bởi Băng Phách

29
3
1740 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Hoa Mận Nơi Biên Giới


“Huyên à! Huyên, con chạy đâu rồi?”

“Mẫu nương, con ở bên này! Bên này!”

“Đừng, không được chạy nữa, không được chạy vào rừng mận! Huyên!”

Lời thốt ra đã muộn. Thoắt cái, dáng hình nhỏ xíu đã biến mất. Bấy giờ đang là mùa xuân, nơi biên giới trời còn lạnh, tuy nhiên hoa mận đã nở trắng xóa một vùng.


Kinh Lạc và Đại Thương nằm liền kề với nhau, chia sẻ một đoạn biên giới trập trùng nơi núi rừng Mạc Bắc. Hai nước đã có lịch sử tranh đấu mấy trăm năm, tuy thế cân bằng vẫn còn tạm thời được duy trì, nhưng nói đến năng lực chiến tranh thì Đại Thương vẫn nhỉnh hơn một bậc. Rừng mận nằm ngay lòng núi non Mạc Bắc này vừa vặn phân chia lãnh thổ hai bên. Cả Kinh Lạc và Đại Thương đều ngầm xem nơi đây là giới hạn cuối cùng, vượt qua rừng mận có nghĩa là chiến tranh.

Đứng trước mặt Ngọc Huyên là một nam tử trẻ tuổi, vận khôi giáp sáng loáng, tay cầm cung, ngồi trên lưng một con ngựa lông màu nâu đỏ cao sừng sững. Khoảnh khắc Ngọc Huyên vọt ra giữa những tán lá xanh um và bầu hoa trắng muốt, con ngựa chồm lên hí vang, may mà nam tử ngồi trên lưng ngựa đã ghìm cương kịp lúc.

“Ngươi là ai?” Nam tử quát lên.

Ngọc Huyên mở to hai mắt, chợt ngồi phịch xuống đất bật khóc. Nam tử ngây người, sau một hồi lúng túng, y xuống ngựa, bế Ngọc Huyên lên, nhẹ giọng hỏi:

“Đừng khóc. Ngươi tên gì? Sao lại chạy vào đây? Phụ mẫu ngươi đâu?”

Trước một loạt câu hỏi, Ngọc Huyên chỉ ôm lấy cổ nam tử, dụi dụi:

“Em tên Ngọc Huyên.”

Tay nam tử hơi cứng lại. Y nhẹ nhàng đặt Ngọc Huyên xuống.

“Ngươi quay về đi, cứ chạy theo con đường lúc nãy, không được tiến về phía này nữa, hiểu không?”

Ngọc Huyên lau lau nước mắt, gật đầu ngoan ngoãn rồi chạy về phía địa phận Kinh Lạc. Chợt, như nhớ ra điều gì, cậu quay đầu lại nói to với nam tử cao lớn kia:

“Anh ơi, lần sau mình lại đến đây chơi được không?”

Nam tử cười nhẹ, khẽ phất tay bảo cậu quay về.

Ngọc Huyên là tên người con trai thứ ba của vua chủ nước Kinh Lạc, hoàng tử Ngọc Huyên. Năm đó, Ngọc Huyên vừa tròn mười hai tuổi. Còn Khung Dực, thái tử của Đại Thương, người sẽ thừa kế ngai vàng, vừa tròn mười tám.


Lần gặp thứ hai là ba năm sau. 

Hai thớt chiến mã chạy phăm phăm trong rừng mận. Ánh nắng rực rỡ rọi xuống xuyên qua kẽ lá, làm gương mặt Ngọc Huyên sáng bừng. Cách đó không xa, Khung Dực cũng bám riết đuổi theo. 

Vút. Ngọc Huyên bắn ra mũi tên trước, chuẩn xác ghim vào con cáo đỏ mà nãy giờ hai người bọn họ mải miết săn lùng. Cậu hơi thở dốc, ghìm cương lại, nhưng không vội xuống ngựa thu chiến lợi phẩm.

“Ngươi bắn cung cưỡi ngựa không tồi.” Khung Dực ghìm cương, nheo nheo mắt nhìn Ngọc Huyên.

