bởi July D Ami

149
20
2155 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Hẹn gặp nhau mồng 2 tháng 9


1.


Tiếng loa phát thanh rè rè rọt rẹt cất lên, sau một đoạn đọc văn diễn cảm là đến tiết mục văn nghệ.


Thằng cu Ngọng chạy ra ngoài đầu hè ngóng. Nó rất thích nghe thứ âm thanh phát ra từ cái loa bé tí treo tít trên cao, ngày mấy bận cứ mỗi khi có tiếng ai nói trong ấy là dù đang làm gì nó cũng bỏ mặc mà chạy ra nghe cho bằng hết.


Tiếng loa vừa tắt, thằng Ngọng chạy ùa vào nhà, miệng bí bô í ới:


- Mệ ơi, hị Thăn ơi, ăn Sứt ơi. Nay Quốc Khắn nè, trên loa bảo hế á.


Anh Sứt đang ngồi giữa nhà nhặt sạn trong giá gạo, còn chị Thanh thì hí húi nhặt rau, có mẹ là chẳng thấy đâu, thằng Ngọng liền chạy vào buồng trong tìm mẹ, miệng gọi to:


- Mệ ơi, nay Quốc Khắn á, bao hờ bố ề?


Chị Thanh vội vã bỏ rổ rau đấy, chạy ra bịt mồm thằng nhỏ kéo lại, giơ ngón tay ra hiệu suỵt suỵt. Thằng Ngọng chả hiểu chuyện gì, nhưng cũng ngoan ngoãn nghe theo, nó nhỏ giọng thì thầm hỏi chị:


- Mệ bảo Quốc Khắn bố ề á, em qua hỏi mệ bao hờ bố ề.


- Mẹ đang mệt ấy, em để cho mẹ nghỉ nhá. Ngọng ngoan Ngọng biết thương mẹ thì bố sẽ về với Ngọng.


Thằng Ngọng giúi đầu vào lòng chị, sụt sịt:


- Năm ngoái em cũn ngoan mà bố hông ề. Có hải bố ghét em hông?


Chị Thanh ôm Ngọng vào lòng, vỗ về cái lưng nho nhỏ của nó, thủ thỉ:


- Không phải đâu, bố thương em nhất nhà á. Chẳng qua bố còn đang bận nên chưa về ngay được. Em cứ dồn cái ngoan lại rồi bao giờ bố về mình khoe bố nhá.


Thằng Ngọng gật gật cái đầu trong lòng chị, đâu biết rằng mắt chị nó cũng rơm rớm đỏ hoe. Thằng cu Sứt ngồi xa xa cũng cúi gằm mặt xuống, che những giọt nước mắt lặng lẽ rơi lẫn vào những cọng rau. Mấy chị em nó, ai cũng nhớ bố, chỉ có điều… bố sẽ chẳng bao giờ trở về với chị em nó nữa...


2. 


Thằng cu Ngọng năm nay lên năm, anh Sứt lên bảy còn thị Thanh lên mười. Nhiều tuổi là thế nhưng Thanh cũng chỉ gặp bố được có hai lần, là những lần trước khi các em nó xuất hiện. Thằng cu Sứt cũng được gặp bố một lần ấy, nhưng mà lúc đó nó còn bé quá nên chả nhớ được gì. Giờ nó cứ tiếc mãi, chỉ ước chi lúc bố về nó lớn thêm chút nữa.


Xem ra với anh và chị thì thằng cu Ngọng là thiệt thòi nhất, nó chưa được gặp bố lần nào. Ngày nó chào đời cũng là ngày mẹ nghe tin bố đã hy sinh ngoài chiến trận. Nó cũng chẳng biết là bố đã mất, chẳng ai bảo với nó điều đó cả. Làm cho nó suốt ngày hi vọng, mỗi lần ngắm ảnh bố là khoanh tay hứa thật ngoan để đón bố nó về.


Mẹ cũng chả tin là bố mất, chiến trường loạn lạc, biết đâu là người ta báo nhầm. Bố đã hứa là ngày mồng 2 tháng 9 sắp tới sẽ trở về thăm mẹ cơ mà, thăm cả đứa con mà mẹ đã sinh cho bố, bố còn chưa được gặp thằng cu út đấy, mẹ còn mong muốn có thêm nhiều đứa út nữa cơ. Ấy thế mà Quốc Khánh năm đó người ta lại chỉ gửi về cho mẹ giấy báo tử, khiến cho niềm hi vọng mong manh sụp đổ hoàn toàn. Mẹ sững sờ cầm tờ giấy trong tay, ôm những đứa con thơ mẹ khóc như cạn khô nước mắt.


