bởi Như Hiền

23
6
3112 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Giặt áo bên sông


      Quốc ra sức lăn xe lên dốc, mồ hôi anh nhễ nhại. Nắng tháng ba rát mặt, hầm hập như một chảo lửa. Dốc cao, bàn tay sau tai nạn của anh vẫn chưa hồi phục hẳn, anh gồng mình lăn xe từng tí một, chỉ cần anh thả tay ra chiếc xe lăn sẽ lùi ngược lại. Từ phía chân cầu, Nhiên đã thấy anh khó nhọc lên dốc nên vội chạy lại. Nhiên giúp Quốc đẩy xe lên dốc, rồi không quên đưa cho anh ly nước mía.

-         Hôm nay trời nắng quá! Anh cầm uống cho đỡ khát.

Rồi chị lại tất bật chạy lại hàng nước mía của mình. Gương mặt ửng đỏ, mồ hôi lấm tấm. Mỗi lần lăn xe qua đây, Quốc đều thấy chị tất bật như thế. Tất bật ép mía, tất bật bỏ đá, bỏ bịch cho khách. Nhưng cứ hễ nhìn Quốc khó nhọc lên cầu, chị bỏ hết để giúp người đàn ông tật nguyền ấy đẩy xe. Quốc chỉ kịp cảm ơn rồi chị lại vội vã về với hàng nước mía của mình.

Xấp vé số trên tay anh vẫn còn đầy, mà con đường phía trước như hoa lên bởi nắng. Chiếc xe lăn ì ạch lăn từng xíu một. Anh ngao ngán thở dài. Quốc làm bạn với chiếc xe lăn này cũng hơn ba năm rồi.Dường như anh vẫn còn nhớ cảm giác chân mình vẫn còn tồn tại, tự bước đi trên mặt đất. Anh vẫn không thể quen được cảm giác mỗi sáng ngủ dậy nhìn xuống tự nhiên thấy một bên chân của mình biến mất đến tận đùi. Trong vô thức anh vẫn tìm kiếm chiếc dép còn lại mỗi lần định đi đâu đó, rồi bất lực nhận thấy thực tại.

Trước khi tai nạn, Quốc là một thanh niên vạm vỡ. Anh làm kĩ thuật cho một công ty sản xuất giấy. Quê anh nghe đâu xa lắc tận miền Tây sông nước. Ở trọ đi làm, cuộc sống không được đầy đủ nhưng anh chưa bao giờ tỏ ra buồn phiền, chán nản. Anh hay hát, những ngày nghỉ vẫn hay lăng xăng chạy chỗ này chỗ kia. Mỗi lần kể lại chuyện tai nạn, vẻ mặt anh không giấu vẻ bàng hoàng, giọng anh buồn buồn. Trong một lần tăng ca về trễ, đường vắng, chiếc xe container chạy ẩu cán phải anh. Nhìn qua gương chiếc hậu thấy Quốc lê lết, người tài xế nhẫn tâm lùi xe tính cán chết anh. May thay lúc ấy có công an đi tuần. Quốc nhấp ly rượu cay xè, nhìn tôi bảo:

-         Chả biết công an đi tuần xuất hiện lúc ấy may hay rủi nữa. Khi tai nạn xảy ra với mình anh mới thấy sự sống thật mong manh như thế nào. Anh biết nhiều người bị xe cán không chết, bị tài xế nhẫn tâm lùi lại cán một lần nữa. Vì họ sợ họ phải nuôi cả đời. Thà cán chết, đền tiền một lần, đi tù có hai năm. Mà đôi lúc nghĩ quẩn, anh chỉ muốn người tài xế đó cán anh một lần nữa.

Tôi sững người nhìn anh:

-         Còn sống là may lắm rồi. Ông trời cho mình sống là mình còn cơ hội mà anh!

Anh lặng im, nén tiếng thở dài.

