81
29
3313 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Hai mươi đồng


Cái Dung còn bé tí.

Mới mười hai tuổi, mình nó khẳng khiu như cây đinh, tóc lòa xòa, cháy nắng tới cả chân tóc, lúc nào cũng cúi gằm đầu lủi thủi hệt có vật nặng buộc trên cổ, làm nó không thể ngước lên nhìn mọi người một cách đường hoàng. Nó đi đường nhanh, cứ thoăn thoắt từ đầu đây sang kia, luôn túi bụi liền tay tay liền chân cả ngày. 


Ấy mà nó được việc. Dưới dáng lưng khom khom của nó, những cột hiên đen sì rêu mốc và lỗ chỗ mọt gặm được lau sạch tới bợt cả màu; những rổ rá, bì bồ, thúng mẹt lỏng chỏng được treo lên gọn gàng, hoặc xếp vào xó bếp và định kỳ lau chùi, rửa ráy; đến cái sân trước chỗ kênh chỗ sụt, gạch vỡ gạch lành cũng sạch sẽ, thông thoáng, không kìn kìn nhầy nhụa bông cau bông bưởi nát mục, hư thối. Hai con chó gầy còm, ốm nhom cũng dần mướt lông, đủ tỏ ra cái tự trọng mà dám sủa sang sảng, cắn ác khi thấy khách lạ xâm nhập.


Con bé đã thu vén cho nếp nhà tủn mủn này - sau những rặng tre vàng úa, với đường đất lấm sình, nứt lở và lún sụt những ổ gà - trông sáng sủa, ưa nhìn hơn. 


Sáng nó đi vớt bèo, chăn vịt ngoài đồng, trưa về thái khoai, xắt chuối cho gà ăn, chiều đến lại gánh rau, cắp mẹt đựng bánh giầy, bánh rán, mấy bắp ngô luộc,... ra chợ. Nhưng con Dung nhát quá, nó không dám hét ai bao giờ, chẳng học nổi cái tài chìa thẳng thúng mẹt vào mặt người đi chợ để rao bán của mấy cô, mấy chị. Lúc đi mang bao nhiêu, lúc về nó vác bấy nhiêu, có chăng là ít đi vài tấm bánh. 


Cả nhà phải ăn đồ thừa sau buổi chợ, suốt ngày nhanh nhách những bánh giầy, mỡ màng bánh rán, ăn ngô sắn thay cơm, rệu rạo rau bán ế. Người ta bảo "sáng rau chiều rác" là vậy, rau hết tươi thì nó khô quắp, lá bủng beo, nhai trong miệng như nhai sáp. 


Dung sống với bà nội và cha. Luôn luôn, bà cụ ném cho nó một ánh nhìn khinh khỉnh, coi thường, rảnh rỗi là bà thở than bâng quơ: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô." Chết nỗi, bà rảnh suốt ngày! Bà tự gán cho mình mác già cả, bệnh tật để khỏi phải đụng tay đụng chân vào việc gì, an hưởng tuổi lưng còng tóc bạc. Còn người cha, năm nay đã trung niên, mà lại ham chén rượu mồi nhắm, lá đỏ lá đen, họa hoằn thì thắng được ván lớn, thường nhật chỉ thua - mà thua thì cần tiền trả nợ. 


Gà vịt bán dần, túi tiền vơi vội. Những bữa ăn chỉ còn mấy mẩu rau lang, rau muống nhặt nhạnh sau ngày chợ. Tay Dung càng nhiều thêm những vết sần cầm dao, vai chai đòn gánh, nhăn nheo những buổi ngâm nước vớt bèo. Người nó gầy tọp đi. Nhưng quần quật chừng đó vẫn không sao đủ trả tiền nợ bạc, đủ mua đồ ăn. 


Chiều muộn, Dung quẩy quang gánh về. Chưa vào đến nhà, nó đã nghe tiếng chó sủa vang cả một góc. Người đi qua thỉnh thoảng đứng xem, chỉ trỏ, chẳng mấy chốc hóng hớt bu lại. Con bé bươn bả len vào đám đông, thấy hai, ba người đàn ông lực lưỡng, xăm trổ đứng phì phèo điếu thuốc, ở giữa là một mụ đeo vòng vàng, tay đeo nhẫn vàng dáo dác ngó vào nhà. Nó sợ hãi, linh cảm xấu dâng lên. Quả nhiên, vừa nhác thấy nó, một gã vẫy tay: 


"Con cún kia, lại đây tao bảo." 


Người hai bên ngó nghiêng rồi dạt ra. Có bác giữ nó lại: 


"Các chú đừng có động tay động chân, em nó còn bé, có gì từ từ nói."


