bởi Sứa

24
2
3428 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Đưa em về nhà


Tôi xuất hiện với chiếc quần hoa ở cửa nhà tắm, Xanh hú lên cười như thú xổng chuồng.

“Làm sao?” Tôi giả lơ, đi về phía kệ giày.

Phía sau lưng Xanh vẫn cười không ngớt. Tôi biết đó là một cái quần khó chấp nhận. Một chiếc quần màu hồng hoa cam nhí, dài đến ngang bắp chuối và ống thậm chí còn rộng hơn quần áo dài của các hoa hậu. Mặc một cái quần như thế ra đường chưa bao giờ là một ý hay.

“Em ơi tôi bảo này.” Xanh nói trong cơn nấc cụt: “Tôi nói em đừng giận…”

“Em sẽ giận nên là giữ mấy cái lời đó lại đi.” Tôi đứng nhịp chân nhìn mấy chiếc túi vải. Là lỗi do ai đã mang hết đồ đi giặt ủi nhưng không lấy về để rồi hôm nay cửa tiệm đóng cửa và tôi không còn một cái quần tử tế nào?

Đây là cái giá Xanh phải trả.

Chúng tôi đi bộ từ lầu ba xuống bãi xe của nhà trọ, hiệu ứng từ chiếc quần khủng khiếp và chiếc kính đen to sụ thành công thu hút mọi ánh nhìn. Xanh cúi mặt, vành tai vẫn còn hơi đỏ, không rõ là do trận cười ban nãy hay là do hoàn cảnh lúc này.

“Em ơi!” Xanh lí nhí gọi.

“Em không ngại.” Tôi hiên ngang.

“Tôi ngại.”

Không trả lời.

Nói một cách thẳng thắn và rõ ràng thì, chúng tôi là người yêu cũ. Chúng tôi yêu nhau như một trò hề, chia tay cũng hề và sau chia tay vẫn làm lắm trò hề không kém. May mắn là, một trong những điểm chung hiếm hoi, cả tôi và Xanh đều lười. Tôi lười chuyển trọ, Xanh lười đăng bài tìm bạn mới, thế là vẫn ở chung, thỉnh thoảng cãi vã, nhưng phần lớn thời gian luôn hoà hợp. Thật ra thì không hẳn là hoà hợp, chúng tôi trái ngược nhau gần như mọi mặt, thế nên sự hoà hợp này sẽ được hiểu đơn giản là không tranh cãi, không bôi bác, không móc họng nhau.

Đến đám bạn thân cũng cho rằng việc chúng tôi yêu nhau đã là việc không tưởng, đừng nói đến việc sau chia tay vẫn chung một cái nhà.

“Ê Xanh của mày kìa.”

Có đứa bạn huých vai tôi rồi nói oang oang. Bằng một cách thần kì nào đó, Xanh, sau khi tống hết toàn bộ chỗ quần áo bình thường nhất của tôi ra tiệm giặt, thì vẫn còn đầy đủ đồ để mặc như một con người tử tế. Tất nhiên tôi không thiếu đồ, nhưng cái phòng học này không xứng để tôi phải mặc váy hoa, tôi lại càng không thể tròng một chiếc áo tua rua hay một chiếc quần jeans lủng lỗ chỗ mà đi học. Tôi cảm thấy bản thân nên giận dữ, bước ra gần tới nơi thấy đầu Xanh cũng gần như bốc khói:

“Em cầm nhầm chuột của tôi.” Xanh lên tiếng trước, chìa ra trước mặt tôi con chuột màu đen không khác gì con tôi đang để trên bàn: “Rõ ràng là tôi đã để lên bàn của tôi rồi mà làm thế quái nào em vẫn tha đi được thế?”

