy giáo sẽ đứng bên cạnh, cả hai chúng tôi má đều đỏ bừng vì nắng.
Em dừng lại, quay đầu nhìn tôi, khuôn mặt tranh sáng tranh tối nở nụ cười.
- Chị có muốn đánh đàn không?
Tôi lắc đầu trả lời con bé. Đã lâu lắm rồi, ngón tay khô cứng của tôi chắc chẳng thể tạo nên âm thanh nào nữa.
- Chị phải tin em chứ? - Cô bé tiếp tục nói.
Tin ư? Sao cô bé biết tôi đang không tự tin với chính bản thân mình.
Em đứng lên, kéo tôi ngồi xuống ghế, từng ngón tay nho nhỏ chạm lấy bàn tay tôi, đặt lên phím dương cầm. Ngón tay nhỏ nhấn trước, ngón tay lớn tiếp sau, như có một luồng điện kích thích chạy vào sâu trong ngực tôi, vén lên bức rèm che kí ức nhạt nhoà.
Cùng hoà chung điệu nhạc, như đã từng với người ấy. Tôi nhớ ngày xa xưa, nhớ những ngón tay đàn chồng lấy nhau, nhớ nụ cười ươm nắng, nhớ lời thì thầm rót nhẹ bên tai, rót lên làn môi ấm nóng và rót cả lên trái tim người thiếu nữ đương tuổi xuân thì. Không có gì ngăn cách chúng tôi, kể cả tuổi tác, kể cả lời xì xầm ngoài kia, kể cả những tơ sợi mềm dệt nên chiếc áo...
Đồ mi si lá... đồ mi si lá...
- Ban đầu đây không phải nốt lá đâu, mà cao hơn mấy tông lận, nhưng em chẳng thể hát được nốt đó nên đã quyết định sửa nó. - Cô bé thì thầm bên tai tôi.
Khoan đã, là tôi sáng tác bài hát này mà, sao cô bé biết ban đầu tôi chọn là nốt nhạc kia cơ chứ? Chính thầy giáo đã hướng dẫn sửa lại để hợp với tôi hơn. Rốt cục cô bé này là ai?
- Em là ai? - Tôi thực sự hoang mang với sự hiện diện của cô bé này, như kiểu nghiễm nhiên cô bé phải ở đây vậy.
- Em là ai ư? - Cô bé nhấc tay khỏi những ngón tay tôi, nghiêng đầu nhìn ánh mắt đầy sương mù đang hoài nghi mình, cô bé cười. - Em là những khát khao giấu kín trong lòng chị, rất sâu rất sâu mà chị không thể nào phủ nhận nó.
Tôi cứ thế nhìn cô bé, ánh mắt hấp háy và nụ cười rạng rỡ, đang lùi lại và xoay tròn cánh tay với điệu múa thiên nga. Làn tóc màu hạt dẻ nhuộm thêm một lớp nắng vàng. Khác hẳn với màu tóc đen nhánh của tôi, nhưng lại là màu mà tôi từng ngỏ lời với mẹ để nhuộm.
Không phải đâu, có lẽ chỉ là sự trùng hợp thôi. Kể cả hình xăm nho nhỏ hình chiếc lá bên dưới cổ, kể cả điệu múa tôi nhìn trộm đầy khao khát khi đa ngang qua lớp ba lê, và cả chiếc lắc tay có đính hình trái tim mà thầy tôi đã tặng. Chiếc lắc tay ấy vẫn sẽ là của tôi... nếu như...
- Em là ai? - Tôi vẫn không ngừng thắc mắc. Nhưng cô bé không trả lời mà cứ tiếp tục múa rồi xoay xoay. Bước chân nhỏ cứ thế xa dần tôi, tôi đứng bật dậy chạy theo, càng đuổi em lại càng nhanh hơn. Chân tôi quýu lấy nhau, chẳng nhìn thấy chiếc ghế nhỏ chặn đường, cứ thế vấp ngã sóng xoài ra đất.
Kéo chị dậy với. Tôi đau điếng không thể nào dậy nổi, đành giơ tay lên cầu cứu. Cô bé nhìn thấy nhưng không mảy may bận tâm, ngón chân cứ nhảy xa dần trong vô vọng.
Mẹ, là mẹ! Tôi thấy mẹ xuất hiện, liền chuyển sang cầu cứu bà. Bà lại nói rằng tôi phải vấp ngã thật đau mới có thể trưởng thành được. Không! Sao mẹ lại nỡ tàn nhẫn với con như thế, mẹ không thương con sao, mẹ ơi...
Tai tôi như ù đi, đồ vật trong phòng như nổi cuồng phong bắt đầu bay tán loạn. Những tập giấy nhạc, những chiếc gối mềm, sách bút trên kệ, bàn ghế sô pha và cả chiếc đàn dương cầm cũng bay vòng vòng xung quanh, để lại tôi ngồi giữa hố sâu đầy tối tăm mù mịt.