  Tôi làm chung công ty với Quốc. Anh hơn tôi 2 tuổi. Sau tai nạn công ty đuổi anh kèm theo một ít tiền bảo hiểm. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay lui tới với anh. Những ngày đó, khi còn nằm trên giường bệnh Quốc hay kể cho tôi nghe về người vợ sắp cưới của mình. Ngày cưới chỉ còn chưa đầy hai tháng, tai họa tự trên trời ập xuống. Anh tỉnh dậy lơ mơ biết mình còn sống. Anh ngất lịm khi biết mình mất chân phải. Bàn tay cũng bị đè nhưng bác sĩ cứu được. Giờ sức lao động anh chỉ còn một nửa. Anh yếu như một con mèo heng trong gió. Chị cũng khóc. Hai anh chị cứ ôm nhau khóc ròng. Rồi chị áp lực từ phía gia đình,ép chị không được quen anh nữa. Những lần chị đến thăm anh thưa thớt dần rồi mất hẳn. Ít lâu sau chị cưới. Ngày chị cưới anh lăn xe đến gần nhà chị, Nhìn cô dâu rước đi về nhà người ta rồi anh quay về. Anh bảo anh chẳng trách chị. Ai lại muốn sống cả đời với người tật nguyền như anh hả chú?

Trời chuyển mùa se lạnh, thi thoảng ngồi với tôi bên ly rượu cay xè anh vẫn hay nhắc về chị. Những ngày như thế này, chị hay đòi anh chở đi ăn lẩu, thứ lẩu gì cay xé lưỡi toàn ớt đỏ. Ngồi sau xe chị hay thọc đôi tay mình vào túi áo anh. Anh bảo, những ngày đầu tai nạn anh sụp đổ dữ lắm. Đôi lúc nghĩ sao lúc ấy mình không chết luôn đi. Chị đi lấy chồng coi như người thân còn lại của anh cũng chẳng còn ai. Bố mẹ thì mất sớm. Mà cũng may anh chị không cưới sớm, chứ cưới rồi anh mới ra nông nỗi này chắc chị buồn đứt ruột.

                                                              ****

Nhà anh Quốc ở gần bến sông. Căn nhà tềnh toàng, trống trải, vật dụng chả có gì đáng giá. Chiều chiều, anh vẫn hay ra ngồi trông con nước buồn rười rượi, những đám lục bình trôi dềnh dàng. Dạo này, anh đã tập tành đi nạn gỗ. Những bước chân khấp khễnh, để lại những dấu tròn hằn trên mặt đất. Anh lê nạn gỗ ra sàn nước. Không ngồi xổm được anh ngồi bệt xuống ngồi giặt áo. Bọt xà phòng bay tung tóe, bết lên cả áo, cả tóc anh. Anh hì hụi chà, hì hụi giặt. Bộ quần áo trên người bê bết xà phòng, sũng nước. Nhìn cảnh ấy tôi nheo nheo mắt nhìn, bảo anh cứ gom đồ để lần nào tôi đến tôi giặt hộ. Anh bảo, mới giặt nên chưa quen, dần dần sẽ ổn. Mà chú có giặt quần áo cho anh được cả đời đâu! Thỉnh thoảng đến nhà anh thấy bếp lửa nguội ngắt, cơm canh lâu ngày để mốc meo cả. Anh cười, sống có một mình nấu nướng anh cũng làm biếng, nhà không có phụ nữ nên lạnh tanh vậy đó.

Dạo này anh Quốc thỉnh thoảng lại hay nhắc về người đàn bà bán nước mía dưới chân cầu. Mỗi lần anh lăn xe lên cầu chị lại lật đật chạy ra giúp.

-         Người đàn bà ấy thật nhân hậu chú ạ !

Nghe anh Quốc kể, mỗi lần tạt ngang mua nước mía tôi hay để ý chị. Chị tầm ba lăm, chân tay lúc nào cũng bận rộn. Chiếc áo khoác ngoài của chị đã sờn cũ. Gương mặt chị mang vẻ lam lũ, nhọc nhằn. Khi ngồi uống nước mía tôi hay nghe những người đàn bà đi chợ nói về chị. Chị lận đận tình duyên, mười sáu tuổi đã yêu. Anh này quất ngựa truy phong khi cái thai trong bụng chị chưa thành hình. Chị cắn răng sinh con, nuôi con trong tủi nhục. Họ hàng, chòm xóm dè bĩu. Những ngày sinh con trong túi không có một đồng. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Con cứng một chút, chị ra phơi nắng đứng bán nước mía. Bây giờ cũng còn cực nhưng đỡ hơn nhiều rồi.