"Chẳng phải việc bác." 


Một tên đủng đỉnh đến gần, nhả khói vào mặt nó, vết sẹo trên môi giần giật mỗi khi hắn nói chuyện: 


"Thầy mày đâu rồi?"


Mặt Dung bệch đi trong khi mồ hôi ướt nhẹp hai bên má: 


"Dạ các ông, thầy con đi từ sáng... chưa thấy về. Các ông cho thầy con khất..." 


Một gã khạc xuống đường, chửi tục: 


"Khất, khất đếch gì lắm thế! Cái hạng lão rát như thỏ đế, có gan chơi mà không có gan chịu. Tụi bay tính đến mãn kiếp mới chịu xì túi ra đấy? Tao có vốc nước đái mà thành tiền, ngắt lá ngón mà thành bạc thì tao cho ngay thầy mày. Chúng tao đã gia hạn cho nửa tháng, không lấy lãi lấy lời gì, thằng chó hứa hẹn vâng dạ lắm. Ấy thế hôm nay chuồn đi ngay."


Dung ứa nước mắt vì sợ quá, con bé bai bải van: 


"Con xin các ông, nhà con thế này. Nay thầy con đi vắng, con cũng không biết lấy tiền đâu mà trả các ông. Lạy các ông thương cho..." 


Mụ đeo vòng vàng mới ngắt lời, giọng ngọt sớt: 


"Tao lại chẳng tạo điều kiện! Thầy mày thua bạc từ ngày đầu tháng này, lẽ ra phải trả ngay trong vòng một tuần, mà lão cứ xin xỏ mãi. Tao thấy gia cảnh chúng mày chẳng ra gì, cũng ậm ừ đồng ý. Lần hồi thêm một tuần nữa, đúng lúc tao có việc rời làng, nay mới trở về, không thấy lão nhắc chi đến chuyện nợ nần. Lão cứ chường mặt ra trên chiếu bạc, tưởng tao quên đấy." 


Gã còn lại cất tiếng: 


"Thế giờ như nào? Bao giờ thầy mày về?" 


"Con không biết, thầy không dặn... Sáng nay thầy đi chỉ nói là có việc mấy ngày..." 


Gã kia quát: 


"Thế mày không biết hỏi à!" 


Dung rơm rớm nước mắt, người nó bủn rủn: 


"Lạy các ông bà. Con đâu có ngờ thầy con nợ... thế thầy con nợ bao nhiêu hả các ông các bà...?" 


Mụ liếc xéo nó, mắt như dao cau: 


"Một trăm linh hai đồng, tao lấy chẵn cho thành một trăm." 


"Giời ơi... nhiều thế, con biết lấy đâu tiền mà trả cho các ông bà bây giờ?" 


Mụ mắng xơi xơi vào mặt nó: 


"Thế chúng tao lấy đâu tiền mà cho thầy mày nợ đấy! Khốn kiếp thế chứ, nghèo kiết xác mà cũng dám chơi, rồi nợ cho lắm mà chạy. Bảo thầy mày có trốn thì chui nhủi hết đời, không tao tìm ra, tao bẻ răng, tao vả cho gãy hàm. Tổ sư cha chứ tao có ăn gian ăn dối gì để lão nợ, lúc tao đối xử như ai lại chửi tao quá quắt. Thôi, nói ít chứ! Để tao làm người tử tế chứ! Giấy trắng mực đỏ đàng hoàng, một trăm đồng nợ đây, ấy là tao đã bớt cho lão hai đồng. Có khôn hồn thì trả!"


Dung chan chan nước mắt, nó ngậm ngùi thưa: 


"Nhà con đến liếp rách còn chưa vá, bà thư thư cho con ít hôm nữa, con trả dần..." 


Mụ cười nhạt: 


"Làm sao tao biết cái trả dần của mày là thế nào. Thôi, để tao tính cho thế này." 


Con bé ngước lên, khúm núm lắng nghe. Nụ cười trên môi mụ mở rộng, để lộ một cái răng cửa cũng bằng vàng. Mụ trỏ vào hai con chó sủa ăng ẳng, thích ý bảo: 


"Từ lúc tao đứng đây, tao thấy hai con này cũng được, sủa ác, đúng dịp tao đang cần mấy đứa canh cửa canh nhà. Mày có chịu thì tao dắt chúng nó đi, mỗi con hai đồng, trừ cho bốn đồng, thế là còn chín sáu đồng nhé." 


