Hạ Thương
Thỉnh thoảng trong đời vẫn cứ tưởng mình cầm nắm được nhiều thứ rồi, nhưng hóa ra lại chỉ là cái vỏ bề ngoài rỗng tuếch.
Năm đó, Hạ mười bảy tuổi. Cái tuổi vừa độ xinh đẹp, mơn mởn, trong veo như nền trời chẳng một gợn mây. Vậy mà Hạ lại đã làm mẹ, đứa trẻ còn bồng bế trên tay đã được hơn một tháng. Những ngày làm mẹ đã bắt đầu, vậy nhưng vẫn có một cái gì đó mơ hồ trong tâm trí Hạ. Hạ nhìn những màu áo trắng, nhìn khăn quàng đỏ thấp thoáng ngoài đường, đám trẻ con nháo nhác, í ới gọi tên nhau, vô tư, hoạt bát, Hạ thấy tiếc cho phận mình. Đứa nhỏ khóc, vì đói, vì tã ướt, hoặc có thể vì đủ các lý do khác nhau, Hạ thở dài một cái rồi thay tã, cho con bú.
Hạ đã hơn một lần muốn từ bỏ đưa trẻ này, nhưng lại chẳng thể, vì sợ, vì những cảm giác tội lỗi trào dâng. Hạ đặt tên con là Thương, mong con nhận được tình thương yêu của tất cả mọi người để bù đắp sự thiếu hụt của người cha. Hạ một mình, lầm lũi nuôi đứa trẻ dưới ánh mắt dè bỉu coi khinh, lời ra tiếng vào của người đời.
Bầu trời hôm nay đẹp lắm, những đám mây lẩn trốn để lại một bầu trời xanh cùng với ông mặt trời chói chang. Nắng xuyên qua những cành cây cao, rồi đến những tán lá thấp hơn, thấp nữa rồi chạm vào mặt Hạ. Nắng như đùa giỡn, trêu ghẹo cô gái mới lớn, nắng như chàng trai nghịch ngợm, dí dỏm và hài hước. Gió nhẹ, đung đưa nhưng tán cây, nắng theo đó cũng đưa đẩy, bồn chồn. Gió mạnh hơn, cành lá xào xạc tạo nên âm thanh đặc biệt, vui tai, nắng trở mình, nghiêng theo chiều gió. Nắng và gió cùng nhau tạo nên những khoảnh khắc hiếm hoi làm Hạ thấy lòng mình vui hơn, bỏ quên những suy nghĩ chồng chất, nặng nề của một người mẹ trẻ như cô. Phút giây ấy chẳng thể kéo dài được mãi, bầu trời kia chẳng thể đẹp mãi, nắng kia, chẳng thể chan hòa được mãi, người ta vẫn phải sống, sống để tận hưởng tất cả dù chúng chẳng còn đẹp đẽ nữa.
- Bé Thương cũng được hơn tháng rồi, giờ con tính sao?
Một người đàn bà ngoài năm mươi, mái tóc ngả bạc nửa đầu, đôi bàn tay nhăn nheo cùng những vết chân chim dày đặc bước vào. Hạ thấy sau cái ngày mà bà Phương biết tin Hạ có bầu, lòng bà nặng trĩu, bà Phương già đi nhiều lắm. Số đời hẩm hiu, con gái giống mẹ đến mức ngay cả nuôi con cũng một mình, đều bị người cha chối bỏ. Bà Phương hiểu tất cả những điều mà Hạ đang trải qua, cũng như bà ngày trước đã từng đau khổ nhiều như thế nào, tất cả đã được chôn vùi trong kí ức của riêng bà, vậy mà giờ đây, hình ảnh con gái bà làm mẹ ở tuổi mười bảy ấy lại làm những kí ức ngày trước sống dậy, trở về và sinh động ngay trước mắt. Giá mà thời gian có thể trở lại, bà sẽ ngăn cản Hạ đừng sinh ra đứa trẻ này, bởi vì bà biết rằng cuộc đời Hạ sau này sẽ khổ như bà, những năm tháng cùng cực của đời người đàn bà không chồng mà chửa, trong nhà không có đàn ông, ngôi nhà đơn côi và yên ắng đến lạ. Những tủi thân mà bao năm qua bà chịu đựng, giờ có lẽ Hạ sẽ bắt đầu thấu hiểu.
- Con định lên Sài Gòn làm, má giữ bé Thương giùm con với nha.