“Tặng cho anh đó. Lông cáo làm khăn choàng rất ấm, mùa đông của Đại Thương chắc khắc nghiệt hơn Kinh Lạc nhiều.” Cậu nở nụ cười rạng rỡ trước khi giục ngựa rời đi.

Mãi một lúc sau, Khung Dực mới xuống ngựa, nhặt con cáo kia ôm vào lòng. Bộ lông mềm mại của nó cọ nhẹ vào bàn tay, thật ấm.


Năm Khung Dực hai mươi ba tuổi, lĩnh mệnh phụ hoàng, đem mười vạn tinh binh đánh chiếm Kinh Lạc. Kinh Lạc đang chịu nạn châu chấu ở phía Nam, lại còn dính lũ dữ từ thượng nguồn đổ xuống, cả nước chìm trong loạn lạc, rối ren. Đây là thời cơ tốt để mở rộng lãnh thổ Đại Thương, phụ hoàng bảo hắn. Khung Dực cũng đồng ý, duy chỉ có chiếc khăn choàng làm bằng lông cáo đỏ mang trên cổ bỗng trở nên nặng trịch, nghẹn xiết.

Năm Khung Dực hai mươi bốn tuổi, Kinh Lạc hoàn toàn thất thủ, hai người con trai trưởng của vua chủ Kinh Lạc đều hy sinh nơi sa trường. Ngày hắn dẫn binh vào thành, toàn bộ hoàng tộc của Kinh Lạc đều tự vẫn. Ngạc nhiên là, năm đó hoàng tử Ngọc Huyên không ra trận. Vào đến Loa Thành, thủ đô của Kinh Lạc, Khung Dực hạ lệnh tìm cho bằng được Ngọc Huyên, nhưng tuyệt nhiên không thấy tăm hơi. 

Năm đó, Ngọc Huyên mười tám tuổi.


Ba năm sau, tại miền Mạc Bắc nổi lên một lực lượng nghĩa quân tinh nhuệ. Các chiến sĩ đều trẻ tuổi, đặc biệt thạo cưỡi ngựa bắn cung, chỉ chuyên phục kích binh lính Đại Thương và thực hiện các vụ ám sát thống soái của địch. Mỗi một lần giết xong một tướng soái, họ sẽ để lại biểu tượng của mình: một đóa hoa mận khắc bằng bạch ngọc. Tinh khôi nhưng lạnh lẽo.

Khung Dực có linh cảm gần như chắc chắn, thủ lĩnh của nhóm nghĩa quân kia là Ngọc Huyên.

Năm Khung Dực hai mươi tám tuổi, lực lượng nghĩa quân đã bành trướng quá nhanh, quá lớn mạnh, phụ hoàng lại phái hắn dẫn binh dẹp loạn. Tuy nhiên lúc này Đại Thương cũng đang trên đà suy vong. Quân vương mải tìm vui nơi hậu cung, gian thần nắm quyền gần như vô đối, bao lần mưu toan lật đổ Thái tử là hắn.

Phập! Mũi tên từ xa bay lại, chuẩn xác ghim vào bả vai Khung Dực. Hắn ngã ra, dựa vào một gốc mận thở dốc. Lúc đó, rừng mận chưa vào mùa hoa.  

“Ngươi bắn chệch rồi.” Khung Dực run run nén đau, cất lời.

Người từ xa bước tới. Gương mặt thiếu niên xán lạn năm nào đã chết, thời gian và gió sương của núi rừng Mạc Bắc đã tạc thành một nam nhân cương nghị, lạnh lùng.

Ngọc Huyên lại lắp tên, giương cung ngắm bắn. 

“Sau khi ta chết, em giữ lấy chiếc khăn choàng lông cáo đi.”

Ngọc Huyên hơi khựng lại.

“Ngọc Huyên...Ta xin lỗi em.”


Năm đó, Thái tử Khung Dực đơn thương độc mã giao đấu với thủ lĩnh nghĩa quân Kinh Lạc trong rừng mận nơi biên giới, bị thương nặng nhưng may mắn không chết. Lúc tỉnh lại, trong tay hắn vẫn đang nắm chặt một đóa hoa mận bằng bạch ngọc. Phó soái của hắn cười khẩy, chế giễu rằng chưa giết được mà cũng để lại hoa. Chỉ có Khung Dực hiểu, người đã chết chính là một Ngọc Huyên năm nào.


