bởi Mèo Ngủ

3
3
3699 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Đôi mảnh tâm hồn


Hôm nay tôi mới hay tin rằng em Nước sắp gả đi.

Vừa được người ta nói cho, tôi bỏ ngay cái việc đồng áng, chạy một mạch sang nhà Nước. Tôi nắm chặt tay em, kéo ra một góc nhỏ ngoài đồng.

- Ơ, chị cũng hay rồi ạ?

Khi tôi hỏi thì em hồn nhiền hỏi ngược lại tôi như thế đấy. Nước ngước mắt lên nhìn tôi bằng đôi con ngươi lóng lánh. Cặp mặt to tròn và hồn nhiên quá đỗi. Cái cách em nói cũng đầy vẻ thơ ngây, khờ dại.

- Rồi mày sắp gả đi thật đấy à?

- Thật chị ạ, má em nói thế.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Chẳng phải vì cái chuyện Nước rồi sẽ đi lấy chồng, chuyện ấy thì tôi đã biết sớm muộn gì nó cũng sẽ đến mà thôi. Cái sự làm tôi bất ngờ ấy là dáng vẻ của Nước – em thản nhiên đến lạ. Đôi bàn tay trắng nõn của Nước cứ huơ qua, huơ lại tinh nghịch. Mái tóc thắt hai bím tóc của em cứ ngoe nguẩy, cái đầu nghiêng nghiêng. Em cứ cười hì hì như thể một đứa trẻ thơ bỡn cợt vui đùa.

- Thế... mày gả cho ai?

Tôi thấy giọng mình run lên là lạ.

- Hừm... em nghe nói má định gả em cho bé Hư xóm trên chị ạ.

Nghe em nói mà tôi lặng người đi mất. Ôi, em cũng biết em gọi nó là bé đấy thôi, thế mà rồi đây em với nó sẽ là vợ chồng. Cái thằng lỏi con ấy năm nay mới bập bẹ lên năm, còn Nước đã độ tuổi xuân thì mười sáu. Chẳng hiểu nổi bà Non má Nước nghĩ gì mà lại đi làm cái điều rồ dại ấy? Lỡ chúng nó có về với nhau, Nước cũng phải đợi thằng Hư độ chừng mười năm nữa. Thế thì có còn chi đời người con gái. Để rồi mà xem, tới lúc ấy, có biết được không cái lòng dạ thằng đấy. Ai mà chắc được mai này nó có bỏ em chăng?

- Rồi mày tính sao?

Tôi vồ lấy vai Nước, siết chặt. Em vẫn cười như cái cách em vẫn luôn. Lạ thế đấy. Từ trước đến nay, Nước trong tâm trí tôi luôn là một đứa trẻ. Và có khi sẽ mãi là như thế. Em vui, em cười rồi thì em buồn, em khóc. Em thích cười lắm mà cũng mau nước mắt. Có mấy chuyện cỏn con cũng làm mí mắt Nước hoe hoe đỏ. Thế mà, giờ đây sao em cứ tủm tỉm một cái điều gì đấy.

- Sao chị lo dữ thế. - Nước bật cười, hình như bộ dạng tôi giờ đây sốt vó lắm. - Chị yên tâm, em không có  bé Hư đâu. Nó thua em gần một con giáp thì cưới cái chi hử chị?

Chẳng biết vì sao mà khi nhìn dáng vẻ chắc nịch của Nước tôi lại thấy nao nao. Em lấy ở đâu cái điệu bộ ấy thế nhỉ? Mà, chẳng biết em né, em tránh cái chuyện cưới xin ấy ra làm sao, em nghĩ ra kế chi mà thản nhiên đến lạ.

- Mày mưu mô cái gì mà ra vẻ thế?

Tôi tò mò, nhíu mày hỏi Nước. Nhưng em chẳng buồn trả lời. Nước cứ cười khì khì, tay em ôm nhẹ vào bàn tay tôi một lát rồi chạy béng về nhả thổi cơm. Chẳng hiểu nhìn dáng vẻ Nước nhấp nhô rồi biến đi mất làm tôi thấy lo lo. Điệu bộ em hôm nay trông cứ như một người sắp sửa đi xa. Rồi trong cái nắng của những buổi xế chiều, dáng hình em khuất dần trong đôi mắt tôi theo từng vạc nắng, tôi lại càng tin rằng em sắp sửa đi đâu đó.