Hạ nói mà không nhìn mẹ mình, cô biết những giọt nước mắt vẫn đang chực rơi, hai người đàn bà, một già một trẻ, ấy vậy mà giờ lại chung một nỗi đau. Hạ vẫn nhớ cái khoảnh khắc tim mình như ngừng đập một nhịp bởi ba chữ “đồ con hoang” được phát ra từ cô Chín, mẹ thằng Tú móm. Đó là khi Hạ học lớp 2, Tú đã giật lấy con búp bê mà Hạ thích nhất rồi ném vào góc đường. Hạ vì quá tức giận mà chạy đến lấy con robot đồ chơi của nó, rồi thằng Tú cũng nắm giữ lại, kéo tới kéo lui con robot rơi xuống đất, vỡ tan tành. Những tưởng mảnh hồi ức trẻ thơ đó đứa trẻ nào cũng dăm ba lần có, thế nhưng chưa hết, hai đứa xông vào đánh nhau, giật tóc, xé áo. Hạ vô tình làm đau Tú, nó la toáng lên rồi khóc gọi mẹ. Oái oăm là ngay lúc đó cô Chín tới, nhìn thấy cảnh đứa con cầu con khẩn bị người ta đánh, cô Chín ôm Tú vào lòng rồi đánh vào lòng bàn tay Hạ.
- Quỷ nhỏ, sao mày đánh nó?
Cô Chín gằn giọng, khuôn mặt nhiều phần tức giận. Cũng khó trách bởi cô Chín khó đẻ, cầu thầy cầu cô khắp muôn phương mới xin được ngày để có thể có thằng Tú. Cháu đích tôn ba đời được cả dòng họ nuông chiều, cũng vì thế mà vị trí của cô Chín tăng lên nhiều phần.
- Tại bạn Tú ném rớt búp bê của con chứ bộ. - Hạ phân bua bằng giọng yếu ớt của một đứa con gái 8 tuổi.
- Không phải đâu mẹ, nó làm bể con robot của con rồi.
Tú nói rồi chỉ cho cô Chín từng mảnh vỡ của con robot mới được cô mua sáng nay. Cô Chín chỉ vừa nhìn thấy vậy thì cơn giận dữ đã lên cao:
- Đi về, không được chơi với nó nữa nghe chưa?
Cô Chín nắm tay Tú rồi quay lưng lại với Hạ bước đi, thế nhưng hình như cảm thấy chưa đủ, cô Chín quay lại nhìn thẳng vào mắt Hạ rồi thốt lên ba chữ kinh khủng ấy “Đồ con hoang”.
Thật ra ngày ấy, Hạ vẫn chưa đủ lớn để hiểu ba chữ ấy có nghĩa là gì, chỉ thấy có gì đó rất kì lạ, kì lạ đến nỗi cả cơ thể như mềm nhũn lại. Hạ về hỏi bà Phương, “Má ơi, tại sao cô Chín lại kêu con là đồ con hoang?”. Bà Phương nén nước mắt, ôm con vào lòng, hát ru để dỗ Hạ vào giấc ngủ. Chỉ mong sao cả đời này Hạ cũng đừng hiểu được điều đó để trái tim mỏng manh của Hạ đừng đau, bà Phương chi mong những nỗi đau đó chỉ mình bà chịu đựng là đủ rồi.
Với Hạ những ngày bé thơ là những ngày thiếu thốn một điều gì đó mơ hồ, bà Phương vẫn luôn dành cho Hạ nhiều hơn tình thương của mẹ để những mong có thể bù đắp nỗi đau thiếu cha. Thế nhưng vẫn luôn có đôi lần Hạ nhìn thấy những đứa trẻ khác được cha nắm tay, rồi bế lên cổ, tiếng cười giòn tan của cha và con hòa lẫn trong gió, Hạ thấy cổ họng mình nghẹn đắng, nước mắt chẳng hiểu vì đâu cứ trào ra. Khi lớn lên Hạ biết đó là cái cảm giác ganh tỵ, ganh tỵ vì chúng bạn có cha, chúng bạn được cha yêu thương vỗ về. Phải chăng điều mà đứa trẻ nào cũng nên nhận được là sự đủ đầy của cha và mẹ, khoảnh khắc chạm vào những nỗi đau không tên còn khắc nghiệt hơn khi giữ sự im lặng. Khát khao có cha chính là điều mà suốt mười mấy năm lớn lên Hạ vẫn mong muốn có được. Hạ sợ rồi miệng đời thế gian ác nghiệt, bé Thương sẽ phải nghe những điều đó. Nhưng làm sao cho đặng, mọi chuyện đã như thế rồi. Bé Thương sẽ trở thành đứa trẻ cô đơn như Hạ, cô đơn đến mức chẳng thể giãi bày với bất kì ai, chỉ lặng lẽ chịu đựng qua những ngày dài mong mỏi cha trở về ôm lấy mình. À mà không phải là muốn cha ôm lấy mình, mà là chỉ cần biết cha là ai và người đàn ông ấy rõ ràng là có tồn tại.
