32
4
1819 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Giấc mơ của cha


Tác phẩm: Giấc mơ của cha

Tác giả: Thùy Linh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu thốn về mặt vật chất lẫn tình cảm, Ngọc sống với ba ở căn nhà nhỏ trong một con hẻm của thành phố đầy náo nhiệt nhưng có lẽ sự náo nhiệt ấy không dành cho hai ba con Ngọc. Với Ngọc, ba vừa là ba mà cũng vừa là mẹ, là người đầu tiên nhìn thấy những bước chân chập chững tập đi của Ngọc, là người tiên được nghe tiếng gọi “ba ơi” và cũng là người đầu tiên dắt tay Ngọc bước vào những cánh cửa cuộc đời. Mẹ Ngọc mất từ khi Ngọc vừa chào đời, mỗi ngày tháng trôi qua đều là khoảng thời gian khó khăn của Ngọc và ông Bảy - ba của Ngọc.

***

Ánh đèn từ bóng đèn đầu ngõ le lói chiếu qua khung cửa sổ rọi vào chiếc bàn học cũ trong góc nhà khiến cho người ta có cảm giác buồn man mác trong lòng. Đã hơn mười một giờ đêm nhưng dù cho ánh sáng của chiếc đèn có mở nhạt thì ánh sáng tri thức của Ngọc vẫn đang sáng rực. Ngọc lật từng trang giấy, cặm cụi học bài, có lẽ Ngọc đang dành hết mọi nỗ lực của mình cho kì thi sắp tới - kỳ thi đại học.

Ngọc không gặp được ba vào buổi tối vì ông Bảy thường sẽ đi làm vào buổi tối. Công việc của ông Bảy góp phần làm cho thành phố trở nên sạch, đẹp - ông là công nhân quét đường. Trong khi mọi người đang tận hưởng giấc ngủ thật ngon sau một ngày dài làm việc thì đâu đó vẫn có những người công nhân đang tận tụy với công việc như ông đang thầm lặng làm việc của mình.

Sau một đêm dài làm việc thì ông Bảy trở về nhà, tay cầm gói xôi cúc nóng hổi được bọc bằng lá chuối, ông bước vào nhà, treo chiếc nón nhựa lên tường và bước đến chiếc bàn học của Ngọc. Bây giờ chỉ mới hơn bốn giờ sáng, con gái của ông đang nằm gục trên bàn cùng với những trang tài liệu chi chít chữ. Ông khẽ vuốt lên mái tóc của Ngọc vừa vui nhưng cũng vừa thương. Vốn là người ít nói và tính chất đặc thù của công việc nên hai ba con ông rất ít khi có cơ hội để gặp nhau và nói chuyện. Ngọc thì ngoài thời gian học trên lớp còn đi làm thêm, đến tối về nhà nghỉ ngơi thì ông Bảy đã đi làm.

Ông đặt gói xôi lên bàn con gái rồi nằm lên chiếc ghế bố màu xanh dương đậm, ông ngủ thiếp đi.

***

Mặt trời đã bắt đầu ló dạng, ánh sáng huyền dịu, ấm áp của buổi sớm khiến cho Ngọc tỉnh giấc, Ngọc thức dậy và sửa soạn đồ đạc, sách vở để đến trường. Gói xôi được đặt trên bàn của Ngọc được dời sang chiếc ghế nhựa kế bên chiếc ghế bố mà ông Bảy đang nằm.

“Con đi học nha ba”. Dù biết ông bảy đã ngủ nhưng Ngọc vẫn giữ thói quen chào ba đi học trước khi ra khỏi nhà.

Trường cấp ba của Ngọc cách nhà cũng không quá xa nhưng vì sợ Ngọc đi bộ nhiều sẽ mệt, ông Bảy trong lúc đi làm có xin được cho Ngọc chiếc xe đạp cũ để Ngọc đi học. Thời gian cứ thế trôi qua, mỗi ngày Ngọc đến trường, mỗi bước chân Ngọc đi đều mang những khát khao, ước vọng to lớn về cho một cuộc đời tươi đẹp.