Có phải em đi tìm thằng Đất không?

Nghĩ đến đó làm tôi thấy lòng rười rượi. Còn nhớ, hồi trước, chẳng bao giờ tôi không bật cười trước cái điệu bộ lúng túng của hai đứa chúng nó. Ai nhìn vào cũng biết là chúng thương nhau. Có mỗi hai đứa trong cuộc là mù tịt. Thằng Đất khù khờ, tôi biết nó mến Nước từ hồi bé, mà nó chả bao giờ dám nói. Nước cũng chẳng biết. Bản thân em cũng thầm thương thằng Đất, mà cũng e, cũng ngại, thành ra chẳng bao giờ em dám nói một lời yêu nào cả.

Lắm lúc, nhìn cái cạnh hò hẹn ngại ngùng của hai đứa chúng nó, con người ta sốt ruột, họ hay giục chúng lấy quách nhau đi. Mỗi lần như thế, đôi gò má của Nước cử ửng cả lên. Thằng Đất thì cúi gầm mặt, hai cái tai bát giới của nó đỏ rừng rực.

Về phần tôi, tôi lại thích chúng nó như thế hơn. Tôi mê cái sự hồn nhiên hai con người chúng nó. Rồi cái mối tình trong sáng, thơ ngây ấy, mỗi khi tôi nhìn vào lại làm tim tôi dịu đi là lạ.  -– tôi vẫn ước thầm như thế mỗi khi nhìn Nước và Đất. Nhưng bây giờ ngẫm lại, có lẽ đôi lúc cái sự hồn nhiên ấy lại làm khổ con người ta quá đỗi.

***

Thế là tối nay Nước gả đi.

Nơi tôi ở có tục rước dâu rất riêng. Ở đây có một con sông dài, vắt ngang cả một mảnh trời. Theo đà con sông, cứ ngỡ là đi được tới mọi nẻo đường cơ đấy. Nào là lên xóm dưới, băng xóm trên, rồi thì đường lên thị xã. Đâu đâu cũng phải theo sông mà đi. Nơi nào cũng có cái dáng hình của con sông ấy.

Có lẽ vì thế người ta mới gọi nó là Trường.

Tôi thích Trường lắm. Hoặc là đã từng. Tôi thích Trường da diết. Mỗi khi đi trên Trường, nhìn vào vạc nước chảy trong veo róc rách, tôi cứ ngỡ mình được chạy về cội nguồn của riêng tôi. Nhưng mà thôi, ấy là cái chuyện đã từng mất rồi. Chứ giờ phút này đây, tôi giá mà Trường không còn nữa.

Có biết không, đêm nay Nước sẽ  đưa đến nhà trai trên con sông Trường đấy. Ừ, đó là tục ở chỗ tôi. Người ta vẫn luôn dặn nhau như thế này:

Gái về nhà trai phải qua sông Trường, phải lựa đêm trăng sáng, đi thuyền tà tà về với nhà trai. Người ta bảo ấy là để cho bà này, ông nọ ở đâu đâu về. Thì, có thật là thế không cũng chẳng ai rõ đâu nhưng họ không dám làm trái. Âu cũng là cái tục từ xưa xửa ở vùng, thôi thì cứ theo.

Thế là từ sớm, tôi đã thấy mấy người từ xóm dưới ùa qua. Là mấy tay được nhà trai em Nước thuê qua chuẩn bị cho đêm rước dâu. Vậy là, Nước sẽ về với thằng Hư. Cái thằng đó, nó là cậu quý tử ở chỗ này đây, ai gặp cũng phải nể. Cha nó - theo Tây, được người ta phong cái danh gì đấy, cao sang lắm. Ở đây dân thiếu ruộng, đói lè cả lưỡi chứ nhà Hư thì chẳng bao giờ đâu. Nào là những thuế má, còn chẳng thì cũng một hàng dài thửa ruộng cò bay gãy cánh cũng chẳng hết.

