Hồi 1: Lênh đênh thắt thể bãi bèo/ Người đời thắt thể gương treo nhãn tiền (1)
Xuất thân tôi không phải bần hèn gì. Thầy tôi là tri huyện, mẹ tôi là con ông đồ. Ở huyện, tôi cũng được coi như tiểu thư danh giá. Nhưng năm ấy mất mùa đói kém, giặc cướp hoành hành khắp nơi. Thầy tôi là người lương thiện, tính tình lại cương trực, thường xuyên cáng đáng chuyện thiên hạ, giúp đỡ bà con xa gần. Tiếng lành đồn xa, nhưng tiếng ba hoa của kẻ tiểu nhân lại đồn gần, lọt vào lỗ tai của các bậc "phụ mẫu" bề trên.
Rồi điều gì đến cũng phải đến. Thầy tôi bị bắt bớ vì tội tắc trách trong công văn sổ sách, nhiễu loạn triều cương. Nghe bảo tội ấy to lắm, đáng ra phải chém đầu cả nhà. Cơ mà ăn ở lương thiện cũng có cái hay của nó. Bằng hữu của thầy tôi hết mực chạy chọt, giúp đỡ, cuối cùng nhà tôi cũng chỉ bị tước mũ, tịch thu gia sản, đuổi về quê làm dân đen. Trong phúc có họa, trong hoạ có phúc, chả biết việc tôi từ con nhà quan ăn sung mặc sướng bị "biếm" thành con nhà quê thấp kém tầm thường hay việc tôi từ con gái tội thần may mắn thoát chết là phúc nữa.
Ông bà nội tạ thế, thầy tôi là con cả, phải lo việc hương hoả. Nhưng nay sa cơ thất thế, anh em nhà nội khinh thường nhà tôi ra mặt. Cậu mợ tìm đủ mọi cách chèn ép. Bảo thầy tôi làm ô nhục dòng họ, không có tư cách tế tự tổ tiên. Nói trắng ra là thèm cái ruộng hương hoả, cái miếng đất để lại cho thầy. Mà thầy tôi vốn hiếu thuận, lại hay đọc sách thánh hiền, sao có thể chấp nhận việc tôn ti đảo lộn như vậy chứ?! Nhưng với tính tình của thầy đấu sao được với họ đây? Gia đấu tuy không thâm sâu như chốn quan trường, nhưng những món đòn tráo trở thì nhiều vô số kể. Cả nhà tôi phải chịu biết bao phen nhục nhã.
Cũng may còn ông bà ngoại. Ông tôi là thầy Nho, dù không có quyền nhưng có tiếng. Tiếng xấu về nhà tôi, đặc biệt là mẹ tôi không tới được tai ông. Ông thương con gái, muốn đưa cả nhà tôi về ông nuôi, nhưng thầy tôi còn vướng mắc chuyện hương hỏa. Vả lại, ông quan niệm, nam nhi sao có thể "chui gầm chạn" ăn bám nhà vợ, đói cho sạch, rách cho thơm, nên nhất quyết chối từ. Ông ngoại hiểu tính thầy nên cũng hết cách.
Gia đạo sa sút, tôi cũng chẳng cao quý hơn ai. Nhưng khổ nỗi biến cố ập đến khi còn thơ bé, tôi thì vẫn giữ cái nết tiểu thư, nên cuộc sống ở quê càng không dễ dàng gì. Những lời nhục nhã, độc địa mà các bà mợ nói với tôi, những trò đùa trái khoáy của mấy đứa trẻ đối với tôi, mới đầu tôi còn chồng trả, nhưng sau này tôi làm lơ. Một là nhận ra mình càng tức thì chúng càng đắc ý, hai là... Thầy mẹ tôi dường như không còn như trước... Ánh mắt thầy không còn nhìn mẹ tôi dịu dàng, mẹ tôi không còn thức khuya khơi bấc đèn cho thầy nữa... Chẳng biết từ khi nào, chuyện đó kéo dài bao lâu, cho đến khi ông đưa mẹ con tôi về nhà ông.
Ông ngoại dường như vẫn thương đứa con rể này. Ông khuyên thầy tôi:
"Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, Tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc.* Con đang loạn, mọi sự cần phải lấy "tĩnh" làm đầu. Ta thương con, nhưng cũng xót con cháu ta lắm."
Thầy tôi im lặng một lúc lâu. Cuối cùng, ông đồng ý để tôi và mẹ về nhà ông ngoại.
Chú giải: *Biết được cái mục đích cần đạt đến mà sau đó mới có sự kiên định (đã định được việc đúng đắn). Định rồi mới có thể yên ổn (không còn thay đổi nữa). Yên rồi mới có thể an tâm, thư thái. An tâm rồi thì sau mới lo nghĩ, mưu sự. Lo nghĩ cho chu đáo rồi sau mới có thể đạt thành.