“Có như vậy Xanh cũng nổi cáu.” Tôi độp lại dù nếu mình là Xanh, phải lội bộ từ khu E tới toà nhà trung tâm để tìm người đòi lại chuột, chắc chắn tôi sẽ không chỉ đứng yên đó đâu, nhưng tôi vẫn tức Xanh vụ cái quần: “Xanh xem em đang mặc cái gì nè? Sáng giờ em có nổi cáu câu nào không?”

“Em đang thù vặt đấy hả?”

“Em mà thù vặt thì con chuột này đã bay từ lầu năm xuống đất rồi chứ chẳng còn nguyên đây chờ Xanh đến đòi.”

Xanh lườm tôi, tôi lườm lại, ném trả con chuột cho Xanh, giật lại con chuột của mình rồi hiên ngang quay đi. Đám bạn lại lắc đầu ngán ngẩm. Tôi biết chúng nó nghĩ gì. Xanh là nữ thần trong lòng nhiều người. Chúng bạn từng nói thẳng mặt tôi chẳng hề nể nang, rằng Xanh hợp đứng cạnh đàn anh học Thiết kế đồ hoạ tiếng tăm lừng lẫy đã công khai theo đuổi gần hai năm, hơn là đi yêu đương với một em gái khoa May ăn mặc kì dị có quả đầu nhuộm không khác gì chùm bông cổ vũ là tôi đây.

Thật ra chuyện con chuột chẳng có gì to tát. Vì mua hai con giống hệt nhau nên chúng tôi nhầm suốt, đến mức tôi biết rõ Xanh học lớp nào vào giờ nào để đi đòi lại chuột, và Xanh cũng vậy. Chúng tôi từng vui vẻ vì điều đó, được xuất hiện trước người kia, cãi nhau vài câu vớ vẩn, sau đó sẽ ôm một cái, xoa đầu một cái. Nhưng đó là chuyện hồi còn yêu nhau. Sáng nay tôi không giận, giống như trước kia chưa bao giờ giận vì biết thừa rằng Xanh đang vào mùa nổi điên. Một học kì sẽ có vài lần như thế, mỗi lần kéo dài khoảng bảy tám ngày, khi mà Xanh phải chạy deadline khủng khiếp, đi đây đi đó chụp ảnh, vẽ tranh, thiết kế,… Vào những ngày đó, tôi sẽ chẳng bao giờ chấp nhặt chuyện Xanh nổi khùng vô cớ, tự nhiên lớn tiếng hoặc cọc cằn dù tôi chả làm gì (hoặc là có làm gì nhưng không đến nỗi quá đáng), bởi vì sau đó Xanh sẽ chạy đi xin lỗi tôi, sẽ thủ thỉ dỗ dành và nói mấy câu làm tôi mắc cười. Đó cũng là chuyện hồi còn yêu nhau.

Tôi trở về phòng vào lúc chín giờ tối sau một ngày dán mắt vào màn hình liền tù tì từ bảy giờ sáng đến ba giờ chiều, chạy đi học thể chất sau đó lại đi dạy thêm. Tôi ném đồ linh tinh, nằm vật xuống đống vải trong góc phòng, một vài cuộn giấy rập dựng bên cạnh ngã lộp bộp xuống mặt, tôi chửi thề rồi gạt sang một bên, mệt không muốn nhúc nhích. Nếu Thiết kế đồ hoạ cần một cái laptop, một bộ wacom, và một cái máy ảnh (thật ra thì hồi đầu còn phải mua cả màu vẽ nữa, nhưng học xong môn đó Xanh tống nó đi rồi), trông gọn gàng và hiện đại thì một đứa học Công nghệ may như tôi, cuộc sống ngập trong vải và giấy rập, các loại thước đủ kích cỡ, các hộp chỉ kim đủ màu sắc chủng loại,... đến mức Xanh để nguyên một cái tầng dưới cho tôi, còn đồ đạc của hai đứa được khiêng hết lên gác. Thật ra thì không phải đứa nào học may cũng như thế, là tại tôi bừa, còn Xanh thì biết rõ điều đó. Và cũng vì tầng dưới là của tôi nên Xanh sẽ ít khi xuất hiện trừ những lúc ăn uống hoặc tắm rửa. Xanh sống chết với cái laptop của mình. Tôi nằm lơ mơ, nghe tiếng Xanh xuống mở tủ lạnh, bật bếp từ, nghe mùi đồ ăn thơm. Một ngày hiếm hoi Xanh đích thân nấu nướng.