Vì lẽ ấy, có nhiều người bảo Nước thế là sướng lắm. Phúc phận bao nhiêu mới được làm dâu nhà ấy. Mỗi lần nghe thế, tôi giận lắm. Mấy lần tôi toang chửi rủa, nhưng rồi lại thôi. Nói làm chi cái miệng đời lắc léo. Vả lại, tôi cũng làm gì có tư cách mà nói họ. Chửi rủa họ, có khi là đến sướng mồm tôi thôi, chứ chẳng phải là lo cho Nước. Đến mãi hôm nay tôi mới nhận ra rằng, tôi tin vào lời của Nước quá đỗi. Em nói em sẽ chẳng gả qua đâu, thế là tôi tin răm rắp. Rồi hôm nay, em sắp sửa gả đi mất rồi mà tôi vẫn còn tin. Là tôi ngu dại hay là sao nhỉ? Hình như là cho nhẹ lòng...

- Bây lẹ lên! Tối thui rồi kia kìa!

Đám đông hò hét dữ dội. Cả ngày hôm nay, tôi chưa nghe giọng Nước một lần nào cả. Mọi khi, dẫu có bận cỡ nào em cũng chạy đi tìm tôi. Rồi thì hai chị em thủ thỉ với nhau đôi lời. Còn hôm nay, đôi lúc tôi nhìn thấy em tất bật ở một góc xa xa. Tôi chắc rằng có lúc hai mắt chúng tôi va vào nhau, mà lạ lùng thay em lại không nói với tôi một điều gì cả. Em né đầu vội vã bỏ đi trong lặng lẽ. Cái sự lặng im lạ thường ấy làm tôi thấy nao nao.

Rồi thì đêm cũng về. Cả xóm im lặng hẳn đi. Con đường đất vắng hết cả hình bóng người qua lại. Người ta đi xem rước dâu ở bờ sông Trường. Tôi ngập ngừng hồi lâu rồi cũng lất cất đi theo. Chả có nhẽ Nước sẽ gả cho thằng Hư thật à?

- Trời ơi, cô dâu chạy trốn mất tiêu rồi!

Ngay khi sông Trường va vào mắt thì tôi đã nghe tiếng người ta hò reo inh ỏi lên như thế. Hỏi thăm một lát mới biết, Nước trốn đi mất rồi. Người ta kêu lên thất thanh, khéo nhau đốt đèn dầu đi tìm hừng hực.

Lạ lùng một cái, tôi chẳng thấy bất ngờ vì chuyện ấy cho lắm. Hay là có nhỉ? Dáng vẻ Nước hiện về trước mắt tôi, cái nỗi lặng im lạ kì ấy bây giờ tôi mới cắt nghĩa nó ra cho đặng. Thì ra, đó là vẻ suy tư của một con người đã quyết tâm làm một cái điều gì đấy.

Nghĩ thế, tôi tức tốc chạy đi ngay.

Chẳng hiểu vì sao tôi có cảm giác tôi biết mình Nước ở đâu. Hình như trăng chỉ đường. Đêm về, trăng rạo rực sáng một màu vàng lóng lánh. Một dải sao đêm vắt dài như một dòng sông kéo về một phía. Nhìn lên, tôi thấy sông Trường đổ dồn lên mảnh trời đen bất tận. Thôi, thế là tôi đã biết. Nước đi đâu, tôi đã biết...

- Mày làm cái gì đấy hả Nước!

Tôi reo lên khi thấy Nước.

Em vận một cánh váy đỏ rực, váy cô dâu đấy. Nhưng trăng lên sáng dịu làm váy vơi đi một màu đo đỏ. Em kéo váy lên cao, chân trần đạp lên dòng nước lạnh. Em lừng lững đứng giữa dòng sông, nước vả vào từng ướt lẻm.

- Chị...