Dung giật thột, não nùng kêu lên: 


"Lạy bà! Hai con chó ấy con chăm bẵm từ tấm bé, con mớm nó từng hột cơm miếng thịt, chúng có khác gì anh em con. Bắt con bán nó thì chẳng khác nào cắt đứt ruột con cả...! Có cách nào khác..." 


Mụ ngắt lời: 


"Thế mày có tiền trả đỡ nợ trước không, chí ít thì hai mươi đồng." 


Dung bặt đi, thẫn thờ. Mấy cô, bác bên cạnh hẩy nó: 


"Có con chó, bán đi mà đỡ, sau này khỏi tốn tiền nuôi cơm." 


Mụ thở dài: 


"Thôi, nếu mày không muốn bán thì tao cũng chẳng ép. Cái lũ chó ranh này ở đâu mà chẳng có, hạng tôm tép, tao còn con béc-giê ở nhà kia. Mày tưởng quý báu lắm đấy! Bốn đồng hay là hai mươi đồng, đừng có lôi thôi kề cà." 


Các cô, các bác càng giục tợn. Cuối cùng Dung phải gật đầu, ruột gan nó thắt lại: 


"Vâng... thế con xin bán... bà trừ bớt nợ cho con. Nhưng hai con này khỏe khoắn, bà thêm cho con chút ít..." 


Gã miệng sẹo chõ vào: 


"Đến khổ, cái lũ chó quê ngu si gầy nhẳng, được mỗi sủa ác. Mụ mua cho mày, sau khỏi tốn tiền cơm chó, ấy là huệ cố. Mày không biết cảm ơn thì chớ, nài nẫn mãi làm mất thì giờ! Tao lại chẳng vào lục nhà, bắt cầm cố giấy tờ đất..." 


Dung kinh hoảng van: 


"Chớ! Chết nỗi, con xin bán chó cho các ông bà. Các ông bà cứ dắt chúng nó đi... Nhà con trong kia còn có một bà cụ, các ông bà thương tình..." 


Mụ đeo vòng vàng ra chiều dễ tính:


"Thôi, thì thêm cho mày mỗi con một đồng, vậy là trừ sáu đồng tất cả nhé. Thầy mày còn nợ của tao chín mươi tư đồng, mày liệu mà nói lại với lão." 


Dung chỉ biết gật đầu, lại ứa nước mắt. Mụ đeo vòng vàng ra hiệu, mấy tên đàn ông xăm xăm bước vào trong, túm cổ, buộc mõm hai con chó, kéo lê xích loảng xoảng. Chúng nó hốt quá, tru tréo lên, tiếng rin rít trong cổ họng. Đôi mắt chúng như ngọn lửa rệu rã, cứ bám mãi vuốt vào đường, xước hết bốn móng, cố lao về phía Dung. Dung quay mình đi, ôm mặt nức nở. Cái trò cờ bạc sao khốn kiếp quá, làm tội làm tình nó thế này! 


Đoàn người đòi nợ bỏ về, chân nghiến nát cả sân gạch. Một gã hăm dọa: 


"Tuần sau chúng tao lại tới, liệu mà trả hết đấy." 


Hai ngày sau, lão Dâng thất thểu trở về. Vừa vào nhà, lão hỏi Dung ngay: 


"Mụ đến rồi à? Thế không thấy tao là mụ ấy bỏ đi à?"


Dung sụt sịt kể lại. Thầy nó kêu lên: 


"May mà có hai con chó! Không thì tao cũng đến chết với mụ!" 


Dung tưởng lần này lão chừa chiếu bạc, ai ngờ Dâng ngựa quen đường cũ. Chẳng ở nhà được mấy hôm, lão lại mon men trộm mấy hào toan đi đánh bài tiếp. Con bé rấm rức khóc: 


"Thầy ơi! Con lạy thầy. Thầy chơi mà nợ nữa là con đến chết thôi!" 


"Mày thì biết cái gì? Tao chơi để gỡ, kiếm tiền mà trả nợ." 


"Thế nhỡ thua thì thế nào? Thầy không thương con với bà ư? Vườn ruộng, đất đai đã mất quách, giờ chỉ còn gian nhà để ăn ở. Rồi thua thì chúng ta đến ra đầu đường xó chợ mà sống!"


"Phỉ phui cái mồm mày. Cứ đợi đấy, tao hẵng đem tiền về." 


Dâng nói, lão hất tay Dung ra, lại đi đến nhà bạc. Đến tối muộn lão mới trở về, mặt mày hầm hầm. Thế là lão lại thua rồi, nợ thêm năm đồng nữa, Dung bám hỏi mãi lão mới nói. Con bé khóc tu tu: 


"Thầy giết con mất thôi!"