Ngày ngày, đi ngang qua cầu, anh Quốc nán lại chút xíu bên quán nước nhỏ xíu của chị. Anh vừa mời vé số, vừa quan sát "bà chủ". Đôi ba lần anh ngồi uống nước trầm ngâm nhìn chị. Thỉnh thoảng chị cũng nhìn anh rất vội. Rồi chị lại đẩy xe anh lên cầu, lại tất bật chạy lại với hàng nước mía.

Anh Quốc thôi không bán vé số nữa, anh chuyển qua sửa xe đạp gần cầu. Tiệm sửa xe của anh cách tiệm chị Nhiên một khoảng. Nói là tiệm chứ thực chất chỉ vài ba dụng cụ lặt vặt chiếc cờ lê, chiếc bơm xe đạp cũ. Anh Quốc trước kia là dân kĩ thuật nên khá giỏi trong việc sửa chữa máy móc gia dụng. Anh sửa xe đạp, thi thoảng có người đem quạt máy, nồi cơm điện đến nhờ anh sửa giúp. Anh chắc bóp, nới dần tiệm ra rồi tiệm anh dần dần trở thành tiệm sửa đồ gia dụng. Tay anh yếu, cứ chật vật sửa chữa. Những đồng tiền kiếm được cũng giúp anh sống qua ngày.

 Dạo này trời nắng gắt, những buổi trưa anh làm biếng lăn xe về nhà ăn cơm. Bữa ăn nhiều khi qua loa với gói mì tôm pha vội, chiếc bánh mì khô quắt queo từ sáng. Nhiên vài lần đi ngang, thấy anh ăn uống tềnh toàng quá, đâm thương.Buổi trưa, chị lấy cớ mang nhiều thức ăn, ăn không hết mang lại cho anh một ít. Rồi chị bảo, thôi trưa anh cứ qua ăn cơm với mẹ con em, thêm cái chén với đôi đũa chứ có nhiều nhặn gì đâu. Ban đầu Quốc ngại, rồi thấy chị nhiệt tình quá, rồi anh cũng qua ngồi ăn cơm với chị. Những bữa cơm tuy giản đơn nhưng gợi lên trong lòng anh điều gì đó xa xôi lắm. Như ngày nào còn xì xụp ngồi ăn lẩu cay với người yêu cũ...

Chị Nhiên thỉnh thoảng nhờ anh sửa cái xe đạp xì hơi, tụt xích. Lâu lâu mang đến cái quạt hư. Chị bảo, nhà không có đàn ông nên đụng cái gì cũng đem ra tiệm. Những lúc quán nước mía ế khách chị hay đến ngồi cùng Quốc. Hai người ngồi kể cho nhau câu chuyện buồn dài dằng dặc của mình. Cả hai cùng nén tiếng thở dài vào lồng ngực, nhìn buổi trưa gió ràn rạt mé sông.

 Nhiên ba lăm tuổi. Ba lăm tuổi với nhiều người vẫn còn trẻ lắm. Ban ngày làm lụng cực nhọc, đêm đến Nhiên trằn trọc, thở dài. Sau những đổ vỡ, những đắng cay, tủi nhục đến ê chề tưởng chừng chị không còn thiết tha cảnh gia đình. Nhưng những lần nhìn Quốc lụi cụi một mình, Nhiên nhận ra nỗi cơ đơn và nỗi buồn vời vợi trong mắt người đàn ông ấy. Cuộc đời người ấy cũng cực nhọc, cay đắng giống mình. Chị thấy vui vui mỗi lần nấu cơm, nấu canh nhiều thêm một chút để phần cho anh. Rồi chị nhận ra mình vẫn còn khao khát, vẫn mong muốn một gia đình đầy ắp tiếng cười và những bữa cơm.

 

    Anh Quốc bị ngã, được người hàng xóm đưa đi cấp cứu. Nghe tin, tôi hốt hoảng chạy vào bệnh viện. Khi vào, đã thấy chị Nhiên ngồi bên anh. Anh dựa lưng vào gối, chị ngồi gọt hoa quả và bón cho anh từng miếng. Anh chị nhìn nhau không nói nhưng tôi thấy được niềm hạnh phúc trong mắt họ. Chợt, tôi ước họ là một gia đình.