Năm đó trong phút yếu lòng, mẹ đã từng định quyên sinh theo bố, nhưng nhìn lại đàn con nhỏ mẹ lại bỏ ý định đó đi. Đúng rồi, sao mẹ lại có thể ấu trĩ như thế. Chiến tranh mà, biết bao gia đình con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con… nào có phải mỗi mẹ đâu mà mẹ than thân chi được. Những người phụ nữ còn ở lại ấy, họ vẫn phải sống tiếp, càng phải mạnh mẽ kiên cường hơn, thế mới xứng đáng với sự hi sinh của chồng, cha, con họ.


Mẹ mạnh mẽ lắm, một năm có ba trăm sáu mươi tư ngày mẹ gồng gánh vất vả trên vai mà chẳng than vãn nửa lời. Chỉ duy có một ngày thôi, mồng 2 tháng 9 hàng năm mẹ lại cho phép mình yếu đuối. Mẹ nhốt mình trong buồng nhỏ, lật giở từng tấm hình vàng ố, có cả tranh vẽ và những bức thư tay. Kỉ niệm của mẹ chỉ còn có nhiêu đây, thậm chí đến hài cốt của bố mẹ còn chưa tìm thấy được. Đời này mẹ còn day dứt lắm.


Cái Thanh lớn rồi nên rất hiểu chuyện, thấy mẹ vất vả nên ở nhà quán xuyến các em. Cho em ăn, dạy em học, việc gì nó cũng làm chu toàn lắm. Thi thoảng nó cũng buồn buồn một chút, nhưng nó không dám khóc trước mặt các em, nhất là thằng Ngọng kia, càng không để cho nó biết là mình mất bố.


3. 


Hoà bình lập lại.


Thấm thoắt thế mà thằng Ngọng cũng lớn, cuối cùng thì nó cũng biết là bố đã chẳng còn. Làm sao mà giấu được nó đây, khi hàng xóm láng giềng ai mà chả biết. Thế nhưng trái với mọi người lo lắng, nó chẳng hờn chẳng khóc mà gương mặt rất bình thản khi đón nhận tin. Nó đâu phải đứa trẻ không ngoan, có những điều nó hiểu cả đấy. 


Trước đây thằng Ngọng luôn cố gắng vì nghĩ rằng nếu ngoan thì bố nó sẽ về. Cứ tưởng khi biết sự thật thì nó chẳng còn lý do để ngoan nữa, nào ngờ nó lại càng chăm chỉ hơn, không những việc nhà mà còn thêm siêng năng học tập. Nó vẫn tin rằng dù bố không còn nữa, nhưng dưới suối vàng bố sẽ hãnh diện khi có một đứa con như nó. Và cũng vì nó hứa với mẹ, phải học giỏi hơn để sau này mấy chị em còn đi tìm di hài của bố.


Thằng Ngọng rất thích nghe phát thanh, không chỉ trên loa xã mà cả trên đài tiếng nói Nhà nước, đọc thêm cả báo đến xem các kênh truyền hình. Không phải nó nghe cho vui đâu, nó vẫn ấp ủ hi vọng đi tìm bố đấy. Dù bận học đến thế, hay cả lúc tốt nghiệp đi làm, cứ ở đâu phong thanh chút tin tức là nó vội vã trở về báo mẹ nó ngay.


Mấy bận đầu có chút manh mối, cả mẹ nó với mấy anh chị đều mừng. Vội vã bỏ việc bỏ công bắt xe đi đến tận nơi người ta báo tin để hỏi. Nhưng rủi thay chả lần nào chính xác, biết là họ có lòng muốn giúp nhưng vẫn chưa phải kết quả gia đình cần tìm. Mẹ cũng có tuổi rồi, mỗi lần nghe tin là buồn lên buồn xuống. Thế là anh chị em nó thống nhất không nói cho mẹ nữa, mỗi chuyến đi đều lẳng lặng tiến hành. Mẹ có hỏi vài câu thì nói dối là đi công tác.


4.


Cuộc kiếm tìm ròng rã mấy chục năm, mẹ đã già mà mấy chị em cũng chẳng ai trẻ nữa. Anh Sứt nói hay là thôi em ạ, tiền của bao nhiêu đổ hết vào những chuyến đi, em còn phải để dành lấy vợ sinh con nữa chứ.


Nhưng Ngọng không nghe, tâm nguyện cả đời này của mẹ, của cậu là tìm được bố. Nếu không tìm được cậu sẽ quyết không nghĩ đến chuyện lập gia đình. 


Anh Sứt chịu, chị Thanh cũng chịu chả khuyên được Ngọng. Thôi thì kệ thằng út muốn làm gì thì làm, anh chị vẫn gắng hết mình góp của góp công giúp nó. Bố là bố chung mà, ai cũng muốn tìm được bố hết, nên không thể để mình út gánh được.


May sao năm đó có chương trình lớn của Trung Ương, đánh tận vài chuyến xe vài chuyến xe vào miền Nam xa xôi. Nghe đâu nghĩa trang dưới Vĩnh Long còn nhiều ngôi mộ vô danh chưa có người thân tới nhận lắm. Thằng Ngọng xin đoàn cho đi cùng, cũng mừng được người ta đồng ý.