Dâng cũng buồn bực lắm. Lão trằn trọc cả đêm, ấy ba ngày nữa là mụ kia giao hẹn trở lại. Giờ trong túi lão một cắc một xu cũng hết nhẵn. Không ngủ nổi, lão đành mò dậy, đi loanh quanh bên ngoài đường. Phía bên hè có tiếng ồn ã của bọn ma men, cơn thèm rượu trỗi dậy, lão dợm chân đến, cười thớ lợ: 


"Các chú các anh tụ tập gì vui thế? Cho em tham gia với." 


Một tên ngà ngà say, lè nhè hỏi: 


"Thằng nào đấy?" 


"Thằng Dâng Nợ, các ông ạ." 


"Úi chà, thế trả nợ chưa? Hay chuẩn bị để con mụ kia chặt chân tay? Chúng nó là người giang hồ đấy, ác lắm."


Dâng rùng mình, gã ngồi xuống bên chiếu rượu lân la hỏi:


"Em tưởng mụ đùa, thế ra mụ chặt thật đấy ư?" 


"Chả nhẽ lại dối! Tao có thằng em, trước nó mê bài bạc lắm, mà giờ thì kị hết đời nhé. Nó nợ năm mươi đồng, không trả nổi, thế là con giặc cái đó chặt chân nó." 


"Ôi thế chết em! Em nợ gần trăm đồng... lấy đâu ra tiền trả bây giờ?" 


Mặt Dâng xanh như tàu lá chuối. Lão rủn hết cả người. Chợt, một tên cười sằng sặc: 


"Mày chẳng có đứa con gái là gì? Trông nó tháo vát đáo để. Cứ bán quách nó cho bọn nhà giàu làm đứa ở, làm dâu, thế nào mà chẳng được mười đồng hơn." 


Dâng sáng mắt lên. Lão vỗ đùi cái đét: 


"Anh dạy chí phải! Phải lắm! Thế anh có biết nhà nào cần mua không? Mai em đưa nó đi luôn."


Tên bợm rượu nấc một cái: 


"Lão gì ở làng bên mình í nhỉ? À, cụ Tạo, cụ có thằng con trai bị khờ, muốn mua vợ cho nó đấy. Mà đời nào có đứa đàn bà con gái ngoan, giỏi thèm một tấm chồng chỉ biết cười hềnh hệch. Cứ qua đấy, cụ tìm lâu lắm rồi, khéo mười lăm hai mươi đồng cụ cũng chịu chứ đùa." 


Dâng hồ hởi kính rượu hai "ông nhớn", rồi tất tả trở về. Sớm hôm sau, lão dựng con Dung dậy, thúc nó ăn mặc tử tế. Lão nhìn đi nhìn lại. Ấy, cái dáng nhỏ gầy trông khúm núm bấy lâu bỗng thuận mắt hơn hẳn, gương mặt gầy yếu nhìn xinh xắn ra. Chân tay mảnh mà tháo vát, đúng loại dâu người ta thích! Con bé co rúm lại, vẻ bàng hoàng và kinh hãi khi Dâng xoa đầu nó. Lão cố nói bằng giọng mà lão cho là nhẹ nhàng và tình cảm. 


"Này Dung, mày có muốn ăn sung mặc sướng không?" 


Dung ngơ ngác, không dám đáp. Nhưng trước cái nhìn lom lom của Dâng, con bé đành dè dặt gật đầu. Lão vỗ mớ tóc xơ mướp của nó, cười khà khà. 


"Đấy, thế, mày cứ tin tao. Tao cho mày sướng hơn tiên."


***


Bóng trưa chàm rát cả mặt. Lão Dâng ăn mặc tử tế, ra vẻ một trang lịch sự, xin đi nhờ một cái xe bò qua làng bên. Đường chạy xóc nảy, bùn bắn tung tóe. Dung ngắm cảnh vật. Kìa, xe đã lướt qua cây cau, cây bưởi. Kìa, xe đã đi qua khóm tre xanh mây mẩy, lá ngọt câu ru. Xe quẹo bao nhiêu lần, Dung nhớ bấy nhiêu lối. Nơi nó cắt cỏ vớt bèo, nơi nó gánh hàng bán rong, nơi nó chơi nhảy dây, ô ăn quan với lũ trẻ trong xóm. 


Chẳng mấy chốc, xe đã ra tới cổng làng, rồi cứ thế một mạch lướt qua. Nó ngoái lại, nhìn ông sư tử đá miệng ngậm quả cầu, nghe cái im lìm của buổi trưa mệt nhọc thả trên tiếng lạch cạch ray rứt xe chạy. Đường vắng tanh vắng ngắt, không ai tiễn, cứ thế cái cổng làng xa dần... xa mãi.. 