***

Tối hôm trước khi Ngọc đi Đại học ông Bảy nghỉ ở nhà mà không đi làm.

“Ngày mai con thi lúc mấy giờ, ba chở con đi thi.”

“Dạ, con có mặt ở điểm thi lúc bảy giờ sáng. Nhưng mà hôm nay ba không đi làm hả ba?”

“Ba ở nhà với con.” Giọng ông Bảy từ tốn trả lời.

Có lẽ đây chính là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất ông được chứng kiến đứa con gái bé bỏng duy nhất của mình bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Với ông đó chính là cánh cửa to lớn nhưng cũng là cánh cửa duy nhất để mở ra một cuộc đời tươi sáng cho Ngọc.

Ông mua cho Ngọc một tô phở tái.

“Con ăn đi rồi học bài tiếp.”

“Ba không ăn với con hả ba?”

“Ba ăn cơm hồi chiều rồi.”

Ngọc chạy vào bếp lấy tô nhựa và đổ phở ra, Ngọc vừa ăn vừa khen ngon.

“Hôm nay phở ngon quá ba, ba mua ở chỗ cô Hiền phải không ba?”

“Ừ, con ăn đi.”

Ông Bảy ngồi dựa vào chiếc ghế bố vừa nhìn ánh đèn đường, nhìn dòng người qua lại và nhìn con gái của ông. Ánh đèn ở phía xa kia tựa như ánh đèn của sự hy vọng, ông hy vọng về một tương lai tốt đẹp, hy vọng con của ông sẽ thi thật tốt, hy vọng con của ông sẽ thành công. Đối với ông, Ngọc chính là ánh đèn sáng ngời chiếu rọi vào một tâm hồn có phần chai sạn, khô cứng vì thời gian, vì hoàn cảnh và cũng vì số phận. Ngày Ngọc ra đời cũng là ngày ông phải tạm biệt người bạn đời của ông, lúc đó sự suy sụp về tinh thần dường như đè nặng lên trái tim gần như cạn kiệt máu, những mạch đập dường như không còn ý nghĩa với ông nữa. Ông dường như sắp buông xuôi.

May mắn thay, Ngọc xuất hiện. Sự xuất hiện diệu kỳ tựa như một liều thuốc trị liệu tinh thần vô giá mà cuộc đời dành tặng cho ông, là động lực vô hình vực dậy tinh thần của người đàn ông đang yếu đuối. Khi con người ta đang ở trạng thái tồi tệ và muốn bỏ cuộc nhất thì cánh tay kỳ diệu đã góp phần vực dậy con người của họ, với ông Bảy thì Ngọc chính là cánh tay kì diệu ấy. Ngọc làm cho ông “sống lại” và cùng Ngọc viết tiếp một cuộc đời mới. Và suốt một đêm đó ông không ngủ được, một đêm thật dài.

Sáng hôm sau, ông mặc một chiếc sơ mi màu vàng mà ông đã mua từ rất lâu, dắt chiếc xe dream cũ ra và bắt đầu chở Ngọc đến điểm thi. Trên đường đi ông hỏi:

“Con ăn bánh mì hay ăn xôi, ba mua cho con.”

“Con hồi hộp lắm. Con không ăn đâu ba.”

“Ăn đi”. Nói rồi, ông ghé vào xe bán bánh mì bên đường mua cho Ngọc một ổ đặc biệt nhiều thịt, ông đưa cho Ngọc.

Đến điểm tổ chức thi, cha mẹ nào cũng động viên con của mình để tinh thần thoải mái và thi thật tốt. Ông Bảy cũng không ngoại lệ, ông vuốt nhẹ lên tóc của Ngọc.

“Con cứ bình tĩnh nha, ba chờ con ở ngoài này.”