                                                     ***

Điều ước của tôi chưa thành sự thật thì Quốc đột nhiên đi đâu mất. Anh không nói với ai một tiếng về sự ra đi đột ngột của mình. Tiệm sửa đồ của anh đóng cửa im ỉm. Lâu ngày bụi cứ đóng dày lên một lớp...Chị Nhiên không giấu nổi cảm xúc của mình. Gặp tôi chị nghẹn ngào, những dòng nước mắt trào ra trên gương mặt đen sạm vì nắng. Chị bảo, mỗi lần đi ngang quán anh chị cứ nhìn hoài. Chị cứ muốn thấy anh mở cửa, thấy anh tấp tễnh trên chiếc nạng gỗ. Thấy anh lúi húi với mấy chiếc tua vít. Đạp xe trên đường chị cứ giật mình thon thót trước điệu bộ ai đó giống Quốc. Lâu nay, chị cố tình đi lấy mía xa hơi, vòng vèo các ngõ khác nhau lỡ may ra chị thấy anh Quốc. Có lẽ ông trời không thương chị. Chị chỉ muốn có một nơi yên ổn để dựa vào, dù đôi chân anh không nguyên vẹn nhưng chị nhìn thấy sự vững chãi ở người đàn ông ấy...Mắt chị đỏ hoe, ngực chị cứ rung lên từng hồi. Thương chị mà tôi chẳng biết nói gì. Thân thiết như tôi với anh Quốc mà anh ấy đi đâu cũng không nhắn lại một lời.

 

 Bẵng đi một thời gian tôi cũng quên dần chuyện của anh Quốc chị Nhiên. Một vài bận tìm kiếm, hỏi han thông tin về anh mù tịt nên tôi cũng thôi không tìm nữa. Chắc anh muốn thế. Rồi đột nhiên, trong một cuộc nhậu tôi nghe thông tin về anh. Một người bạn đồng hương với anh bảo, Quốc tự nhiên chuyển về miệt miền Tây xa lắc. Sống với một người cô không có gia đình...Tôi vội vã hỏi địa chỉ rồi tranh thủ mấy ngày phép ít ỏi lên chuyến xe về miền Tây tìm anh.

Bên chén rượu đế cay xè và vài ba con khô nướng cháy, anh Quốc vẫn khề khà với cái giọng buồn đứt ruột như ngày trước. Anh bảo, anh biết Nhiên thương anh. Anh cũng định xây dựng gia đình với chị ấy. Anh cũng thương Nhiên số khổ, cuộc đời cứ lận đận như cánh bèo trôi. Nhiên đã nói với anh, thâm tâm anh cũng muốn nhưng anh cứ lần lữa mãi. Một người tật nguyền như anh, lại mất năm mươi phần trăm sức lao động biết có lo nổi cho mẹ con Nhiên hay lại làm gánh nặng của cô ấy. Di chứng sau tai nạn vẫn nặng nề. Chú nhớ cái dạo anh té nhập viện không. Cái bóng đèn không sáng, anh lại ở một mình. Anh bắt thang leo lên sửa, ai dè té ngã. Làm thằng đàn ông mà ngay cái bóng đèn không sửa được làm sao mà lo nổi cho vợ con đây?

Quốc nhấp ly rượu cay xè, đưa mắt nhìn xa xăm. Con bìm bịp kêu xơ xác cả trời chiều... Rồi có một dạo, mẹ Nhiên đến tìm anh. Mẹ Nhiên khóc, mẹ Nhiên xin anh đừng làm khổ Nhiên nữa. Cuộc đời Nhiên đã quá nhiều nước mắt. Anh đứng còn không vững anh lấy gì lo cho mẹ con Nhiên? Tự ái của một thằng đàn ông trong anh trỗi dậy. Anh buồn và suy nghĩ nhiều lắm. Cùng lúc ấy cô anh ốm nặng. Cô lại sống một mình nên anh về chăm cô. Anh không muốn găp lại Nhiên nữa, không muốn là gánh nặng của Nhiên nên quyết định ở luôn dưới này. Hai người cô đơn sống dựa vào nhau. Mà thôi, chú cũng đừng kể cho Nhiên nghe về anh. Để cô ấy quên đi, Nhiên sẽ tìm ai đó mạnh mẽ, vững chãi hơn anh để dựa vào... Sau bữa nhậu ấy, tôi bắt xe lên lại. Quốc tập tễnh ra đầu lộ tiễn tôi. Thôi thì Quốc đã muốn sống như thế. Tôi cũng có được câu trả lời cho mình về sự vắng mặt của Quốc.