“Ăn cơm đi em.”

Xanh bảo thế. Tôi ừ, rồi có cảm giác Xanh đang đứng cạnh mình, mùi xà bông tắm Lifebuoy quen thuộc vờn quanh mũi. Được một lúc thì tôi mở mắt:

“Làm sao?”

“Xin lỗi em.” Xanh nói: “Chuyện hồi sáng.”

“Em chẳng để bụng. Cũng đâu phải lần đầu Xanh nổi điên với em chuyện không đâu.” Tôi ngồi dậy vươn vai: “Em mua chuột mới, cho người khác con cũ rồi, không cần sợ mang nhầm nữa đâu.”

Xanh nói gì đó tôi nghe không rõ, lại bếp xúc cơm rồi mở tủ lạnh lấy sữa. Xanh bảo là tắm xong rồi hẵng ăn cơm, tôi không trả lời.

Thay đồ xong tôi lên gác, mở tủ ra lấy bộ chăn mền nằm sâu tít dưới đáy. Bộ này trước là của tôi bên trọ cũ mang theo, ngờ đâu Xanh đã có sẵn một bộ khác to gấp đôi, thành ra nhét tủ cho đến tận bây giờ. Xanh ngước mắt khỏi màn hình máy tính, hỏi cộc lốc:

“Lại làm sao?”

“Em xuống dưới ngủ.” Tôi tỉnh rụi: “Hôm nay em mệt, lỡ nói mớ Xanh không ngủ được, mắc công.”

“Mắc công gì?” Xanh cáu kỉnh: “Từ đó đến giờ ngủ chung đâu có sao.”

“Hồi đó khác bây giờ khác. Còn yêu đương gì đâu.”

Tôi không đôi co, ôm mền gối với laptop xuống khỏi gác. Đó cũng chẳng phải cái cớ. Tôi được cái to mồm và lí lẽ nhưng sức khoẻ thì không ra gì. Có những ngày học mệt hay đi nhiều thì tối về kiểu gì cũng kiệt sức, khi ngủ toàn mơ thấy những điều không hay. Trước Xanh còn kể có những đêm tôi còn nói mớ, rồi khóc, Xanh cứ phải xoa lưng, xoa lâu lắm mới ngủ yên được. Tôi chẳng nhớ gì, nhưng tin là Xanh nói đúng. Ngày trước thì thấy ấm lòng, bây giờ mang tiếng người yêu cũ, tốt nhất là không nên.

Hôm sau thức dậy đã gần mười một giờ, thấy trên người quấn chiếc mền dày sụ thay vì chiếc mền cam chói tôi mang xuống đêm trước. Trong tủ lạnh có đồ ăn, Xanh nấu chẳng ra mùi vị gì nhưng dù sao thì tôi cũng không kén. Tôi ôm tô cơm, tự hỏi thế quái nào mình và Xanh lại thành ra thế này.