Thời gian cứ thế trôi qua, ông Bảy đứng lên rồi lại ngồi xuống, tay chắp sau lưng đi tới đi lui, mặt thì cứ cúi xuống đất rồi lại nhìn lên trời. Ông nhìn thấy một bầu trời trong xanh, những đám mây trắng, ánh nắng chiếu thẳng vào mặt ông - một ánh nắng ấm áp lạ thường. Ông biết rồi sau này con gái của ông cũng sẽ có một cuộc đời ấm áp, một cuộc đời tươi đẹp như khí trời hôm nay. Ngồi chờ đợi với khoảng thời gian rất dài, ông vừa muốn thời gian trôi qua thật nhanh để được gặp Ngọc nhưng cũng lại muốn thời gian trôi chậm lại để Ngọc có đủ thời gian mà làm bài thật tốt. Khoảng thời gian chờ đợi này có lẽ là dài nhất của ông, lòng ông cứ bồn chồn, hết đi tới rồi lại đi lui, hết ngồi rồi lại đứng lên.

“Reng... Renggggggg....”

Tiếng chuông báo hiệu đã hết giờ vang lên, trong lòng càng thêm lo lắng, ông cố gắng nhìn qua khe cửa của cổng trường để đón Ngọc. Những ngón tay của người cha cứ đan vào nhau rồi rút ra rồi lại đan vào nhau, chân ông thì cứ nhón lên để cố gắng nhìn, cố gắng tìm thấy hình bóng đứa con gái bé bỏng của mình.

“Ba ơi, con đây nè ba”. Vừa nói Ngọc vừa chạy thật nhanh đến chỗ ông Bảy đang đứng, Ngọc ôm ba.

“Ba chờ con con lâu không ba.”

“Con làm bài tốt không, con có mệt không?”. Ông Bảy ôm Ngọc vào lòng, vừa nói vừa xoa đầu.

“Dạ con làm tốt lắm ba, hôm qua con ôn bài kĩ lắm”. Ngọc ngồi lên xe và ôm lấy ba thật chặt.

Trên đoạn đường đi về, ông Bảy không giấu được sự vui mừng và niềm tự hào, ông biết ông đã làm được và con gái của ông cũng đã làm được. Ông góp phần tạo nên giấc mơ cho Ngọc và Ngọc góp phần viết tiếp ước mơ cho ông. Có lẽ giờ đây giấc mơ lớn nhất của ông chính là nhìn thấy con mình thành công qua những cánh của của tri thức và chạm đến những điều mà ông còn dang dở.

***

Tiếng chó sủa nhà hàng xóm khiến ông giật mình tỉnh giấc. Bây giờ đã là chín giờ sáng, ánh nắng chiếu thẳng vào mặt khiến ông bị chói mắt. Gói xôi mà ông mua cho Ngọc khi sáng vẫn còn được bọc nguyên vẹn trong lá chuối. Ông mỉm cười vì mình vừa trải qua một giấc mơ rất diệu kỳ. Có lẽ đây sẽ là một giấc mơ có thật, một điều tốt lành đang đến đúng như nguyện vọng mà ông mong muốn.

Một ngày mới đã bắt đầu và hành trình của ông Bảy hay của Ngọc vẫn sẽ tiếp tục, những ước mơ vẫn còn đó nhưng sự khao khát mãnh liệt ngày càng nhiều hơn. Ngọc sẽ thay ông thực hiện ước mơ lớn nhất của cuộc đời, sẽ thay ông viết tiếp những điều còn thiếu. Ánh nắng hiện tại cũng chính là ánh nắng của tương lai, và Ngọc đã dùng ánh sáng diệu kỳ của mình để tái sinh lại cuộc đời của ông.

Ông Bảy lại tiếp tục đi làm, làm một công việc khác chính yếu và cao cả hơn đó là làm cha - một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những ước mơ, hoài bão của Ngọc cũng như của chính ông.