Nước nghe tôi nói thì giật mình, quay sang nhìn tôi đăm đăm. Hai mắt em mở to ra kinh ngạc. Hình như em chẳng ngờ mình sẽ bị tìm thấy. Tôi cũng chẳng ngờ tôi lại tìm thấy em. Nước vẫn ở trong lòng con sông Trường đấy thôi. Em đi chếch về phía Bắc, về gần nơi thượng nguồn con sông. Chỗ này vắng hoe, ít người qua lại. Lại còn rừng, còn rú, đủ thứ rắn rít, sâu bọ, rồi đôi khi là lũ thú hoang hiểm nguy ở đâu đâu kéo đến bất chợt. Thành ra chẳng một ai dám tới.

- Thế té ra, cách của mày là mày đi chết đấy hả, Nước?

Tôi thấy giọng mình trầm lắng lạ thường.

- Em...

Nước không trả lời tôi, em sụt sùi nghẹn ngào. Sao bây giờ em không cười như cái chiều hôm nọ nữa nhỉ. Tôi nhìn đôi mắt ngẩn ngơ của em trong làn nước, như thể người đang say.

Tôi mở miệng toang nói thêm thì mẹ Nước đã chạy ra từ lúc nào. Theo sau là một đoàn người rầm rầm với ánh đèn chói lóa. Vừa trông thấy Nước, bà Non đã gào lên thảm thiết:

- Con ơi con! Con định bỏ má chết ở đây sao?

Thế là thôi, tôi thấy Nước lắc lắc đầu, một lát sau thì lội trở lại vào bờ. Nước như tỉnh khỏi mộng mị. Hình như em nghĩ về cái sự gọi là công cha nghĩa mẹ, nếu thế thì em chết đi có phải là tội lỗi quá rồi không? Vậy là Nước không chết nữa. Em bị bắt sống. Nhưng Nước cũng không nói gì thêm về chuyện đấy. Em lặng thinh như hồi sớm tôi trông thấy em. Đôi mắt ráo lại, không khóc nữa. Người ta nhìn vào tưởng là em đã chịu về làm dâu, thế là hò nhau kéo tay em đi về phía chiếc thuyền hoa đợi sẵn.

Tôi sờ soạng vào túi quần mình, vớ lấy một tờ giấy tôi đã đem sẵn từ sớm. Rồi tôi chạy tới, níu lấy Nước đương chuẩn bị bước lên thuyền. Tôi dí vào tay em, thì thào:

- Em có biết là thằng Đất nó cũng tập tành làm thơ không?

Tôi bất giác bật cười khi thấy đôi mắt tròn xoe của Nước. Em nhìn tôi đăm đăm một vài khoảnh khắc trước khi nước sông ùa về trên khóe mắt. Em thút thít, giở thư ra xem. Bài thơ do thằng Đất viết, tôi đã đọc qua, và cũng chỉnh cho nó vài chỗ. Nó viết vụng quá, nhưng thôi cũng chẳng sao. Bài thơ nó viết cho Nước trong những lần học chữ vội vàng trước khi hành quân. Tôi nhớ nó viết thế này:

Có lẽ mãi đến lúc đi xa nó mới biết Nước cũng thầm thương nó, nhưng nó lại bày đặt viết cho con gái nhà người ta đừng nhớ mong về nó. Nghe mà giận...

- Hức...

Tôi nghe tiếng Nước kêu lên khe khẽ, chắc em đọc xong rồi. Tôi nhìn em. Tay tôi đưa lên, siết lấy bàn tay em. Tôi toang kéo Nước đi thì lạ lùng thay em lại níu tôi trở lại. Mắt em nghiêm ra, hai mi xếch lên.

- Em không đi đâu, chị đừng kéo em.

Tôi tròn mắt nhìn Nước.

- Thế mày định lấy thằng Hư thật đấy à?

Nước nghiêng đầu, cười cười trả lời tôi. Vẫn là nụ cười của Nước, nhưng lần này nó sao mà khan khác.

- Vâng, bây giờ thì là thế. Còn mai sau nữa, nếu mà người ta không có chê em thì... – Nói đến đây, Nước cúi đầu ngượng nghịu. Một lát em cười tít mắt, vẫy tay với tôi – Thôi, em đi...