Hai năm sau, Đại Thương trên bờ lung lay, không còn sức lực lo chuyện ở Kinh Lạc. Nghĩa quân Kinh Lạc lật đổ bộ máy chính quyền thành công, Ngọc Huyên lên ngôi, lấy lại niên hiệu cũ, vẫn đặt tên nước là Kinh Lạc. Khung Dực cũng trải qua một trận tranh giành quyền lực đẫm máu trong triều, sau cùng cũng lên ngôi Hoàng đế. Năm đó, Khung Dực vừa tròn ba mươi, còn Ngọc Huyên hai mươi bốn tuổi.


Rừng mận nơi biên giới vẫn nở hoa vào mỗi mùa xuân, chia đôi Mạc Bắc, phân định giang sơn, ngăn trở lòng người.


Từ khi lên ngôi, hoàng đế của Đại Thương đều duy trì một thói quen, mùa xuân hằng năm sẽ đến rừng mận của Mạc Bắc tổ chức đi săn. Trong lúc đi săn, ngài sẽ một mình thúc ngựa chạy sâu vào khu rừng đó, đến tận sát bìa rừng, nơi chỉ còn một bước chân nữa thôi là sẽ bước sang địa phận Kinh Lạc. Quần thần kháo nhau, dường như ngài đang chờ đợi ai đó, nhưng cũng dường như, người kia không bao giờ xuất hiện.


Năm nay cũng vậy. Hoa mận nở trắng muốt, tinh khôi, thơm nhè nhẹ. Khung Dực đang ngẩn ngơ nhìn, bỗng nhiên có bước chân nhẹ nhàng phía sau.

“Khung Dực, em không còn là vua chủ Kinh Lạc nữa rồi.” 

Ngọc Huyên nhìn hắn, nở nụ cười rạng rỡ năm nào, lại dang hai tay ra chờ đợi. Khung Dực muốn nghẹn thở, lao đến ôm lấy người kia. Khoảnh khắc vừa chạm vào, người kia liền tan biến.

Thì ra chỉ là huyễn mộng.

Lúc này, thật sự có tiếng bước chân, nhưng người đến lại là một lão nô lạ mặt.

“Đại vương, lão nô tuân theo lời dặn dò của vua chủ chúng tôi, đến đây giao cho ngài thứ này.”

Là một chiếc hộp gỗ nhỏ. Khung Dực mở ra, bên trong chỉ còn lại một nắm tro tàn.

“Vua chủ của chúng tôi vừa qua đời cách đây không lâu. Thân thể của người vốn không khỏe, nhiều năm ăn gió nằm sương nơi núi rừng Mạc Bắc, cộng thêm chinh chiến lâu dài. Trước khi mất, người đã đặc biệt dặn dò, sau khi thiêu thì đem một phần tro cốt, đến rừng mận vào mùa xuân, tìm gặp ngài, giao cho ngài.”

Một cơn gió nhẹ thổi qua, vài cánh hoa rơi lả tả xuống vai, vương trên tóc Khung Dực.

“Người bảo lão nô nói với ngài một câu: hoa mận nhìn từ phía Kinh Lạc hay phía Đại Thương, đều đẹp như nhau.”


Năm đó, Ngọc Huyên hưởng dương hai mươi bảy tuổi. 

Mà Khung Dực, chỉ một năm sau thì cũng qua đời. Trước khi mất, ngài đã hạ chiếu thư, trong vòng một trăm năm tuyệt đối không được xâm lấn Kinh Lạc. Rừng mận nơi biên giới, nhất định phải giữ gìn. Tang lễ của vị hoàng đế trẻ tuổi được cử hành cực kỳ long trọng. Duy chỉ có những cận thần vị trí tối cao trong triều mới biết, lăng tẩm hoa lệ kia kỳ thực không chứa di thể ngài. 


Nghe bảo rằng, tro cốt của ngài được hòa cùng một nắm tro xa lạ khác, rải trong rừng mận. Kể từ đó về sau, hoa trong rừng mận đặc biệt nhiều, đặc biệt thơm, năm nào cũng nhuộm trắng một mảng núi rừng Mạc Bắc ngút ngàn.


Hết.

Truyện cùng tác giả