Chuyến đi này vô cùng thuận lợi, lòng thằng út khấp khởi mừng thầm. Gặp được người quản trang già nhiệt tình kể chuyện, ông ấy đưa cho cậu xem bức di thư của một liệt sĩ vô danh được cất kỹ trong bình toong đựng nước. Thư không có tên người gửi, nhưng lại có nhắc đến tên người nhận.


Ngọng cầm lấy lá thư ố vàng sờn mép, tay run run đọc từng hàng chữ nét nhoè.


Trong thư, người chiến sĩ kể về chiến trường ác liệt. Trong thư, một người chồng bày tỏ nỗi niềm nhớ vợ nhớ con. Có tên mẹ, tên chị Thanh, tên anh Sứt, chỉ có tên đứa út là bố chưa biết. Bố bảo dù trai hay gái đều mong gọi nó là Hoà Bình. 


Giọt nước mắt rơi lã chã trên trang giấy, Ngọng vội vã gấp lại kẻo hỏng hết thư. Cậu quẹt nước mắt, môi rạng rỡ cười. Bố ơi, cuối cùng thì con cũng tìm được bố. 


Ngồi bên bia mộ không tên, vuốt lên những mảnh sờn ký ức. Lần đầu tiên Ngọng được gặp bố là trong khoảnh khắc này đây. Bố thấy Ngọng ngoan không? Từ nay Ngọng sẽ là Hoà Bình của bố.


Ngọng gọi điện về cho mẹ, gọi cho chị cả anh hai, xin quản lý nghĩa trang cho được đem di hài bố về với quê hương xa cách. 


Mẹ ở nhà ngóng trông lắm, cứ đòi vào với bố ngay, nhưng anh chị cản đi vì sợ mẹ sức yếu không chịu nổi đường xa vất vả. Nhờ sự giúp sức của cơ quan đoàn thể, cuối cùng Ngọng cũng đã đưa được bố về. Chính quyền phường xã giúp gia đình tổ chức lễ truy điệu vô cùng long trọng. 


Đêm đó mẹ ngồi bên bố thủ thỉ cho đến tận sáng, lúc khóc lúc cười, lúc thì vuốt ve lá thư cùng những kỷ vật mà Ngọng đem về. Ba chị em không đứa nào dám làm phiền mẹ cả, cứ đứng từ xa nhìn về phía cửa buồng, nước mắt rưng rưng. Cuộc hội ngộ này... cũng đã chờ biết bao thập kỷ.


5.


Nhiều năm sau đó, khi những lo toan bộn bề trút lại, ai nấy cũng đã an lòng cho cuộc sống riêng.


Ngọng đã có con trai, cái thằng ngọng con líu la líu lo cũng suốt ngày thích nghe đài phát thanh giống bố. Nó thích nghe bà kể chuyện xưa, nó thích ngắm ảnh thời trẻ của ông nội. Nó bảo: ông nội đẹp trai giống nó!


Bà lại cười, bỏm bẻm miếng trầu đỏ, xoa đầu thằng cháu nhỏ đáng yêu. Năm nay bà yếu đi nhiều, chẳng biết còn ở bên chúng nó bao lâu được nữa.


Sắp đến ngày Quốc Khánh rồi, từ ngày đón ông về, cứ đến ngày này là bà lại kêu tụi nhỏ đưa bà ra thăm ông. Mấy bữa bà ốm, cứ nằm bẹp trên giường không dậy nổi. Đám con cháu trong nhà bảo bà mệt thế thì ra nghĩa trang làm sao được. Ấy mà may sao hôm nay lại khỏi, bà cảm thấy khoẻ khoắn lắm, sáng ra còn ăn hết được bát cháo đầy. Cuối cùng chẳng đứa nào dám đứng ra cản bà đi thăm ông nữa.


Bà mặc cái áo hoa thật đẹp, vắt lọn tóc thật dài, chít cái khăn mỏ quạ thật vuông vức. Bà mang bó hoa đến, trò chuyện với ông suốt cả buổi sáng, trưa về vui đến chẳng muốn ăn. Bà thấy hôm nay mình lạ lắm, có lẽ… đã đến lúc mình phải đi gặp ông rồi.


Bà nằm trên giường, hay bàn tay xếp ngay trước bụng, môi lẩm nhẩm một câu hát xưa, rồi cứ thế mắt nhắm hờ chìm sâu vào giấc ngủ…


...


Hẹn nhau khi còn thì con gái, gặp nhau khi mái tóc phủ sương. Bao nhiêu năm cũng một đời người, cuối cùng thì ta đã giữ được lời hứa với nhau: hẹn gặp ngày mồng 2 tháng 9...