Tới chiều, họ mới qua được làng bên. Vừa đi vừa hỏi người trong làng, cuối cùng hai cha con cũng tìm đến được nhà cụ Tạo. 


Dâng ngó vào trong, thẽ thọt xoa tay vào nhau. Lão như dân quê lên tỉnh lẻ. Sao mà nhà cụ Tạo to thế, với những mái ngói lưu ly rất sang, rồi khoảng sân rộng, gạch lát đều tăm tắp, trong vườn um tùm nào cây với hoa. Lão gọi với vào từ cửa: 


"Có ai không đấy?" 


Một người nói vọng ra: 


"Tìm ai?" 


Chừng mấy giây sau, một con ở chạy ra, trông mặt rất phờ phạc: 


"Thế nào đấy?" 


Dâng thưa gửi: 


"Tôi có đứa con gái..." 


Lão chưa dứt câu, con ở đã "À!" lên, và mở cổng luôn: 


"Vào đi, vào đi. Cụ Tạo ở ngay trên nhà khách, cứ vào thẳng là thấy." 


Dâng lôi Dung vào. Nó lết theo bước thầy, mặt nó rầu rầu, tưởng đâu sắp chan chan nước mắt. Nó ngỡ như thầy là mụ đeo vòng vàng hôm trước, còn nó đang bị lão bán tống bán tháo, khác nào bán một con chó có giá trị gán nợ. Dung sụt sịt, ruột gan con bé xoắn cả lại. Nó mới mười hai. Mười hai năm ăn rau đắng nếm gió sương mà lớn, tất tả sớm hôm, cuối cùng chỉ đáng giá mấy đồng trên chiếu bạc. Đến là tủi! Đến là khổ! Ấy có nỗi đau nào hơn một ông cha tự tay dắt con mình đi bán?


Nhưng lão đã đến nhà khách. Cụ Tạo ngồi trên sập gụ, cất tiếng đứt hơi của người già: 


"Mời anh." 


"Dạ bẩm cụ, con tới đây là để làm mai, nghe nói cậu Tạo muốn lấy vợ. Cụ xem đứa nhà con thế nào?" 


Cụ Tạo chậm rãi cầm cái kính lên, nhòm Dung qua con mắt đục mờ: 


"Bao nhiêu tuổi mà bé tí thế kia?" 


"Cháu nó mười ba, mười bốn rồi, tại nhà con nghèo quá nên nó gầy nhom vậy. Qua đây ăn uống đầy đủ, chả mấy chốc phổng phao, lúc đó thì đẹp chắc ạ." 


"Ừ. Thế làm sao mà nó cứ khóc? Nó không chịu à?" 


"Bẩm cụ, nó khóc vì mừng, chứ đời nào không thích?" 


Lão Dâng được dịp khoe cái tài mồm mép của mình, nói liên miên, nịnh cho cụ Tạo phổng mũi. Còn Dung bặt hẳn tiếng, nó chẳng dám cả thở, mắt nó rơm rớm trông xuống chân, đứng ngây ra như một pho tượng đá. Cụ Tạo hỏi mấy câu nữa, rồi bảo: 


"Thế anh tính lấy bao nhiêu?" 


"Cụ xem con bé thế này... có đáng hai lăm đồng không ạ?" 


"Thế thì nhiều quá, mười lăm thôi." 


"Cụ thương con..." Dâng vờ rân rấn, "nhà nghèo nên con phải đưa nó qua đây, đi mất nửa ngày đường lận. Trời thì bỏng thì rát, nước vừa tát đã bốc hơi. Cụ là người rộng lượng, con xin thêm năm đồng, lấy hai mươi đồng thôi cũng được ạ. Cái con bé này, gì nó cũng biết, ruộng vườn bếp núc đủ cả." 


Cụ Tạo nghe xuôi tai, bèn gật đầu: 


"Thế hai mươi đồng nhé, không kì kèo nữa đâu đấy." 


Rồi cụ cho gọi một ông đồ đến viết văn tự, lão Dâng chỉ điểm vào đó. Nhận tiền xong xuôi, lão tí tởn ra về. Lão đi một mạch từ nhà khách tới cổng, không ngoái lại lần nào. Con bé Dung còn trông theo... trông mãi... 


... tới khi bóng thầy đã chỉ còn là một hình nhờ nhờ, nhợt nhạt, sau đó khuất hẳn sau những ngõ quanh co. Và ở nơi Dung không nhìn thấy, lão lên xe bò đi mất, về làng, chỉ trả nợ mười lăm đồng, còn năm đồng lại nướng trên chiếu bạc.