Chuyện tôi và Xanh quen nhau kể ra thì nghe kì cục. Chúng tôi tình cờ học chung lớp thể chất. Tôi chơi bóng chuyền không tệ, còn Xanh thì cực giỏi. Dáng người cao ráo, di chuyển nhẹ nhàng, đánh phát nào trúng phát đó. Tôi vẫn nhớ rõ tụi con trai ở đó mắt đã sáng rực khi muốn bắt cặp cùng Xanh, nhưng xui cho chúng nó, và nói thật ra là xui cả cho tôi nữa, tên tôi và Xanh đứng liền nhau nên nghiễm nhiên hai đứa thành một cặp. Ngày hôm đó tôi ghét Xanh kinh. Xanh ném bóng về phía tôi như thể dội bom về phía quân thù. Nhưng khi đó tôi còn nhát, không dám cãi, chỉ ấm ức nhìn xung quanh mọi người đánh vài cái cho có rồi ngồi chơi, còn mình thì dù cố tình đánh điên thế nào Xanh cũng đỡ được, tức. Tiết thể chất sau Xanh vẫn đứng đối diện tôi, mặt lạnh như tiền, tôi vùng vằng xin thầy đổi bạn đánh cặp khác, Xanh níu lại hỏi tại sao, lúc đó tức quá tôi gào lên là đi đánh bóng chứ có phải đi đánh giặc đâu mà ném dữ vậy. Xanh ngớ ra một lát rồi nói xin lỗi, sau cũng nhẹ nhàng hơn thật. Cho tới khi quen nhau rồi Xanh mới kể tại vì em đánh bóng trông đẹp quá, cứ muốn nhìn hoài. Tôi bảo đồ điên. Xanh hôn lên tay tôi, gật đầu, điên mà được em yêu thì cũng đáng.

Chuyện hẹn hò của chúng tôi càng hài, sau khi được Xanh làm quen và mở lời thì tôi, sau những trận cãi nhau tưng bừng với hai đứa bạn cùng phòng đã không chần chừ lấy một giây dọn đồ đi nhanh đến mức không ai kịp níu kéo. Chúng tôi ở chung, những hôm phải ở trường cả ngày tôi sẽ mang theo cơm. Xanh thấy tôi nấu cơm cũng bảo tôi nấu thêm một phần đi, Xanh đi chợ, tôi nghĩ thì thấy không phiền lắm, ai ngờ đâu những ngày mang cơm đó, Xanh đều đặn xuất hiện trước cửa xưởng giữ bàn đợi ăn cùng. Đám bạn thấy Xanh thì cười tít. Kiểu tự nhiên có một nữ thần nổi tiếng nguyên cái khoa In và Truyền thông ai cũng biết ngồi ăn cùng, thấy cũng tự hào với các bàn xung quanh. Bọn tôi ăn chung, Xanh không ngại trò chuyện cùng đám bạn bát nháo.

“Học đồ hoạ là mình có học mấy cái như làm phim hoạt hình không Xanh?”

Xanh gật đầu bảo có rồi mở cho chúng tôi xem đoạn video một cô gái tóc dài tới thắt lưng đứng yên thì đẹp, bước chân một phát là cái váy ở lại cái người thì đi. Cả đám cười muốn tắt thở. Hôm thì Xanh lại khoe bức chân dung tự hoạ cách điệu nhìn như con bạch tuộc bơi giữa biển dung nham. Bài điểm cao nhất lớp, tôi phun ra nhận xét của mình không kịp suy nghĩ xong đành gật đầu nói thêm trước ánh nhìn kì thị của Xanh là em chả biết gì về nghệ thuật cả đâu, đừng để ý.

Xanh cũng không ngại ôm tôi khi vừa thò đầu ra khỏi xưởng, xoa đầu lúc tạm biệt hay khen cơm tôi nấu ăn ngon. Đến một hôm tôi nói là tụi trong lớp đồn em với Xanh hẹn hò rồi. Xanh tỉnh rụi hỏi thì sao. Tôi cọc lên sao trăng cái gì. Có tiếng mà không có miếng, tội em.

“Vậy thì mình hẹn hò đi. Có cả tiếng lẫn miếng luôn nè.”