Dứt lời thì Nước đi thật. Em trèo lên thuyền, ngồi một góc. Thế là thuyền neo bến rời đi. Nhìn từ xa, tôi thấy em ngồi trông vào mặt nước đêm. Chẳng biết em có thấy không nhỉ, cái trời sao huyền diệu ấy. Những cuộc rước dâu nào cũng thế, thuyền hoa đều chạy qua trên bầu trời tinh tú đó. Hay là em chẳng cần nhỉ? Có khi là thế, có khi em chẳng cần đâu, khi mà giờ đây, em đã có cho mình một vì sao lóng lánh.

***

Từ dạo ấy tôi và Nước ít gặp nhau hẳn. Những lần gặp cũng chóng vánh quá đỗi.

Mấy lúc đầu, em gặp tôi, vẫn cười tươi rói. Dù nụ cười em có khan khác và đôi chút gượng gạo nhưng tôi vẫn thấy được nét cười trên gương mặt của cô nàng thiếu nữ. Rồi những lần sau, theo cái trời năm tháng đổi thay vùn vụt. Một năm, hai năm, chẳng thấy em cười lần nào nữa. Có lắm lúc, mới gặp nhau thôi em đã òa khóc với tôi. Những lần đấy, tôi thấy em như lịm đi trong vòng tay tôi. Tôi cứ ngỡ em sẽ chết, chết trong dòng sông từ đôi mắt em ùa ra. Nhưng lạ lùng thay, một lát sau em lại choàng tỉnh, rồi lại lốc cốc chạy về nhà chồng.

- Hóa ra lấy nhà giàu cũng không sướng lắm chị ạ.

Có một lần em đã nói với tôi như thế.

- Ba má chồng bảo em đi làm đồng, thì em cũng làm. Không làm xong thì không được ăn. Em làm chung với mấy người nữa, họ làm nhanh quá, lúc em xong rồi thì cũng hết cơm nước. Thế là em không được ăn. Có mấy lần, có vài anh thấy em tội, chia cơm cho em ăn. Bị ba má chồng bắt, thế là cầm đá ném đuổi đi.

Nước kể cho tôi với cái giọng đều đều, thản nhiên đến lạ.

- Có đợt, cha chồng vác trong nhà ra một cây súng to. Bắn đuổi một anh bắt chuyện với em. Đạn sượt qua người em, em tưởng là em chết. Nhưng mà hôm sau em vẫn đi làm đồng.

- Mà, hình như nhà chồng em thích ăn cơm với nhau hơn. Bữa cơm trong gia đình. Nhưng mà không có em. Em không phải gia đình của nhà chồng. Có mấy lần, em làm cơm nước, bày ra. Em cũng toang ngồi ăn, đã bị mắng ngay. Cha chồng mắng, mẹ chồng cũng chửi, bảo em là làm sang. Thôi thì là em làm sang, hẳn là em làm sang rồi. Đến cả chồng em nó cũng chửi, chồng em bảy tuổi nó cũng biết là em làm sang...

Hôm đấy Nước nói nhiều hơn mọi khi. Em nói một tràng với giọng điệu tà tà ngỡ như vô hồn. Tôi chỉ biết ngồi nghe em nói, chẳng thế giúp em đâu, mà cũng chẳng ủi an em một câu từ nào cho được. Lúc ấy, tôi chỉ biết lặng im nghe em nói.

Lúc em ra đi tôi cũng chỉ biết lặng im.

Bỗng dưng một ngày, em đến gọi cửa tôi. Vừa mở ra, tôi đã thấy em cười xòe, dù mắt em như có sông Trường vừa chảy qua một đợt. Nhưng chả có làm sao, vẫn không ngăn em cười. Em cười tít cả mắt, nói với tôi:

- Em bị người ta đuổi khỏi nhà rồi chị!

Và Nước nói với tôi như thế.