                                                    ***

Cũng tầm nửa năm sau tôi mới gặp lại chị Nhiên. Chị đen hơn, gầy hơn, gương mặt chị cứ buồn buồn. Ngồi với tôi chị nói, chị vẫn đi tìm anh Quốc đấy chú. Chẳng biết sống chết thế nào. Người gì mà cạn tình, ít ra cũng nhắn lại vài ba câu cho chị yên lòng. Chị không mong ước gì xa xôi, chỉ mong anh ấy sống khỏe, sống tốt. Nếu có người phụ nữ nào thương anh ấy, về sống nấu cho anh ấy bữa cơm, hiểu thấu nỗi cô đơn trong lòng anh ấy là chị mừng rồi...

Nhìn đôi mắt đỏ hoe của chị, lòng tôi nghẹn lại. Tôi nghĩ, nếu không cho chị biết anh Quốc đang ở đâu chắc lòng tôi không yên. Tôi xé vội mảnh giấy ghi địa chỉ đưa cho chị. Chị khóc nấc lên, đôi vai run bần bật...Tôi biết chị lên chiếc xe đò về miền Tây ngay trong buổi chiều hôm đó.

Tôi định bụng ghé quán chị Nhiên để hỏi thăm xem tình hình của anh Quốc thì phải đi công tác tận miền Trung. Công ty con ngoài đó gặp sự cố. Lu bu với công việc, giải quyết xong trở về thành phố thì cũng mất non hai tháng.

Một buổi chiều nắng nhẹ, tôi thong dong lòng vòng xe qua các ngõ. Gió từ sông thổi vào lồng lộng, mấy chiếc thuyền đủng đỉnh buông lưới. Dưới chân cầu, quán nước mía của chị Nhiên lẫn tiệm sửa xe của anh Quốc đều đóng cửa. Tôi lấy làm lạ, tạt vào một quán nước gần đó hỏi.

-         Cái chị Nhiên bán nước mía góc đó hả? Chuyện như trong phim đấy chú ạ. Chị ấy xuống miệt dưới tìm cái anh cụt chân đó. Không biết sự thể thế nào. Hai ngày sau, xe dừng dưới chân cầu. Hai anh chị dắt dìu nhau bước xuống. Anh đi tấp tễnh, chị dìu từng bước, nhìn thương lắm.

Lòng tôi nghe se sắt. Gió xào xạc cuốn những đám lá khô lạo xạo.Tôi đến nhà anh. Vừa đến cổng đã nghe mùi cá kho thơm nức mũi. Tiếng anh Quốc đang cười đùa cùng cu Bi con chị Nhiên. Thằng bé ngồi trên đùi anh, cười nắc nẻ. Chị Nhiên đang ngồi giặt áo ngoài mé sông. Từng đợt sóng lăn tăn kéo những đám bọt xà phòng lan ra xa mãi. Gió ngoài mé sông cứ thổi mạnh làm tóc chị rối tung. Miệng chị khe khẽ hát. Gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi thấy cảnh nào đẹp như thế. Thấy tôi đến, anh Quốc cười to:

-         Hôm nay chú phải ở lại ăn cơm với anh chị. Có món cá kho với canh chua bông điên điển. Chị nhà anh là nấu ăn ngon nhất miệt đó.

Chị lườm yêu anh một cái. Nắng tắt, mặt trời nhuộm đỏ khúc sông. Từng vạt áo Nhiên giặt xong phơi trên sào cứ bay bay theo gió.

 

Truyện cùng tác giả