***

Dạo gần đây tôi và Xanh ít khi gặp mặt. Xanh bận như điên. Có những hôm ba giờ sáng mở mắt ra thấy Xanh vẫn đang vật vờ trước màn hình, có hôm thì liêu xiêu mở cửa về nhà với cái máy ảnh nặng trĩu trên cổ lúc trời đã tối mịt. Nhiều khi nhìn Xanh ăn vội vàng bữa cơm rồi lại vội vàng phi lên gác ôm laptop, tôi thấy lòng bàn tay khó chịu, muốn chạy đến ôm Xanh một cái, muốn dụi đầu vào lưng, nói là em thương Xanh ghê á, đừng để bệnh Xanh còn còn phải nuôi em mà. Nhưng bạn cùng phòng thì không ai làm thế, người yêu cũ lại càng không. Tôi quay đi, thấy xót xa nơi lồng ngực.

Một buổi tối hiếm hoi không phải đợi cơm, Xanh ngồi đối diện tôi nhai rộp rộp miếng táo.

“Xanh đang tránh mặt em đúng không?”

“Hả?” Xanh ngước lên nhìn tôi, đáy mắt hơi dao động. Tôi nhún vai, giả bộ bình thản.

“Mấy hôm nay Xanh đi suốt. Trước đây Xanh đâu có bận như vậy.” Rồi tự nhiên tủi thân trào lên tới cổ, tôi cúi mặt: “Xanh không thích thì chỉ cần nói em sẽ dọn ra. Này là nhà Xanh mà, không cần phải làm như vậy, em khó xử.”

Rồi tôi buông dao đứng lên, nói hôm nay Xanh rửa chén rồi ôm đồ vô nhà tắm bật nhạc to hết cỡ. Khóc. Gần một tiếng sau tôi chui ra, Xanh đang ngồi ngẩn ngơ dưới đất. Trông thấy tôi Xanh hơi bối rối, nói là mấy hôm nay bận thật. Cơn tủi thân vừa lắng xuống lại bị chọc cho tỉnh lại, tôi quay mặt đi, hắng giọng:

“Sao cũng được. Em sắp đi về quê bạn, vài ngày không về. Xanh ở nhà tự nấu cơm ăn. Còn chuyện dọn đi đợi em về rồi tính.”

Ngày hôm sau tôi theo bạn về quê thật. Một trăm năm mươi cây số đường xe rời thành phố. Màu xanh hiện dần ra thay cho khói xe và bức tường. Thỉnh thoảng dừng lại dọc đường, tôi giơ điện thoại chụp lại đủ thứ. Chụp xong xem lại không tấm nào ưng. Không tấm nào đẹp như Xanh chụp, cả bầu trời cũng không đẹp như lúc cùng Xanh đi. Qua ống kính của Xanh, cả thế giới dường như tĩnh lặng và dịu dàng. Qua ống kính của Xanh, tôi thấy lòng mình an yên và bình ổn. Trước đây thỉnh thoảng tôi sẽ vùng vằng bắt Xanh đứng vào góc này góc kia để tôi chụp cho Xanh vải kiểu. Trăm lần như một, sau khi xem lại Xanh sẽ luôn dài giọng cảm thán.

“Có vẻ như tôi đã tìm được em người yêu trong truyền thuyết rồi nè. Trình độ chụp hình như vớt lên từ Địa Ngục luôn.”

Tôi đi cùng đám bạn. Đi lên rừng lội suối, đi nhìn mây ngắm trời, thấy thế giới này bao la quá đỗi. Thấy lồng ngực nhớ Xanh như sắp điên rồi. Tối nằm trong chiếc lều cạnh hồ, nghe côn trùng kêu rả rích, ngửi mùi đất bốc lên sau cơn mưa rào, nghĩ về Xanh với chiếc tủ lạnh gần như trống rỗng.

Xanh đã ăn gì chưa?

Xanh gọi. Tôi giật mình, tưởng là mơ. Điện thoại rung ầm ĩ. Tôi luống cuống chạy ra ngoài. Dù là mơ cũng phải nghe được giọng Xanh đã. Sau đó vấp chân đập đầu gối xuống đất, đau, tôi nhận ra là Xanh gọi thật.