Bà Phương cúi đầu nhìn bé Thương, nhìn đứa trẻ trắng trẻo mũm mỉm đang tự mình chơi đùa với đôi bàn tay và đôi chân vẫy vẫy. Bé Thương giống hệt như Hạ hồi bé, đôi lần ngắm nhìn Thương, bà Phương lại lầm tưởng tuổi trẻ trở mình đang trở về.
- Hôm qua, thằng Hùng có tới đây...
Bà Phương khựng lại khi trông thấy vẻ mặt giận dữ của Hạ, những đứa nhỏ gắn với nhau bằng tình yêu, thứ tình yêu chợt đến rồi vội đi như những cơn mưa đầu mùa. Ấy vậy mà vẫn giữ cho nhau một bé Thương khỏe mạnh như thế này. Ngày Hạ phát hiện ra mình mang trong người đứa trẻ của Hùng, Hạ đã khóc thật nhiều, nhanh chóng gọi điện cho Hùng thế nhưng lại nhận được một câu nói thật vô trách nhiệm: “Làm sao mà giữ được, bỏ đi em”. Hạ giận Hùng, giận mình, giận những giây phút bồng bột, đam mê đem tất cả trao cho nhau rồi khi cùng nhau tạo ra một sinh linh bé nhỏ, điều đầu tiên nó nhận được là câu bỏ đi của ba.
- Mẹ đừng bao giờ cho hắn vào nhà.
Hạ nói rồi bỏ ra ngoài. Bà Phương biết con gái đã phải chịu những ấm ức trong suốt quãng thời gian mang thai, sự tức giận của Hà bà có thể hiểu được nhưng từ chính cuộc đời làm mẹ đơn thân của mình, bà nhận ra điều đó không dễ dàng. Những lúc thấy mỏi mệt, bà vẫn ước có bờ vai nào đó để tựa vào. Sợ Hà khổ, sợ Hà sẽ phải chịu thiệt thòi nếu bà đi bước nữa nên vẫn ở vậy nuôi con.
Những người phụ nữ luôn mang trong mình những nỗi đau, dù lớn hay nhỏ, nó vẫn âm ỉ qua từng ngày, như một cái gai chỉ đợi những cử động dù khẽ thôi, sẽ đau đấy.
Chiều tối, khi những ánh đèn từ khắp những ngôi nhà bật lên cũng là lúc bà Phương đi làm việc. Bà quét chợ cũng đã gần hai mươi năm, bằng với số tuổi của Hạ, để nuôi Hạ lớn. Hạ từng hỏi mẹ, tại sao trong vô vàn công việc ngoài kia, mẹ lại chọn một công việc khổ sở và hôi hám đến vậy, bà Phương chẳng thể nói gì. Hạ đâu thể biết ngày trước lẽ đời dị nghị con gái không chồng mà chửa đến mức nào, những ánh mắt khinh khi của người đời làm bà Phương thấy sợ. Nhưng không thể cứ ở mãi trong nhà, rồi thì cái nghề nó tự đến. Quét chợ chỉ quét vào ban đêm, khi những buổi chợ chiều vừa kịp tan, khi dòng người đông đúc đã về với gia đình của mình, chỉ con những đống rác ngổn ngang không đường lối, chỉ còn những người quét chợ. Lúc ấy sẽ chẳng còn ai nhận ra bà, sẽ chẳng còn những lời chỉ trích, la rầy. Những năm đầu là vì thế, nhưng riết rồi thành quen, bà Phương vẫn bám lấy cái nghề ấy như một cái nợ trong người.
- Bác nói Hạ giùm con với ạ!
Vẫn là Hùng, cả tuần nay thằng bé lẽo đẽo theo bà Phương đến chợ, chỉ mong bà Phương có thể nói giúp cho nó. Hạ tắt nguồn điện thoại, tắt cả mọi liên lạc với Hùng. Nó chỉ còn có thể nhờ bà Phương giúp đỡ, hy vọng vào cứu cánh cuối cùng này thôi.
- Chắc tuần sau cái Hạ nó đi Sài Gòn.
Bà Phương vẫn chầm chậm quét những đống rác nhỏ gom lại thành những đống lớn. Bà hiểu tính con gái, một khi nó đã ghét bỏ điều gì thì đừng mong lay chuyển nó.
- Cổ bỏ bé Thương thật hả bác?