Mẹ mẹ, tôi vẫn cứ gọi mẹ. Tôi sợ phải ngồi đây một mình. Gió ào ào che đi khuôn mặt mẹ ở ngoài kia, làn áo trắng phất phơ hư ảo. Mắt mẹ chảy máu, đầu cũng chảy máu, rất rất nhiều máu. Tôi gào khóc thảm thiết, mắt nhoè đi nhìn theo môi mẹ mấp máy:
- Xin lỗi con rất nhiều. Và cũng yêu con rất nhiều!
4.
- Mở mắt ra đi con gái, đừng tiếp tục mơ nữa. Tất cả đã ổn rồi, con đừng khóc, đã có bố ở đây rồi.
Tôi choàng tỉnh dậy, nước mắt giàn giụa, lồng ngực đau như bị ai bóp nghẹt. Tôi thét lên, hoảng loạn và sợ hãi. Bố liền ôm chặt lấy tôi, vỗ về cho đến khi nhịp thở của tôi đều đều trở lại. Lúc này tôi mới nhận ra mình đang gục trong lòng bố, phía ghế bên cạnh còn có một người phụ nữ luống tuổi mặc chiếc áo choàng màu trắng đang nhẹ nhàng cất viên đá màu xanh lam vào trong túi trước ngực.
Tôi không biết bà ấy là ai, cũng không thắc mắc bà ấy là ai, chỉ biết sự hiện diện của bà giống như một điều quen thuộc vậy. Mà bố cũng không cho tôi cơ hội được thắc mắc, khi vội vã đỡ tôi lên phòng nghỉ ngơi. Bố muốn nói chuyện riêng với bà ấy.
Tôi vẫn bị ám ảnh bởi khuôn mặt đầy máu của mẹ tôi, không biết chuyện gì xảy ra với bà ấy. Đó chắc hẳn là một điềm báo không lành, đáng lẽ nên báo cho bố biết ngay khi tôi tỉnh lại. Và thế là tôi lại đi xuống, mặc lời dặn dò như nước đổ sượt qua tai.
- Tâm bệnh cần phải chữa bằng tâm dược. Có lẽ ông sẽ cảm thấy làm như vậy là không hợp lý, nhưng sự xuất hiện của cậu ta có thể là chìa khóa của vấn đề. Như ông thấy đấy, con gái ông không hề quên, mà chỉ cất nỗi đau tận sâu trong ký ức.
Tôi đứng bên ngoài cánh cửa, lắng nghe tiếng người phụ nữ vọng ra qua khe rất hẹp. Giật mình khi họ nhắc đến tôi, với một câu chuyện mà tôi hoàn toàn không ý thức.
- Tôi sợ con bé không chịu nổi, như sáu năm về trước... - Giọng bố tôi thật buồn.
- Tình trạng con bé đã khá hơn trước rất nhiều. Ông không cần phải trốn tránh nữa, đã đến lúc đối mặt và giải quyết rồi. Cả về bà nhà nữa, ông định giấu con bé đến bao giờ?
Tôi dựa lưng vào tường, hai đầu ngón tay trỏ xoay xoay chạm vào nhau, cố gắng gắn kết những thông tin mà họ đang nói. Giống như thể tôi đang có bệnh, và như thể có một bí mật nào lớn lắm mà họ đang muốn giấu tôi. Tôi muốn biết, họ không thể giấu tôi những điều liên quan đến tôi như vậy được. Vì thế tôi đã mở cửa, sáu mắt thảng thốt nhìn nhau, tôi hỏi:
- Rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra vậy ạ?
5.
Bố mở tấm vải phủ cây đàn ra, chỉ vào những bàn phím cũ.
- Cảnh này là thật con ạ, cây đàn của con bố vẫn giữ chứ không hề đem cho như con tưởng.
Xem này, nó không hề mới như trong giấc mơ của tôi, nhưng âm thanh thì vẫn vẹn nguyên trong trẻo như thế. Tôi mở trong hộc kéo gỗ, vẫn là xấp giấy ố vàng với dòng chữ viết tay gạch gạch xóa xóa, là tôi năm xưa đang tập sáng tác bài hát tặng thầy. Nhưng tôi vẫn chưa kịp hoàn thiện nó...
- Và có lẽ con nên gặp một người, để có thể lấp đầy ký ức còn dang dở.
Tôi xoay người nhìn ra phía cửa, một bóng dáng cao lớn lặng lẽ bước vào, lướt qua ánh nắng phía cửa sổ, dừng lại trước mặt tôi. Khuôn mặt vừa lạ vừa quen, hình ảnh nào đó trong ký ức hiện lên, pha thêm chút thời gian, bắt đầu trùng khớp với người trước mặt.
Th... thầy?
Trái tim tôi nhảy nhót như một đứa trẻ con háo hức khi nhận được quà, bàn tay vô thức giơ lên chạm vào khuôn mặt ấy, chầm chậm sờ từ mắt đến môi. Cơ thể tôi còn nhạy bén hơn cả trí não.