“Em nghe.”

“Sài Gòn mưa này.” Xanh nói sau một quãng im lặng thật lâu.

“Tối Xanh ăn cái gì đấy?”

“Ăn cháo thịt bằm nấu với giá với cà chua.” Tôi thất vọng nhưng không ngạc nhiên tí nào.

Rồi lại một khoảng lặng rất dài. Tôi nghe tiếng thở đều đều bên kia điện thoại.

“Tôi không tránh mặt em.” Xanh nói như thế “Tôi muốn gặp em mỗi ngày, ăn cơm em nấu, nhìn em học bài. Nhưng mà tôi bận.”

“…”

“Nghe em bảo dạo này gần hết học kì rồi, có nhiều thời gian hơn. Tôi muốn sắp xếp công việc cùng em đi một chuyến.”

“Đi đâu?”

“Đi Tây Nguyên chơi. Để em xem mùa hoa dã quỳ nở rộ, đi hái cà phê chín trên cây. Đưa em đi đến nơi người ta dệt vải hoa may váy. Em từng nói muốn đi mà đúng không?”

“Nên là Xanh nhận việc như điên là vậy đó hả?”

“Không nhiều lắm…”

“Em đâu có thiếu tiền.”

Xanh ừ, giọng nhẹ bẫng.

"Nhưng mà vẫn muốn lo cho em. Muốn đưa em đi những nơi mà hồi còn yêu nhau chưa đi được. Mấy hôm em không ở nhà, tôi không chạy deadline khuya nữa. Thật ra là chạy xong rồi, nhưng mà nhớ em không ngủ được. Xong nằm nghĩ, lại thấy hình như ngày ấy em nói chia tay không hẳn chỉ là vì mình không hợp. Tôi thấy mình tệ ghê. Đứa nào cũng bận rộn, đứa nào cũng phải lo bài vở, mà chỉ có tôi là cáu gắt, tin nhắn em nhiều khi chẳng để tâm. Tại cứ nghĩ là nhà em ở đây, đến tối về sẽ thấy em đợi, không biết làm em buồn nhiều. Em đã giận đúng không em."

“…”

"Nên là khi nào em về, nếu không chê, em cho tôi đi cùng em một chuyến, được không em?"

“Xanh ơi.” Tôi cất tiếng gọi, nghe thấy mình bật khóc.

“Ừ.”

“Em muốn về nhà.”

***

"Xanh điên rồi."

"Ừ, điên thật. Nhớ em đến điên."

"Em đã nghĩ Xanh sẽ không đến."

"Tại sao?"

"Gần một trăm năm mươi cây số vào lúc hai giờ sáng."

"Còn em thì đã đợi tôi hơn hai tiếng vào lúc hai giờ sáng, dù em nghĩ rằng tôi sẽ không đến."

"Em muốn về nhà."

"Ừ!"

"Với Xanh."

Ngày hôm ấy tôi là người nói lời chia tay, sau những khác biệt và những tổn thương không một lần giải thích. Tôi từng nghĩ rằng yêu thương là phải tận tâm thấu hiểu, phải tự nhìn thấy được nỗi buồn trong mắt người kia mà không cần hỏi han mở lời. Để rồi khi những ấm ức trong lòng mong muốn một lần được giải toả, khi nhìn thấy bóng lưng cô độc của Xanh muốn được sẻ chia vỗ về, tôi mới nhận ra rằng yêu thương phải là biết cùng lắng nghe cùng an ủi, để những vỡ nát và buồn bã không còn làm mình hoài nghi và đau đớn nhiều.

Tôi nhận ra rằng chưa một lần nào mình ngừng thích Xanh, kể cả khi chạy đến mênh mông đất trời rồi vẫn nhớ về một người sẵn sàng vì mình mà đi xuyên thành phố.

"Thế nên tôi đến để đưa em về nhà."