- Em chăn trâu, lỡ ngủ quên. Dậy thì mất một con. Đi tìm mãi mới biết là con trâu bị hổ ăn mất rồi. Em chạy về nhà xin lỗi thì bị mẹ chồng mắng vô tích sự quá, lấy em về vừa mất tiền cưới vừa lỗ tiền trâu, tiền ăn, tiền mặc. Thế là em bị đuổi.

Nước nghiêng nghiêng đầu, cười khì. Cái điệu bộ ấy làm tim tôi nghẹn lại.

- Thế rồi mày tình làm sao?

- Chắc là... em đi đánh trận, em đi lính, em đi bộ đội. Hồi làm đồng, có lần em nghe người ta nói con gái cũng đi bộ đội như thường đấy chị. Thế thì em cũng đi, em cũng là con gái mà. Rồi biết đâu...

Nói đến đây thì em ngập ngừng. Hai gò má em đỏ ửng theo đôi mắt ươn ướt. Em cũng chẳng cần nói, vì tôi cũng hiểu em muốn nói cái chi. Chúng tôi im lặng nhìn nhau. Tôi ôm lấy em, siết thật chặt, như thể tôi chẳng bao giờ buông em ra được nữa. Nhưng rồi cũng phải buông thôi, khi đêm đã dần sập xuống. Buông để em còn về, buông để ngày mai em còn đi...

***

Bây giờ tôi đã làm nhà báo. Cái nghề săn tin, chạy đông, chạy tây. Tôi săn nhiều chuyện, nghe cũng nhiều chuyện, nhưng chẳng bao giờ tôi nghe về Nước. Hoặc là tôi chẳng muốn nghe. Có khi là thế, tôi sợ mình không kìm được. Tôi sợ tôi sẽ không ngủ được, lỡ đâu...

Có một lần, tôi tình cờ nghe tin về Đất nơi tiền tuyến từ một người đồng nghiệp. Đất đánh trận, hăng say lắm, lập rất nhiều công. Đất không giết ai bao giờ, nó luôn cố bắt sống, để rồi trả giặc về quê hương của chúng. Cái chuyện đấy bị nhiều người cho là gàn dở, nhưng Đất mặc. Nó vẫn sống và làm cái chuyện nó tin là đúng. Rồi thì trong một lần đánh giặc, Đất bị lạc mất. Nó bị người ta đánh úp, té lăn xuống ở đâu đâu. Có người kể lại, Đất bị một trái bom ném về phía đấy, nhưng được thằng giặc nó tha cho nhảy ra cứu, không bị làm sao. Cũng có đứa bảo, nó bị bom nổ tan tác rồi.

Thôi thì, tôi cũng chẳng biết nhiều, cũng chẳng biết tin cái chi. Chuyện ấy khó nói lắm, bản thân tôi tin Đất vẫn còn sống. Tôi muốn tin là thế. Nhưng có những lúc, ta buộc phải tin những chuyện mà ta chẳng bao giờ muốn. Đời ép ta thế. Tôi cũng thế. Ai cũng bảo là Đất chết rồi. Rồi thì danh sách lễ truy điệu, người ta cũng gọi tên Đất. Thế là Đất chết trong mắt người đời.

Nhưng rồi, chẳng hiểu sao, tôi có cảm giác vẫn còn người tin vào Đất sẽ sống. Và cái người đấy sẽ mãi luôn như thế. Có lẽ, tâm hồn chúng nó dính lấy vào nhau mất rồi. Tôi có cảm giác Nước sẽ làm thế. Em sẽ đi bôn ba từ Nam ra Bắc. Tôi chẳng bao giờ gặp được em, tôi còn chẳng dám nghe ngóng tin em còn sống hay đã mất. Nhưng có khi, cũng chẳng cần lắm. Cái chuyện ấy cũng không nói lên được gì. Bởi nhẽ, dẫu Nước còn sống, hay đã mất rồi, thì em cũng sẽ luôn tìm Đất. Chúng nó sẽ luôn tìm nhau, rồi quấn lấy nhau, yêu nhau một cách đẹp đẽ nhất. Chúng nó sẽ sống với nhau, sống nơi tâm hồn của nhau trong từng khoảnh khắc.