Bố lặng lẽ rời đi để chúng tôi nói chuyện. Trước mắt thầy không phải là cô bé cấp ba ngây thơ nhìn đời bằng màu nắng, trước mắt tôi cũng không phải người đàn ông chững chạc thổi nhạc vào tình yêu. Nhưng chúng tôi lại vẫn thế, dù hình hài có khác đi nhưng đâu đó sâu bên trong vẫn chứa đựng cảm xúc vẫn vẹn nguyên của thuở ban đầu.
Thầy cúi xuống nhìn tôi, giọng trầm trầm:
- Tôi xin lỗi vì đã để em ra nông nỗi này. Vì tôi nghĩ mình sai nên đã lặng lẽ rời đi, nhưng tôi lại càng sai hơn khi hèn nhát không dám quay lại tìm em. Tôi cứ nghĩ em sẽ sống thật tốt khi không có tôi... giống như lời mẹ em từng nói.
Không, cũng đâu phải mình thầy có lỗi. Cũng phải trách tôi khi đó còn quá non dại, cứ nghĩ tình yêu là tất cả, sống chết đòi đi theo thầy mà bỏ mặc tương lai. Nếu là tôi của sau này chắc chắn sẽ chín chắn hơn, lắng nghe lời khuyên của bố mẹ để có một kết thúc tốt đẹp.
Hai chúng tôi ngồi hàng giờ ôn lại chuyện xưa, nhờ có thầy mà sương mù tan dần trong ký ức. Tôi đã hiểu vì sao tôi vẫn thường nhìn thấy cô bé đánh đàn kỳ lạ ấy, và tôi mong rằng tôi không cần phải thấy cô ấy trong những năm tháng mai sau. Bởi tôi chính là cô ấy rồi.
Thầy rời đi trong sự luyến tiếc của tôi, bố nói thời gian còn rất nhiều không cần phải vội. Giờ thì tôi có thể cùng bố đi khám phá một bí mật khác, một bí mật về... mẹ tôi.
6.
Mẹ nằm trên một chiếc rèm trắng, đắp một chiếc chăn trắng, trong một căn phòng màu trắng và cả cửa rèm màu trắng nốt. Đó là bệnh viện.
Mẹ nằm đó đã gần sáu năm, kể từ vụ tai nạn mà nguyên nhân chính do tôi. Nếu không phải tại tôi lao ra đường và mẹ chạy theo cứu thì có lẽ người nằm ấy bây giờ không phải là mẹ. Bác sỹ nói mẹ đang sống thực vật, bố thì luôn chờ đợi một kỳ tích cho dù là mười năm, hai mươi năm hay cả đời thì bố cũng sẽ vẫn chờ. Bố an ủi không phải tại tôi, nên tôi đừng có trách mình. Chính bố mẹ cũng có lỗi khi không hiểu được con gái trong lứa tuổi nổi loạn.
Người mẹ tôi vẫn thường thấy suốt sáu năm qua hóa chỉ là sản phẩm của nhớ nhung và tưởng tượng. Bác sĩ nói đó là tại vì tôi gặp cú sốc quá lớn, và tôi vẫn cần thời gian để có thể hoàn toàn bình phục như xưa.
Tôi ngồi xuống bên cạnh giường, vuốt ve bàn tay bất động, nhìn mớ dây nhợ lằng nhằng cắm vào cơ thể gầy cớm nắng. Tôi ngả đầu gục lên ngực mẹ, cố gắng lắng nghe tiếng thở mỏng manh. Mẹ ơi, về nhà với con đi, rèm cửa đã thay màu xanh cả rồi, chăn gối đang nhớ hơi của mẹ. Mẹ ơi, về nhà với con đi...
Chẳng có ai trả lời tôi hết. Không có bà mẹ hay cau có cằn nhằn khi tôi bừa bộn, chẳng có bà mẹ nào bắt tôi phải uống nước cam mỗi ngày để khỏe mạnh hơn, cũng chẳng có bà mẹ nào nói rằng "con gái ngoan, đừng khóc". Bởi chẳng có ai dỗ dành nên nước mắt tôi cứ thế rơi xuống, thấm đẫm chiếc chăn đắp trên người mẹ. Nếu biết có ngày hôm nay thì tôi đã không giận hờn trách móc người đã sinh thành ra tôi. Tình yêu không phải cái lồng trói buộc tôi, mà tình yêu chính là lớp áo khoác che chở cho tôi khỏi cuộc đời hiểm trở.
- Về đi con, mẹ sẽ mệt đấy. Mai chúng ta lại đến nói chuyện với mẹ. - Bố vỗ vai tôi nhắc nhở. Tôi quệt nước mắt gật đầu.
Vâng, mai và những ngày sau nữa tôi sẽ đến. Tôi sẽ hát, sẽ kể chuyện, sẽ đọc sách cho mẹ nghe, tôi sẽ cùng bố dành cả đời để chờ mẹ tỉnh dậy.
Chúng tôi rời đi, luyến tiếc đóng cửa. Trong phòng màn hình đang nhảy số một cách chậm chạp, và hình như có một bàn tay cựa quậy dưới chăn...