Hạ bỏ đi thật nhưng không bỏ bé Thương. Hạ rời quê nghèo với những con đường đất đỏ lầy lội, với những tiếng gà gáy mỗi sớm, tiếng loa phát thanh báo hiệu ngày mới bắt đầu. Hạ bước đi trên những con đường nhựa sạch sẽ, Hạ hòa mình vào dòng người đông đúc vội vàng, Hạ lẫn trong những dòng xe cộ nối đuôi nhau, những tiếng xe inh ỏi, những tiếng la hét, chửi rủa. Hạ xinh đẹp, chín chắn và trưởng thành.
Năm năm sau lần rời quê ấy Hạ trở về, khi đã đủ vốn để có thể sống tiếp ở vùng quê nghèo. Thế nhưng khác vơi suy nghĩ của Hạ, những con đường betong thay thế đường đất, điện đường sáng rực cả cái xóm nhỏ. Người ta thông đường nhỏ ra đường lớn, đèn xanh đèn đỏ ngay ngã tư chợ làm Hạ chợt giật mình. Những biển quảng cáo sặc sỡ, to lớn, những ngôi nhà cao tầng nhấp nhô. Nhà của Hạ vẫn ở đấy, nhỏ xíu lọt thỏm giữa sự đổi khác của cả vùng.
Giọng bé Thương lảnh lót, lặp đi lặp lại những ca từ chỉ mới vừa học được. Cái dáng vẻ lẫm đẫm với những bước chạy nặng nề, khó khăn. Hạ thấy tim mình như đập nhanh hơn, những ngón tay vô thức ôm lấy con. Bé Thương òa khóc, khi nhìn thấy một người lạ ôm mình, bé Thương giãy người, hét lớn hai chữ bà ngoại. Hạ tự động lùi một bước, chợt nhớ ra mình đã bỏ đi quá lâu đến mức đứa con gái bé nhỏ khóc toáng khi gặp mẹ.
Bà Phương bước từ trong bếp, những vết nhăn đã trở nên nhiều hơn, nước mắt chảy dài, ôm chầm lấy Hạ.
Người ta luôn mơ về những giấc mơ hoang đường, nhưng ẩn giấu trong đó là cả một nỗi niềm, nỗi niềm chỉ riêng ta mới hiểu. Có những giấc mơ, chỉ mong sớm tỉnh giấc và thoát ra khỏi nó, nhưng vẫn có đôi lần, muốn mãi được sống cùng giấc mơ ấy, dù biết thật điên rồ nhưng vẫn ham muốn. Bà Phương đã từng mơ về điều ấy nhiều lần, mơ về ngày Hạ trở về ôm lấy bé Thương, chỉ có điều người con gái trong di ảnh trên bàn thờ vẫn mỉm cười nhìn bà, như nhắc rằng sẽ chẳng bao giờ điều ấy có thể xảy ra.
- Thưa má con mới về.
- Thưa ngoại con mới về.
Tiếng Hùng cùng với bé Thương kéo bà Phương về với thực tại. Bà Phương giờ đã có thêm một người con và một đứa cháu ngoại, nhưng làm sao bù đắp nổi những thiếu vắng mà Hạ đã để lại.
Người ta báo tin Hạ chết trong một ngày mưa tầm tã, bé Thương đang sốt nằm li bì. Họ vẫn bảo những nỗi đau chồng chất lên nhau là những nỗi đau đáng sợ nhất, bà Phương đã cảm nhận được điều đó. Bà Phương chỉ có cái nón lá đội đầu, dầm mưa cõng bé Thương đến trạm xá, ruột gan như muốn xé tung khi nghe tin về Hạ. Hạ bị tai nạn lao động, khi quét dọn bên dưới sân khấu thì xảy ra sự cố, chập điện, tòa nhà bốc cháy, tất cả những người trong tòa nhà ấy đều chết. Hạ chết khi cô hai mươi tuổi, bé Thương được ba tuổi. Hạ chỉ vừa gọi điện cho bà tối qua nói rằng con làm nốt ngày mai nữa rồi con sẽ về. Thêm một ngày nữa là thêm cả một đời này Hạ sẽ chẳng về nữa.
Hôm nay bầu trời đẹp lắm, chẳng một gợn mây. Chỉ có duy nhất ông mặt trời nằm yên trên đấy, chiếu sáng cho tất cả. Ánh nắng xuyên qua những tán cây, chiếu vào ban thờ nơi Hạ ở đó. Tiếng gió rì rào vẫn ngân nga hằng đêm, như một khúc ca yên bình, rồi lại bình tâm nghe kể câu chuyện về người con gái tên Hạ ấy.